logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 06/08/2013 lúc 09:08:50(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,156

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Giỗ danh tướng Trần Độ tại Sài Gòn

UserPostedImage

Chủ nhật 4/8/2013, lịch ta là ngày 28/6. Quí Tị, anh Trần Hải và chị Khánh Trâm, con trai và con dâu út của danh tướng Trần Độ ở Sài Gòn làm giỗ cha lần thứ mười một. Danh tướng Trần Độ mất ngày 1/7 năm Nhâm Ngọ, theo lịch mặt trời là ngày 9/8/2002, đúng giỗ phải là thứ tư tuần tới. Chọn ngày chủ nhật làm giỗ là sớm mấy ngày để chính giỗ, mẹ và mấy anh trai sẽ đón vong linh danh tướng ra Hà Nội.

Khi thiếu tướng Trần Độ làm chính ủy quân khu Tả Ngạn thì tôi còn là học trò trung học ở thành phố Hải Phòng thuộc lãnh thổ quân khu Tả Ngạn. Bài viết “Anh Bộ Đội” của ông đăng trên các báo, đọc trên đài phát thanh ngày ấy đã tạo nên một đợt thảo luận sôi nổi kéo dài trong thanh niên học sinh về cuộc sống đẹp đẽ của anh bộ đội, về môi trường giáo dục, rèn luyện cho tuổi trẻ như một trường đại học, trường đại học quân đội, mang lại một lí tưởng thẩm mĩ cao cả, mở ra một hướng vào đời rộng rãi cho tuổi trẻ.

Khi tướng Trần Độ là Phó Chính ủy quân Giải phóng miền Nam thì tôi là sĩ quan thông tin ở mặt trận Tây Nguyên. Những bài chính luận quân sự của Cửu Long, sau này tôi mới biết Cửu Long chính là Trần Độ, phân tích thế và lực của ta và địch, thế tất thắng của chiến tranh cách mạng được giọng hào sảng của phát thanh viên Việt Khoa đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ Hà Nội đã làm nức lòng hết thảy đám lính tráng sốt rét và đói ăn dưới tán lá rừng già vùng ngã ba biên giới Việt – Miên – Lào. Với những sĩ quan đã có vốn hiểu biết về quân sự và thực tế chiến tranh thì những bài viết của Cửu Long – Trần Độ là lí luận của niềm tin chiến thắng.

Khi trung tướng Trần Độ là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, rồi Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ trung ương thì tôi cùng 22 sĩ quan từ khắp các đơn vị trong quân đội được Tổng cục Chính trị gọi về cử đi học khóa I trường Viết Văn Nguyễn Du lần đầu tiên có hệ đại học. Tôi vẫn nhớ lần ông đến trường Viết Văn Nguyễn Du gặp chúng tôi, ông nói rất ngắn: Văn nghệ không có tự do thì không thể sáng tạo, chỉ là văn nghệ tuyên truyền, văn nghệ diễn ca nghị quyết đảng. Rồi ông dành cả buổi lắng nghe và ghi chép những điều chúng tôi giãi bày về khó khăn, cản trở trong công việc viết lách.

Khi tướng Trần Độ, chính khách Trần Độ rời chính trường thì tôi cũng rời quân ngũ, vào miền Nam làm báo dân sự. Tóm lại thời tôi làm lính là thời Trần Độ làm tướng, là thời lừng lẫy của danh tướng Trần Độ. Tôi là lính ở mặt trận phía Nam thì ông là tướng chỉ huy cả mặt trận miền Nam. Tôi là lính văn nghệ thì ông là tướng văn nghệ. Dù mang cấp hàm tướng suốt mấy chục năm trời nhưng những lần gặp ông ngoài đời, tôi chỉ thấy ông mặc đồ dân sự xuềnh xoàng.

Là một người lính, hôm nay tôi về nơi giọt máu vị tướng để lại cho đời, tưởng nhớ đến vị tướng của tôi, vị tướng Nam chinh Bắc chiến, người chỉ huy đội quân cách mạng đi từ trận đánh của trung đoàn Thủ đô 60 ngày đêm cầm cự giữ chân quân Pháp trong lòng đường phố Hà Nội để Chính phủ kháng chiến rút lui an toàn về đất căn cứ Việt Bắc, đến trận đánh của những sư đoàn lớn mạnh 56 ngày đêm dội bão lửa xuống lòng chảo Mường Thanh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đi từ trận chống càn Junction City đầu mùa mưa năm 1967, từ vị Tư lệnh đến anh lính nuôi quân của Sở Chỉ huy quân Giải phóng miền Nam đều phải cầm súng AK, súng B40, chống trả đánh lui hết đợt càn quét này đến trận đột kích khác của hơn 30 ngàn quân Mĩ cùng xe tăng, xe bọc thép nhiều như lá rừng, ròng rã suốt 53 ngày đêm, bảo toàn cơ quan lãnh đạo kháng chiến miền Nam, đến trận đánh cuối cùng, đại quân từ bốn hướng ào ào tiến vào Sài Gòn mùa xuân 1975.

Hơn cả những chiến công trên mặt trận quân sự, Trần Độ còn là vị tướng từng trải, lịch lãm của đội quân chữ nghĩa, vị tướng nhân văn, gần gũi của đội quân văn nghệ sĩ, một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm với cái đẹp, với cái mới.

