logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 09/04/2022 lúc 02:30:39(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
UserPostedImage
A completed resolution vote tally to affirm the suspension of the Russian Federation from the United Nations Human Rights Council is displayed during a meeting of the United Nations General Assembly, Thursday, April 7, 2022, at United Nations headquarters. AP - John Minchillo

Sau khi Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống ở Ukraina, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm qua 07/04/2022 đã bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội Đồng Nhân Quyền. Theo trang thông tin Liên Hiệp Quốc, có 93 quốc gia bỏ phiếu thuận, 58 nước bỏ phiếu trắng và 24 quốc gia bỏ phiếu chống, trong đó có Nga, Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Iran, Syria và Việt Nam.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :
Một biện pháp bất hợp pháp và chính trị hóa sẽ không ngăn cản được Nga thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ nhân quyền. Đó là tuyên bố của Gennady Kuzmin, phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố sau khi Đại Hội Đồng thông qua quyết định đình chỉ Nga. Đại diện Nga cũng tố cáo sự thắng thế về cách tiếp cận nhân quyền theo kiểu Mỹ và thực dân.
Ngay sau khi quyết định đình chỉ Nga được thông qua, Matxcơva đã ngay lập tức quyết định rút ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền. Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, việc đình chỉ này làm suy yếu tính phổ quát của tổ chức. Maria Zakharova cũng cho rằng việc đình chỉ Nga là một phần của chiến dịch chống Nga cho phép các nước phương Tây thiết lập quyền kiểm soát của họ đối với lĩnh vực nhân quyền.
Trên thực tế, việc đình chỉ này có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Nga. Với tư cách là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, nước này vẫn giữ được các phương tiện phát tán những thông điệp của mình trong nội bộ Liên Hiệp Quốc, và theo thượng nghị sĩ Konstantin Dolgov, việc đình chỉ này sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của Nga về Ukraina.
Vẫn về thảm sát ở Ukraina, hôm qua người đứng đầu Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã xác nhận có hơn 100 cuộc tấn công do quân đội Nga tiến hành nhắm vào các dịch vụ y tế ở Ukraina. WHO kêu gọi quân đội Nga cho phép tổ chức này vào Mariupol vốn bị Nga bao vây, để tiến hành các công tác nhân đạo.
Theo RFI
phai  
#2 Đã gửi : 09/04/2022 lúc 02:34:56(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Việt Nam “tự bắn vào chân mình” với lá phiếu chống tại Liên Hiệp Quốc

UserPostedImage
Reuters/RFA edited

Chuyên gia cho rằng với lá phiếu chống lại nghị quyết trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tự bắn vào chân mình.

Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 7 tháng 4 thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền đối với Nga, nhằm phản ứng lại các báo cáo gần đây về việc lính Nga thực hiện các cuộc thảm sát dân thường ở Ukraine.  
Điều đáng chú ý là Việt Nam cùng với Trung Quốc, Bắc Hàn... nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, dù trước đó quốc gia Cộng Sản đã hai lần bỏ phiếu trắng nhằm thể hiện sự trung lập trong vấn đề Nga-Ukraine. 
Theo chuyên gia thì với lá phiếu này, Việt Nam đã tự làm khó mình trong việc kêu gọi sự ủng hộ từ các nước Phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang tranh cử để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.  
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, giáo sư Carlyle Thayer từ trường đại học New South Wales, nước Úc, cho biết quan điểm của ông về sự kiện này: 
“Tôi có thể nói rằng Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế của mình trên trường quốc tế, vì là một nhân tố quan trọng, nhưng nay bất cứ quốc gia nào phản đối hành vi của Nga thì cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam. 
Việt Nam đã từng rất thành công trong việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hai lần, và được khối các nước châu Á đồng thuận ủng hộ, nhưng bây giờ thì e rằng sự thuận lợi đó sẽ không còn nữa. 
Và nếu Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như lần này thì họ sẽ mất thêm sự ủng hộ, bởi vì Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng, và họ sẽ ủng hộ nước khác thay vì Việt Nam, hay nói cách khác, tại sao họ phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam về phe Nga.”
Theo vị giáo sư này thì đáng nhẽ ra Việt Nam nên tiếp tục bỏ phiếu trắng, nhưng ông cũng cho rằng có thể lá phiếu chống lần này nhằm thể hiện nguyên tắc của Việt Nam trong việc ủng hộ các nỗ lực đối thoại, thay vì cô lập. 
Ngoài ra thì có lẽ chính quyền Việt Nam cũng sợ tạo ra tiền lệ và chính mình sẽ rơi vào hoàn cảnh của Nga sau này. 
Trước cuộc bỏ phiếu cho nghị quyết loại Nga, nước này đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một "cử chỉ không thân thiện" và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương.
Hệ luỵ của lá phiếu chống lần này vượt ra khỏi khuôn khổ của việc chạy đua vào Hội đồng Nhân quyền, theo vị giáo sư người Úc:
“Tôi cho rằng trong hoàn cảnh này thì không lãnh đạo cấp cao nào của Việt Nam có thể thực hiện một chuyến đi đến Châu Âu, dù là vì vấn đề thương mại hay gì đi nữa, bởi vì chuyện này sẽ được lôi ra, nếu không bởi một thành viên của nghị viện Châu Âu thì cũng bởi một nước nào đó. Với hành động lần này Việt Nam đã khiến mình bị sơ hở rất nghiêm trọng.”
Đường lối đối ngọai của Việt Nam trước giờ được cho là duy trì mối quan hệ chiến lược với tất cả các nước lớn, để tạo ra một môi trường đa cực, nhằm tránh bị ảnh hưởng quá nhiều bởi một bên nào. 
Nhưng giáo sư Carlyle Thayer cho rằng môi trường quốc tế hiện nay đang khiến Việt Nam không thể tiếp tục đường lối ngoại giao đu dây nữa, vì sự chia rẽ giữa các nước lớn đang ngày càng trở nên sâu sắc. 
Và ông cũng cho rằng Việt Nam không nên trông chờ gì vào nước Nga, bởi nước này giờ đây giống như chất độc phóng xạ - thứ không nên dính vào. 
“Quan điểm của tôi là trong những năm sắp tới thì nước Nga sẽ không bao giờ có thể đóng vai trò gì đáng kể đối với Việt Nam. 
Ngày nào mà Putin còn nắm quyền thì Nga sẽ còn suy yếu về mặt kinh tế và bị cô lập. 
Nước này giờ đây giống như như chất độc phóng xạ, nếu ta chạm vào thì sẽ bị bệnh. Và đây sẽ là vấn đề rất lớn vì Việt Nam với Nga có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.”
Tuy bỏ phiếu chống cho nghị quyết được Mỹ đề cử, nhưng trước đó ông Đặng Hoàng Giang - Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc lên án về các báo cáo cho rằng, đã có thảm sát thường dân tại Ukraine, và yêu cầu cần có cuộc điều tra minh bạch với sự tham gia của các bên liên quan.


