Nhà văn Linda Lê
Ngày 30 tháng 10 năm 2012, viện Hàn Lâm Goncourt thông báo tên của 4 nhà văn lọt được vào vòng chung kết để xét trao giải thưởng văn học giá trị nhất của nước Pháp. Trong đó có nhà văn Linda Lê với tác phẩm Lame De Fond và 3 nhà văn khác là Patrick Deville, Jerôme Ferrari và Joel Dicker. Ngày tuyên bố giải là ngày 7 tháng 11 năm 2012*. Linda Lê rất có hy vọng đoạt được giải thưởng cao quý này. Cô là nhà văn Pháp gốc Việt đã đoạt được nhiều giải thưởng văn học giá trị của Pháp và được đánh giá là một trong những tác giả biểu tượng của văn học Pháp hiện đại. Nhà phê bình văn học Nancy Milner Kelly đã so sánh Linda Lê với Marguerite Duras. Trong khi có sự xếp đặt Linda Lê là một trong ba nhà văn hàng đầu của văn học Pháp với Alice Ferney và Marie Darrieussecq.
Mục điểm sách của báo Le Monde nhận xét “Không cần ồn ào, các tác phẩm của Linda Lê tự chứng tỏ giá trị của chúng”. Nhà văn Marine Landrot của báo Telérama đã ví các tác phẩm của Linda Le là “bài diễn văn tang lễ khổng lồ trong đó mỗi phần có vẻ là sự phản ánh cuả nhau với một sự tinh tế và làm xoa dịu tâm hồn”
Tác phẩm Lame De Fond (Sóng ngầm). Câu chuyện xoay quanh bốn nhân vật chính, hai vợ chồng: Văn và Lou, người con gái Laure và người tình Ulma, cũng là cô em gái cùng cha khác mẹ với Văn. Trong tiểu thuyết 4 nhân vật nói về 4 mảnh đời trong 4 chương sách và 4 tiếng nói khác nhau.. Mỗi nhân vật nói về mình và về các người khác trong bố cục 4 phần : nửa đêm / bình minh / giữa trưa / hoàng hôn.
Văn là người Việt Nam chạy trốn quá khứ và quyết định “xóa hẳn những trang sách nói về tuổi thơ trong tiểu sử của mình”. Văn lãng quên kỷ niệm về người mẹ, về đất nước Việt Nam, cố gắng bôi xóa những dấu vết trong trí nhớ cho đến khi nhận được là thư của Ulma. Bức thư ấy như một trận địa chấn trong lòng Văn và khơi dậy những cơn sóng ngầm mà từ lâu nay anh cố dìm xuống tận tâm tư.
Bức thư ấy của Ulma là một kết cuộc bi thảm cho Văn. Nửa đêm khi Văn vừa rời khỏi căn phòng của Ulma thì một chiếc xe hơi do Lou vợ của Văn phóng tới lao vào tạo thành sự ra đi đột ngột của Văn.
Cái chết này đã tạo thành khoảng trống cho 3 người đàn bà. Người tình Ulma mất đi một điểm tựa tinh thần, người duy nhất tạo cho cô cân bằng về tâm lý. Người vợ Lou sống những ngày cuối còn lại với tâm trạng đau khổ đầy mặc cảm tội lỗi với chồng và cả với người con gái. Còn Laure thì buồn khổ vì bị mất đi một người cha gần gũi.
Nhưng ở một khía cạnh nào đó thì cái chết của Văn lại là một dịp để cả ba người đàn bà này có cơ hội làm lại đời sống. Laure qua nỗi trống vắng như gần gũi với người cha hơn. Cô không còn phải chịu đựng nỗi khổ sở khi có một người cha lúc nào cũng nói không mệt về những kiến thức sách vở về tất cả những bộ môn nghệ thuật, khoa học như một cuốn tự điển sống và ngay cả khi bàn luận chuyện thời sự chính trị. Laure cũng không còn dễ dãi hay ngây thơ khi nhận định về cuộc sống hôn nhân giữa cha mẹ mình. Cô gái dù chỉ có 17 tuổi cũng đã tinh tế nhận định Ulma là gạch nối giữa Văn và Việt Nam. Ðã hơn 30 năm, Văn không hề nói tiếng việt. Nhưng với Ulma, Văn đã sẵn sàng thì thầm nói hai tiếng yêu em…
Với cấu trúc bộ tứ rất khác lạ, với ngôn ngữ xử dụng lúc tinh tế, lúc mỉa mai nhưng cũng phản ảnh xác thực đời sống hàng ngày, một thế giới văn chương rất đặc biệt mở ra nhiều chủ đề phức tạp, với những quan hệ gia đình, vợ chồng, cha con, tình yêu. Những nhân vật cô đơn, cố gắng sống để lãng quên an phận nhưng vẫn như những đợt sóng ngầm vẫn không thể nào quên quá khứ. Nhân vật ấy vẫn khao khát hướng về quê hương và không thể nào quên được những liên hệ máu mủ gia tộc của chung huyết thống.
