Phái đoàn Việt Nam sẽ nêu thực trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam trước cộng đồng Quốc tế, đồng thời vận động cho ba tù nhân lương tâm là ông Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hoá và nhà truyền đạo người Thượng Y Pum Bya, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo năm 2022 từ ngày 28-30/6, tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ.
Đàn áp tôn giáo tràn lan ở Việt NamÔng Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc tổ chức BPSOS, nói như vậy với RFA và cho biết thêm rằng hội nghị về Tự do tôn giáo năm nay sẽ quy tụ khoảng 1.200 người từ các tổ chức xã hội dân sự khắp Thế giới. Ngoài ra, cũng có giới chức cao cấp như Ngoại trưởng Hoa Kỳ hoặc Thứ trưởng các quốc gia khác như Anh quốc, Pháp… cũng sẽ đến dự.
Theo ông Thắng, đại diện Việt Nam sẽ có những hoạt động chính như phát động chiến dịch toàn cầu đòi tự do cho các tù nhân lương tâm tôn giáo mà cụ thể là Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hoá và Y Pum Bya; vận động quốc tế đẩy lùi chính sách kích động hận thù và bạo lực nhắm vào các cộng đồng tôn giáo độc lập với nhà nước Việt Nam; vận động quốc tế yểm trợ các “đại sách lược” của các tín đồ Cao Đài và các tín đồ Tin Lành Tây Nguyên:
“Lý do mà chúng tôi đưa ra chiến dịch toàn cầu cho các tù nhân lương tâm tôn giáo này là vì vấn đề đàn áp tôn giáo tràn lan trên thế giới cũng như ở Việt Nam, và quần chúng nói chung thì rất khó để có thể liên tưởng được.
Chi bằng chúng tôi chọn ra một số khuôn mặt tiêu biểu để nói lên được cái quy mô, mức độ nghiêm trọng của vấn đề đàn áp tôn giáo, và không có gì nghiêm trọng hơn là có những người bị tra tấn, tù đày, không những một lần mà còn nhiều lần, chỉ vì đứng lên đòi công lý, tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo của chính mình hoặc là của những người đồng đạo mà phải chịu cảnh tù đày.”
Cả ba người mà ông Nguyễn Đình Thắng nêu tên đều đang là tín đồ theo các tôn giáo khác nhau, và đang bị bỏ tù vì đấu tranh cho các quyền cơ bản, trong đó có quyền Tự do tôn giáo Tín ngưỡng.
Ông Nguyễn Bắc Truyển là tín đồ Phật giáo Hoà Hảo. Ông bị bắt vào năm 2017 và đang thụ án 11 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ Chính quyền Nhân dân”. Nguyễn Văn Hoá theo đạo Công giáo, ông bị bắt vào năm 2017, sau khi tham gia đưa tin về các sự kiện liên quan đến thảm hoạ Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam hồi năm 2016. Ông hiện đang chịu án bảy năm tù giam.
Đe doạ, sách nhiễu thân nhân của tù nhân tôn giáoÔng Y Pum Bya, một nhà truyền đạo Tin Lành người Thượng tại Đắk Lắk, đã bị tuyên án 14 năm tù giam và năm năm quản chế vào năm 2018. Đây là lần thứ ba ông Y Pum Bya bị bắt giam vì những nỗ lực thực hành nghi thức và niềm tin tôn giáo của mình.