Theo RFA
UserPostedImage
Civilian
Việt Nam luôn tuyên bố là không chọn phe nhưng lần này Việt Nam bỏ phiếu chống các quốc gia dân chủ để đứng hẳn về phía Nga, Tầu thì rõ ràng là đã chọn phe.

Duy Hữu, USA
Trống nhân dân Việt Nam đánh xuôi, kèn đảng viên Việt Cộng thổi ngược,
ngược đời, ngược lý, ngược nhân tâm, ngược cả nhân quyền, ngược cả quyền dân,
độc quyền... bỏ phiếu chống... độc quyền... chống nhân quyền... độc diễn... ngu, tham, hèn, ác, láo.

HO trọc đầu
Đa số phù thịnh, Việt Nam phù suy, lá phiếu đó đại diện cho đảng CSVN không đại diện cho dân, họ chưa làm gì nhiều để cải thiện nhân quyền cho Việt Nam, họ ủng hộ Nga tức tức là ủng hộ tội ác.

Minh Râu
Cứ mỗi lần có dịp bỏ phiếu như thế này thì người ta được cơ hội để nhận biết rõ ai là ai, kẻ nào là chính, tên nào là tà. Nếu trong hóa học, người ta có phép thử để nhận biết và phân biệt acid với kiềm, thì LHQ cũng có phép thử để phân định chính tà trong đám bậu sậu của thế giới, đó là việc bỏ phiếu.

Tự nó, lá phiếu sẽ vạch rõ bộ mặt của từng tên trên thế giới.

VN ta xưa nay luôn tự hào đứng về phe tà đạo , ma giáo cho phù hợp với đặc tính cộng sản của mình

Tiêu Cà Mau
Ngày nào mà Putin còn nắm quyền thì Nga sẽ còn suy yếu về mặt kinh tế và bị cô lập.

Cho thấy lãnh đạo Việt Nam chỉ là những tên tay sai đắc lực cuả Nga, nên mới bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.

Anonymous
Quỷ dữ VC búa liềm đã hiện nguyên hình lừa, láo, tham, giết, cướp. Ác với dân, hèn nhát với Nga và Trung Cộng.
Chỉ có loài quỷ, yêu không có tánh người mới tán thành sự xâm lược Ukraine của Nga.
Đuổi loài cặn bã của xã hội loài người ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Vứt luôn bè lũ vô dụng vào sọt rác.
phai  
#3 Đã gửi : 09/04/2022 lúc 02:36:50(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Báo Nhà nước không đưa tin vụ VN bỏ phiếu chống nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền

UserPostedImage
Bảng kết quả bỏ phiếu thông qua Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ ở New York hôm 7/4/2022. AFP

Việt Nam là một trong số 24 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền vì gây ra cuộc chiến tranh ở Ukraine, tuy nhiên khi tường thuật về vụ việc này các tờ báo nhà nước đã không hề đề cập gì đến lá phiếu này của Việt Nam.
Quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo cùng với các nước như Trung Quốc, Lào, Cuba, Bắc Hàn, Nga, Iran... bỏ phiếu chống, tuy nhiên với kết quả 93 phiếu ủng hộ nghị quyết, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng thì Đại hội đồng LHQ đã nhất trí đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền do chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Trước cuộc bỏ phiếu, Nga đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một "cử chỉ không thân thiện" và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương. Chính Việt Nam đã hai lần bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết chống Nga.
Một lần nữa, báo chí do Nhà nước Việt Nam kiểm soát khi đưa tin về vụ việc bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng nhân quyền không hề đề cập gì đến là phiếu của nước nhà, điều mà bạn đọc quan tâm.
Chỉ có duy nhất trang Vietnamplus (TTXVN) đưa tin dẫn lời của ông Đặng Hoàng Giang - Đại sứ Việt Nam tại LHQ phát biểu trong cuộc họp của hội đồng rằng, Việt Nam quan ngại trước ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine đối với người dân và thông tin về việc nhiều dân thường bị thiệt mạng trong những ngày qua.
Nước này "phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đồng thời cho rằng cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan."
Việt Nam thời gian qua rầm rộ công bố thông tin về việc sẽ ứng cử vào chức Chủ tịch Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, cho rằng việc này đã thể hiện mong muốn của Hà Nội trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Sau khi có kết quả bỏ phiếu, đại diện Nga tuyên bố quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2021 - 2023, và gọi đây là "bước đi phi pháp và mang động cơ chính trị nhằm trừng phạt một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ vốn theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập”.

Theo RFA
phai  
#4 Đã gửi : 09/04/2022 lúc 02:43:04(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Vì sao báo nhà nước không đưa tin VN bỏ phiếu chống loại Nga khỏi HĐNQ?

UserPostedImage
Bảng kết quả bỏ phiếu thông qua Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ ở New York hôm 7/4/2022. REUTERS

Vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam nằm trong số những nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi HĐNQ.
Tuy nhiên các tờ báo trong nước trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2022, khi tường thuật về vụ việc này đã không hề đề cập gì đến lá phiếu chống của Việt Nam.
Trao đổi với RFA hôm 8/4, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, cho biết ý kiến của mình:
“Nga xâm lược Ukraine như thế, rồi bắn giết dân thường ở Bucha... vì vậy khi VN chống trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền là việc không đúng đắn và bất lợi cho đất nước. Bản thân VN cũng nhận thức được việc đó, nhưng tình thế phải làm để giữ quan hệ với Nga... cho nên không dám công khai việc đó với dân, nhưng những người hiểu biết thì người ta biết thừa VN bỏ phiếu như thế nào? Tôi cũng đọc báo Nhà nước thì thấy chỉ đăng quan điểm của VN tại cuộc họp đấy. Nhưng quan điểm từ trước đến nay cứ nói một đằng nhưng bỏ phiếu thì một nẻo, nên ngại. Quan điểm lên án như thế nhưng bỏ phiếu ngược lại nên không cho đăng báo.”
Mọi khi họ làm cái gì đều khoe ra, bây giờ họ giấu đi, chắc họ ngại nếu đưa ra thì trái với ý muốn của người dân, đều ghét quân Nga xâm lược. Dư luận người dân là như thế nên đưa ra cái đấy là bất lợi cho họ.
-Bác sĩ Đinh Đức Long

