Người viết thưa: “Bạch Ôn, con thấy hào quang, tức là ánh sáng nhiều màu rất đẹp bao phủ khắp người Ôn. Ôn có hào quang màu ngũ sắc, có nhiều màu xanh đỏ vàng trắng tím trông rất đẹp bao phủ khắp người Ôn và Ôn có mùi thơm của trầm hương. Con không những thấy hào quang của Ôn, mà con còn thấy hào quang của mọi người. Hào quang tỏa khắp thân mọi người, người nào cũng có, nhưng trên đầu có phần mạnh và sáng hơn. Chẳng hạn, Thầy A có hào quang màu vàng trông rất đẹp, thầy B có hào quang màu trắng trong trông cũng rất đẹp, v.v…. Và mỗi người đều có mùi riêng biệt. Như Ôn có mùi thơm trầm hương, những người khác có mùi hoa anh trảo (lan công chúa) trồng ở chùa, hay là có mùi hoa sen, v.v…, người nào cũng có mùi thơm hoặc hôi khác nhau.
Một lần con đạp xe đạp đi phố, con cảm thấy sau lưng con có mùi xác người chết, rất hôi thối. Đã năm phút trôi qua con vẫn cảm thấy có mùi xác chết đó, nên quay lại phía sau để nhìn, thì ra có người đạp xe đạp đi theo sau con, cách xa khoảng mười mét. Hào quang ở đầu và xung quanh người của họ rất xám tối, mặc dù gương mặt họ cũng bình thường như những người khác, không bị sẹo, cũng không xấu xí. Nhưng, tự nhiên con nghĩ, người này đáng sợ quá, mặc dù còn rất trẻ, khoảng gần ba mươi tuổi, nhưng con nghĩ, sau khi chết, họ có thể sẽ phải bị đọa địa ngục, nếu họ không làm việc thiện để giải trừ bớt cái ác mà họ đã có và đang mang theo trên người. Thế nên con lái xe qua đường khác để đi, và tránh họ. Khi đó không còn mùi hôi của xác chết xông lên nữa. Ngoài ra con còn cảm nhận được Tu Viện Quảng Hương Già Lam có từ quang tốt đẹp bao phủ rất nhiều. Con đường Ôn thường đi từ ngoài tu viện lên lầu đến phòng Ôn có từ quang tốt đẹp bao phủ nhiều hơn ở các nơi khác trong chùa”.
Hòa Thượng khen là tốt, rán tu hành thêm nữa. Ngoài ra ở Việt Nam, các chùa khác như Chùa Ấn Quang, Chùa Huệ Nghiêm, v.v… cũng có từ quang bao phủ. Sẳn đây người viết xin kể Hòa Thượng Thích Trí Thủ có Thiên Nhãn Thông.
Người viết hỏi tiếp: “Bạch Ôn, nghe nói Ôn trước kia có thiên nhãn thông, có thể thấy rất xa, thấy xuyên qua vách tường, chuyện đó có thật không?” Ngài trả lời: “Chuyện đó có thật, nhưng xảy ra lúc còn trẻ”. Người viết hỏi: “Bạch Ôn, sự việc xảy ra thế nào?” Ngài trả lời: “Một hôm tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, ở trong phòng đóng cửa nhưng Ôn nhìn thấy tất cả xung quanh, ngoài trời, trong các phòng khác Tăng chúng làm việc, đọc sách, tụng Kinh, ngồi Thiền, v.v… giống như thấy mọi người đang làm việc, nghỉ ngơi hay ăn uống trước mặt, không có gì ngăn ngại. Có lần làm việc trong phòng, Ôn thấy mấy chú Sa Di nhỏ, trèo lên cây ổi ở sườn núi che khuất bên sau các phòng và dãy núi ở đồi Trại Thủy Nha Trang, cách đó khoảng hơn một cây số. Ôn sợ các chú Sa Di này té xuống núi, có thể chết hay bị thương. Ôn muốn đi đến đó để nói các chú đừng leo trèo coi chừng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu Ôn đi thì bỏ dỡ công việc đang làm trong phòng, nên mới bảo các Thầy gần đó chạy đi khuyên các chú Sa Di nhỏ giùm. Các Thầy rất ngạc nhiên, không thấy các chú Sa Di ở đâu cả. Ôn nói, các chú đang ở khuất bên kia núi, qua khỏi các dãy Tăng phòng, mới thấy được các chú Sa Di đó. Các Thầy không tin, nhưng nghe lời Ôn, nên phải đi. Quả nhiên các chú Sa Di nhỏ đang trèo lên cây ổi ở lưng chừng núi trông rất nguy hiểm. Sau đó các Thầy biết, không những Ôn thấy các chú Sa Di bên kia sườn núi, Ôn còn thấy biết tất cả các Thầy đang làm việc, đọc sách, tụng Kinh, ngồi Thiền, hay đang ngủ, v.v… trong các phòng ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang dù xa hay gần”.