Trần Độ còn là vị tướng quả cảm đi đầu mở lối cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi chủ nghĩa Mác Lê nin lần lạc và tội lỗi. Tưởng là chủ nghĩa Mác Lê nin sẽ xóa bỏ những cái ác ở trên đời, không ngờ chính chủ nghĩa Mác Lê nin lại là cái ác nghiệp chướng buộc vào dân tộc Việt Nam. Đến lúc nhận ra: Những mơ xóa ác ở trên đời / Ta phó thân ta với đất trời / Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện / Ai hay biến hóa ác luân hồi (Thơ Trần Độ), dù tuổi đã cao lại mang bệnh hiểm ông vẫn quyết liệt và kiên trì chỉ ra cái ác, thức tỉnh những kẻ đang cố kết làm điều ác với Dân với nước.

Mươi người chúng tôi, Phan Đắc Lữ, Lê Phú Khải, Kha Lương Ngãi, Vũ Trọng Khải, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Thị Mai Oanh ở Sài Gòn, giáo sư Nguyễn Huệ Chi từ Hà Nội vào, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm từ Mĩ về cùng vợ chồng anh chị Trần Hải – Khánh Trâm ngồi ở phòng khách mắt nhìn lên ảnh vị danh tướng trong bộ đồ dân sự bình dị không sao, không vạch, không cành nguyệt tuế, không huân chương, huy chương. Mỗi người chúng tôi đều có những chuyện kể, những điều nói về vị danh tướng mà mình kính trong. Anh Lê Phú Khải kể năm 1985 anh gặp tướng Trần Độ ở Tiền Giang, khi vị tướng đã chuyển sang cơ quan lập pháp, làm Phó Chủ tịch Quốc hội, anh đọc cho vị tướng có tâm hồn nghệ sĩ nghe bài thơ anh mới viết về Lăng Hồ Chí Minh. Cuối bài thơ anh viết: Đắp cho Con Người này nấm mộ / Bên một cánh rừng có tiếng thông reo / Để nhà thơ được nghe gió hát / Và Nhân Dân tìm gặp / Như con về thăm cha. Lê Phú Khải vừa dứt lời đọc thơ, Trần Độ nói ngay: Cậu phải sửa lại câu cuối cùng là: Như cha về thăm con. Với bất kì cá nhân nào dù vĩ đại đến đâu, Nhân Dân bình dị cũng là cha mẹ của cá nhân dù vĩ đại đó.
Theo Blog Buudoan

Sửa bởi người viết 09/08/2013 lúc 09:32:32(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#2 Đã gửi : 06/08/2013 lúc 09:14:01(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,156

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Người cộng sản phản tỉnh kiên hùng
Nếu nói về những hình ảnh phản tỉnh trong giới chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thì khó có ai có thể đứng sánh bên cạnh Tướng Trần Độ.

Kể cả Trần Xuân Bách, là Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung Ương Đảng, nhưng ông cũng chỉ dừng lại ở mức có tư tưởng cải cách, muốn đa nguyên chính trị. Tuy thế, ông chưa hề có hành động thực tiễn nào và tư tuởng của ông được chấm dứt bằng việc ông bị hạ bệ (năm 1990) và “không được đi nước ngoài, không được gặp hay tiến xúc với người nước ngoài, tất cả những gì về ông bỗng dưng trở nên kín kẽ. Và ông trở thành nhân vật vô danh tiểu tốt kể từ năm 1990 cho đến ngày ông qua đời” (2006).

Theo wikipedia, Tướng Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh ngày 23/09/1923, trong một gia đình công chức ở xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bố ông là thư ký ở Toà thông sứ tại Hà Nội, thường gọi là quan phán.

Là người theo cách mạng từ lúc còn rất trẻ, 16 tuổi ông đã đi theo cách mạng, 17 tuổi gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương (1940) và bị bắt giam qua nhiều nhà tù… rồi trốn thoát và tiếp tục hoạt động.

Năm 1946, ở tuổi 23, ông làm Chính ủy Mặt trận Hà Nội, sau đó ông tham gia làm báo Vệ quốc quân (sau này là báo Quân đội Nhân dân) trực thuộc Cục Chính trị, từ số 21 trở đi ông là Chủ nhiệm báo.

Năm 1950, ông làm Chính ủy Trung đoàn Sông Lô, rồi Chính ủy Đại đoàn 312. Năm 32 tuổi (1955), ông là Chính ủy Quân khu 3 và đến năm 1958 được phong hàm Thiếu tướng.

Cuối năm 1964, ông vào miền Nam Việt Nam với bí danh Chín Vinh, cùng với các tướng Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hòa, Hoàng Cầm để gây dựng lực lượng vũ trang chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa và giữ chức Phó Chính ủy và Phó Bí thư Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tháng 3 năm 1974, ông được phong hàm Trung tướng cùng đợt với Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Đồng Sĩ Nguyên. Từ năm 1974 đến năm 1976, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Chuyển sang ngạch dân sự, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ. Khi Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương được thành lập (1981), ông giữ chức Trưởng Ban, kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa.

Ông cũng là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992).

Ông là Ủy viên Trung ương ĐCSVN các khóa 3 (dự khuyết từ năm 1960 đến năm 1972), 4, 5, 6 (1960-1991).

Như vậy, dường như gần cả cuộc đời, Tướng Trần Độ đã đi theo Đảng CSVN, sống chết vì Đảng và giữ những chức vụ quan trọng. Chính ông là người đã góp phần vào việc thiết lập nên chế độ và bảo vệ nó.

