Đã 10 năm trôi qua kể từ khi vị lãnh tụ 27 tuổi lên nắm quyền ở Bắc Hàn. Trong thời gian đó, ít có lãnh đạo thế giới nào gây chú ý nhiều hơn. Nhưng cuộc sống dưới 'triều đại' của Kim Jong-un thực sự ra sao?
Tiếng kêu khóc vọng trên đường phố Bình Nhưỡng.
Học sinh mặc đồng phục quỵ xuống đường và có vẻ như xúc động khôn nguôi. Những người phụ nữ đặt tay lên tim đầy đau đớn.
Truyền thông nhà nước được kiểm duyệt chặt chẽ của Bắc Hàn vừa thông báo ông Kim Jong-il, "vị lãnh tụ kính yêu" của họ, đã qua đời ở tuổi 69. Đó là ngày 19/12/2011.
Khắp thế giới, các nhà phân tích Bắc Hàn vội vã lục tìm các thông tin họ có về một người đàn ông.
Kim Jong-un.
Mới 27 tuổi khi đó, ông được coi là Người kế nghiệp Vĩ đại. Nhưng ít người nghĩ rằng ông ta sẽ thành công trong bất cứ việc gì. Làm sao một xã hội coi trọng thâm niên và kinh nghiệm lại có thể được cai trị bới một người thiếu cả hai điều đó.
Nhiều người dự đoán sẽ có đảo chính quân sự, hay một cuộc đảo chính của giới tinh túy Bắc Hàn. Nhưng thế giới đã đánh giá thấp nhà độc tài trẻ tuổi. Kim Jong-un không những khẳng định vai trò của mình, ông ta còn mở ra một kỷ nguyên mới gọi là "chủ nghĩa Kim Jong-un".
Ông Kim bắt đầu bằng việc thanh trừng các đối thủ với hàng trăm vụ xử tử, rồi chuyển sang chú ý tới đối ngoại. Bốn vụ thử hạt nhân, 100 tên lửa đạn đạo được bắn thử và được cả thế giới chú ý trong các cuộc đàm phán với tổng thống Mỹ. Nhưng quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân không khoan nhượng của ông Kim cũng có giá của nó. Bắc Hàn giờ đây đang chìm trong khủng hoảng, đói nghèo hơn và cô lập hơn khi ông lên nắm quyền.
Vậy cuộc sống dưới chế độ Kim Jong-un ra sao?
Mười người Bắc Hàn đào tẩu - trong đó có một trong những nhà ngoại giao cao cấp - suy ngẫm lại 10 năm dưới thời Kim Jong-un.
Một khởi đầu mới Câu sinh viên Kim Geum-hyok làm một chuyện khiến cậu có thể đã bị bắn vào ngày cha của Kim Jong-un qua đời. Cậu tổ chức một bữa tiệc.
"Điều đó thật nguy hiểm. Nhưng chúng tôi rất vui lúc đó," ông nói.
Vì ông Kim là một lãnh đạo trẻ, một người thích trượt tuyết và bóng rổ, mọi người tăng kỳ vọng về những ý tưởng mới và về thay đổi.
"Chúng tôi có những kỳ vọng về Kim Jong-un. Ông ta đã đi du học ở châu Âu, nên có lẽ ông ta sẽ có cùng cách nghĩ với chúng tôi," ông nói.
Geum-hyok xuất thân từ một gia đình tinh túy và khi đó ông đang học ở Bắc Kinh, một đặc quyền mà chỉ số ít có được ở Bắc Hàn.
Cuộc sống ở Trung Quốc làm mở mang tầm mắt cho ông về một thế giới thịnh vượng hơn và ông tìm kiếm tin tức về quê nhà trên internet.
"Lúc đầu, tôi không thể tin được. Tôi đã tin là người phương Tây nói dối [về Bắc Hàn]. Nhưng trái tim tôi và trí óc tôi xung khắc. Đầu tôi thì nói cậu đừng tìm kiếm [thông tin] nữa, nhưng trái tim tôi lại muốn tìm thêm."
25 triệu người Bắc Hàn bị kiểm soát chặt nên hầu hết không hề biết về các sự kiện trên thế giới, hay đất nước họ được thế giới bên ngoài nghĩ gì.
Họ cũng được dạy rằng lãnh tụ là một người có tài năng đặc biệt và là một đấng toàn năng xứng đáng được họ trung thành tuyệt đối.
Với Guem-hyok, việc trao quyền cho người đàn ông trẻ này tượng trưng cho một điều rất hiếm.
Hy vọng.
Những người hoài nghi Nhưng những người khác lại nghi ngờ. Trong các hành lang quyền lực ở Bình Nhưỡng, có lời ong tiếng ve rằng Kim Jong-un, cậu ấm được hưởng nhiều đặc quyền, không phù hợp với vai trò lãnh đạo.
