logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 29/05/2022 lúc 07:32:06(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
1.  Luật hình từ thời phong kiến đã có một nguyên tắc công bằng, nghiêm minh và đúng với muôn đời là: Quan lại có công trạng, có bề dày cáng đáng việc dân việc nước thì đã được thăng quan tiến chức theo công trạng, đã được hưởng bổng lộc, đãi ngộ thoả đáng theo thang bậc chức tước rồi. Vì vậy quan lại chức tước càng lớn, có ảnh hưởng xã hội càng rộng, càng là tấm gương lớn với dân, khi phạm tội gây hại cho xã hội càng lớn, càng phải xử nghiêm, phải nhận trách nhiệm lớn hơn dân thường, phải xử nặng hơn dân thường.
 
Trong văn học sử Việt Nam thế kỉ 19 có một tên tuổi sáng chói: Cao Bá Quát. Cao Bá Quát quê phủ Gia Lâm, trước thuộc Bắc Ninh, nay là ngoại thành Hà Nội. Cao Bá Quát có nhà ở phố Đình Ngang gần cổng Cửa Nam thành cố Cột Cờ. Nay vẫn còn phố ngắn Đình Ngang nối phố Nguyễn Thái Học với phố Cửa Nam chếch trước rạp cinéma Kinh Đô. Giữa thế kỉ 19, dân Hà Nội có câu cửa miệng: Thần Siêu, Thánh Quát để chỉ hai người nhiều chữ nhất nước thời đó là Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát. Trong dân còn truyền nhau câu chuyện rằng trong thiên hạ có bốn bồ chữ thì hai bồ chữ là của Thánh Quát, một bồ chữ của Thần Siêu. Bồ chữ còn lại là của cả thiên hạ.
 
Học tài thi phận, tuy không đỗ cao nhưng vua Nguyễn ở Huế cũng biết tiếng Thần Chữ Cao Bá Quát đã triệu Cao Bá Quát vào làm quan ở kinh đô Huế. Năm Tân Sửu, 1841 Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo kì thi Hương ở Thừa Thiên. Năm thí sinh có bài thi bộc lộ kiến văn rộng và khí chất lớn của hiền tài nhưng đều có một chữ phạm huý sẽ bị đánh trượt. Chỉ người tài mới biết quý trọng người tài. Xót xa tiếc nuối, Cao Bá Quát bàn với đồng sự chấm thi Phan Nhạ rồi lấy muội đèn sửa lại chữ phạm huý để không vì một lỗi sơ ý nhỏ mà bỏ phí những người tài.
 
Việc bại lộ, Cao Bá Quát và Phan Nhạ đều bị xử tội “trảm quyết”. Án đưa lên vua Thiệu Trị. Vua vừa lên ngôi, cần ra ân thu phục lòng dân liền hạ án từ “trảm quyết” xuống “giảo giam hậu”, giam đợi hậu xét. Năm thí sinh được sửa bài phải qua ba kì thi đều đỗ cao. Cao Bá Quát và Phan Nhạ mới được tha sau ba năm tù giam nhưng phải lấy công chuộc tội, mang kiến văn uyên bác, mang vẻ đẹp văn hoá Việt Nam đi giao thiệp với nước ngoài.  Cao Bá Quát đi Giang Lưu Ba, Indonesia ngày nay. Phan Nhạ đi Tân Gia Ba, nay là Singapore.
 
Luật hình của nhà nước phong kiến nghiêm khắc với quan lại đến mức quan trường chấm thi chỉ sửa một chữ trong bài thi đủ bị xử tội chết. Luật hình nhà nước phong kiến có thể chưa hợp lí nhưng thực sự nghiêm minh là một điểm sáng bền bỉ tạo nên sức sống ngàn năm cho xã hội phong kiến âm u. Giai đoạn nào luật pháp bất minh cũng là triệu chứng chính xác của một triều đại suy vong.
 
2.   Cách mạng dân chủ tư sản đưa thế giới vào văn minh công nghiệp, vào luật pháp dân chủ và nhân văn. Quyền con người được luật pháp hoá. Cá nhân được nhìn nhận. Con người có mặt trong cuộc đời là những cá nhân chứ không còn là bầy đàn nô lệ. Mọi cá nhân, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật không chỉ là câu chữ trong văn bản pháp luật mà thực sự được áp dụng triệt để, nghiêm minh trong thực thi pháp luật, trong đời sống xã hội.
 
Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, con gái Người Hùng Hàn Quốc, Tổng thống Park Chung Hee, người đã mở ra thời kì phát triển rực rỡ cho Hàn Quốc, đưa đất nước từ tro tàn, đổ nát sau chiến tranh mau lẹ thành đất nước phồn vinh hàng đầu châu Á và thế giới, Nữ Tổng thống đầy quyền uy lại có dòng dõi hiển hách như vậy nhưng chỉ vì người bạn gái sử dụng mối quan hệ thân thiết với bà Tổng thống, tạo lợi thế cho tập đoàn điện tử Samsung, lập tức tư pháp vào cuộc.
 
Mối quan hệ trong bóng tối giữa quyền lực kinh tế và quyền lực nhà nước làm cho người dân Hàn Quốc thấy bất an và bất bình về sự lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế được gọi là Chaebol với chính trường. Đặt lợi ích của dân của nước lên trên mọi lợi ích, ngăn chặn quyền lực bất minh và để an dân, bà Tổng thống Hàn Quốc đương quyền Park Geun Hye lập tức bị viện Công tố phế truất, truy tố và bị toà án xử 30 năm tù giam.
 
Đất nước Hàn Quốc sang trọng, đẹp đẽ và phát triển kì diệu không phải chỉ bởi chính sách kinh tế, chính sách xã hội đúng đắn mà còn bởi pháp luật dân chủ, bình đẳng, nghiêm minh bảo đảm cho xã hội phát triển lành mạnh.
 
3.   Trên thế giới có lẽ không có nước nào trong truyền thông, trong ngôn ngữ chính trường, trong đời sống xã hội lại say sưa ngợi ca tính ưu việt của luật pháp xã hội chủ nghĩa, lại lạm phát ngôn từ pháp quyền xã hội chủ nghĩa như ở Việt Nam.
 
Chỉ vài chục năm, Hiến pháp Việt Nam được viết đi viết lại tới năm lần. Lần viết lại nào Hiến pháp cũng khẳng định: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Và: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
 
Suốt mấy chục năm dóng dả cải cách tư pháp, nhiều đời Chủ tịch nước đứng đầu Hội đồng cải cách tư pháp. Nhưng những quyền con người cơ bản của người dân được ghi trong văn bản pháp luật nhà nước cao nhất là Hiến pháp lại bị luật Hình sự, văn bản pháp luật cấp dưới vô hiệu. Luật pháp Việt Nam Xã hội chủ nghĩa cứ mãi bất công, oan trái và lạc lõng với thế giới dân chủ văn minh.
 
Cùng với luật Đất Đai tước đoạt quyền tư hữu thiêng liêng nhất của người dân, quyền tư hữu mảnh đất hương hoả, cùng với các điều 79, 88, 258 bộ luật Hình Sự 1999 vẫn đang được áp dụng và các điều 109 117, 331 bộ Luật Hình Sự 2015 hình sự hoá những quyền con người cơ bản của người dân là những phiên toà bất minh, bất công, bất lương, thẳng thừng xé toạc Hiến pháp, tuyên những bản án vô cùng nặng nề, khắc nghiệt, tàn nhẫn với người dân thấp cổ bé họng chỉ phạm tội rất nhẹ hoặc theo câu chữ của Hiến pháp thì không phạm tội. Nhưng lại mở lượng ưu ái hải hà cho đám quan tham, chức lớn, tội nặng chỉ phải nhận những bản án nhẹ tênh.
 
Suốt năm này qua năm khác những phiên toà đẩy người dân lương thiện vào tù tội, chặn con đường tiến thân và đóng góp tốt nhất cho xã hội của người dân và quá lộ liễu, trắng trợn bao dung, ưu ái cho đám quan tham tội phạm, khuyến khích đám quan tham hư hỏng cứ hư hỏng, cứ hối hả, rầm rộ tham nhũng. Đội ngũ quan tham ngày càng đông đúc, ngày càng nhơn nhơn thách thức pháp luật, thách thức xã hội và thách thức lương tâm con người.
 