Tư tưởng phản tỉnh của tướng Trần Độ nảy nở sớm, ngay khi còn đương chức đương quyền, từ năm 1974, thông qua trải nghiệm “đi một quãng đàng, học một sàng khôn”.

Vào tháng 10 năm 2007, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành cuốn “Chuyện tướng Độ” của nhà văn Võ Bá Cường. Cuốn sách mô tả chân dung của Tướng Trần Độ, một vị tướng tài ba, đồng thời cũng là nhà văn đã gắn chặt đời mình vào cây súng.

Trong cuốn sách có thuật lại một đoạn, đại ý: sau 1974 đi công tác tại Cộng hòa Dân chủ Đức, ông đã nhận ra rất nhiều điều chưa ổn trong nguyên lý cũng như thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ông đã viết một bức “Thư tâm huyết”, dài 14 trang, trình bày tất cả những gì ông thấy, suy nghĩ và mong muốn gửi tới lãnh đạo ĐCSVN. Trong thư ông nói về sự nhầm lẫn khái niệm trong lý luận của Stalin và dự báo những hậu quả của nó, ông hiến những giải pháp, không hề né tránh cả những điều mà ngày ấy nói ra rất khó nghe, chấp nhận gặp nguy hiểm. Giải pháp đáng chú ý nhất là ông đề nghị mời những nước có nền kinh tế phát triển vào hợp tác đầu tư, bất kể đó là nước xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa.

Bắt đầu giữ chức Trưởng ban Văn Hoá Văn nghệ, ông đã thuyết phục Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, soạn thảo và cho ra Nghị quyết 5, vào tháng 12/1986, nới lỏng kiểm duyệt mà người ta vẫn dùng từ “cởi trói” cho giới văn hoá, văn nghệ. Nhờ Nghị quyết này, tự do sáng tạo nghệ thuật phát triển, sách báo được lưu hành dễ dãi hơn, các tác phẩm của văn nghệ sĩ trước bị cấm vì lập trường chống cộng sản của Nhất Linh, Khái Hưng được tái bản. Trong giai đoạn này, những tác phẩm hay và giá trị đã ra đời cùng với những tên tuổi còn danh tiếng đến hôm nay như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Trần Huy Quang…

Ông nói:

“Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp”.

Kinh hoàng và lúng túng trước sự kiện hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc trên Quảng trường Thiên An Môn biểu tình đòi cởi mở chính trị và các quyền tự do dân chủ, đã bị đàn áp đẫm máu, cùng với sự sụp đổ của hệ thống cộng sản tại Đông Âu, ĐCSVN đã chấm dứt tiến trình ba năm “cởi trói” này.

Với hội nghị Thành Đô tháng 9/1990, bắt tay với tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải, bám víu vào thành luỹ ý thức hệ cuối cùng để giữ chế độ, ĐCSVN đã khai tử những đòi hỏi về dân chủ và đa nguyên chính trị.

Mặc dù không áp dụng hẳn phuơng thức “mèo nào cũng được, trắng cũng như đen, miễn bắt được chuột” của Đặng Tiểu Bình, những năm đầu của thập kỷ 90, để cứu vãn nền kinh tế suy sụp, nhà cầm quyền CSVN buộc phải mở cửa ra thế giới bên ngoài, kêu gọi đầu tư và khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân.

Trong bối cảnh nửa dơi, nửa chuột của một nền “kinh tế thị trường định huớng xã hội chủ nghĩa” hoang dã va man rợ, tự do kinh tế nhưng đóng kín chính trị, bất công và bất bình đẳng xã hội nảy sinh ngày một nặng nề. Cảnh dân oan khiếu kiện mòn mỏi vì bị tước đoạt đất đai, công nhân trong các khu công nghiệp sống lam lũ, xây dựng các dự án bất chấp huỷ hoại môi trường, luật lệ hỗn loạn, tệ nạn rút ruột công trình, tham nhũng trở nên nhức nhối, không thể nào ngăn chặn…

Là nhân chứng của cuộc sống đương thời, Tướng Trần Độ không thể không đau lòng. Ông tiếp tục lên tiếng, công khai một cách can đảm. Và kết quả là ngày 4/01/1999 ông bị khai trừ khỏi đảng sau 58 năm “sống cùng đảng chết không rời đảng”. Tháng 7 năm đó, trong một lá thư ông viết:

“Tôi là đảng viên bị khai trừ. Tôi bị khai trừ là phải. Nếu không khai trừ tôi thì có lúc tôi phải xin ra khỏi cái đảng này. Tôi không thế chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ.”

Ngày 3/12/2000, xem xã hội như bốn bánh xe của một cỗ xe: – Một xã hội công dân – Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh chứ không định hướng gì lôi thôi – Một nhà nước pháp quyền – Một nền dân chủ đầy đủ, ông viết:

“Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng nhờ có nó sẽ có một bộ máy nhà nước bảo đảm đựơc mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người chỉ là một ảo tưởng hão huyền. Thế mà đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân”.

Dường như có lúc ông cũng bất lực nhìn nhận bản chất của chế độ độc quyền cai trị bằng bạo lực của ĐCSVN, tạo nên một xã hội nhiễu nhương, nền tảng đạo đức truyền thống bị huỷ hoại, cái ác lên ngôi:

Những mơ xoá ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện

Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.