Người viết hỏi tiếp: “Bạch Ôn, sau đó thì thế nào?” Ngài đáp: “Sự việc thấy như vậy cũng khiến cho Ôn bận rộn chỉ dạy Tăng chúng, từng người nhiều hơn, khó hoàn tất những việc của Giáo Hội nhanh chóng như ý muốn. Sau này Ôn chú tâm Pháp Môn Tịnh Độ, lo làm việc Giáo Hội và từ từ không còn Thiên Nhãn Thông nữa.”
Cũng năm 1979, người viết thấy Hòa Thượng Thích Đức Chơn, Trụ Trì Quảng Hương Già Lam, có hào quang màu vàng rất rực rỡ, đẹp hơn vàng bốn số 9, tỏa rộng xung quanh Ngài khoảng 2 tấc. Trên đầu Ngài hào quang vàng rất rực rỡ. Người viết hỏi: “Bạch Ôn, Ôn có hào quang vàng rực rỡ, rất đẹp, bao xung quanh Ôn. Con xin phép được hỏi, Ôn tu pháp môn gì mà được hào quang đẹp như vậy?”. Hòa Thượng Thích Đức Chơn trả lời: “Ôn luôn luôn niệm “
Nam mô A Di Đà Phật””.
Hào quang tỏa sáng khi niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà:
Sự thấy hào quang của người viết bắt đầu từ năm 1979 liên tục đến năm 1998. Khi muốn thấy hào quang người nào, người viết chỉ cần tập trung tư tưởng một chút thì thấy, còn khi không để ý hào quang của họ và nhìn bình thường như mọi người thì không thấy. Trong thời gian thấy hào quang, người viết thấy hào quang của người viết có màu trắng, nhưng chưa được trắng trong nhiều và sáng rực rỡ như một số các vị pháp hữu, các bậc Cao Tăng khác. Tuy nhiên khi người viết chí thành niệm nho nhỏ, “
Nam mô A Di Đà Phật” thì thấy từ trán, ở Ấn đường, có hào quang màu trắng sáng rực như đèn bin chiếu ra ngoài. (Đây là riêng người viết thấy, chứ những người chưa thấy hào quang, có lẽ không thấy được). Thế nên người viết thường xuyên chí thành niệm thầm “
Nam mô A Di Đà Phật” và tin chắc chắn 100% thật có Đức Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc.
Trở lại, nhờ thấy hào quang của người viết chưa được trắng trong nhiều và sáng rực rỡ như một số các vị pháp hữu, các bậc Cao Tăng khác, nên người viết luôn luôn cố gắng tu tập để hy vọng mỗi ngày một tiến bộ hơn. Sau này, nhờ thường xuyên cố gắng tu hành, người viết thấy hào quang càng ngày sáng càng đẹp hơn, tuy nhiên vẫn chưa bằng một số các vị pháp hữu, các bậc Cao Tăng khác. Đến năm 1998, khi người viết đeo kính viễn thị thì việc thấy hào quang yếu dần và mất hẳn, bây giờ không còn thấy hào quang nữa. Đúng ra là sự thấy hào quang thuộc một phần của thiên nhãn, không tùy thuộc nhục nhãn, nhưng trường hợp của người viết có thể do lớn tuổi, mắt kém nên sự thấy hào quang cũng kém luôn và mất hẳn.