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có tiếng Anh là United Nations Human Rights Council, là một tổ chức liên chính phủ trực thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, có sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Đây là tổ chức nhân quyền lớn nhất thế giới mà Nga đang tham gia cho nhiệm kỳ 2021-2023.
Đây cũng là lần thứ ba Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Hai nghị quyết trước mà Việt Nam đều đã bỏ phiếu trắng là lên án và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai khi nói với RFA từ Hà Nội hôm 8/4 cho rằng, Việt Nam không cho đăng tin vì muốn che giấu cái xấu của mình:
“Đây là một trò xảo quyệt, để mà che giấu cái xấu của mình đi. Và cũng để ngỏ một cái ý rằng ‘thật lòng tôi không muốn như thế’... nhưng vì một mối quan hệ như thế nào, nên buộc phải làm như vậy, nhưng tôi không đưa tin... Đấy là cách của cái đám xảo quyệt, nhưng mà không che đậy được. Bởi vì bàn tay không thể che đậy mặt trời, đó là thái độ không đàng hoàng, không đúng và nó không chính nhân quân tử. Cái xấu mà thế giới người ta lên án, mà rõ ràng là nó xấu rồi, nó độc ác rồi... mà cũng không dám lên tiếng.”
Trước cuộc bỏ phiếu ngày 7/4/2022, Nga đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một ‘cử chỉ không thân thiện’ và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương. Có lẽ vì vậy, báo chí quốc nội do Nhà nước Việt Nam kiểm soát khi đưa tin về vụ việc đã không hề đề cập đến là phiếu của nước nhà. Chỉ có duy nhất trang Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam đưa tin dẫn lời của ông Đặng Hoàng Giang - Đại sứ Việt Nam tại LHQ phát biểu rằng, Việt Nam quan ngại trước ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine đối với người dân.
UserPostedImage
Hình minh hoạ: một người dân đọc báo có bài viết về cuộc chiến Nga - Ukraine hôm 25/2/2022 ở Hà Nội. AFP

Bác sĩ Đinh Đức Long từ Sài Gòn hôm 8/4, phân tích rõ hơn với RFA:
“Tôi nghĩ cái này ai cũng biết, họ giấu hay đưa tin đều có mục đích của họ. Mọi khi họ làm cái gì đều khoe ra, bây giờ họ giấu đi, chắc họ ngại nếu đưa ra thì trái với ý muốn của người dân, đều ghét quân Nga xâm lược. Dư luận người dân là như thế nên đưa ra cái đấy là bất lợi cho họ. Nhưng không đưa thì người ta cũng biết vì bây giờ là thông tin mạng xã hội đa chiều. Cho nên tôi nghĩ việc này có chỉ đạo là chắc chắn... ý Đảng trái với lòng dân nên họ không muốn đưa tin.”
Dù vậy, bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng nếu xét thực tế thì Hà Nội bỏ phiếu chống nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền là có lợi cho chính quyền Cộng sản Việt Nam. Ông giải thích:
“Là vì người Nga nói rồi, ai bỏ phiếu trắng hay phiếu chống là nước không thân thiện. Nhưng Việt Nam vẫn cần năng lượng của Nga, cũng như Ấn Độ, Hungary đấy... cho nên cái gì họ có thể linh hoạt và có lợi thì họ vẫn làm. Vì không có lá phiếu của Việt Nam thì Nga cũng vẫn bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền, có thêm lá phiếu Việt Nam thì cũng không thay đổi, họ đã tính rồi. Nhưng Việt Nam chống thì được lòng Nga, được mua vĩ khí, dầu lửa... Trở lại quá khứ khi Việt Nam bị cô lập lúc đánh nhau với Trung Quốc, lúc sang Campuchia, thì chỉ có Liên Xô cũ đứng ra bảo vệ Việt Nam.”
Theo bác sĩ Đinh Đức Long, đó là một cách Việt Nam trả nợ ơn sâu nghĩa nặng đối với Nga, nhưng thực chất cũng không mất gì trong chuyện này. Ông Long cho rằng đó là ngoại giao ‘cây tre’ và Việt Nam thủ lợi trong việc này.
Quan điểm từ trước đến nay cứ nói một đằng nhưng bỏ phiếu thì một nẻo, nên ngại. Quan điểm lên án như thế nhưng bỏ phiếu ngược lại nên không cho đăng báo.
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Còn Giáo sư Carlyle Thayer từ trường đại học New South Wales, nước Úc, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 8/4 cho rằng, với lá phiếu chống lại nghị quyết trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tự bắn vào chân mình:
“Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế của mình trên trường quốc tế, vì là một nhân tố quan trọng, nhưng nay bất cứ quốc gia nào phản đối hành vi của Nga thì cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam.
Việt Nam đã từng rất thành công trong việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hai lần, và được khối các nước châu Á đồng thuận ủng hộ, nhưng bây giờ thì e rằng sự thuận lợi đó sẽ không còn nữa.”
Và theo Giáo sư Carlyle Thayer, nếu Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như lần này thì sẽ bị mất thêm sự ủng hộ, bởi vì Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng, và sẽ ủng hộ nước khác thay vì Việt Nam. Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng, tại sao các nước phương Tây phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam về phe Nga?
Theo RFA
song  
#5 Đã gửi : 10/04/2022 lúc 09:50:03(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
‘Ngoại giao phản dân’ làm nhục cả dân tộc lẫn quốc thể

UserPostedImage
Vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine.