Anh nông dân Nguyễn Văn Khang, 20 tuổi ấp Phước Chung, xã Mong Thọ, Châu Thành, Kiên Giang nhà nghèo, lam lũ làm thuê, ít học, ít hiểu biết pháp luật, bắt trộm con vịt của trại vịt gần nhà làm mồi nhậu. Trộm con vịt bị bắt giam mười ba tháng, từ 15.2.2016 đến 16.3.2017 mới xét xử. Trộm con vịt trị giá hơn trăm ngàn đồng chỉ là thứ trộm vặt của thói hư, tật xấu trong đời sống dân sự nhưng pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải mang bộ mặt dữ dằn trừng trị dân đen. Anh nông dân trộm con vịt bị toà án huyện Châu Thành, Kiên Giang xử 7 năm tù giam.
 
Tan trường, chiều 23.9.2013, bốn nam sinh Vũ Văn Thành 17t, lớp 10. Nguyễn Bá Thịnh, 16t, lớp 9, Vũ Thanh Hùng, 17t, lớp 9,  Vũ Văn Lộc, 17t, lớp 10, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng chạy xe máy chầm chậm nghịch ngơm giật chiếc mũ trên đầu mấy bạn gái đi bộ cùng chiều. Có đơn tố cáo của một nữ sinh, bốn nam sinh giật mũ đều lập tức mang mấy chiếc mũ trị giá chỉ vài chục ngàn đồng đến công an trả lại cho bạn.
 
Sự việc dân sự cỏn con nhưng pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải mang bộ mặt rùng rợn với dân đen. Trò nghịch ngợm tuổi học trò đã bị hình sự hoá. Bốn nam sinh bị bắt giam mười tháng, từ tháng chín, 2013 đến tháng bảy, 2014 mới xét xử. Chưa đến tuổi thành niên, bốn học trò chỉ hành động quấy nghịch dân sự đều phải nhận mức án từ 18 tháng đến 36 tháng tù giam. Qua phúc thẩm rồi giám đốc thẩm cả năm trời nữa, án giam mới xuống án treo. Nhưng tuổi học trò đã để lại sau cánh cửa sắt phòng giam nhà tù rồi. Con đường đèn sách vĩnh mất rồi. Bốn tuổi trẻ đành vào đời bằng cơ bắp làm thuê kiếm sống.
 
4.   Nhà nước dân chủ tư sản pháp luật hoá quyền con người thì nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa lại hình sự hoá quyền con người. Các điều 79, 88, 258 luật Hình sự năm 1999 và các điều 109. 117. 331 luật Hình sự năm 2015, hình sự hoá quyền con người của người dân đều mông lung, mơ hồ, mở ra biên độ phạm tội rộng vô biên để toà án tuỳ tiện buộc tội người dân sử dụng quyền con người mà động chạm đến quan chức lộng quyền hại dân, động chạm đến quyền lực nhà nước độc tài đảng trị.
 
Thế kỉ 19, ông Karl Marx viết sách Tư Bản chỉ ra những mâu thuẫn và tội ác dẫn đến sự diệt vong của nhà nước tư sản, viết Tuyên ngôn đảng cộng sản kêu gọi thành lập đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp, làm nội chiến cách mạng lật đổ nhà nước tư sản. Sách Tư Bản và Tuyên ngôn đảng cộng sản được các nhà xuất bản của nhà nước dân chủ tư sản xuất bản và phát hành rộng rãi. Không hình sự hoá quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, nhà nước dân chủ tư sản coi sách Tư Bản và sách Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản của Karl Marx chỉ là sách triết học của khoa học xã hội và ông Marx là nhà tư tưởng lớn của nước Đức, của thời đại loài người bước vào xã hội công nghiệp . Ông Marx tự do đi lại như con thoi từ Đức sang Pháp, sang Bỉ, sang Anh, tự do truyền bá chủ nghĩa cộng sản. Dành cả cuộc đời cho sự nghiệp tiêu diệt nhà nước tư sản nhưng khi K. Marx qua đời, những tượng đài người khởi xướng chủ nghĩa cộng sản quyết liệt tiêu diệt nhà nước tư sản lại được nhà nước tư sản dựng lên sừng sững ở thủ đô nhiều nước dân chủ tư sản
 
Thế kỉ 21, loài người đã tiến những bước dài tới dân chủ văn minh nhưng luật hình nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa vẫn mang bộ mặt man rợ trung cổ quyết tước đoạt, giết chết quyền con người cơ bản của người dân. Nhà báo Phạm Đoan Trang chỉ viết tập sách mỏng diễn giải những quyền con người, quyền công dân chính đáng được pháp luật bảo đảm và ghi nhận những vi phạm quyền con người, quyền công dân của những cơ quan nhà nước bảo vệ pháp luật.
 
