Bức họa khiến cuộc triễn lãm bị đình hoãn của Mai Duy Ninh.
Sáng tác, sáng tạo trong văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung tại Việt Nam vẫn thế: Tốt – xấu, hay – dở, thành – bại không phụ thuộc vào khả năng của văn nghệ sĩ cũng như nhận thức, mức độ cảm thụ của công chúng mà lệ thuộc vào trình độ, thành ý của một số cá nhân có quyền xem xét – phê duyệt.
Bất kể cuối cùng, giới hữu trách quyết định như thế nào đối với việc trưng bày các bức họa của Mai Duy Ninh về “Điện Biên Phủ” thì quyết định tạm hoãn mở cửa cuộc triển lãm này hôm 7/5/2022 vẫn là ví dụ minh họa hết sức sinh động về màu sắc, diện mạo của “tự do, dân chủ và thăng tiến nhân quyền” tại Việt Nam.
Mai Duy Ninh từng được giới thiệu như một họa sĩ dám bỏ ra mười năm để chuẩn bị cho cuộc triển lãm vừa kể. Ngoài hai họa phẩm chính là “Điện Biên Phủ” và “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, Mai Duy Ninh dự định trưng bày 86 họa phẩm khác cùng chủ đề trong hai tuần tại Nhà Bảo tàng của Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội.
Báo chí Việt Nam cho biết, Mai Duy Ninh đã xin giấy phép triển lãm theo... qui định hiện hành. Sở Văn hóa – Thể thao (Sở VHTT) Hà Nội đã tổ chức thẩm định và đã cấp giấp phép tổ chức trưng bày từ 7/5/2022 đến 20/5/2022. Tuy nhiên chỉ ít phút trước giờ Mai Duy Ninh mở cửa đón khách, Sở VHTT Hà Nội yêu cầu... “tạm dừng triển lãm”.
Sở VHTT Hà Nội giải thích, sở dĩ cơ quan này phủ nhận chính họ vì có... “một số thông tin cho rằng một số bức tranh dễ gây hiểu lầm” nên cần “thành lập hội đồng thẩm định lại”. Việc tổ chức “thẩm định lại” và công bố quyết định của “hội đồng thẩm định lại” được hứa là sẽ diễn ra “trong một thời gian gần nhất có thể” (1)!
Còn ông Nguyễn Đỗ Bảo – một trong những thành viên “Hội đồng Duyệt triển lãm” của Sở VHTT Hà Nội, từng thẩm định các họa phẩm của Mai Duy Ninh trước khi Sở VHTT Hà Nội cấp giấy phép cho Mai Duy Ninh triển lãm tại Nhà Bảo tàng Mỹ thuật thuộc Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội – giải thích cặn kẽ hơn: Lý do Sở VHTT Hà Nội hành xử bất nhất như vậy vì sáng 7/5/2022 (vài tiếng trước giờ khai mạc), Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Cục MTNATL) thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (Bộ VHTTDL) Việt Nam có văn bản “yêu cầu xem xét lại triển lãm của Mai Duy Ninh” bởi… “lá cờ trong bức họa ‘Điện Biên Phủ’ rách quá” và “bộ đội trong bức họa này không đẹp”!
Ông Bảo không thèm giấu diếm sự bất bình đối với Cục MTNATL vì yêu cầu tạm dừng triển lãm mà “không chỉ ra sai ở chỗ nào” và... “như thế là thiếu trách nhiệm”. Riêng chuyện “cờ rách nhiều quá” và “bộ đội không đẹp” thì... “bảo không có vấn đề cũng được mà bảo có vấn đề thì cũng được”.
***
Trong sự kiện này có vài điểm đáng chú ý, sáng 7/5/2022 – trước khi Mai Duy Ninh mở cửa triển lãm đón khách – một số cơ quan truyền thông đã giới thiệu cuộc triển lãm này kèm nhận định của một số nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, họ xem “lá cờ rách” và “bộ đội không đẹp” trong họa phẩm Điện Biên Phủ là những yếu tố vừa mới, vừa đắt.
Chẳng hạn ông Vũ Duy Thông – làm việc tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên nghiên cứu phê bình mỹ thuật - bảo với tờ Tuổi Trẻ: Hình tượng người lính phất lá cờ bị rách vì bom đạn, những người nông dân gầy gò, hình thể nhuốm đầy khói súng rất khác với những hình tượng vạm vỡ, cường tráng được ca ngợi trước đây (2)...
Có thể viên chức hữu trách nào đó ở Cục MTNATL cảm thấy ngứa mắt, ngứa tai sau khi tình cờ đọc được những nhận định như thế nên lập tức soạn văn bản, gửi cho Sở VHTT Hà Nội, yêu cầu Mai Duy Ninh tạm dừng mở cửa triển lãm để tổ chức... “thẩm định lại” những yếu tố mới được khen là vừa đắt, vừa mới ấy!
Mai Duy Ninh vốn chỉ có một họa phẩm “Điện Biên Phủ” để trưng bày trong cuộc triển lãm dự kiến sẽ đón khách hôm 7/5/2022. Chắc chắn không có... văn bản pháp quy nào định lượng về... tỉ lệ quốc kỳ được phép... rách trong lĩnh vực mỹ thuật nên với Sở VHTT Hà Nội, họa phẩm này không có vấn đề nhưng với Cục MTNATL thì... có!
Đến giờ, sáng tác, sáng tạo trong văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung tại Việt Nam vẫn thế: Tốt – xấu, hay – dở, thành – bại không phụ thuộc vào khả năng của văn nghệ sĩ cũng như nhận thức, mức độ cảm thụ của công chúng mà lệ thuộc vào trình độ, thành ý của một số cá nhân có quyền xem xét – phê duyệt.
Chẳng riêng văn nghệ sĩ bị buộc phải lệ thuộc vào một số cá nhân như thế mà ngay cả công chúng cũng chỉ có thể thưởng thức nếu những cá nhân ấy cho phép được giới thiệu, được phổ biến. Đâu phải tự nhiên mà thỉnh thoảng lại có chuyện trên cho dưới không cho hay ngược lại. Hoặc nơi này bật đèn xanh, nơi kia mở đèn đỏ.
Trân Văn (VOA)
__________________
Chú thích(1)
https://tuoitre.vn/yeu-c...phu-2022050719405393.htm(2)
https://tuoitre.vn/10-na...hu-20220507092336419.htm