Theo thống kê, xu hướng bỏ phiếu của Việt Nam thường trùng khớp với các nước như Bắc Triều Tiên (82.7%), Libya (84%), Zimbabwe (83.6%).
“Phản dân” trong văn cảnh này có hai nghĩa: chống lại ý nguyện của người dân trong nước và thách thức các lực lượng dân chủ trên thế giới. Tại sao đại diện cho một nhà nước “của dân, do dân, vì dân” mà lại rơi vào thế kẹt của một nền ngoại giao làm nhục cả dân tộc lẫn quốc thể?
Nếu như trong nước có một chính quyền “của dân, do dân, vì dân” như CSVN vẫn thường xuyên tuyên truyền thì sau lá phiếu của Việt Nam chống lại việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) vừa qua, người dân trong cả nước, nếu muốn, có quyền xuống đường phản đối một chủ trương ngoại giao sai trái và ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia. Nhưng vì Việt Nam là một chính thể theo chủ nghĩa toàn trị, nên tất cả những quyền cơ bản của con người như tự do biểu tình, phát ngôn, tự do lập hội… đều chỉ tồn tại trên Hiến pháp. Mà ngay những quyền cơ bản ấy, nếu ai đó có ý định đem ra thực thi theo Hiến định, thì lập tức sẽ được quy chụp là chống đối, hoặc là các thế lực thù địch.
Vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của LHQ để loại Nga. Điều này được truyền thông trong nước đưa tin dưới một uyển ngữ kỳ cục là Nga đã quyết định “kết thúc sớm tư cách thành viên HĐNQ/LHQ nhiệm kỳ 2021 – 2023”. Thậm chí, trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2022, các tờ báo ở Việt Nam, khi tường thuật về vụ việc này đã không dám đề cập gì đến lá phiếu chống của Việt Nam. Đại diện Việt Nam đã làm chuyện “chướng tai gai mắt” đến nỗi họ không dám công khai trước người dân về một hành động không lấy gì làm vẻ vang cho quốc thể.
Nhà văn quân đội – Đại tá Phạm Đình Trọng đã có cái nhìn thật sắc bén khi ông khái quát: “Trong khi hầu hết các quốc gia có mặt ở LHQ (trong hai lần 2/3 và 24/3 trước đây) đều bỏ phiếu lên án Nga, đòi Nga rút quân và ủng hộ Ukraine, thì cả hai lần ấy, đại diện Việt Nam đều bỏ phiếu trắng. Hai lần người dân Việt Nam bị các lá phiếu trắng ấy làm nhục trước thế giới”. Và đến lần thứ ba hôm 7/4 vừa rồi, Đại tá Trọng tố cáo tiếp: “Lần này, 93 cánh tay cộng đồng nhân loại chỉ mặt cái ác Putin Nga ở Ucraine. 93 cánh tay loài người văn minh lôi cái ác Putin Nga ra khỏi HĐNQ. Đi xa hơn hai lần bỏ phiếu trắng, lần này nhà nước Việt Nam bỏ phiếu chống. Chống lại 93 cánh tay chỉ mặt tội ác Putin Nga. Bằng lá phiếu chống nghị quyết của cộng đồng nhân loại vạch mặt cái ác, nhà nước Việt Nam đưa cánh tay ra bảo vệ cái ác Putin Nga”.
“Một lần nữa, người dân Việt Nam lại bị nhà nước làm nhục trước thế giới”, Cựu chiến binh Phạm Đình Trọng bày tỏ uất hận… Khi chủ trương một đường lối đối ngoại phản dân, làm nhục quốc thể như thế, trên thực tế, chính bản thân cái nhà nước ấy cũng bị cộng đồng quốc tế khinh rẻ lắm rồi. Hãy nghe bà Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield tuyên bố: “Cộng đồng quốc tế ngày 7/4 đã ‘cùng bước theo đúng hướng’ với quyết định loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ liên quan tới những hành động tàn bạo ở Ukraine”. Làm nhục dân và làm nhục quốc thể, vì đa số người dân Việt khi nhìn cảnh những nạn nhân bị thảm sát và hành quyết tại Bucha, họ luôn liên tưởng tới những hành động diệt chủng của Polpot tại làng Ba Chúc ở Việt Nam do Trung Quốc “chống lưng” những năm cuối 1970.
Nhà nghiên cứu Minh triết Nguyễn Khắc Mai phát biểu với truyền thông quốc tế từ Hà Nội hôm 8/4 rằng, nhà nước Việt Nam không dám cho báo chí đăng tin mình chống lại LHQ, vì muốn che cái xấu xa của mình: “Đấy là một trò xảo quyệt, để che giấu cái xấu của mình đi. Và cũng để ngỏ hàm ý rằng ‘thật lòng tôi không muốn thế’... nhưng vì mối quan hệ thế này thế kia, nên buộc phải làm vậy, nhưng tôi đã không cho đưa tin trên báo chí... Đấy là cái cách của cái đám xảo quyệt, nhưng không dấu được ai. Bởi vì bàn tay không thể che đậy nổi mặt trời. Đó là thái độ không đàng hoàng, không đúng đắn và nó không chính nhân quân tử. Cái xấu mà thế giới người ta lên án, mà rõ ràng là nó quá xấu rồi, nó độc ác rồi... mà cũng không dám lên tiếng”.
Tại sao Việt Nam lại rơi vào thế kẹt như trên? Câu trả lời đơn giản. Đó là vì, cái lobby say máu độc tài – chuyên chế trong một bộ phận lãnh đạo đất nước đã lấn át được cái lobby muốn hội nhập sâu rộng để làm ăn với bên ngoài, theo giả định nếu đúng như có những lobby như thế. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng tuyên bố tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc khai mạc hôm 14/12 năm ngoái, Việt Nam không chọn bên, không chọn phe trong cạnh tranh giữa các nước lớn, chính sách đối ngoại của Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết. Xin thưa, đấy là ông Phạm Minh Chính và nhánh quyền lực cam kết đường lối cải cách thể chế muốn thế. Nhưng với lập trường như ở LHQ vừa qua, coi như nhóm “chọn theo phe Nga và Tàu” đã áp đảo, kể cả chấp nhận cái giá phải trả là không tính đến lợi ích quốc gia – dân tộc như ưu tiên hàng đầu. CSVN trên thực tế nói một đằng làm một nẻo là vì vậy. Giữa phát ngôn và hành động của các phe nhóm không thể nào trùng khớp và tương thích với nhau.