Đó là đóng góp lớn của nhà báo tài năng, của tâm hồn nồng nàn yêu nước Phạm Đoan Trang giúp người dân biết sống theo pháp luật, đòi hỏi nhà nước phải vận hành theo pháp luật. Chỉ thực hiện quyền con người, quyền công dân đóng góp cho tiến bộ xã hội, Phạm Đoan Trang bị bắt giam với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 luật hình sự năm 1999, bị toà án nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa xử 9 năm tù giam.
 
Hình sự hoá quyền con người của người dân, toà án đã tuyên những án tù đằng đẵng với những người dân vô tội và lương thiện. Nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù giam. Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ 11 năm tù giam. Người thợ Đỗ Nam Trung 10 năm tù giam. Ba mẹ con người nông dân Cấn Thị Thêu phải nhận bản án từ 8 đến 10 năm tù giam . . . Từ khi luật Hình Sự hình sự hoá quyền con người của người dân Việt Nam, số người dân lương thiện vô tội trở thành tội phạm bởi quyền con người bị hình sự hoá lên tới vài trăm người và số năm tù oan của họ dài tới vài thế kỉ!
 


5.   Trong khi người dân vô tội và lương thiện, không có bất kì hành vi nào sai trái với pháp luật, không mảy may gây hại cho bất cứ cá nhân và tổ chức nào, chỉ thực hiện quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, ôn hoà bộc lộ chính kiến và kiên trì kiến nghị đòi tài sản chính đáng bị tư bản hoang dã cướp đoạt lại bị những điều luật hình sự vi Hiến buộc tội và phải nhận những bản án cả chục năm giam cầm tù đày thì những quan tham có tội lớn, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước và người dân lại được nhận những bản án đầy ưu ái.
 
Ngày 10.12.2018, toà án cấp cao tại Sài Gòn gây kinh ngạc và phẫn nộ cho người dân khi tuyên án ba năm tù treo với Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình gây thất thoát hơn 15 000 tỉ đồng. Xin nhắc lại, thất thoát hơn mười lăm ngàn tỉ đồng. Toà lí giải Đặng Thanh Bình được giảm nhẹ hình phạt vì thân nhân tốt và 64 tuổi, đã nghỉ hưu, không còn làm việc, không còn nguy hại cho xã hội.
 
Thân nhân tốt đã được cất nhắc lên quan bự, đã hưởng đãi ngộ cả nhà cả họ. Quan lớn phải nhận trách nhiệm lớn chứ không thể giảm nhẹ trách nhiệm. Tội phạm gây ra khi đang làm việc chứ không phải khi đã nghỉ hưu. Thất thoát mười lăm ngàn tỉ đồng của dân của nước là để lại nguy hại lớn lâu dài cho xã hội. Không phải khi về hưu thì mười lăm ngàn tỉ đồng thất thoát không còn là thiệt hại nữa.  
 
13 625 tỉ đồng là tiền đầu tư làm cầu Nhật Tân vượt sông Hồng, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam. Số tiền ông quan Đặng Thanh Bình làm thất thoát lớn hơn cả tiền làm cây cầu lớn nhất Việt Nam. Phiên toà ở Sài Gòn ngày 10.12.2018 tuyên bản án ba năm tù treo cho ông quan Đặng Thanh Bình tưởng đã là sự phỉ báng công lí đến tận cùng rồi. Không  ngờ phiên toà Hà Nội ngày 19.5.2022 xử ông quan Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường còn phỉ báng công lí khủng khiếp hơn.
 