(Trần Độ)

Ông mất ngày 9/08/2002, nhưng mãi đến ngày 13/08 báo chí mới loan tin, và tối ngày 13/08 cô phát thanh viên không mặc áo tang đen mà vận chiếc áo hoa trên TV, mới đọc thông báo. Tuy vậy đông đảo những người mến mộ ông ở Hà Nội và những tỉnh sát Hà Nội vào sáng ngày 14/8 đã kịp về viếng.

Đến cả khi ông đã chết, nhà cầm quyền vẫn lo sợ, hèn nhát và cực kỳ vô nhân đạo. Các vòng hoa có băng tang “Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ” bị giữ từ ngoài cổng và phải vứt bỏ dòng chữ “Vô cùng thương tiếc” cùng hai chữ “trung tướng”. Vòng hoa của thượng tướng Lê Ngọc Hiền bị bỏ đi hai chữ “đồng chí’. Vòng hoa duy nhất được giữ nguyên là của tướng Giáp: “Thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Ông Vũ Mão, đại diện Văn phòng Quốc hội, đọc điếu văn, có nhắc tới những chức vụ mà tướng Trần Độ đã đảm nhiệm và nói “rất tiếc là ông Trần Độ cuối đời đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng”…

Con trai trưởng của ông, sau khi kể những tình cảm với người bố và cám ơn tất cả mọi người tới dự tang lễ, đã nói: “Tôi thay mặt gia đình xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị đại diện Văn phòng Quốc hội”.

Kết luận

Tuớng Trần Độ là một hình ảnh nổi bật về sự ngộ nhận con đường đi theo ĐCSVN. Những khẩu hiệu “dân cày có ruộng”, “đại biểu của giai cấp công nhân tiên phong”, “ấm no hạnh phúc”… chỉ là trò lừa mị, bịp bợm. Ông không cải lương, nửa vời, chỉ muốn ĐCSVN thay đổi để giữ chế độ, mà thấy cần phải thay đổi tận gốc, bãi bỏ hoàn toàn sự độc quyền và đặc quyền, đặc lợi của ĐCSVN.

Là biểu tượng của khát vọng tự do, dân chủ, cuơng quyết và nhất quán, ông đã cho mọi người thấy rất rõ sự phản bội, phản phúc, đểu cáng của tập đoàn lãnh đạo hôm nay, một băng đảng mafia, bòn rút, chia chác lợi ích, làm khánh kiệt đất nước.

Ông là người cộng sản đã phản tỉnh sáng suốt, với khí phách kiên hùng:

Công thần không làm phách

Danh toại chẳng cầu nhàn

Bút thần vung mấy độ

Ðáng mặt đại nghĩa quân.

(Trần Khuê)

Nhân ngày giỗ ông, xin được thắp nén nhang cầu mong ông an nghỉ nơi suối vàng và nếu hồn ông linh thiêng, hãy phù hộ cho con cháu vượt qua gian nan và khó khăn trong cuộc tranh đấu vì tự do dân chủ này.

Theo Blog Lê Diễn Đức (RFA)


song  
#3 Đã gửi : 08/08/2013 lúc 09:05:24(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,156

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tướng Trần Độ 'trung thành với dân'
Nhân kỷ niệm ngày mất cố Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trần Độ (9/8/2002), một người quen biết không cho rằng ông là nhà "đối lập trung thành" của Đảng.

Ông bị khai trừ khỏi Đảng vì bất đồng chính kiến, mặc dù chức vụ cuối cùng của ông là Ủy viên TW Đảng kiêm Phó Chủ tịch Quốc hội.

Nói chuyện với đài BBC, ông Lê Hồng Hà, từ Hà Nội, nhận xét những tư tưởng của Tướng Độ là tiến bộ, trí tuệ, có tính phê phán nhắm vào việc dân chủ hóa đất nước.

Ông Hồng Hà không cho rằng Tướng Độ là một nhà "đối lập trung thành" của Đảng, mà chỉ "trung thành với dân, với nước".

Ông Hà cũng cho rằng cách thức đóng góp cho đổi mới thể chế và chính trị khi vẫn còn giữ thẻ Đảng của Tướng Độ vẫn còn mang tính thời sự.

Theo BBC
phai  
#4 Đã gửi : 08/08/2013 lúc 10:34:04(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Hùng binh nhất trượng...

Hồi tưởng nhân kỷ niệm 11 năm ngày mất của lão tướng Trần Độ.


Thấm thoắt đã 11 năm ngày tướng Trần Độ ra đi, tôi tìm lại bản viết tay “Thư chia buồn” của tôi gửi gia đình bác Trần Độ, viết ngày 10/8/2002 khi được tin bác Độ mất tại Hà Nội. Lúc ấy tôi đang bị quản chế nghiêm ngặt, đến nỗi bức thư ấy phải nhờ một người mang về Sài Gòn bỏ vào thùng thư cho an toàn, đến nay tôi cũng không biết bức thư có đến tận tay gia đình hay không. Khi viết lời chia buồn ấy tôi không có Internet, chưa đọc “Nhật ký Rồng Rắn” và chưa biết tướng Trần Độ sẽ được công luận đánh giá, vinh danh như bây giờ.



Trước khi đánh máy lại bức thư xin có đôi dòng viết thêm.