Trước khi được các “hoàng tử đỏ” của cố TBT Lê Duẩn “bật mí”, chúng ta biết rằng, Việt Nam tuy theo chế độ toàn trị và độc đảng, nhưng thực tế từ khởi nguyên đã có nhiều băng nhóm và phe phái với những tính toán lợi ích không phải lúc nào cũng đồng nhất. Trong thời kỳ chiến tranh đã vậy. Trong thời buổi cục diện quốc tế có nguy cơ đảo lộn như hiện nay lại càng như thế. Bởi vì, cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc xâm lược vô nghĩa của một kẻ độc tài, bệnh hoạn bởi quyền lực cá nhân và cơn vĩ cuồng của bản thân, đã/đang đẩy hàng triệu người vào thảm cảnh của địa ngục. Giới quan sát cho rằng, ngoài chuyện Việt Nam có thể bị Nga – Tàu gây sức ép, nhưng tại sao nhiều nước cũng mua vũ khí của Nga, cũng quan hệ chặt với Tàu như Indonesia, Myanmar… mà vẫn cứ ủng hộ LHQ khai trừ Nga như đã thấy. Vấn đề là, hiện nay ở Việt Nam vẫn tồn tại và thịnh hành một “lobby ủng hộ bộ đôi Putin – Tập Cận Bình”, thể hiện rất rõ trong một bộ phận chính quyền lẫn trên cả các mạng xã hội.
Ông Nguyễn Chính Kết, một chuyên gia theo dõi tình hình chính trị và nhân quyền Việt Nam ở Texas, Hoa Kỳ, nói với VOA: “Nếu trước một tội ác tầy trời như của Nga đối với Ukraine mà Việt Nam không dám lên tiếng phản đối, lại còn chống lại việc loại bỏ Nga ra khỏi HĐNQ/LHQ thì các quốc gia khác trên thế giới sẽ tiếp tục không thể tin tưởng vào lương tâm của Cộng sản Việt Nam”. Nhận định về điểm chung trong lập trường của Việt Nam và Trung Quốc đối với hành động của Nga ở Ukraine, ông Nguyễn Chính Kết nói: “Nhà nước CSVN coi như bị lệ thuộc vào Nga và Trung Quốc rất nhiều nên không dám làm những gì ngược lại ý muốn của Nga và Trung Quốc. Các nước khác sẽ nhìn Việt Nam giống như là một chư hầu của Trung Quốc hay của Nga vậy thôi”.
Nhà báo Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội cũng nhận định, ông không ngạc nhiên trước việc bỏ phiếu chống của Việt Nam. Ông phân tích lý do: “Việt Nam đang ở vào thế buộc phải chọn phe. Cả một hệ tư tưởng và rất nhiều vấn đề ngoại giao, chính trị, kinh tế, quân sự... phụ thuộc vào các đồng minh như Nga, Trung Quốc… Cho nên khi không thể đu dây được nữa thì buộc phải chọn phe. Tuy nhiên, việc này sẽ gây khó khăn rất lớn cho đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế… Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine rất phi nghĩa và rất nhiều nước trên thế giới đã phản đối. Trong thời điểm này mà chọn phe như vậy thì chắc chắn tương lai các quan hệ thương mại, ngoại giao sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì Việt Nam không chỉ dựa vào Nga và Trung Quốc, mà còn phải nhờ vào rất nhiều các mối quan hệ với các nước văn minh khác”. Ông Thắng kết luận: “Khi lãnh đạo đất nước chọn phe ngược lại với nhân dân thì đất nước sẽ lầm than!”
*
Theo thống kê, xu hướng bỏ phiếu của Việt Nam ở LHQ thường trùng với các nước Bắc Triều Tiên (82.7%), Libya (84%), Zimbabwe (83.6%). Đối với các nghị quyết quan trọng như nghị quyết hôm 7/4, thì Việt Nam, Lào, Cuba và Trung Quốc thường bỏ phiếu giống nhau. Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể nói tới mối tương quan về xu hướng bỏ phiếu giữa mấy quốc gia này thôi. Nhưng về mặt chính trị thì quá dễ hiểu ai lệ thuộc ai. Phải nhấn mạnh hai chữ “quốc gia” và bốn chữ “Nhà nước Việt Nam” để phân biệt với dân tộc và người dân Việt Nam. Putin đe dọa nước nào chống lại mình sẽ bị trừng phạt. Việt Nam có đủ bản lĩnh để chả sợ bất cứ lời đe dọa nào hết? Nhưng cái chính là, cứ bị ám ảnh nỗi sợ con ngáo ộp có tên là “Nhân quyền”. Đến bao giờ nước ta mới coi Nhân quyền là kết tinh của Chân – Thiện – Mỹ, chứ không phải thứ cứ đụng đến là dãy nảy lên. Đến lúc ấy, đại diện nhà nước này mới xứng đáng là đại diện của Dân tộc, đại diện cho Nhân dân.
Để kết luận, người viết muốn được chia sẻ với nghi vấn chính đáng của nhà báo Phạm Phú Khải: “Tại sao người dân Việt Nam không đặt câu hỏi đâu là thành phần chủ chốt đứng đằng sau những quyết định hệ trọng trên đây? Câu trả lời, tất nhiên, là thành phần cao cấp nhất của Đảng CSVN. Nhưng họ là ai? Tổng Bí thư? Ban Bí thư? Bộ Chính trị? Ban Chấp hành Trung ương? Hay bên phía chính quyền Việt Nam, như Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao… Hay chỉ một thiểu số nào đó đang thao túng mọi quyết định hệ trọng này? Ảnh hưởng của ĐCS Trung Quốc lên các quyết định này là thế nào? Bao nhiêu câu hỏi mà không có câu trả lời nào cả”. Nhưng người dân cần biết và phải biết ai đứng sau những quyết định hệ trọng này. Vì nó không chỉ quan trọng về mặt ngoại giao, về uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó còn mang tính hệ trọng cho tương lai Việt Nam. Những quyết định như thế làm sao có thể biện minh hay bảo vệ được cho Việt Nam khi một nước khác, như Trung Quốc, lấy lý cớ nào đó để xâm lăng Việt Nam sau này?
Hoàng Trường (VOA)