Khi mới đến Hoa Kỳ, người viết hỏi về sự thấy hào quang, quý Thầy giỏi tiếng Anh nói, “Ở Tây Tạng có người thấy hào quang, sách viết bằng tiếng Anh, chưa được dịch ra tiếng Việt”. Khi đó người viết còn kém tiếng Anh, vì ở Việt Nam sinh ngữ chính là tiếng Pháp. Ở Hoa Kỳ, người viết cũng không rảnh rỗi để tìm kiếm sách viết về hào quang bằng tiếng Anh, để xem họ nói gì trong đó.
Đến năm 1999, có người Mỹ giới thiệu người viết xem máy chụp hình hào quang và chụp thử, máy chụp hình hào quang Aura Camera 6000 do Guy Coggins phát minh. Sau khi xem các hình, người viết thấy hào quang trong các hình được máy chụp còn đơn giản, chưa sống động bằng người viết đã thấy hào quang trước kia. Có lẽ trong tương lai, khi khoa học phát minh ra máy quay phim hào quang, người viết sẽ đến xem để so sánh có những chi tiết khi chiếu phim có giống như người viết đã thấy hay không?
Cũng trong năm 1999 người viết đọc sách “Câu Chuyện Rampa”, Trần Viết Anh Thi phóng tác theo sách “The Rampa Story” của Ngài Lạt Ma Tiến Sỹ Lobsang Rampa. Sách viết Ngài Lạt Ma Tiến Sỹ Lobsang Rampa đã thấy hào quang và chuyển di tâm thức, nhưng không thấy nói mùi hương. Ngài Lạt Ma Tiến Sỹ Rampa lúc tám tuổi qua một cuộc giải phẫu để mở “Con Mắt Thứ Ba” (The Third Eye) và thấy được hào quang. Ngược lại, người viết thấy hào quang, mùi hương và chuyển di tâm thức là do tu tập mà có, không do giải phẫu, hay bất kỳ tai nạn nào. Khi so sánh về sự thấy hào quang của người viết và của Ngài Lạt Ma Tiến Sỹ Lobsang Rampa tương tự nhau.
Cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà có năng lượng từ quang rất tốt đẹp, ấm áp dễ chịu nhất:
Năm 2017, khi ở Florida, Hoa Kỳ, người viết bị bệnh nặng, đau nhức khắp người, nên tập trung nhập định đễ đỡ đau nhức, và nghĩ rằng mình có lẽ sẽ chết. Tuy nhiên người viết không muốn tái sinh lại cõi người, như quý Ngài Lạt Ma Bồ Tát Hóa Thân của Tây Tạng, chỉ muốn tái sinh lên các cõi Trời, hay là về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Vì vậy người viết tập trung nhập định để bay lên các cõi Trời bằng “chuyển di tâm thức”.
Chuyển di tâm thức:
Lúc còn ở Việt Nam, khi Thiền đến mức độ cao, người viết có những hiện tượng lạ hay thắng trí, như chuyển di tâm thức (nói theo kiểu bình dân là xuất hồn) bay lên không gian, bay dạo khắp nơi, v.v... trong đó có đi xuống địa ngục dạo chơi cho biết, nên người viết nghĩ địa ngục là có thật. Nó không phải là ảo tưởng, ảo giác hay tưởng tượng. Trước kia người viết đọc thấy có một cuốn sách Phật Giáo nào đó, viết hoả ngục chứ không viết địa ngục. Người viết nghĩ chữ hỏa ngục chưa chính xác. Hỏa ngục chỉ là một phần của địa ngục. Vì có những địa ngục không có lửa, như địa ngục hàn băng, hoặc là địa ngục máy móc do chính người viết đã thấy. Tại sao người viết tin địa ngục có thật? Bởi, khi đến Hoa Kỳ, người viết được Thầy Thích Minh Tuyên mà người viết rất kính trọng, nay là Hòa Thượng Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới. Trước kia Ngài có học Thiên Văn và tốt nghiệp Đại Học trường Đại Học Long Beach, California, đã dẫn người viết đến Griffin Observatory tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Ngài chỉ cho người viết xem vũ trụ do kính thiên văn chiếu. Người viết thấy giống y hệt những gì người viết đã thấy khi chuyển di tâm thức trong lúc ngồi Thiền tại Tu viện Quảng Hương Già Lam ở Việt Nam trước kia. Nhưng ở tại Griffin Observatory họ chiếu vũ trụ với ánh sáng mạnh quá, không giống như người viết thấy ánh sáng vừa phải trong lúc ngồi Thiền; còn tất cả các hình ảnh vũ trụ, các hành tinh, đều giống như người viết đã dùng tâm thức bay lên và thấy. Thế nên người viết nghĩ địa ngục cũng có thật, như cái bàn, cái ghế, v.v… Chỉ có điều khoa học hiện tại chưa có dụng cụ khám phá được địa ngục. Khoa học hiện tại chỉ mới ở không gian ba chiều và chiều thứ tư là thời gian mà thôi.