Phong cách viết và dàn trải ý tưởng trong Lame de Fond đã khiến cho nhiều nhà phê bình văn học nhận định Linda Lê là một phù thủy ngôn ngữ với nghệ thuật tài tình của Molière thời xưa.
Trả lời cuộc phỏng vấn của Ban việt ngữ Ðài RFI, Linda Lê nói về tiểu thuyết Lame De Fond của mình:
“Ðiểm khởi đầu của cuốn sách bắt nguồn từ khi tôi tìm được câu đầu tiên trong tiểu thuyết “Tôi chưa là kẻ nói nhiều khi còn sống. Giờ đây nằm trong hòm tôi tha hồ độc thoại” Tôi để cho người vừa nằm xuống mở đầu câu chuyện và chính anh ta sẽ khép lại tiểu thuyết.
Tôi viết Sóng Ngầm như một bản nhạc với bốn bè khác nhau và tôi đã rất hăng say khi sáng tác. Tôi thích được chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác trong mỗi chương của cuốn tiểu thuyết. Mỗi lần như thế tôi phải thay đổi văn phong, thay đổi cách viết để phù hợp với tâm tư, với cá tính của mỗi người. Văn là nhân vật chính, Lou và Ulma là hai người đàn bà cùng yêu thương anh và cuối cùng là Laure cô con gái của Văn. Mỗi người đều có phong thái riêng của họ. Ðiều đó phải được thể hiện trong lời tự bạch của họ. Mỗi nhân vật vừa phác họa ra chính chân dung của mình vừa chia sẻ với độc giả cái nhìn của họ về những người chung quanh. Tất cả phải diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Cuộc đời của các nhân vật trong truyện cũng như một phần lịch sử của Pháp và Việt Nam trong nửa thế kỷ vừa qua đã gắn liền với nhân vật chính. Tất cả được trải ra dưới mắt độc giả. Tôi đã đề cập tới đời sống ở miền Nam Việt Nam trước biến cố 1975, đến hành trình của một kẻ phải bỏ xứ ra đi.
Ðây là cuốn sách nói về số phận của những kẻ xa xứ. Ngay cả trong trường hợp của Lou, vợ của Văn. Cô là một người Pháp, sinh trưởng ở vùng Bretagne, nhưng đã sớm đến Paris lập nghiệp và Lou cảm thấy xa lạ với thế giới bao quanh ngay cả trên chính quê hương mình, tức là vùng Bretagne. Lou đến Paris cũng tương tự như Văn từ bỏ Việt Nam để nhận nước Pháp là quê hương thứ hai. Cả bốn nhân vật chính trong Sóng Ngầm đều bất lực trong việc thích nghi với thế giới bao quanh họ…”
Trả lời câu hỏi: Với nhân vật Văn, anh không phải là con lai nhưng lại được gần gũi và thấm nhuần văn hóa Pháp hơn là văn thơ Việt Nam. Anh cũng học trường Pháp và cũng sớm rời xa Việt Nam như chị. Người đọc có cảm tưởng là Văn là một phần thân thiết của chính bản thân chị. Có đúng vậy không? Linda Lê nói:
“Vâng, có một phần của tôi trong tất cả mọi nhân vật của Sóng Ngầm. Nhưng riêng đối với Văn, hắn như một người bạn chí thân của tôi, với có một chút gì đó lãng mạn và thơ mộng hơn. Tôi để nhân vật này sinh cùng năm với tôi. Cũng như Văn tôi lớn lên trong nền văn học Pháp, tôi học trường Pháp ở Sài Gòn và cũng giống như Văn tôi đã quên hầu hết tiếng mẹ đẻ. Nhưng khác với Văn tôi không sợ “Sóng Ngầm” khơi dậy trong lòng. Tôi không chôn vùi hay muốn quên hẳn những gì gắn bó với Việt Nam. Thực ra tôi nghĩ Văn cũng đã chờ đợi là một ngày nào đó, sợi chỉ đỏ giữa anh và quê hương được nối lại. Tôi cũng thế, tôi luôn sẵn sàng chờ đón những bất ngờ khi khám phá về vùng đất này”
Linda Lê sinh trưởng tại Ðà Lạt, định cư tại Pháp năm 1977 và hiện nay sinh sống tại Paris. Cha cô là một kỹ sư người Việt Nam gốc Bắc và mẹ cô mang quốc tịch Pháp. Lúc còn nhỏ cô sống với gia đình ở thành phố cao nguyên này nhưng đến năm 1969 thì di chuyển vào Sài Gòn vì ảnh hưởng chiến tranh. Cô đã mô tả lại những kinh nghiệm về chiến tranh trong bài viết ngắn “Les Pieds Nus”. Khi gia đình vào Sài Gòn, Linda Le học ở trường trung học Pháp. Ở đây, cô học văn chương Pháp với những văn hào như Victor Hugo, Honoré Balzac và đã ảnh hưởng rất sâu đậm phong cách viết của cô về sau này.
