Ảnh minh họa : Tổng thống Vladimir Putin tại Ural (Nga) ngày 03/10/2016. AP - Alexei Druzhinin
Cách đây hơn 30 năm, khối xô-viết sụp đổ như một lâu đài bằng giấy trong sự vui mừng của mọi người. Không có giọt máu nào phải đổ ra, trừ việc vợ chồng Ceaucescu bị xử tử ở Rumani. Ông Mikhail Gorbatchev từ chối dùng vũ lực chống lại những tiến trình dân chủ đang diễn ra. Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô có trái tim biết cảm thông, nhưng đó không phải là trường hợp của các lãnh đạo Belarus và Kazakhstan ngày nay. Để giữ ghế, họ không ngần ngại dùng đến những biện pháp thô bạo nhất, nhất là đã yên tâm có sự hỗ trợ tích cực của nhà bảo trợ Vladimir Putin.
Sau khi bị bất ngờ bởi các cuộc cách mạng màu như ở Ukraina năm 2014, Nga chừng như quyết tâm chống lại những phong trào phản kháng. Cùng với việc bảo vệ chính quyền Belarus và Kazakhstan chống lại ý nguyện của người dân hai nước này, Matxcơva còn phản đối quyền của Ukraina được tự do chọn lựa vận mệnh. Phải chăng tham vọng của Putin là viết lại lịch sử hậu chiến tranh lạnh ở châu Âu, lợi dụng một tương quan lực lượng thuận lợi hơn so với cách đây 30 năm ?
Với việc can thiệp vào Kazakhstan, Nga tự cho mình cái quyền tuyệt đối về định mệnh chính trị của các chư hầu cũ, thông qua Hiệp ước An ninh Tập thể gồm sáu nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Vẫn còn quá sớm để biết được những gì đã thực sự diễn ra tại Kazakhstan, ngoài con số ít nhất 225 người chết và 8.000 người bị bắt. Có phải như chính quyền đương nhiệm nói, là âm mưu đảo chính từ bên ngoài, cộng với phong trào phản kháng của dân chúng, trong một đất nước tham nhũng và bất bình đẳng sâu sắc ?
Putin nhân cơ hội này đã biểu dương lực lượng, đưa hơn 2.000 quân vào Kazakhstan để dằn mặt Ukraina và phương Tây. « Các vị đe dọa trừng phạt kinh tế, tìm kiếm lối thoát ngoại giao, nhưng các xe tăng của tôi đã vào vị trí ». Tự tin vào dân tộc chủ nghĩa, Putin cảm thấy bất khả xâm phạm, trước một Hoa Kỳ với nền dân chủ đang yếu đi và một châu Âu mờ nhạt. Tuy nhiên theo Les Echos, tất cả không phải đều là màu hồng cho Vladimir Putin. Những lý do thúc đẩy người dân Kazakhstan xuống đường vẫn còn đó, Belarus cũng tương tự. Chế độ có thể bịt miệng họ, nhưng được bao lâu ?
Khi hỗ trợ những chế độ độc tài bất nhân, Nga nhận lấy rủi ro cho tương lai ; và những khiêu khích của Matxcơva đã đẩy người dân Ukraina về phía phương Tây. Hãy thử hình dung những hình ảnh chiến tranh ở Ukraina cộng với đại dịch bùng phát kể cả ở kẻ đi xâm lăng, liệu có tốt đẹp cho Putin ? Theo thăm dò mới nhất của Viện Levada, chỉ có 32% người Nga muốn coi nước mình là « đại cường được tôn trọng và lo sợ trên thế giới ». Trong giấc mơ vĩ cuồng, Putin có thể đơn độc hơn là ông ta tưởng.
Theo RFI