Khi còn là Cục trưởng cục Quản Lý Thuốc, Trương Quốc Cường giữ vai trò then chốt nhất, quyết định nhất trong vụ buôn bán thuốc giả chữa ung thư của công ty mafia Pharma. Phải có chữ kí của Cục trưởng Trương Quốc Cường cho phép nhập khẩu nhãn thuốc mờ ám H-Capita 500mg Caplet, giả mạo nguồn gốc xuất xứ, không có tác dụng chữa ung thư thì đường dây buôn thuốc giả của công ty mafia Pharma do Nguyễn Minh Hùng cầm đầu mới hình thành và vận hành được.
 
Không phải chỉ có Cục trưởng cục Quản Lý Thuốc Trương Quốc Cường, trong công ty mafia Pharma còn có chiếc bóng của bộ Y tế khi Phó Tổng giám đốc Pharma Hoàng Quốc Dũng là em chồng Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Chiếc bóng của bộ Y tế và chữ kí của Cục trưởng cục Quản Lý Thuốc giúp cho viên thuốc dỏm H-Capita 500mg Caplet cứ hiên ngang, ồ ạt tràn vào các bệnh viện, kiêu kì, cao ngạo đến với người bệnh ung thư với giá cắt cổ.
 
Hàng ngày chi tiền lớn uống viên thuốc dỏm H-Capita 500mg Caplet hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh, người bệnh bị công ty mafia Pharma và Cục trưởng cục Quản Lý Thuốc lừa đảo vừa kiệt quệ kinh tế, vừa không được uống thuốc hỗ trợ trị bệnh, phải trần mình chịu những cơn đau triền miên hành xác và bị đẩy nhanh đến cái chết thê thảm.
 
Viên thuốc dỏm H-Capita 500mg Caplet ở thế thượng phong, độc chiếm các bệnh viện, độc quyền đến với người bệnh ung thư với giá ăn cướp, ăn cướp tiền bạc, ăn cướp mạng sống. Khi vụ buôn thuốc giả bị phanh phui, bộ Y tế liền đôn đáo vào cuộc giải cứu Viên thuốc dỏm H-Capita 500mg Caplet. Tức tốc cử đoàn mang danh bộ Y tế sang Ấn Độ, nơi sản xuất H-Capita 500mg Caplet mang về tờ giấy dỏm vì không chính danh, không có giá trị pháp luật xác nhận H-Capita 500mg Caplet không phải thuốc giả. Nhanh chóng làm văn bản lên Thủ tướng Chính phủ đề bạt Cục trưởng Trương Quốc Cương thăng chức lên Thứ trưởng để chứng tỏ Cục trưởng Cường và bộ Y tế trong sạch, không dính dáng gì đến viên thuốc tội phạm H-Capita 500mg Caplet.  
 
Năm 2013, Cục trưởng Trương Quốc Cường kí văn bản cho phép công ty mafia Pharma nhập  khẩu thuốc dỏm H-Capita 500 mg Caplet. Năm 2014, Tổng Giám đốc và băng nhóm buôn thuốc dỏm H-Capita 500 mg Caplet ở công ty mafia Pharma bị khởi tố, bắt giam. Năm 2016 Cục trưởng Trương Quốc Cường được đề bạt lên Thứ trưởng Bộ Y tế.
 
Xâu chuỗi những vụ việc trên cho thấy chiếc bóng can phạm lù lù của bà Bộ trưởng bộ Y tế trong vụ công ty mafia Pharma buôn tội ác H-Capita 500mg Caplet. Nhưng cho đến nay pháp luật vẫn chưa một lần gọi tên can phạm bà Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Có lẽ phải đợi đến khi can phạm Nguyễn Thị Kim Tiến theo chân tội phạm Hồ Thị Kim Thoa, tội phạm Nguyễn Thị Thanh Nhàn mù mịt trời Tây, pháp luật mới bừng tỉnh, hốt hoảng và tuyệt vọng réo tên bà Bộ trưởng không thể vô can trong đường dây tội ác buôn thuốc giả H-Capita 500 mg Caplet.
 