Năm 1977, sau khi Việt Cộng chiếm cả miền Nam, gia đình cô qua Pháp định cư với bà mẹ, ba chị em và bà ngoại tại Le Havre. Người cha thì ở lại Sài Gòn và hình ảnh người cha bị chết luôn luôn ám ảnh cô mãi về sau này và hiện diện trong những tác phẩm của cô. Ở thành phố Le Havre cô tiếp tục học ở lyceé nơi mà những giáo sư văn chương đã làm cho cô say mê và trân trọng Marcel Proust. Năm 1981, cô chuyển lên học ở Henri VI Lyceé ở Paris và sau học ở đại học Sorbonne.
Cô xuất bản tiểu thuyết đầu tay “Un si tendre vampire” vào năm 1987 khi cô vừa 23 tuổi. Sau đó là “Fuir” năm 1988 và “Solo” năm 1989. Trong thời gian này, cô làm việc trong vai trò của một editor của nhà xuất bản Hachette. Năm 1992, cô xuất bản “Les Evangiles du Crime” trước khi cô chuyển qua làm tại nhà xuất bản Christian Borgois.
Năm 1995, người cha của cô ở Việt Nam, người mà hơn hai chục năm không gặp mặt nhưng lại hiện diện luôn trong tâm tưởng của cô, từ trần. Ông dự định đi thăm con lần đầu tiên ở Pháp thì bị chết. Linda Lê về Việt Nam lần đầu tiên kể từ lúc ra đi năm 1977. Cái chết của người cha cũng tạo ra cho cô những chấn thương tinh thần đến độ sinh ra những hoang tưởng và những ảo giác tạo ra ý định tự tử khiến cô phải nằm bịnh viện một thời gian.
Vết thương tâm lý vì cái chết của người cha đã ảnh hưởng rõ ràng trong khi cô viết tiểu thuyết “Les Trois Parques” năm 1997, cuốn tiểu thuyết được coi như biểu hiện nỗi đau đớn của người con gái trước cái chết của người cha. Trong lời bạt của tiểu thuyết này kể về ba chị em sửa soạn chuyến viếng thăm Pháp của người cha / người cậu, Linda Lê đã viết về ba tháng sửa soạn ngu ngốc và bối rối của cô đến nỗi cô không thể đứng vững nổi nếu không có sự giúp đỡ của các bác sĩ và các người bạn. Tiểu thuyết “Les Trois Parques” được tiếp nối với tập truyện ngắn ‘Voix” với nhiều nhân vật là bệnh nhân kể chuyện về triệu chứng rối loạn tâm thần. Tiếp sau là “Lettre Mortes” cũng là tiếp tục đề tài của một người bị mất cha.