Sửa bởi người viết 10/04/2022 lúc 09:50:39(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#6 Đã gửi : 10/04/2022 lúc 09:53:45(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Thật và giả

UserPostedImage
Hình minh họa.

Tuần này có ba sự kiện riêng biệt được người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ thảo luận và nếu đặt cả ba bên cạnh nhau chắc hẳn sẽ ngẫm được vài điều.
Tuần này có ba sự kiện riêng biệt được người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ thảo luận và nếu đặt cả ba bên cạnh nhau chắc hẳn sẽ ngẫm được vài điều:
- Sự kiện thứ nhất: Liên Hiệp Quốc tổ chức xem xét tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga sau khi có bằng chứng cho thấy lính Nga thảm sát thường dân tại Ukraine và Việt Nam là một trong 24 quốc gia bỏ phiếu chống (1).
- Sự kiện thứ hai: Chính quyền thành phố Hội An ra lệnh cho công an... truy tìm một cô gái để... nhắc nhở vì cô... ăn mặc hở hang trong lúc ngồi thuyền thả hoa đăng trên sông Hoài và có một số người không đồng tình với tấm ảnh chụp lại cảnh này (2).
- Sự kiện thứ ba: Bà Phan Thị Thanh Thúy (nhà thơ có bút danh Dạ Thảo Phương tố cáo đích danh một Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam) từng cưỡng hiếp bà năm 2000 (3).
***
Trong ba sự kiện vừa kể, sự kiện thứ ba là sự kiện gây nhiều tranh cãi nhất. Một số người chê bà Thúy xới lại câu chuyện đã 23 năm. Một số người nghi ngờ đó là một âm mưu vì Hội Nhà văn vốn dĩ là nơi “đấu đá phức tạp” (4) nhưng cũng có không ít người đồng tình với bà Thúy, ví dụ Vũ Yến: Sáng nay mình hủy kết bạn với một đồng nghiệp cũ, một người từng là sếp nho nhỏ của mình ở một cơ quan cũ, vì trong câu chuyện về một người phụ nữ sau 23 năm mới tố cáo một người lạm dụng tình dục nhiều năm, anh này nói, ý là... ‘Sao 23 năm giờ mới tố’, rồi ‘Chưa chắc ai mới là thủ phạm’... rồi... ‘có những cái không phải dạng vừa’... Vì đàn ông và cả phụ nữ vẫn có suy nghĩ như thế này, nên nhiều cô gái dù bị lạm dụng tình dục cũng không dám lên tiếng (5).
Không phải phụ nữ nhưng Đinh Đức Hoàng cũng suy nghĩ tương tự như Vũ Yến: Nhà thơ nữ nói rằng chị muốn tố cáo vì chị đọc được các bình luận trong những vụ bạo lực tình dục gần đây. Những bình luận tấn công nạn nhân và chính là loại dư luận đã làm nhân vật 23 năm trước không dám lên tiếng. Nó làm chị đau lòng và cảm thấy cần lên tiếng. Khoan bàn đến sự thật. Hãy nói về tính hợp lý: đó là một mệnh đề mà tôi hiểu. Vì tôi cũng ngột ngạt khi đọc được, nghe được những bình phẩm về nạn nhân của bạo lực tình dục gần đây. Những luận điểm kiểu ‘Con này thật ra cũng là loại...’, hoặc ‘Lúc đầu toàn tự nguyện, xong đến lúc cơm không lành canh không ngọt mới tố cáo...’, hoặc ‘Làm gì có ai hiếp được, chẳng qua là....
Kinh tởm hơn nữa – và có thể bạn không nhận ra cái u nhọt này trong não mình – là trong các vụ việc mà kẻ bị tố cáo có địa vị chính trị - rất hay có luận điểm “con này gài bẫy”. Gài bẫy chứ, vì từ đầu sao vào phòng với người ta, hay đồng thuận đi hát karaoke với ông kia, vì chẳng qua là chuyện đấu đá chính trị ấy mà, vì thích thì gào to lên lúc đấy là được sao giờ mới tố, và vì cơ bản, là các bạn biết con mẹ nó hết về cuộc đời rồi, làm gì có tình huống nào làm khó được các bạn, các bạn có bao giờ biết chịu nhục trước cường quyền là cái gì đâu.
Nhưng các bạn không nhận ra rằng ngay thời điểm các bạn hạ thấp những cô gái này trong hệ quy chiếu với quyền lực, tiền bạc, nam tính, ngay thời điểm bạn bình phẩm ‘con này gài bẫy (ấy mà)’, chính bạn đã tôn thờ cường quyền đến mức ngu muội. Chính bạn, nói với bản thân: Có cái gì trên đời quan trọng bằng tiền và quyền đâu? … Đầu tao lúc này chỉ nghĩ đến tiền và quyền của ông kia thôi không nghĩ được cái gì khác chúng mày ạ. Đây là gài bẫy, chỉ có thể là gài bẫy”.
Luận điểm này, chính là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể hèn hạ đến mức độ nào khi nghĩ về quyền lực... Tôi cầu khẩn mọi người nghĩ lại về cách ứng xử với những người tố cáo tấn công tình dục. Bạn hỏi rằng tại sao những người bị lạm dụng, bị tấn công không tố cáo? Vì bầu không khí chung của cả xã hội, vẫn đang sẵn sàng ném vào mặt một người phụ nữ thứ giọng điệu kiểu: ‘Chẳng qua là’ và ‘Con này cũng là loại. Người ta có quyền sợ. Và thật ra, họ rất nên sợ. Thứ dư luận này đáng sợ đến mức, nếu có ai đó khuyên nhau thôi nhịn nhục mà sống tiếp, cũng không hẳn là lời khuyên sai.