Ryu Hyun-woo, cựu đại sứ Bắc Hàn ở Kuwait, nói với BBC rằng các đồng nghiệp của ông đều ngao ngán khi quyền lãnh đạo được truyền từ cha sang con.
"Phản ứng đầu tiên của tôi là 'thờ dài, lại kế nghiệp à?' Người dân Bắc Hàn đã mệt mỏi với chuyện cha truyền con nối. Đặc biệt trong giới tinh túy, chúng tôi muốn có điều gì đó mới mẻ. 'Phải có cái gì khác chứ' là những gì chúng tôi nghĩ."
Gia đình ông Kim đã cai trị Bắc Hàn từ khi quốc gia này được thành lập năm 1948. Người dân ở nước này được dạy rằng huyết thống là thiêng liêng. Đây là một hình thức hợp pháp hóa triều đại nhà Kim.
"Tôi nghe những câu như "Vậy chúng ta sẽ phục vụ lãnh tụ kính yêu mãi mãi à?"
"Một người 27 tuổi thì biết gì về điều hành đất nước? Thật là ngớ ngẩn."
Một lời hứa Trong một bài diễn văn hồi 2012, vị lãnh tụ mới cam kết rằng người Bắc Hàn sẽ không bao giờ phải "thắt lưng buộc bụng lần nữa".
Với một đất nước từng có nạn đói trong những năm 1990 làm hàng trăm ngàn người chết, dường như vị lãnh tụ mới muốn chấm dứt nạn thiếu lương thực và khổ cực của người dân. Đó là một khoảnh khắc rất quan trọng.
Các quan chức bộ ngoại giao được ra lệnh kêu gọi thêm nhiều khoản đầu tư nước ngoài. Và một số người trong nước cũng nhận thấy có thay đổi.
Lái xe Yoo Seong-ju từ một tỉnh ở phía đông đất nước bắt đầu nhận thấy có nhiều đồ trong siêu thị được sản xuất ở Bắc Hàn hơn.
"Ngạc nhiên và tự hào, các sản phẩm thực phẩm của Bắc Hàn còn tốt hơn của Trung Quốc về mùi vị, bao bì và nguồn cung cấp. Thật đúng là một cú hích cho cái tôi."
Thanh trừng Mong ước tốt đẹp của Kim Jong-un đối với người dân không dành cho những ai ông ta coi là mối đe dọa.
Đặc biệt, người chú Jang Song-thaek đã quy tụ được một mạng lưới đồng minh đầy quyền lực.
Ở phía bắc gần biên giới Trung Quốc, thương nhân Choi Na-rae tự hỏi liệu ông Jang có trở thành lãnh đạo mới của đất nước không.
"Nhiều người chúng tôi hy vọng rằng đất nước sẽ mở cửa với Trung Quốc và chúng tôi có thể tự do đi nước ngoài," ông nhớ lại.
"Chúng tôi nghĩ nếu ông Jang Song-thaek lên nắm quyền được, ông ấy đã mang lại nhiều thay đổi kinh tế cho Bắc Hàn. Tất nhiên chúng tôi không thể nói điều này công khai nhưng chúng tôi đã có mong đợi như thế."
Những đồn đại kiểu này phải được bóp chẹt.
Jang Song-thaek được gọi là "đồ cặn bã" và "tồi tệ hơn đồ chó" và bị xử tử vì tội phá hoại "sự lãnh đạo toàn diện của đảng."
Vị lãnh tụ trẻ cho thấy bản chất tàn nhẫn của mình.
Giành quyền kiểm soát Hàng chục người bỏ chạy qua biên giới Trung Quốc và cuối cùng sang Nam Hàn để tránh bị thanh trừng. Kim Jong-un quyết định tìm cách ngăn chặn người đào tẩu.
An ninh biên giới được thắt chặt hơn bao giờ hết. Hàng rào thép gai được giăng, và nhiều bẫy đặt dưới mặt đất.
Ông Ha Jin-woo đã đưa được chừng 100 người ra khỏi Bắc Hàn trong thời gian ông làm môi giới.
"Bắc Hàn có lực lượng an ninh biên phòng riêng. Họ được chỉ đạo bắn chết bất kỳ ai tìm cách vượt biên và họ sẽ không chịu trách nhiệm về việc đó."
"Tôi rất sợ khi tôi mới bắt đầu nhưng tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ. Kể từ khi còn nhỏ, tôi đã có nhiều nghi ngờ về Bắc Hàn. Vì sao tôi lại sinh ra ở đây để sống còn thấp kém hơn con vật mà không có quyền hay tự do gì hết? Tôi phải liều mạng để làm công việc này."