Tôi được quen biết bác Trần Độ khoảng đầu thập niên 1990, trong một lần trò chuyện ở khu vườn nghệ thuật của chị Việt Nga ở Đà Lạt, bác có hỏi tôi về bài “Dắt tay nhau...”, nhưng khi ấy bác Độ chưa hề ly khai khỏi quỹ đạo Cộng sản, tuy bác đã thảo ra “nghị quyết 05” khá tiến bộ về quản lý văn hóa-văn nghệ và rất chú ý đến những nhà văn “có ý kiến khác” như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Huy Quang, Bảo Ninh... và mấy anh em Đà Lạt chúng tôi.
Còn nhớ cuối năm 1995, trước khi ra Bắc thăm nhà tôi ghé qua Sài gòn. Anh bạn họ Trình (một người rất “gắn” với bác Độ thời ấy) có nhờ tôi đưa bác Độ ra Hà nội sau thời gian bác điều trị ở một bệnh viện quân đội. Trước khi ra máy bay tôi ghé qua bác Nguyễn Hộ, bác Hộ có “ủy thác” tôi nói với tướng Độ một câu “quan trọng” như sau: “Xem chừng trong BCT hiện nay chỉ có Võ Văn Kiệt là còn hy vọng được, Trần Độ nên gặp ông Kiệt...” Tôi tuy không thông thạo gì về nội tình chóp bu nhưng đương nhiên phải coi đấy là lời nhắn rất riêng tư chỉ được nói với bác Trần Độ. Ai ngờ trong một lúc chuyện trò vui vẻ tại nhà bác Độ (số 93 Trần Hưng Đạo, lúc ấy ngoài tôi còn có vài ba người nữa, bây giờ không còn nhớ rõ, có thể là Dương Thu Hương, Lê Đạt, Nguyễn Kiến Giang và 2 người khác) bác Độ đem “lời nhắn” ấy nói tướng lên như đùa vui, rất hồn nhiên! Tôi lặng người chẳng biết nói sao. Hóa ra Trần Độ lúc ấy còn khác xa Nguyễn Hộ, khi chưa thấy tính chất phân ly trong nội bộ đã rất nghiêm trọng, chắc hẳn ông vẫn coi sự khác nhau chỉ là chênh nhau về một số ý kiến nên chẳng có gì phải giữ gìn. Một ông tướng đã dạn dày trận mạc mà quên đứt hai chữ “cảnh giác” hẳn vì nghĩ rằng đây là nội bộ một nhà với nhau, ông còn tin vào Thiện tâm chứ có biết đâu tình hình đã “tháng ngày biến hóa Ác luân hồi”? Lúc ấy ông không thể nghĩ rằng sau này chính đám tang của ông sẽ bị người ta thẳng tay xé đi mấy chữ “trung tướng” và “vô cùng thương tiếc” để đọc một điếu văn mà gia đình ông không thể chấp nhận.


Trước khi về Đà Lạt tôi ghé chào bác Độ, vừa lúc anh bạn họ Trình (người cận kề với bác Độ) gọi điện thoại hỏi tôi “đã có sẵn bức thư mật của Võ Văn Kiệt ở trong túi chưa”, tôi nói“rồi”, thế là 15 phút sau trên đường Hàng Bài tôi bị tông xe giật túi để trả một năm tù cho bức thư “mật” ấy. Sau này mới biết kịch bản bác Độ bị chụp ảnh bôi xấu, bị đón đường tịch thu 15 bản “Nhật ký Rồng Rắn” cũng cùng một đạo diễn như vụ của tôi.


Chỉ từ 1997 đến 2002, vỏn vẹn 5 năm Trần Độ đã kịp hóa thân, đang từ chỗ cựa quậy trong vòng Kim Cô bật hẳn thành một Trần Độ ly khai mà lịch sử cần có, bởi cái nội năng bị dồn nén suốt đời một con người “bản Thiện” đã đến lúc thay đổi từ “lượng” thành “chất”, nhưng dù lúc “ngộ” rồi hay khi chưa “ngộ”, lúc nào cũng sống chân thực với chính lòng mình, sống hết mình theo chân lý mà mình nhận biết.


Câu đối tôi gửi viếng ông chính là câu đối tôi “viếng sống” ông trước đó một năm. Khi ấy bệnh tiểu đường đã khiến bàn chân ông hoại tử, luôn phải chống gậy và ngồi xe lăn. “Hùng binh nhất trượng nhất đan tâm” là thế, đoàn “hùng binh” của ông tướng bây giờ chỉ là một chiếc gậy chống và tấm lòng son thôi. Chua chát chăng hay rất kiêu hùng, “hùng” thật sự là chiếc gậy cô đơn với tấm lòng son đã đưa ông vào lịch sử, hơn cả những “chiến công-chiến tội” gì đó, nhất thời rồi cũng qua đi? Ngay nhà văn Hoàng Tiến, người bạn thân thiết của tôi cũng có lúc tưởng “nhất trượng” đây là “chiếc gậy Trường Sơn”, theo quán tính lúc bấy giờ, thật tội!.


Cho đến hôm nay, những sự đánh giá và ứng xử với tướng Trần Độ vẫn còn khác nhau, bởi con người ông là cả tấm gương rộng, phản chiếu những giai đoạn rất khác nhau của ngót thế kỷ biến động phức tạp. Từ một Trần Độ của ĐCS 100% tiến hẳn sang một Trần Độ của dân chủ, ly khai. Có một “bi kịch Trần Độ”, nhưng con người Trần Độ đã lớn lên kịp tầm lịch sử ở một đất nước mà dân thì hồn nhiên chính trị, nhưng chính trị và lịch sử thì vốn cứ khắc nghiệt đến độ hồn nhiên lạnh lùng! Bi kịch dân tộc, bi kịch của những cá nhân kiệt xuất nhiều khi cũng vì thế.