Ngược lại, nếu người nào đó nghĩ rằng địa ngục do tâm tạo ra, không có thật, thì khi đó cái bàn, cái ghế, cỏ cây, sông núi, v.v… cũng không có thật, chỉ do tâm tạo ra, như Ngài Từ Đạo Hạnh đã dạy:
“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có có không là gì”.
Nguyên nhân “chuyển di tâm thức”:
Khoảng năm 1978, người viết ngồi Thiền tại Chánh điện Tu Viện Quảng Hương Già Lam, Việt Nam, bỗng cảm thấy cơ thể rất nhẹ nhàng, an lạc. Khi đó người viết nghĩ, tại sao mình không bay lên không trung như Tôn Giả Mục Kiền Liên và các bậc Hiền Thánh Tăng thời Đức Phật đã dùng Thần Túc Thông bay luôn cả thể xác như chim bay. Người viết muốn bay luôn cả thể xác, nhưng, từ đỉnh đầu người viết bay lên một thân khác, y hệt thân đang ngồi Thiền ở Chánh điện, thân này trong như thủy tinh và bay đi các nơi, như xuống biển, bay qua các núi đồi, thành phố, v.v… Người viết đã trình sự việc này lên Hòa Thượng Thích Trí Thủ.
Con người là tổng hợp của Ngũ Uẩn, Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Nói chuyển di Thức, hay xuất Thức thì không đủ, vì khi xuống địa ngục, người viết cảm thấy rất đau đớn và khó thở, như vậy có Thọ (cảm giác), nên người viết đặt tên là “chuyển di tâm thức”. Sau này khi ở Hoa Kỳ, người viết nghe nhiều người nói về Thiền xuất hồn, người viết cũng không để ý, và nghĩ rằng có lẽ họ cũng chuyển di tâm thức giống người viết. Đến năm 2011, người viết đọc sách “Dòng Đời Vô Tận” của Thượng Tọa Thích Trí Siêu (website:
http://trisieu.free.fr) viết “Du hành ngoài thể xác”, trang 155-158 giống trường hợp người viết. Thượng Tọa kể, trên thế giới này có nhiều người du hành ngoài thể xác (OBE: Out of Body Experience), như ông Robert Monroe, một thương gia giàu có, sống tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Ông đã viết quyển: “Journeys out of body” (những chuyến du lịch ngoài thể xác) và lập ra The Monroe Institute (www.monroeinstitute.com). Một người khác là Bác Sỹ Waldo Vieira, người Ba Tây (Brazil), cũng có kinh nghiệm du hành ngoài thể xác (OBE). Ông lập hội IAC (International Academy of Consciousness,
www.iacworld.org). Hội có 3 trung tâm ở Brazil, Florida (Hoa Kỳ), và Portugal (Bồ Đào Nha). Thượng Tọa Trí Siêu viết: “Những sự du hành ngoài thể xác của ông (Robert Monroe), mà bạn có thể gọi là “xuất hồn”, “xuất vía”, hay “xuất thức”, v.v… đều được các khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư nghiên cứu và kiểm chứng đàng hoàng nên không thể nói là hoang tưởng hay bịa đặt… Sự khác biệt giữa những người “du hành ngoài thể xác” Âu Mỹ này với những người tu Thiền “xuất hồn” ở chỗ họ không phải là người tu hành mà là khoa học gia. Khi có những kinh nghiệm “xuất hồn” thì họ nghiên cứu và tìm hiểu một cách khoa học. Sau đó họ chia xẻ kinh nghiệm qua sự viết sách hoặc thuyết trình chứ không lập thành một đạo giáo chiêu dụ tín đồ. Nhờ vậy sự “xuất hồn” trở thành một sự kiện khoa học chứ không phải là một sự huyền bí hay mê tín dị đoan”.