Làm ơn đi, nghĩ kỹ một chút và nhận ra rằng trong đầu mình – ngay cả khi bạn là nữ giới - vẫn còn định kiến giới, vẫn còn cái tư tưởng nhìn phụ nữ từ trên xuống và nghĩ ‘cũng phải như nào thì thằng kia mới thế’. Bạn có quyền khách quan, và nói thẳng ra rằng lời tố cáo này với tôi không đáng tin – nó chỉ là cáo buộc – và ủng hộ nguyên tắc suy đoán vô tội cho anh kia. Nhưng khách quan không đồng nghĩa với bình phẩm. Không đồng nghĩa với tấn công nạn nhân (6).
Từ sự kiện thứ hai và sự kiện thứ ba, Khanh Nguyen cho rằng: Câu chuyện về một tay tài xế được cất nhắc trở thành cai phó của báo Văn Nghệ, trong quá trình hãnh tiến hắn đã cưỡng bức một nữ nhà văn trẻ suốt nhiều năm, có vẻ lọt thỏm trên báo chí nhà nước Việt Nam cũng như trên công luận của mạng xã hội. Trước đó ít ngày, câu chuyện một nữ người mẫu nước ngoài đến Hội An chụp hình để lộ đồ lót - chỉ trong vài tiếng đồng hồ - được cả hệ thống báo chí sùng sục điên cuồng như tổ quốc bị xúc phạm, đám đông bị dẫn dắt cũng điên cuồng góp lời chửi rủa không chán. Thậm chí công an lập tức vào cuộc để truy tìm như một vụ án hình sự. Vậy mà câu chuyện của một trí thức Việt Nam bị cả một đám người nhân danh trí thức bao che tội ác và thỏa hiệp, bóp méo sự kiện suốt trong nhiều năm trời, không thấy có một cuộc điều tra nào từ báo chí đến công an.
Vụ án này, là phần cặn bã đáng được phơi bày trong hệ thống phân phối quyền lực trong xã hội Việt Nam, không có chỗ đứng cho trí thức, mà chỉ có chỗ cho một tay lái xe - rất biểu trưng- trở thành lãnh đạo chỉ vì kẻ này biết vâng lời, và giỏi làm dân phòng kiểm duyệt chữ nghĩa. Và từ đó quyền lực phát sinh tỷ lệ thuận với thú tính được bảo bọc. Đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2013, một trong những vụ án ép bán dâm nổi tiếng từ một hiệu trưởng trường trung học ở Hà Giang là Sầm Đức Xương, mà những kẻ mua dâm là các quan chức lại được giấu tên nhưng các cô gái nhỏ vị thành niên thì lại bị hài tên và đưa đầy đủ hình ảnh. Đó chỉ là một trong những câu chuyện khác chìm nổi trên khắp đất nước này, trong thời kỳ phát triển rực rỡ hôm nay.
Nhà văn nữ bị cưỡng bức nhiều năm, bị vu oan, bị ép nhận là chuyện "tình cảm riêng tư" để xóa bỏ tội ác, cô ấy không phải là người vô danh, cô là một cái tên quen thuộc trong xã hội văn chương Việt Nam nhưng cô còn bị vùi dập đến vậy, hãy tự hỏi, còn những người không có tiếng nói khác, sẽ như thế nào?.. Hội Phụ nữ, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo... và tất cả những thứ đoàn thể có liên quan khác sao lại câm như hến? Hay họ cũng là những nạn nhân bị cưỡng bức suốt bao nhiêu năm nay nhưng lại không đủ dũng cảm lên tiếng chống lại (7)?
***
Đối với sự kiện thứ hai, tờ Lao động đã lên tiếng với câu hỏi là tựa của một bài viết ngắn: “Truy tìm cô gái ăn mặc hở hang trên sông Hoài để làm gì, thưa ông Hưng?” – ‘ông Hưng’ mà tờ Lao Động đề cập là Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hội An, người tuyên bố với báo giới rằng: Trong khu phố cổ, du khách không được ăn mặc hở mông như thế này. Cơ quan chức năng đang truy tìm chỗ ở của nữ du khách để nhắc nhở. Còn đối với sự kiện thứ ba, nếu đọc đơn tố cáo của bà Thúy - ắt ai cũng có thể thấy, trong câu chuyện mà bà là nạn nhân có rất nhiều nhân chứng, cũng đã có những nỗ lực nhưng cuối cùng nạn nhân vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay”.
Sự kiện thứ hai và sự kiện thứ ba sẽ giúp hiểu hơn tại sao lại có sự kiện thứ nhất, tại sao chính quyền Việt Nam lại dùng lá phiếu của họ để “chống” loại bỏ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì thảm sát thường dân ở Ukraine. Làm ra vẻ chẳng bao giờ là thực chất. Trong nhận thức của những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam, thường dân tại Ukraine cũng chẳng khác gì thường dân tại xứ sở có hình chữ S, nhân quyền hay phẩm giá chỉ là thứ mà thỉnh thoảng một số viên chức hữu trách lại nhắc đó là được... ăn no, mặc ấm, hạnh phúc, dân chủ theo định hướng (8) và... chỉ thế mà thôi!