8/8/2013
Hà Sĩ Phu (Danlambao)
___________________________________


Ghi chú:


Tấm hình Trần Độ tại Đà lạt, từ trái sang: Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Khánh Trâm, Trần Độ, Bùi Minh Quốc, cô Ng. thư ký của anh bạn họ Trình. Thời gian này bác Trần Độ đã luôn phải chống gậy.


=============


Thư chia buồn (10/8/2002)

TRƯỚC LINH CỮU TƯỚNG TRẦN ĐỘ


Đã khép lại cuộc đời một Anh hùng.


Bảy mươi tám năm, Tạo hóa đã gieo ông vào giữa dòng xoáy của ba cuộc chiến trường kỳ, liên tục không một ngày yên nghỉ.


Hôm nay, Tạo hóa lại rút ông đi khi cuộc chiến giành Dân chủ-Tự do chỉ mới bắt đầu. Nhưng chính trong đoạn thứ ba ngắn ngủi này, phẩm chất kết tinh của một thế-nhân anh hùng đã kịp thăng hoa.


Trong một thời đoạn ngắn ngủi ông đã hoàn thành một cuộc “đổi mới” gian nan trong con người mình. Không cần một chiến công huyền thoại. Chưa có gì hoàn thiện, càng chẳng có gì viên mãn “như từ chân lý sinh ra”. Tất cả đều bình thường, cái gì ở ông cũng còn có thể bàn luận, tu chỉnh. Nhưng cái bình thường quý giá ấy trong một triệu người chưa dễ đã có một người làm được.


Cái bình thường ấy đáng tin cậy, lôi cuốn, có tác dụng làm mẫu vì nó là kết quả một cuộc chiến nội tâm, tuy diễn ra trong một con người nhưng lại đủ sức tiêu biểu.


Thưa ông Trần Độ linh thiêng.


Bằng những hy sinh của ông trong hai cuộc chiến trước, ông chỉ cần ngậm miệng và nằm khểnh thì sự hiển vinh hẳn đã có thừa. Vậy mà ông vẫn tự nguyện gánh lấy phần nhọc nhằn đến tận phút lâm chung.


Người đời quá khôn, ông thuộc một thiểu số tự gánh lấy phần dại. Chẳng hiểu tại sao lại có câu cửa miệng “Sống khôn chết thiêng”? Sống mà tranh khôn hết cả phần thiên hạ thì chết rồi sẽ rữa ra như cục đất thôi, còn gì mà thiêng được? Còn ông, tướng Trần Độ, tôi nghĩ ông sẽ thiêng như Quan Vũ.


Trước nỗi tiếc thương, mất mát, người ta thường nghĩ: Những người tử tế, ích lợi cho đời thì sao cứ chịu đủ thứ bệnh tật, sao phải sớm ra đi? Sao ông Trời cứ chơi khăm loài người, bao giờ cũng chia phần hơn cho cái ÁC, như thể ủng hộ cái ÁC vậy? Nhưng ngẫm lại, đấy chính là cái cung cách để con Tạo mài giũa, trau chuốt và tôn vinh cái THIỆN đó thôi!


Trước linh cữu một người Anh hùng, tôi kính cẩn nhắc lại câu đối chữ Nho tôi đã viếng sống ông những ngày ông đang lâm bệnh:


* Văn Võ tung hoành, Trung tướng phong TRẦN, thế sự song kiên song trọng đảm!


* Bắc Nam xuất nhập, Đại quân tế ĐỘ, hùng binh nhất trượng nhất đan tâm! [1]


Khi là quan Võ: anh hùng! Khi là quan Văn: lại anh hùng!


Vì Độc lập: anh hùng! Vì Dân chủ-Tự do: lại anh hùng! Khó lắm thay!


Anh hùng nào đi qua rồi cũng để lại một khoảng trống. Vì tiếc thương ta lo khoảng trống ấy không thể bù đắp. Nhưng tôi lại cứ tin ở lòng Trời, lòng Dân! Thiên nhiên chẳng bao giờ bỗng dưng lại để chừa ra một khoảng chân không! Sự nghiệp cao cả mà ông kỳ vọng và hiến thân nhất định sẽ được tiếp nối!


Đà Lạt ngày 10/8/2002


Vĩnh biệt (Hà Sĩ Phu, từ nơi quản chế)
song  
#5 Đã gửi : 09/08/2013 lúc 09:31:42(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,156

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Nhà báo Bùi Tín: Vài kỉ niệm với tướng Trần Độ
Nhân dịp kỉ niệm ngày mất của trung tướng Trần Độ (9/8/2002), nhiều trang mạng đang điểm lại cuộc đời của ông. Đọc tiểu sử của tướng Trần Độ và nhà báo Bùi Tín, thấy có nhiều điều tương đồng. Vậy tướng Trần Độ là người như thế nào đối với ông?

Nhà báo Bùi Tín: Xin cám ơn mạng Đàn Chim Việt đã cho tôi cơ hội nói lên tấm lòng của mình đối với anh Trần Độ, một đồng đội, một người Anh, một tấm gương sáng của tôi.

Kỷ niệm giữa anh Trần Độ và tôi có từ tháng 4-1948. 65 năm rồi.