Tâm Từ Bi cứu khổ chúng sanh của Bồ Tát Quán Thế Âm vô cùng mầu nhiệm.
- Kinh nghiệm chết của Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên và được Bồ Tát Quán Thế Âm cứu thoát.
Năm 2022 An Cư Kiết Hạ tại Tu Viện Pháp Vương, California, Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên chia sẻ cùng chư Tôn Đức Tăng Ni, về sự mầu nhiệm của Bồ Tát Quán Thế Âm ở Cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Hồi nhỏ lúc 12 tuổi, Ngài sắp bị chết đuối, Ngài diễn tả những giai đoạn của sự chết rất ly kỳ, sống động và hấp dẫn người nghe. Đến giây phút cuối cùng, tâm thức sắp sửa lìa khỏi xác, Ngài nhớ đến Bồ Tát Quán Thế Âm, thế là từ dưới đáy sông, thân thể Ngài được nổi lên mặt nước, tỉnh lại và an toàn trở về chùa.
- Kinh nghiệm chuyển di tâm thức xuống địa ngục của người viết và được Bồ Tát Quán Thế Âm cứu thoát:
Khi tu tập có những hiện tượng lạ hay thắng trí, người viết thường trình lên Hòa Thượng Thích Trí Thủ để nhờ chỉ dạy, có lần người viết thưa với Hòa Thượng: “Bạch Ôn, con ngồi Thiền có thể chuyển di tâm thức bay đi chỗ này chỗ nọ. Dùng tâm thức để dạo chơi, có khi bay xuống biển, thấy rất nhiều cá bơi lội. Có khi bay lên trên các dãy núi, qua các thành phố. Có khi bay vào vũ trụ thấy vô số hành tinh, lớn có nhỏ có, sáng có mờ có. Một lần dùng tâm thức xuống địa ngục, thấy tự nhiên mặt đất không còn dày kín như hiện tại nữa, mà thấy mặt đất gần giống như mặt nước, nhưng xuống không thấy lạnh, chưa thấy lửa hay hàn băng, chỉ mới thấy vô số máy móc ở dưới địa ngục ép cơ thể con lại, khiến không thở được. Con muốn lên nhưng bị mắc kẹt dưới địa ngục không lên được, lại bị nghẹt thở, rán hết sức cũng không lên được; may thay, con nhớ và chí thành niệm “
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, cầu xin Ngài cứu giúp mới bay thoát lên được. Từ đó con sợ, không còn dám có ý nghĩ xuống địa ngục dạo chơi cho biết nữa và con rất tin tưởng Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát”.
Chuyển di tâm thức đến các cõi Trời Dục Giới và cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà:
Khi ở Hoa Kỳ, từ những năm trước 2017, người viết đã được chư Thiên dẫn lên thăm viếng các cõi Trời Dục Giới bằng “chuyển di tâm thức”, nên lần này bay một mình không có gì trở ngại. Lần “chuyển di tâm thức” này, người viết chỉ chú trọng so sánh năng lượng từ quang. Người viết cảm nhận năng lượng từ quang tốt đẹp ở quả đất, có nhưng không nhiều. Người viết đã cảm nhận Quảng Hương Già Lam có từ quang tốt đẹp bao phủ rất nhiều. Ngoài ra ở Việt Nam, các chùa khác như Chùa Ấn Quang, Chùa Huệ Nghiêm, v.v… cũng có từ quang bao phủ. Ở Hoa Kỳ cũng có rất nhiều chùa có năng lượng từ quang bao phủ. Như, Vạn Phật Thánh Thành, có 2 nơi, chỗ dành cho các cư sĩ ở thì có từ quang bao phủ, nhưng ít hơn so với chỗ dành cho chư Tăng Ni ở. Các chùa khác tại Hoa Kỳ của người Việt Nam, Trung Hoa, Nhật, Hàn Quốc, v.v… đều có từ quang bao phủ.