Trân Văn (VOA)
_______________
Chú thích
(1) https://www.rfa.org/viet...tion-04082022052137.html
(2) https://laodong.vn/su-ki...hua-ong-hung-1031198.ldo
(3) https://www.facebook.com...vn/posts/115695031084310
(4) https://www.facebook.com...9/posts/489591572654101/
(5) https://www.facebook.com.../posts/4926019234111920/
(6) https://www.facebook.com.../posts/10216201075059566
(7) https://www.facebook.com...posts/10158897573298181/
(8) https://kiemsat.vn/thu-t...-va-hanh-phuc-62840.html


song  
#7 Đã gửi : 11/04/2022 lúc 12:37:51(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
CSVN, ‘phiếu chống’ và chống con người được làm người

UserPostedImage
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu trong phiên họp đặc biệt về Ukraine vào ngày 1/3/2022. Việt Nam bỏ 2 phiếu trắng và 1 phiếu chống 3 nghị quyết LHQ lên án Nga.

Xưa giờ, nhân quyền vẫn là vấn đề mà chính quyền CSVN muốn thực thi theo “tiêu chí riêng” như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Syria.
Nhiều người ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam tiếp tục bình luận về sự kiện chính quyền CSVN bỏ “phiếu chống” nỗ lực cộng đồng quốc tế loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Trong khi ông Carl Thayer – một chuyên gia về Đông Nam Á và Việt Nam – gọi lựa chọn của chính quyền CSVN là “tự bắn vào chân mình” (1) thì nhiều người Việt xem “phiếu chống” là “hành động phản dân, sỉ nhục cả dân tộc lẫn quốc thể” (2)...
Tại sao CSVN lại bỏ “phiếu chống” khi đa số thành viên của cộng đồng quốc tế cùng cho rằng, cần phải bày tỏ thái độ đối với những hành động man rợ của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine (cướp bóc, hãm hiếp, tàn sát thường dân, hủy diệt các cơ sở dân sự,...)?
Tại sao CSVN lại bỏ “phiếu chống” ngay sau khi đại diện của chính quyền CSVN tại Liên Hiệp Quốc công khai... “phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế” (3)?
Có lẽ câu trả lời không đơn thuần là... ngại Nga phật lòng, cho dù rõ ràng Việt Nam phụ thuộc Nga về nhiều mặt, chẳng hạn cần sự hiện diện của Nga như đối trọng với Trung Quốc trong quá trình thăm dò - khai thác dầu khí tại biển Đông, cần sự hợp tác của Nga để bảo trì phần lớn phương tiện quân sự đã mua từ Nga,... Câu trả lời nằm ở vế sau trong phần phát biểu của đại diện chính quyền CSVN khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức phiên họp bất thường hôm 7/4/2022 để quyết định về tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Nga: “...Quyết định của các cơ quan, tổ chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động và mọi quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cần dựa trên thông tin được kiểm chứng...”!
***
Khi tường thuật về sự kiện cộng đồng quốc tế cùng nhau xem xét tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trang web của Liên Hiệp Quốc cho biết có 24 quốc gia bỏ “phiếu chống” nhưng chỉ kể tên 7/24 quốc gia này là: Nga, Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Syria và Việt Nam (4). Trước nay, cả bảy vốn đã nổi tiếng vì thường xuyên bị các tổ chức quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia, kể cả Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không lên án thì cũng nhắc nhở nghiêm khắc vì vi phạm phân quyền.
Giống như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Syria và mới đây là Nga, chính quyền CSVN đã nhiều lần “lên bờ, xuống ruộng” cả vì những chê trách lẫn những tác động của cộng đồng quốc tế nhằm thúc ép cải thiện, thăng tiến nhân quyền.
Chẳng hạn, trong ba tháng (từ 11/2021 đến 1/2022), Liên Hiệp Quốc – vốn hết sức thận trọng vì đại diện cộng đồng quốc tế - liên tục lên tiếng do lo ngại về các dấu hiệu vừa xâm hại, vừa gạt bỏ những quyền liên quan đến nhân vị của công dân Việt Nam.
Ngoài thư của bộ phận đặc sát thuộc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) gửi chính quyền CSVN vào tháng 11 năm ngoái (5), yêu cầu cung cấp những thông tin liên quan đến việc bắt giữ - phạt tù hàng chục công dân Việt Nam vì có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, chính quyền CSVN tiếp tục vi phạm các nguyên tắc chung trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà chính quyền CSVN đã cam kết thực thi từ đầu thập niên 1980, chính quyền CSVN còn bị yêu cầu giải trình về những cáo buộc liên quan đến sách nhiễu, trả thù có hệ thống nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền, các tổ chức dân sự, nhà báo và bloggers (thư vừa đề cập đã được Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 1/2022 và đại diện chính quyền CSVN tại Liên Hiệp Quốc đã xin gia hạn thời gian phúc đáp)...
OHCHR còn loan báo là cơ quan này của Liên Hiệp Quốc xem việc kết án Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung, chuẩn bị xét xử Lê Trọng Hùng là những dấu chỉ nghiêm trọng về tính hợp pháp của việc giam giữ, tính công bằng của việc xét xử, khiến người Việt phải tự kiểm duyệt và những người quan tâm đến tự do truyền thông rùng mình. Sự trừng phạt đó ngăn cản mọi người thực hiện các quyền căn bản và tham gia tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng (6).
Bên cạnh việc hối thúc chính quyền CSVN trả tự do ngay lập tức cho tất cả những cá nhân bị bắt giữ tùy tiện chỉ vì thực hiện quyền tự do ý kiến và biểu đạt của họ, bởi Việt Nam không làm gì cả cho dù trong vòng chưa đầy hai tháng (từ 3/9/2021 đến 28/10/2021) có 205 phụ nữ được xem là nạn nhân buôn người được hỗ trợ hồi hương, OHCHR cũng đã nhắc nhở Việt Nam về các nghĩa vụ pháp lý đối với cộng đồng quốc tế trong hợp tác chống tệ nạn buôn người, từ điều tra đến cung cấp các biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục và hỗ trợ các nạn nhân, sau khi chứng kiến nhiều phụ nữ và bé gái Việt Nam do nghèo đói mà bị gạt ra bên lề xã hội rồi trở thành nạn nhân buôn người và những kẻ buôn người không bị trừng phạt (7)...
***
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có 47 thành viên. Nga bắt đầu vai trò thành viên hồi tháng 11 năm ngoái và là một trong số 15 được Đại hôi đồng chọn làm thành viên có nhiệm kỳ ba năm. Theo nghị quyết về việc thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, quốc gia đang là thành viên của hội đồng này có thể bị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bãi nhiệm, tước bỏ tư cách thành viên nếu vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống.
Xưa giờ, nhân quyền vẫn là vấn đề mà chính quyền CSVN muốn thực thi theo “tiêu chí riêng” như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Syria. Việc cướp bóc, cưỡng hiếp, tàn sát thường dân, hay hủy diệt trường học, bệnh viện, khu dân cư ở Ukraine không quan trọng bằng... “phòng ngừa”, tránh “há miệng mắc quai” khi cần bày tỏ phản ứng trước những hành động xâm hại nhân quyền. Lựa chọn của chính quyền CSVN khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xem xét tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Nga không phải cho “nhân đạo, nhân quyền” ở Ukraine, ở Việt Nam hay ở bất kỳ đâu trên trái đất này như đại diện chính quyền CSVN bày tỏ, “Phiếu chống” là cho thể chế chính trị đang tồn tại ở Việt Nam, là phản ứng theo kiểu “trông người mà ngẫm đến ta”.
Cứ thử tìm kiếm trên Internet về phản ứng trước nay của chính quyền CSVN khi bị chỉ trích, thúc ép về thăng tiến nhân quyền, ắt sẽ thấy... “cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động” hay “cần dựa trên thông tin được kiểm chứng”... không hề mới! Đó là kiểu mà Việt Nam vẫn thường tự biện dù cả kẻ nói lẫn người nghe đều không tin! Tháng 9 năm ngoái, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế... ủng hộ Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023 – 2025 và các cơ chế quan trọng khác của Liên Hiệp Quốc (8). Chính quyền CSVN quả là có... viễn kiến. Bỏ “phiếu thuận” mà bị chất vấn về nhân quyền tại Việt Nam rõ là “khó ăn, khó nói”!

Trân Văn (VOA)
_________________
Chú thích
(1) https://www.rfa.org/viet...tion-04082022052137.html
(2) https://www.voatiengviet...ẫn-quốc-thể/6523218.html
(3) https://tuoitre.vn/viet-...yen-2022040810232189.htm
(4) https://news.un.org/en/story/2022/04/1115782
(5) https://www.rfa.org/viet...ment-01102022123056.html
(6) https://news.un.org/en/story/2021/12/1108292
(7) https://news.un.org/en/story/2021/11/1104872
(8) https://www.voatiengviet...n-quyen-lhq/6244025.html

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.379 giây.