Bộ Y tế lộ liễu giải cứu tội phạm Trương Quốc Cường bằng cách vội vã cử đoàn te tái sang Ấn Độ mang về tờ giấy xác nhận thuốc dỏm H-Capita 500 mg Caplet không phải thuốc giả và đôn đáo đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ đề bạt tội phạm Trương Quốc Cường lên Thứ trưởng, vừa tỏ ra Cường là cán bộ tốt không tì vết, vừa đôn Cường lên cán bộ cấp cao do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lí, pháp luật có đụng đến cũng phải quanh co, vòng vèo, khó khăn và chậm trễ. Còn cơ quan pháp luật thì giúp tội phạm Trương Quốc Cường tuy lặng lẽ, kín đáo nhưng vẫn để lại dấu vết lồ lộ.
 
Vụ việc vỡ lở dẫn đến vụ án là từ viên thuốc dỏm H-Capita 500 mg Caplet. Nhưng nếu xướng đúng tội danh “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” có hai điều nguy khốn cho tội phạm Trương Quốc Cường.
 
Một là xướng đến “thuốc”, xướng đến “bệnh” là đụng đến cơ quan nhà nước quản lí thuốc và cơ quan nhà nước lo việc chữa bệnh, là lôi cục Quản Lý Thuốc và bộ Y tế vào vụ án. Vì vậy dù có dấu son nhà nước, có chữ kí của Cục trưởng Trương Quốc Cường mở cửa khẩu cho H-Capita 500 mg Caplet vào Việt Nam hợp pháp, có tư thế đàng hoàng vào bệnh viện, có tư cách công khai đến tay người bệnh, tức là viên thuốc H-Capita 500mg Caplet cứ ưỡn ngực, vung tay rầm rập đội ngũ như duyệt binh vào Việt Nam, không lậu chút nào nhưng vụ án phải mang tội danh “buôn lậu”, đẩy vụ án sang tội phạm kinh doanh, chỉ là tội trong kinh doanh bất hợp pháp, chỉ ở lĩnh vực thương mại, không liên quan đến y, đến dược.
 
Hai là, tội danh “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” có khung hình phạt cao nhất tới tử hình. Dính tội danh đó, dù có chạy tới thiên đình, thân phận tội phạm cũng chôn vùi lâu dài trong tăm tối ngục tù.
 
Vụ án khởi tố từ tháng chín, 2014. Mãi đến tháng chín, 2017, ba năm sau, viện Kiểm Sát cấp cao phía Nam mới kháng nghị xem xét lại toàn bộ vụ án. Đòi hỏi vụ án phải mang đúng tội danh “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. Phải làm rõ trách nhiệm của Cục Quản Lý Thuốc và khoản hoa hồng mà công ty mafia Pharma đã chi ra.
 
Hai năm nữa qua đi, đến tháng chín, 2019, vụ án “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. mới được tòa án Sài Gòn xử sơ thẩm lần hai. Nhưng đám tội phạm buôn thuốc giả H-Capita 500mg Caplet đưa mắt ai oán điểm mặt đồng phạm vẫn không thấy bộ mặt tội phạm hàng đầu Trương Quốc Cường.
 
Hơn hai năm sau nữa, ngày 3.11.2021, tội phạm Trương Quốc Cường mới bị cơ quan điều tra bộ Công an khởi tố nhưng với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất cũng chỉ 12 năm tù.
 
Vụ án tiến triển dùng dằng, chậm chạp kéo dài suốt bảy năm trời, đủ thời gian cho tội phạm Trương Quốc Cường lủi sâu vào quan trường, từ Cục trưởng tót lên Thứ trưởng, tạo vỏ bọc dày thêm lẩn tránh pháp luật. Đưa vụ án ra xa cục Quản Lý Thuốc, xa bộ Y tế với tội danh “buôn lậu”, né tránh liên quan đến quan chức bộ Y tế, tạo khoảng cách an toàn được ngày nào hay ngày đó cho tội phạm Trương Quốc Cường. Là đầu nguồn, là tội phạm chính, nguy hiếm nhất của vụ án buôn thuốc giả nhưng khi pháp luật truy vết lần đến tội phạm Trương Quốc Cường thì Cường lại được tách ra khỏi vụ án buôn thuốc giả có thể dẫn đến tội chết, để tội phạm Trương Quốc Cường đứng tên trong vụ án nhẹ nhàng, dễ chịu hơn “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Đó là những ưu ái mênh mông trời biển dành cho tội phạm là quan Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường.
 