Khi lên đến cõi Trời Tứ Đại Thiên Vương, người viết cảm nhận năng lượng từ quang tốt đẹp bao phủ nhiều hơn ở quả đất này. Kế tiếp khi lên đến cõi Trời Đạo Lợi, năng lượng từ quang tốt đẹp nhiều hơn ở cõi Trời Tứ Đại Thiên Vương. Khi lên đến cõi Trời Dạ Ma, năng lượng từ quang tốt đẹp nhiều hơn ở cõi Trời Đạo Lợi. Ở cõi Trời Đâu Xuất Đà, năng lượng từ quang tốt đẹp nhiều hơn cõi Trời Dạ Ma. Ở cõi Trời Hóa Lạc Thiên, năng lượng từ quang tốt đẹp nhiều hơn ở cõi Trời Đâu Xuất Đà. Ngược lại, khi lên đến cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, người viết không cảm nhận có năng lượng từ quang. Năng lượng từ quang ở cõi Trời Tha Hóa Tự Tại ít hơn ở quả đất này.
Sau đó người viết muốn đến cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, bỗng nhiên đến được. Người viết rất ngạc nhiên và vui mừng, không ngờ, năng lượng từ quang tốt đẹp ở cõi Đức Phật A Di Đà bao phủ rất nhiều, người viết cảm thấy rất ấm áp dễ chịu. Năng lượng từ quang rất tốt đẹp ở cõi Đức Phật A Di Đà là số một, là tốt đẹp nhất, là siêu đẳng nhất. Người viết cảm nhận được sự yêu thương, tấm lòng từ bi bao la, vô tận, năng lượng từ quang vô cùng tốt đẹp ở cõi Đức Phật A Di Đà. Khi đó người viết cũng cảm thấy cơ thể rất dễ chịu và hết bệnh.
Trong lần An Cư Kiết Hạ năm 2022 tại Tu Viện Pháp Vương, California, người viết nói về từ quang rất tốt đẹp, ấm áp, dễ chịu ở cõi Đức Phật A Di Đà tại bàn uống trà với Ni Trưởng Thích Nữ Giới Châu, quý Thầy đặt tên vui bàn uống trà này là “nước trà Tào Khê”, trước khi chia sẻ chuyện này cùng chư Tôn Đức Tăng Ni tại Trai đường. Ni Trưởng nói, “Khi nhận được năng lượng từ quang vô cùng tốt đẹp, có lẽ những vị trước kia đã đi luôn về cõi Cực Lạc không trở lại”. Người viết nói, “Có lẽ Nguyên Hải có bổn phận phải trở lại để kể cho mọi người”. Một ngày khác, người viết nói về từ quang rất tốt đẹp, ấm áp, dễ chịu ở cõi Đức Phật A Di Đà với Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, tại Tổ Đình Minh Đăng Quang, California. Ngài nói, ‘“Nên viết “Tây Phương Cực Lạc Du Ký” cho mọi người cùng đọc”’. Người viết dạ và vâng lời.