Sau khi ông Y Pum Bya bị bắt, vợ và các con của ông liên tục bị sách nhiễu, triệu tập lên làm việc và đe doạ sẽ bắt bỏ tù các thành viên khác trong gia đình. Quá hoảng sợ, vợ của ông là bà Nie phải bỏ lại nhà cửa, trốn sang Thái Lan vào tháng 10/2020, theo lời chỉ dẫn của một người quen:
“Công an Việt Nam căng thẳng lắm. Nó đàn áp tôn giáo của mình, không cho mình sinh hoạt. Mình không chịu đựng được nữa, sợ bị bắt như chồng, chị sợ lắm!” - Bà Nie nói với phóng viên RFA
Vừa đặt chân đến đất Thái, bà Nie bị bắt giữ vì không có giấy tờ hợp pháp. Cảnh sát Thái có gợi ý trả hai mẹ con về lại Việt Nam nhưng bà không đồng ý. Sau đó, bà bị chuyển qua Trung tâm Giam giữ người nhập cư trái phép (IDC) ở Thái Lan, rồi được hướng dẫn làm hồ sơ xin tị nạn gởi Liên Hiệp Quốc (UN) ở Bangkok:
“Công an (cảnh sát - pv) Thái Lan hỏi là có muốn về Việt Nam không. Chị bảo là không muốn về, chị sợ lắm! Chị nói là do chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, không cho phép sinh hoạt, cho nên chị chạy sang Thái Lan. Cả hai mẹ con không muốn về. Họ nói muốn gặp UN thì phải lên ở IDC.”
Hiện nay, hai mẹ con bà Nie đã có được quy chế tị nạn. Bà nói ở Thái không được đi làm kiếm tiền hợp pháp, nhưng ít ra cũng không canh cánh nỗi sợ bị bỏ tù như lúc ở quê nhà:
“Qua bên Thái Lan này đi đâu cũng sợ lắm, sợ công an (cảnh sát - PV) Thái Lan bắt lại, con trai không dám đi làm, chỉ đi làm đủ ăn thôi.
Nhưng ở bên này vẫn được hơn, ở bên Việt Nam công an bắt bỏ tù, nhưng bên này thì có UN bảo lãnh ra được.”
Ảnh minh hoạ: một người Thượng ở Tây Nguyên chắp tay khấn sau khi đi ra khỏi rừng ở tỉnh Ratanakiri, Campuchia, nơi những người Thượng chạy lánh nạn từ Việt Nam sang hôm 22/7/2004. Reuters
Không được khám chữa bệnh trong tùBà Huệ, chị của Nguyễn Văn Hoá nói với RFA rằng ở trong tù, để có được Kinh thánh, thánh giá và tràng hạt là cả một quá trình đấu tranh suốt gần hai năm, trong thời gian đó, Hoá đã nhiều lần bị đánh đập, cùm chân hay biệt giam trong thời gian dài:
“Hóa có yêu cầu gửi tràng hạt hoặc kinh thánh. Trước đây họ (cán bộ trại giam - PV) gây khó khăn rất nhiều, người nhà gửi vào đều bị trả lại. Đến thời điểm này thì Hoá đã được nhận rồi.
Khoảng năm 2019 thì Hóa xảy ra rất nhiều vấn đề, như là tuyệt thực, bị đánh đập rồi bị biệt giam, bị cùm chân… Đến thời điểm này cũng đã hơn hai năm rồi.”
Cập nhật tình hình của em trai mình với RFA, bà Huệ nói hiện Hoá đang bị nóng gan, viêm gan, có làm đơn yêu cầu được chữa trị nhưng chưa được giải quyết:
“Lần gặp mới nhất là vào ngày 12/4, hiện tại đang bị tình trạng nóng gan, viêm gan cho nên bị nổi mụn. Hóa cũng làm đơn yêu cầu cho Hóa đi khám ở bệnh viện nhưng cho đến nay trại vẫn chưa giải quyết.
Những lá thư, lá đơn mà em viết về cho gia đình, khoảng trên 20 lá thư thì hiện tại là trại giam vẫn đang giữ, không gửi cho gia đình, cũng như không gửi lại cho Hóa.”
Trong thời gian tới, tổ chức chuyên hoạt động về quyền Tự do Tôn giáo BPSOS sẽ thực hiện một số chiến dịch, như viết thư cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Việt Nam… yêu cầu trả tự do cho tất cả các tù nhân tôn giáo. Ông Thắng nói:
“Chúng tôi sẽ viết những bưu thiếp gửi vào tận nhà tù cho Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa và ông Y Pum Bya. Chúng tôi sẽ có những cuộc họp báo và vận động những những nhân sỹ nổi tiếng quốc tế lên tiếng cho từng cá nhân một và cứ như vậy tiếp tục…”
Theo RFA