Có sự ưu ái lớn của pháp luật, tội phạm Trương Quốc Cường không thấy được tội ác của Cường đã mang lại cái chết đau đớn cho bao người bệnh, mang lại đau khổ cho bao gia đình người bệnh. Là quan cấp Thứ trưởng, cấp quốc gia, mang trọng trách với dân với nước, không một lời nhận trách nhiệm. Quá trình điều tra được ưu ái, đứng trước toà, tội phạm là quan Thứ trưởng Trương Quốc Cường lại đòi hỏi tiếp tục được ưu ái: Xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện sao cho bị cáo có mức án không mang thêm đau khổ cho bị cáo, gia đình bị cáo.
 
Và tội phạm là Thứ trưởng Trương Quốc Cường lại được ưu ái. Kí giấy cho phép nhập thuốc giả, thực sự mở ra đường dây tội ác buôn thuốc giả không những gây ra nhiều cái chết đau đớn cho người bệnh mà đường dây buôn thuốc giả do Trương Quốc Cường tạo ra còn lôi cuốn nhiều cán bộ cục Quản Lý Thuốc, nhiều cán bộ bộ Y tế vào đường dây tội phạm, phá nát đạo đức xã hội, phá nát tổ chức cơ quan cấp Chính phủ làm công việc nhân đạo và trí tuệ. Tội của quan Thứ trưởng Trương Quốc Cường lớn và nguy hại như vậy nhưng phiên toà ngày 19.5.2022 toà án Hà Nội ưu ái dành cho Cường bản án nhẹ tênh: bốn năm tù!
 
6.    Người dân trộm con vịt trị giá hơn trăm ngàn đồng phải nhận bản án bảy năm tù. Người nông dân đấu tranh dân sự ôn hoà hợp pháp giữ mảnh đất hương hoả phải nhận bản án tám năm tù. Người dân ra báo mạng, viết báo mạng bộc lộ chính kiến là quyền cơ bản con người, phải nhận bản án mười một năm tù, mười lăm năm tù.
 
Quan chức làm thất thoát mười lăm ngàn tỉ đồng của dân của nước chỉ phải nhận án tù treo. Quan chức dùng quyền lực nhà nước mở ra cả đường dây buôn thuốc giả gây cái chết đau đớn cho nhiều người bệnh, gây đau khổ và kiệt quệ kinh tế cho nhiều gia đình người bệnh, làm băng hoại đạo đức xã hội, làm ruỗng nát một cơ quan nhà nước cấp Chính phủ, làm hư hỏng nhiều công chức nhà nước, chỉ phải nhận bản án bốn năm tù.
 
Công an, toà án, nhà tù là bạo lực nhà nước để trấn áp tội phạm, bảo vệ công lí, giữ gìn kỉ cương phép nước. Những phiên toà bất công, đẩy người dân thấp cổ bé họng vào lao lí ngục tù mút mùa, chà đạp lên thân phận người dân lương thiện, chà đạp lên công lí và lẽ phải đã đưa xã hội về thời nam rợ, mông muội.
 
Những phiên toà pháp quyền xã hội chủ nghĩa thế kỉ 21 xử người dân trộm vịt, xử người dân ôn hoà bộc lộ chính kiến, xử ông quan làm thất thoát mười lăm ngàn tỉ đồng, xử ông quan tạo ra cả đường dây buôn thuốc giả và phiên toà phong kiến thế kỉ 19 xử ông quan Cao Bá Quát cho thấy pháp quyền xã hội chủ nghĩa thế kỉ 21 còn man rợ, mông muội hơn cả pháp quyền phong kiến thế kỉ 19!
 
Pháp luật nghiêm minh tạo ra một xã hội lành mạnh, một nhà nước vững bền. Luật pháp bất minh là biểu hiện chính xác và sâu xa một nhà nước suy vong. Pháp luật phải bảo vệ công bằng và lẽ phải. Pháp luật chà đạp công bằng và lẽ phải thì xã hội mãi mãi bất an, trì trệ, man rợ và mông muội làm sao có thể tồn tại trong thời đại dân chủ, văn minh.

Phạm Đình Trọng
 
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.196 giây.