Trong một cuộc phỏng vấn của Catherine Argand, Linda Lê đã nói nhiều về tác phẩm của mình. Khi bị hỏi rằng “Lettres Mortes” có phải là cuốn chót của trường thiên ba cuốn và chấm dứt một vòng: “Vâng và tôi mở một vòng khác. Ðây là một cuốn truyện móc nối, nó khép lại những điều mà tôi xem như một bộ ba dành riêng cho cái chết của người cha, và về bệnh điên nảy sinh ra từ cái chết đó cho người kể chuyện lại. Tiểu thuyết “Les Trois Parques” tham khảo và quan sát sâu xa từ đề tài này, với nhiều chứng liệu cung cấp từ kho tàng văn chương văn hóa của con người. Còn với hai truyện kế tiếp, “Voix” và “Lettres Mortes” thì ngược lại là những chất liệu thô nhám với bố cục được phân chia thành những vụn vặt. Truyện đầu tiên có thể coi như một độc thoại…
Với ba cái nhìn qua ba tác phẩm tôi đã thử làm một cuộc thí nghiệm mà lúc khởi đầu tôi nghĩ khó thực hiện được: đạt được một tầm vóc được coi như là thông dụng phổ biến của nhiều người, không phải chỉ trong khuôn khổ tự truyện, và biến cái chết của người cha thành một cái chết có nhiều nét biểu tượng. Vì thế “Les Trois Parques” thuộc về thần thoại, “Voix” là của giấc mơ và “Lettres Mortes” là sử dụng ảo giác đến mức cao độ và tang chế không còn là riêng tư của một người nữa…
Tất cả những truyện trước của tôi đều là những tác phẩm của nguyền rủa, của tức giận. Trong mỗi tác phẩm, tôi kêu than, viết để dựng thành một bản văn buộc tội thế gian. Với “Voix” và cơn khủng hoảng mà tôi đã phải trải qua, sự nóng giận đã nguôi ngoai và nhường chỗ cho nỗi bình thản. Và như vậy, tôi có thể đi tìm kiếm cho mình một văn phong khác. Có thể tôi sẽ viết được những tác phẩm trong sáng hơn tuy cũng có lúc nghiêng xuống những bờ vực thẳm mà tôi muốn thám hiểm tìm kiếm. Nhưng có thể, với nhiều sắc thái đa diện hơn, dịu dàng hơn dù trong cả nỗi buồn phiền ..”
Linda Lê trong một cuộc phỏng vấn đã phát biểu: “Tôi chủ yếu đọc văn học Pháp nhưng cũng rất thích Truyện Kiều của Nguyễn Du và một nhà văn khác tôi cũng đọc nhiều và có ấn tượng là Nguyễn Huy Thiệp.
Giấc mơ của tôi là tạo nên một cái gì đó mang tính quốc tế trong văn học. Tôi luôn tìm cách tạo ra những tư tưởng liên kết các nhà văn và độc giả các nền văn hóa. Tôi chưa từng có ý định từ bỏ, từ chối gốc gác của mình. Trái lại, tôi luôn bị ám ảnh bởi chính điều đó, luôn cảm thấy mình là một người ngoại quốc đến viết ở Pháp. Lưu vong nhưng tính Việt trong con người tôi, tác phẩm tôi luôn hiện hữu.
Lựa chọn tiếng Pháp làm ngôn ngữ viết là một chọn lựa cố ý. Tôi học trường Pháp từ năm 4 tuổi và đọc Vitor Hugo từ lúc thiếu thời. Viết bằng tiếng Pháp nhưng tôi lại viết về nhiều nơi khác chứ không phải chỉ riêng nước Pháp.
Tôi đọc văn học của nhiều nước trên thế giới. Mối quan hệ với Việt Nam của tôi chủ yếu trên phương diện gia đình, nhất là các chị gái. Các chị cũng chính là cầu nối để tôi hiểu hơn về văn hóa VN, văn học VN. Tuy nhiên khi viết, tôi thấy trong tôi có hai tâm hồn: Phương Ðông và phương Tây. Tôi muốn viết tự truyện nhưng lại luôn viết về những hư cấu. Khi viết tiểu thuyết tôi biến thành một người khác. Sự phản bội bản thân khi viết với những ám ảnh về VN luôn thấp thoáng trong những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của tôi.
Mỗi tác phẩm văn học thực thụ không đơn thuần chỉ để giải trí. Ðó là một quá trình “ủ bệnh” trong bóng tối. Một nhà văn đồng thời cũng là một người nổi loạn. Vì thế công việc viết văn, theo tôi là một công việc mang tính nhân bản. Nhiều người hỏi tôi liệu cách chọn cách đứng một mình để quan sát có cảm thấy lạc lõng không. Tôi cảm thấy sự khác biệt giữa hai khái niệm cô lập và cô đơn. Tôi là một người cô đơn khi viết văn và luôn cố tình nuôi dưỡng sự cô đơn ấy…”
Tiểu thuyết “Les Evangiles du Crime “ xuất bản năm 1992 được rất nhiều khen tặng. Rồi tiếp theo là “ Calomnies” rồi “ Les Dits d’un Idiot” và sau là những”Contes de L’amour Bifrons”, “Complexe De Caliban.”, “Les Aubes”, “ Autres jeux avec le Feu”, ‘ Tu Eùciras sur le Bonheur,” In Memoriam”…
Cô đã nhận được nhiều giải thưởng. Như Prix de la Vocation năm 1990, Prix Renaissance de la Nouvelle năm 1993, Prix Fénéon năm 1997, Prix Wepler năm 2010. Hai giải lớn là Prix Femina năm 2007 và Grand Prix do Hàn lâm Viện Pháp trao tặng.