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm chưa dễ đã ai quên”
Anh Độ cùng nhà văn Nguyễn Công Hoan từ Việt Bắc về Thanh Hóa dự Đại Hội Tập của tướng Nguyễn Sơn. Anh Độ và anh Hoan lúc ấy đang làm báo Sao Vàng của Tổng cục chính trị do anh Trần Huy Liệu giao.Tôi còn nhớ 11 năm trước , khi được tin anh mất, chúng tôi tổ chức lễ truy điệu, nhiều anh chị em chúng tôi ở Paris đã khóc nấc lên. Tôi còn nhớ rõ hôm ấy anh Đặng Phúc Lai một trí thức uyên bác từ Hà Nội sang chữa bệnh mang theo tập nhật ký Rồng-Rắn kể lại về cuộc gặp của anh với anh Độ trước khi qua đây, 2 người quen nhau từ khi anh Độ còn ở Sư 312, trước cả trận Điện Biên.

- Vậy điều gì ở tướng Trần Độ khiến ông nhớ nhất?

Ở anh Độ điều gì là nổi nhất ư? Anh em ta hay khen anh Độ là tướng có tài, văn võ song toàn. Thiếu tướng khi 35 tuổi, trung tướng khi 51 tuổi, có những bài phân tích quân sự khá đặc sắc ký tên Cửu Long.Nhưng theo tôi anh Độ nổi nhất trên lĩnh vực Văn hóâ văn nghệ. Anh là người cán bộ cộng sản cao cấp cực hiếm không bị quyền cao chức trọng tha hóa. Tôi nhớ rất rõ về anh, những lần gặp anh. Anh đến tòa soạn báo QĐND, chân tình, xởi lởi tự nhiên, hỏi thăm từng người. Cách ăn mặc, đi, đứng, ngồi, nói, lắng nghe, luôn tỏ ra giản dị, dấu mình, quan tâm đến người khác.

Một con người có văn hoá, rất tử tế, ấm áp tình người, chúa ghét hình thức, xu nịnh, giả dối.

- Ông sang Pháp tị nạn từ năm 1990, từ đó ông có liên hệ gì với ông Trần Độ nữa hay không?

- Năm 1996, anh có dịp sang CHDC Đức nghỉ, anh gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm, trao đổi tình hình, khuyến khích. Anh tâm sự với tôi, một nỗi buồn đè nặng. 40 phút đàm thoại vào nửa đêm. Nỗi buồn đè nặng nhất là suy nghĩ của anh về Thiện và Ác. Anh hiểu thực dân phong kiến là hiện thân của ác. Anh hoạt động cách mạng khi 15 tuổi, vào đảng lúc 16 tuổi, nghĩ là tham gia xóa sạch ác, coi đảng CS là hiện thân của thiện, vậy mà cuối đời nhận ra sự oái oăm khổng lồ, cái thiện chuyển thành ác, mà cái ác hiện tại còn tệ hại, kinh hoàng hơn cái ác ngày xưa. “Ngỡ xoá ác rồi thay cực thiện / Nào hay biến đổi ác luân hồi!”

Anh không thể ngậm miệng ăn tiền. Anh không thể đồng lõa với một xã hội chuyên chế, tại đó công dân, nhà văn không có tự do.

- Trần Độ được coi là người có công trong việc cởi trói cho văn nghệ sĩ?

Anh cùng anh Nguyên Ngọc thảo ra Nghị quyết 5 về tự do sáng tạo trong văn hóa văn nghệ. Anh thuyết phục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, gần như gò ép ông Linh phải gặp văn nghệ sỹ để ra « tuyên ngôn » văn nghệ sỹ tự cứu, không uốn cong ngòi bút, sống với nhân dân mình, với lương tâm mình. Anh khơi nguồn cho những ngòi bút tự do Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Trần Huy Quang, Phùng Gia Lộc, Lưu Quang Vũ, Trần Văn Thủy…

- Nhưng ông được biết đến nhiều hơn ở những đòi hỏi thay đổi về chính trị?

Trần Độ, theo tôi là cán bộ cộng sản cao cấp có cách nhìn rốt ráo về thay đổi tận gốc cả hệ thống chính trị từ độc đảng toàn trị sang hệ thống đa đảng, gồm những đảng bình đẳng anh em, trong đó có đảng CS, cùng nhau vừa hợp tác vừa ganh đua.

Anh là cán bộ lãnh đạo cộng sản VN có tư tưởng đổi mới có hệ thống, gần với tư tưởng đổi mới ở Liên Xô của Gorbachốp, vượt tư tưởng đa nguyên chung chung của anh Trần Xuân Bách hồi 1989, 1990. Đây là nét son quý nhất ở nơi anh.

- Và nó cũng là điều khiến ông bị chế độ ghét bỏ? Thái độ của Trần Độ sau khi bị ‘thất sủng’ như thế nào, thưa ông?

Vâng. Năm 1999 khi anh bị khai trừ, Ban văn hóa văn nghệ trung ương do anh phụ trách bị nhập vào Ban tuyên huấn thành Ban tư tưởng và văn hóa, tôi may mắn gọi được điện thoại cho anh. Anh không buồn, cười to thành tiếng, thanh thoát, “mình nay là người tự do, như cậu vậy”. Thế rồi anh tâm sự. Anh sẽ viết hồi ký truyền lại lửa cho tuổi trẻ,cho đảng viên còn bị lầm lẫn. Anh tin cái thiện rồi sẽ toàn thắng. Anh tin ở bộ phận trí thức, văn nghệ sỹ, thanh niên nam nữ đang thức tỉnh khá nhanh.