Nhưng cuối cùng ông bị phát hiện và phải trốn đi. Mẹ ông bị nhốt trong tù và sự đối xử tàn bạo khiến bà bị bại liệt.
Điều này làm ông Jin-woo, người chỉ còn nhớ mang máng giọng mẹ, vô cùng đau lòng.
Người được ưa chuộng Mặc dù đàn áp mạnh tay những người bất đồng và người đào tẩu, King Jong-un cố tỏ ra là người dễ gần hơn, hiện đại hơn và thân thiện hơn cha ông.
Ông ta cưới một phụ nữ trẻ sành điệu, bà Ri Sol-ju. Có nhiều bức ảnh ông khoác vai, vẫy tay, cười nói trong các chuyến thăm các thành phố và làng mạc. Ngồi xe cảm giác mạnh (roller coaster), đi trượt tuyết, cưỡi ngựa.
Hai vợ chồng ông đi thăm các nhà máy mỹ phẩm và diện đồ xa xỉ.
Nhưng với người dân Bắc Hàn, thể hiện mình 'hiện đại' hơn là điều cấm kỵ.
Bà Yoon Mi-so muốn làm theo các xu thế mà đã thấy trên các DVD của Nam Hàn được nhập lậu vào. Bà rất muốn được đeo khuyên tai, vòng cổ và thậm chí mặc quần jeans.
"Một lần, tôi bị phát hiện không tuân theo quy định và bị đưa lên bục bêu xấu công khai, nơi một đám người nhục mạ tôi cho tới khi tôi phát khóc.
Họ nói "mày là đồ hư hỏng, sao không biết xấu hổ?".
Còn Hyun-young là một ca sỹ, cũng như vợ của Kim Jong-un. Nhưng tất cả các bài bà hát phải ca ngợi vị lãnh tụ. Bà tìm cách nổi loạn, nhưng đã bị truy tố.
"Tôi chưa một lần được tự do làm điều mà tôi muốn làm như một nghệ sỹ. Có nhiều quy định và hạn chết trong ngành âm nhạc Bắc Hàn đến mức tôi phải khổ sở rất nhiều.
"Chính phủ quản lý điều này vi họ ngại ảnh hưởng nước ngoài. Những quy định hà khắc cho thấy họ không tự tin vào chế độ của họ."
Ít nhất bảy người đã bị xử tử trong thập kỷ qua vì xem hay phân phát video K-pop từ Nam Hàn, theo một báo cáo nhân quyền gần đây. Kim Jong-un mô tả ảnh hưởng từ nước ngoài là "ung thư ác".
Chíu chíu bùm Mỗi tên lửa đạn đạo được đưa tin trên mặt báo quốc tế nhưng trong nước, chúng không tăng cường được lòng tự hào dân tộc như dự kiến.
"Người dân nói chúng ta vẫn làm vũ khí bằng cách vắt máu và mồ hôi của dân," một người đào tẩu nói.
"Chúng tôi không coi đó là chiến thắng. Chúng tôi nghĩ "Họ đã chi quá nhiều tiền cho các vụ thử tên lửa này. Tất cả tiền chúng ta kiếm cho họ đều đổ vào đó," một người khác nói.
Vào khoảng năm 2016, trong bộ ngoại giao, Đại sứ Ryu nhận lệnh mới. Trọng tâm không chỉ là vào doanh nghiệp nữa.
"Chúng tôi phải giải thích vì sao Bắc Hàn cần vũ khí hạt nhận, mục đích và lý do của việc đó."
Hy vọng ở đây là qua phần trình bày của các đại sứ, ý tưởng Bắc Hàn sở hữu tên lửa sẽ được bình thường hóa trong cộng đồng quốc tế.
Nhưng mọi chuyện không diễn ra như vậy.
Canh bạc của Gã Tên lửa Căng thẳng leo thang giữa Tổng thống Mỹ Trump và ông Kim Jong-un dẫn đến một vở kịch ngoại giao đình đám.
Nhà độc tài, thường được vẽ tranh châm biếm là một em bé béo mập trên truyền thông phương Tây, sải bước đầy tự tin bên cạnh vị tổng thống Mỹ, cùng chung một sân khấu.
Báo chí Bắc Hàn đăng kín trang nhất cái bắt tay của hai vị lãnh đạo ở Singapore.
Nhưng các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này bắt đầu phản tác dụng. Mặc dù rất ấn tượng bởi hình ảnh cái bắt tay, phản ứng của người dân ở các làng mạc bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng là rất dè dặt.
"Chúng tôi không có khả năng phân tích ý nghĩa của nó. Chúng tôi chỉ không thể hình dung một cuộc gặp như vậy có thể dẫn đến cải thiện gì hay không," thương nhân Choi Na-rae nói.
Nhưng chẳng có thỏa thuận Mỹ - Bắc Hàn nào và đại sứ Ryu tin rằng đây chỉ là một màn kịch để mong dành sự giảm bớt trừng phạt.