Giải Wepler được trao tặng cho tác phẩm “Cronos” đề cập đến một thành phố đang sống trong khủng bố sợ hãi dưới ách thống trị của hai kẻ chuyên chế. Ðể cứu cha mình, con gái của một nhà thiên văn học phải bị bắt buộc kết hôn với một trong hai kẻ độc tài chuyên chế này. Khi biết mình sắp làm mẹ, cô từ chức đi theo những người đối lập và mưu việc chống lại chế độ. Với cuốn sách mới xuất bản viết về tấn bi kịch của một nền chuyên chính này, Linda Lê đã biểu hiện một trạng thái hoang dã. Bản chất mạnh mẽ khốc liệt lâu nay bị kềm hãm trong tác phẩm không hề biểu lộ trong giọng nói luôn luôn hiền dịu thì thầm của cô: “Tôi luôn có cảm giác rã rời và nổi loạn khi theo dõi thời sự. Ðôi lúc tôi gần như cảm thấy ngã ngửa vì giật mình đến mức tôi không thể đọc báo được nữa, không nghe đài được nữa… Tôi chỉ biết chiến đấu bằng cây bút. Có thể đến một lúc nào đó thời thế sẽ phải bắt buộc tôi phản ứng khác đi.nhưng ngay trong lúc này, bây giờ, trong xã hội mà tôi đang sống, vũ khí duy nhất của tôi vẫn là cây bút..”
Khi được hỏi về cuốn sách mới này có phải là một cuốn tiểu thuyết dữ dội nhất của cô không thì cô trả lời:
“Lạ thay, một số các tác phẩm rất dữ dội đối với tôi lúc viết, nhưng ở cuốn sách này thì không. Tôi đã viết và dệt nên nó bằng lòng kiên nhẫn của nàng Pénélope, bình thản, hết ngày này qua ngày kia, cảm thấy mình sáng suốt hơn bình thường. Ðiều khiến tôi bất ngờ là tôi đã thay đổi phương cách dùng từ ngữ, với những nhân vật sử dụng từ ngữ vô cùng suồng sã gần như là tục tĩu. Tôi đã rất thích thú khi làm cho bộ trưởng Nội Vụ nói chuyện, tìm những lời lẽ thể hiện hết toàn bộ cá tính dung tục của nhân vật mà không phải mô tả trực tiếp tính cách đó.”
Khi được hỏi về chủ đề hai mặt luôn luôn ám ảnh trong tác phẩm của mình, Linda Lê nói:
“Phải tôi cảm thấy mình có tính hai mặt rất mạnh, thậm chí còn nhiều mặt nữa và phần lớn thời gian như bị nhập đồng bởi những hồn ma. Dần dần khi đã hoàn tất xong những cuốn sách, tôi cảm thấy mình phong phú hơn khi nghĩ đến các nhân vật đã phần nào bước ra khỏi bóng tối, nhờ những điều tôi viết. Trước hết là về cha tôi, người mà tôi luôn luôn bầy tỏ lòng kính trọng. Ông có lúc từng muốn làm họa sĩ và ông đã phải từ bỏ ý định đó khi lập gia đình. Cha tôi từng là mẫu người khuôn mẫu lý tưởng của tôi và các chị em tôi luôn đùa cợt rằng tôi là đệ tử ruột của ông. Lúc tôi đến sống ở Pháp và viết thư cho ông khi ấy còn ở Việt Nam, cha tôi đã hồi âm rằng ông rất tin tưởng nơi tôi và ông không biết tôi sẽ làm được những gì, nhưng tôi phải thử làm một điều gì đó gây thật bất ngờ cho ông. Chính cha tôi là người khích lệ tôi làm công việc bất ngờ. Làm một nhà văn…”
