Áp phích của phim Along the sea tranh giải Liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul 2022. © Festival de Vesoul
Tại Liên hoan Điện ảnh Châu Á ở thành phố Vesoul, Pháp, tối qua, 07/02/2022, bộ phim cuối cùng trong danh sách tranh giải chính thức đã được trình chiếu, đó là bộ phim Along the sea ( Vùng biển ) của đạo diễn Nhật Bản Akio Fujimoto, một bộ phim hợp tác Việt-Nhật đã gây xúc động mạnh tại Festival vì phản ánh rất trung thực số phận đầy khó khăn, cay nghiệt của những lao động nữ Việt Nam trên đất Nhật.
Từ Vesoul, đặc phái viên Thanh Phương tường trình:
Đây là bộ phim thứ hai của Fujimoto nói về những người lao động nhập cư ở Nhật Bản, sau bộ phim đầu tiên ( Passage of life ) nói về một gia đình Miến Điện trong quá trình xin quy chế tị nạn ở Nhật. "Along the sea" cũng mang đậm nét tài liệu chân thực như phim đầu.
Phương ( Hoàng Phương), Như ( Quỳnh Như ) và An ( Hoàng Tuyết Anh ), 3 nữ Việt Nam lao động Việt Nam, đã quyết định bỏ trốn sau mấy tháng trời bị chủ bóc lột, chèn ép, phải làm việc đến 15 tiếng/ngày, mà mà lương thì quá thấp không đủ sống, chưa kể đến chuyện bị tước hộ chiếu ngay khi vừa đến Nhật.
Qua trung gian của một đồng hương, ba cô gái tuổi đôi mươi đến làm công việc phân loại và bỏ cá vào thùng cho một tàu cá ở vùng biển tuyết phủ đầy ở miền bắc Nhật Bản. Tuy phải sống tạm bợ trong một nhà kho và công việc cũng khá nặng nhọc, họ cảm thấy đỡ hơn so với trước đây và nhất là có dư chút tiền để gởi về cho gia đình trong nước.
Nhưng riêng Phương ngày càng đuối sức do thường bị đau bụng và cuối cùng mới thú nhận với hai bạn là cô đang mang thai, kết quả của một mối tình trước khi sang Nhật. Vấn đề là không còn giấy tờ tùy thân, Phương không thể đi khám thai, nên buộc phải bỏ ra rất nhiều tiền để làm thẻ bảo hiểm giả và thẻ căn cước giả. Nhưng rồi những giấy tờ giả đó cũng không thể sử dụng được lâu và cuối cùng Phương đành phải nuốt nước mắt uống thuốc để phá cái bào thai trong bụng, vì nếu giữ lại cái thai đó, gần như chắc chắn cô sẽ bị gởi trả về Việt Nam, đồng nghĩa với việc mất đi một nguồn tài chính cần thiết cho gia đình.
Trong phim Along the sea, các camera hầu như liên tục bám sát các nhân vật chính, gần như đưa khán giả nhập vai với họ, qua nhiều cận cảnh. Bộ phim càng sinh động ở chổ phần lớn các câu thoại là tiếng Việt giữa ba lao động nữ, trừ một vài lúc họ phải trao đổi với người Nhật. Và để cho các diễn viên dồn hết cảm xúc cá nhân vào vai diễn, đạo diễn đã dùng tên của họ để đặt cho các nhân vật. Để tái hiện chính xác tình cảnh của họ, ê-kíp đạo diễn Fujimoto đã tiếp xúc với nhiều người thật và tìm hiểu về những việc thật, thậm chí tìm hiểu cặn kẽ hoạt động của những môi giới lao động, môi giới làm giấy tờ giả.
Đây là lần đầu tiên, thông qua điện ảnh, khán giả Pháp biết được phần nào tình cảnh của những người lâm vào cảnh sống bất hợp pháp tại Nhật. Sau buổi chiếu, nhà sản xuất phim Watanabe Kazutaka ( thay mặt đạo diễn Fujimoto không thể đến Vesoul do trong gia đình có người bị nhiễm Covid, nên trở thành F1 ) đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi của cử tọa khá đông hôm qua. Theo ông Watanabe, bộ phim Along the sea cũng đã có nhiều tác động đến dư luận Nhật, mà cho tới nay ít quan tâm đến số phận của những người lao động nhập cư.
Theo RFI