"Bắc Hàn không bao giờ có thể từ bỏ những vũ khí này vì họ coi chúng là cốt yếu cho sự tồn tại của chế độ."
Khủng hoảng Covid Nhưng điều tệ hơn đã đến với Kim Jong-un.
Khi đại dịch Covid bùng lên ở nước láng giềng Trung Quốc tháng 1/2020, Bắc Hàn đóng cửa biên giới. Không những với người dân, mà với cả hàng hóa.
Thực phẩm và thuốc men thiết yếu chất đống ở cửa khẩu Dandong. Hơn 80% trao đổi thương mại của Bắc Hàn đến từ Trung Quốc.
"Kể từ khi có Covid, nhiều điều đã thay đổi," ông Ju Seong, người từng là tài xế ở Bắc Hàn nói. Ông vừa tìm cách nói chuyện với mẹ ông gần biên giới Trung Quốc.
"Nền kinh tế đang thu hẹp, giá cả tăng vọt. Khó sống hơn trước nhiều. Cha mẹ tôi tìm được thực phẩm nhưng giá cả quá cao. Cuộc sống rất căng thẳng. Tình hình có vẻ rất nghiêm trọng."
Có tin nói rằng một số người đang đói.
Bản thân Kim Jong-un đã mô tả tình hình là "một khủng hoảng lớn" và thậm chí còn rơi nước mắt khi phát biểu. Đây là điều chưa từng thấy ở một lãnh tụ Bắc Hàn.
Một cựu bác sỹ Bắc Hàn, ông Kim Sung-hui, cho biết phần lớn thuốc men được mua ở chợ đen.
Các phòng mổ thường xuyên bị mất điện và bác sỹ phẫu thuật đôi khi phải mổ mà không có găng tay.
"Khi tôi thấy sự khác biệt giữa hai nước trên bán đảo này, tôi hy vọng Bắc Hàn có thể tới tương lai nơi nhân quyền của cả bệnh nhân và bác sỹ được đảm bảo."
Bắc Hàn không được trang bị để đối phó với một đại dịch và ảnh hưởng của dịch lên y tế công không được biết.
Nhưng nước này không thể vượt qua tình trạng cô lập mà không gây nguy hại đáng kể cho người dân.
Tôn sùng dòng họ Kim Một số người đào tẩu mà chúng tôi nói chuyện vô cùng bức xúc về hình hình hiện nay ở Bắc Hàn và dự đoán sẽ có đảo chính. Nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy có khả năng chuyện này xảy ra.
Sự tôn sùng dòng họ Kim đã ăn sâu và hết sức ổn định. Tất cả các dự đoán về sự sụp đổ của chế độ đều đã sai.
Chụp lại hình ảnh,
Một số người Bắc Hàn đào tẩu trả lời phỏng vấn BBC cho bài báo này
Sau hơn 70 năm đóng cửa với thế giới, hầu hết những người được hỏi nói mong ước của họ là Bắc Hàn được mở cửa để người dân được tự do đi lại. Nhiều người chỉ muốn gặp lại gia đình.
Giờ đây họ tự do lên tiếng và kể chuyện về cuộc sống dưới chế độ Kim Jong-un. Những người bị bỏ lại đằng sau không thể làm như vậy.
"Được tự do hát là điều mà tôi đã liều mạng để làm," ca sỹ Hyun-hang nói. "Những người còn ở Bắc Hàn phải chôn khát vọng đó trong tim cho đến ngày họ chết."
Vào dịp kỷ niệm 10 năm cai trị, Kim Jong-un đang dẫn dắt một đất nước chìm trong khủng hoảng. Ông ta có hàng chục vũ khí hạt nhân mới nhưng người dân của ông vẫn đói.
Một biểu ngữ khổng lồ được chăng ở trung tâm Seoul năm 2018 ngay sau khi tổng thống Nam Hàn tới thăm Bình Nhưỡng. Đó là bức ảnh ông Kim Jong-un được một người chỉ cho cách giơ ngón tay tạo hình trái tim - biểu tượng cho tình yêu trong K-pop.
Khi đó, tôi viết nếu ông ta chỉ giơ cũng những ngón tay ấy, Kim Jong-un có thể thay đổi cuộc sống của người dân nước ông. Ông có thể cho họ tự do. Ông có quyền lực đó.
Nhưng thay vào đó, 25 triệu người Bắc Hàn bị cô lập khỏi thế giới hơn bao giờ hết.
Tất cả những người được phỏng vấn đều liều mạng rời Bắc Hàn và hiện đang sống ở Hàn Quốc hoặc Mỹ. Một số tên nhân vật được thay đổi để bảo vệ gia đình của họ.
Theo BBC