Một câu hỏi khác về nhân vật nữ của Cronos nói về sự thất thế của cha mình khi côấy nói: “Xưa kia, chính ông ấy nắm giữ chìa khóa kiến thức, từ nay chính tôi có trách nhiệm tinh thần”. Như vậy, Linda Lê cũng có cảm giác về trách nhiệm tinh thần không? Cô trả lời: “Có thể hơi tự phụ, nhưng tôi thấy mình có nhiệm vụ đón nhận những mảnh đời đã bị chìm đắm cho dù chính con thuyền của tôi không phải lúc nào cũng vững chãi. Tôi luôn luôn hy vọng làm sống lại những người tôi đã từng gặp trên đường đời và đã có ảnh hưởng đối với tôi. Làm tác giả, chính là làm phát ngôn viên cho những người đã mất. Tôi có nghĩa vụ tinh thần là tỏ lòng tôn kính những ai đã ủng hộ giúp đỡ trong suốt cuộc đời mình. Từ những tác giả mà tôi đã đọc cho đến những người bạn thân nhất. Chẳng hạn trong tiểu luận mới nhất của mình “Au fond de l’inconnu pour trouver du nouveau (đến tận cùng cái chưa biết để tìm kiếm sự mới mẻ) tôi đã nhất thiết phải có một lời với Christian Bourgois – người xuất bản các tác phẩm của tôi. Ông như một người cha đỡ đầu của tôi. Từ khi ông mất, mỗi lần đến nhà xuất bản Bourgois, tôi luôn luôn có những giây phút tưởng niệm nồng hậu dành cho ông. Tôi xác định ngày tôi khai sinh cuộc đời văn chương là nhờ có ông. Ông đã làm tôi sinh ra từ chính con người mình. Ông còn che chở bảo bọc tôi nữa, ông che chở để chống lại chính tôi. Ông đã biết kiên nhẫn chờ đợi tôi trong thời gian lý trí tôi lung lay hoặc những lúc tôi khó nắm bắt thực tại. Cả ông và Dominique, vợ ông đã giúp đỡ ủng hộ tôi rất nhiều.
Giai đoạn lý trí lung lay để lại dấu vết gì nơi tôi? Lúc rơi xuống cái giếng không đáy là một thời điểm chẳng thể sinh đẻ được gì ngoài sự hoài nghi về thế gian khiến ta không thể hành động hoặc suy tưởng một cách thoải mái bình thường. Tôi đã trải qua những thời kỳ này, khi tôi rất yếu ớt giống như mất hết cả ý niệm về cuộc sống thực tại. Ðiều này mang lại hậu quả gì cho tôi? Tôi nghĩ không. Nó đã xảy ra mà tôi không hề hay biết và tôi đã không thể viết được bất cứ gì. Có thể đôi lúc phải cần phải biết rõ vực thẳm thì mới có thể tìm ra một chút ít ánh sáng. Chỉ có khi lý trí chiến thắng tôi mới có thể viết lại được. Sự đau đớn này có thể liên quan đến tình trạng căng thẳng quá độ. Lúc ấy trong tôi là tình trạng hứng khởi một cách bệnh hoạn. Tôi luôn e sợ những giai đoạn này tái xuất hiện, bởi đó là lúc tôi không còn làm chủ được chính mình nữa. Mà tôi nghĩ điều cốt yếu nhất là phải làm chủ được bản thân và luôn luôn viết theo phong cách thật sáng sủa chính xác về những điều gì mình diễn tả.”
Có một nhận xét về văn phong Linda Lê: “Văn bản chằng chịt phức tạp và luôn luôn căng thẳng cực độ của nhà văn nữ Pháp gốc Việt dường như lúc nào cũng trực chỉ hai điều: cuộc sống này thật điên rồ và cách thể hiện sự điên rồ ấy nên thông qua các ngụ ngôn chính trị. Chính trị trong tác phẩm của Linda Lê không nằm ở phân tích chính sách xã hội hay phê phán các nhà chính trị mà là thứ đổ ụp xuống đầu mỗi cá thể, toàn diện, không có loại trừ, không thể chống đỡ, một thân phận mà con người phải chịu đựng, không bao giờ tách rời được khỏi điều kiện chính trị. Nhưng ở mức độ nền tảng hơn cả, hai chủ đề chưa bao giờ thôi ám ảnh tiểu thuyết, truyện ngắn và cả tiểu luận của Linda Lê, thường xuyên xuất hiện mạnh mẽ và tràn ngập chi phối mọi chủ đề khác là: viết và chết…”
Nguyễn Mạnh Trinh
Nguồn: Tác giả gửi