Ảnh tư liệu : Công nhân Liên Xô mừng lễ Quốc tế Lao động tại Quảng trường Đỏ, Matxcơva ngày 01/5/1986. AP - BORIS YURCHENKO
Ba mươi năm sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Vladimir Putin vẫn mơ làm sống lại bóng ma xưa cũ. Tuy nhiên theo nhà địa chính trị học Cyrille Bret, Nga không có được nguồn lực như thời Liên Xô cũ, và đang bị Trung Quốc lấn lướt.
Bóng ma Liên Xô khó thể quay lại
Cũng về nước Nga, nhà địa chính trị học Cyrille Bret đặt câu hỏi trên Les Echos « Liên Xô sẽ quay lại chăng ? ». Ba mươi năm sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Vladimir Putin vẫn mơ làm dựng dậy bóng ma xưa cũ.
Đưa quân sang Kazakhstan ngay đầu năm 2022, can thiệp vào xung đột Armenia-Azerbaidjan năm 2021, tái lập liên minh với Belarus năm 2020, tấn công Ukraina từ 2014…Liên bang Nga lại đầu tư vào quân sự, kinh tế tại nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Tình trạng căng thẳng được Nga duy trì khắp nơi : Baltic, Hắc Hải, Kapkaz…Tuy nhiên theo tác giả, Liên Xô không thể hồi sinh.
Trước hết, Liên bang Nga không có nguồn lực kinh tế, quân sự và chính trị như Liên bang Xô viết. Hoàn toàn lệ thuộc vào xuất khẩu dầu khí, khoáng vật và công nghệ quân sự, Nga không nắm được vận mệnh kinh tế của mình, dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc giá cả và trừng phạt. Dân số giảm làm tăng trưởng đi xuống, và quản lý nhà nước khiến khu vực tư nhân bị trói tay.
Nga không còn khả năng phố biến ý thức hệ như Liên Xô cũ. Nói cách khác, không có Mác Lênin, kinh tế kế hoạch hóa và phi thực dân hóa, Nga không thể nói chuyện với thế giới như hồi thập niên 60,70. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang chen vào sân sau của Nga với Con đường tơ lụa mới, lấn lướt với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và sự hiện diện cùng khắp về thương mại.
Từ con ngựa thành Troie đến chiến tranh phức hợp thời nay
Về mặt lịch sử, tác giả Marc Semo trên Le Monde nhận định, khi khởi động và duy trì những cuộc xung đột bất đối xứng, ở mức độ kém dữ dội trong đó quân đội không còn độc quyền, nước Nga của Vladimir Putin và Trung Quốc của Tập Cận Bình là những cường quốc đầu tiên sử dụng lại lý thuyết có từ thời cổ đại.
Chuyên gia Thomas Gomart của IFRI cho biết khái niệm « guerre hybride », tạm dịch « chiến tranh phức hợp », giúp định nghĩa các cuộc xung đột hiện nay - đang bao gồm cả đe dọa từ phía các Nhà nước sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hoạt động phối hợp giữa lực lượng đặc biệt và lính đánh thuê, và thủ đoạn bóp méo thông tin.
Kiểu chiến tranh này trộn lẫn các hoạt động quân sự với phi quân sự, trực tiếp và gián tiếp, luôn giữ dưới ngưỡng có thể bị trả đũa hay khởi phát chiến tranh. Sau khi dân chúng Ukraina nổi dậy lật đổ chế độ thân Nga, Matxcơva đã chiếm Crimée năm 2014 với lực lượng đặc biệt không quân hàm quân hiệu, được mệnh danh là « những người áo xanh », và giựt dây cho quân ly khai miền đông bằng các quân nhân mặc thường phục.
Với « chiến tranh phức hợp », không cần thiết phải vũ trang. Chẳng hạn chế độ Belarus mở cửa thậm chí đưa đường cho hàng ngàn di dân vượt biên để gây áp lực lên châu Âu. Tung tin giả, tấn công tin học, dự báo kinh tế giả mạo…cũng là những dạng đối đầu mới, trong đó không phân biệt giữa lính chính quy và chiến binh nghiệp dư.
Thật ra chỉ có dạng thức là thay đổi, chứ xưa nay thủ đoạn, tuyên truyền, lừa dối vẫn được người xưa sử dụng, như câu chuyện Con ngựa thành Troie, hay « bất chiến tự nhiên thành » trong binh pháp Tôn Tử. Thế nên tướng Thierry Burkhard, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp muốn chuẩn bị để « chiến thắng trước khi xảy ra chiến tranh », một cuộc chiến diễn ra không chỉ trên chiến địa mà cả trong ngoại giao, tin học, không gian, kinh tế và luật pháp.
Theo RFI