“Mình tin là chỉ trong vòng 10 năm nữa thôi là đà thức tỉnh của xã hội sẽ đạt độ lượng thành chất. Các cậu phải thảo một Tuyên ngôn Tự Do, sau khi đã có Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9. Lầm lẫn chiến lược đó. Hồi ấy chúng mình đã lầm lẫn, ngỡ rằng nước có độc lập là dân có ngay trự do đầy đủ. Độc lập tự do gắn bó với nhau nhưng vẫn là 2 khái niệm riêng biệt. Cách mạng dân tộc- dân chủ, ở ta mới có cách mạng dân tộc, cách mạng dân chủ còn ở phía trước.. Mình dạo này không khỏe, nhiều bệnh. Cậu và anh em bên đó nhớ chuyện này nhé … “.

- Nhưng có vẻ Trần Độ đã lạc quan quá, những biến chuyển của xã hội Việt Nam chậm hơn nhiều so với dự đoán của ông?

Tôi cảm thấy anh Trần Độ đã có dự cảm chính trị chính xác. Mười năm là khoảng thời gian không dài, cũng không ngắn lắm. Hồi đó chưa có Kiến nghị đòi chấm dứt khai thác bô – xít ở Tây Nguyên. Chưa có kiến nghị đòi tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ. Chưa có cuộc góp ý của gần 40 trí thức cho văn kiện Đại hội X bác bỏ triệt để chủ nghĩa Mác – Lê nin, chủ nghĩa xã hội Mác-xít, nhưng bộ chính trị bịt chặt tai, không chịu nghe lẽ phải. Chưa có Kiến nghị sửa hiến pháp, sửa Luật Đất đai, Trưng cầu ý dân. Nhất là chưa có chuyện 15 ngàn chữ ký bác bỏ dự thảo hiến pháp do quốc hội thông qua. Nếu còn sống chắc chắn anh Độ đã có mặt trong các sự kiện ấy.

Anh Độ sẽ vui biết mấy khi thấy xuất hiện những chiến sỹ dân chủ mới mẻ, như Phạm Thanh Nghiên, Bùi Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, bên cạnh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Quốc Quân, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha vv…, không sao kể hết. Số không thể chấp nhận mình là hạt cát bị dẫm đạp lên, để trở thành mỗi người một ngôi sao trong xã hội ta đang xuất hiện hàng loạt. Mỗi ngày có một tin vui. Hôm nay là tin cô Thu Trang cùng 4 chiến sỹ dân chủ tuy bị công an ngăn chặn vẫn vào được sứ quán Thụy Điển mái đỏ son để đưa kiến nghị đòi hủy điều 258 trong bộ luật Hình sự…

Đó, anh Trần Độ đặt cả niềm tin ở trí thức, tuổi trẻ đang thức tỉnh là rất có lý. Chính sự lộng hành của bọn bành trướng và thái độ ươn hèn của bộ chính trị làm cho tình hình chuyển biến nhanh. Tôi nghĩ trong vài tháng tới tình hình còn phát triển nhanh hơn. Ta đã có vốn, kinh nghiệm, thế đi lên, thế kết hợp.

- Xin hỏi thêm về “Tuyên ngôn Tự do” mà ông vừa nói, liệu đã tới lúc cần có một Tuyên ngôn như vậy chưa?

Tôi nhớ mãi lời dặn dò, cũng là hy vọng trên đây của anh Trần Độ trước khi đi xa.

Nay nhânkỷ niệm ngày anh đi xa, xin công khai chuyển mong muốn thiêng liêng của anh đến anh chị em trí thức, văn nghệ sỹ, thanh niên trong và ngoài nước. Phải chăng tình hình đã chín để đặt vấn đề có một Tuyên Ngôn Tự Do tương xứng với Tuyên Ngôn Độc Lập 9/1945.

Xin đề nghị các anh chị em Nhóm 72, nhóm 100 về sửa đổi hiến pháp, về sửa luật Đất Đai, về Trưng cầu dân ý, cũng như hơn 15 ngàn anh chị em ký vào Tuyên bố bác bỏ dự thảo hiến pháp do quốc hội thông qua đặt ra việc dự thảo Tuyên Ngôn Tư Do của Nhân dân Việt Nam trong chương trình hoạt động trước mắt của mình, do uy tín và kinh nghiệm sẵn có.

Tôi tin rằng một dự thảo Tuyên Ngôn Tự Do xúc tích, gọn gàng thảo ra bởi một nhóm chuyên viên am tường luật pháp sẽ sớm được trình làng. Các bạn trong tổ chức Minh Triết Việt, Con Đường Việt Nam… chắc chắn sẽ vui mừng chào đón và hưởng ứng cho sáng kiến quan trọng này. Cả sức mạnh của dân tộc bị kìm hãm sẽ bật dậy, như mong muốn cháy bỏng của Trần Độ, ngôi sao Dân chủ của nhân dân.

Tôi nghĩ còn có cách nào kỷ niệm ngày ra đi của anh Trần Độ – một lão tướng dân chủ thời đại chúng ta – có ý nghĩa hơn, còn có cách nào tưởng niệm hàng triệu các chiến sỹ của cả 2 bên bỏ mình trên chiến trường theo lý tưởng họ tin là cao đẹp, bằng việc làm trên đây do động lực “thật lòng yêu nước mình, thật lòng thương dân mình”, như anh Trận Độ thường nói.

Xin cám ơn mạng Đàn Chim Việt và anh chị em bạn đọc Đàn Chim Việt.

Xin cám ơn nhà báo Bùi Tín.

© Đàn Chim Việt

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.383 giây.