VI. 33 vị Tổ ở Ấn Độ và Trung Hoa:Người viết chỉ kể tên 33 vị Tổ ở Ấn Độ Trung Hoa, không cần kể tiểu sử, vì quá dài.
1. Tổ Ma Ha Ca Diếp
2. Tổ A Nan
3. Tổ Thương Na Hòa Tu
4. Tổ Ưu Ba Cúc Đa
5. Tổ Đề Đa Ca
6. Tổ Di Dá Ca
7. Tổ Bà Tu Mật
8. Tổ Phật Đà Nan Đề
9. Tổ Phục Đà Mật Đa
10. Tổ Hiếp Tôn Giả
11. Tổ Phú Na Dạ Xa
12. Tổ Mã Minh
13. Tổ Ca Tỳ Ma La
14. Tổ Long Thọ
15. Tổ Ca Na Đề Bà
16. Tổ La Hầu La Đa
17. Tổ Tăng Già Nan Đề
18. Tổ Già Da Xá Đa
19. Tổ Cưu Ma La Đa
20. Tổ Xà Dạ Đa
21. Tổ Bà Tu Bàn Đầu
22. Tổ Ma Noa La
23. Tổ Hạc Lặc Na
24. Tổ Sư Tử
25. Tổ Bà Xá Tư Đa
26. Tổ Bất Như Mật Đa
27. Tổ Bát Nhã Đa La
28. Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Ở Trung Hoa có 5 vị Tổ:Tổ Bồ Đề Đạt Ma, tức là vị Tổ thứ 28 ở Ấn Độ
Tổ Huệ Khả
Tổ Tăng Xán
Tổ Đạo Tín
Tổ Hoằng Nhẫn
Tổ Huệ Năng.
Một hôm Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn yêu cầu chúng đệ tử làm kệ trình lên Ngài để Ngài ấn chứng, truyền tâm ấn. Ngài Thần Tú viết trên vách hành lang:
Thân thị Bồ Đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhạ trần ai
Dịch:
Thân như cây Bồ Đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn cần phủi sạch
Chớ để dính bụi trần
Ngũ Tổ dạy y theo bài kệ này tu hành sẽ có lợi ích lớn.
Ngũ tổ kêu Ngài Thần Tú đến canh ba vào thiền thất hỏi:
- Ông làm bài kệ đó phải không?
- Bạch Hòa Thượng, chính do con làm, con không dám vọng tưởng tham cầu ngôi vị Lục Tổ, kính mong Ngài Từ Bi xem con có chú trí tuệ nào chăng?
- Bài kệ ông làm chưa thấy chân như bản tánh, ông vẫn còn là người đứng ngoài cửa! Kiến giải của ông muốn tu hành để đạt Vô Thượng Bồ Đề là chuyện khó thành.
Cho nên Vô Thượng Bồ Đề, nghĩa là ngay lời nói liền nhận ra được bản tâm của chính mình, minh tâm kiến tánh, Cần phải biết tự tánh bất sanh bất diệt, bất cứ lúc nào muôn pháp cũng đều viên dung vô ngại, không chút trì trệ. Nếu một thứ đã chân thì mọi thứ đều chân, muôn cảnh đều đạt đến cảnh giới như như bất động. Tâm như như bất động, đó mới là chân thực. Nếu ông có được kiến giải như thế, mới là bổn tánh Vô Thượng Bồ Đề vậy.
Ngài Huệ Năng nghe mọi người đọc nên cũng đến hành lang xem kệ. Ngài nói Ngài không biết chữ nên nhờ quan Biệt Giá ở Giang Châu tên Trương Nhựt Dụng đọc Ngài nghe. Nghe xong Ngài nói, tôi cũng có một bài kệ, nhờ ông viết giùm:
Bồ Đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai
Dịch:
Bồ Đề vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào vướng trần ai?
Ngũ Tổ thấy đại chúng kinh ngạc, lấy làm lạ, e có kẻ muốn làm hại, liền lấy giày xóa hết bài kệ nói rằng: “Cũng chưa thấy tánh.” Đồ chúng đều cho là phải.
Ngày kế Ngũ Tổ lén đến phòng giã gạo, thấy Huệ Năng mang đá nơi lưng mà giã gạo. Ngài nói rằng: “Người cầu đạo, vì pháp quên mình, phải nên như thế!” Ngũ Tổ hỏi: “Gạo trắng chưa?” Huệ Năng đáp: “Gạo trắng đã lây, chỉ còn thiếu sàng.”
Tổ lấy gậy gõ cối 3 lần rồi bỏ đi. Huệ Năng liền hiểu ý Tổ, đến canh ba vào thất.
Ngũ Tổ lấy cà sa phủ kín cả Ngài và Huệ Năng, chẳng cho ai thấy, rồi nói kinh Kim Cang. Đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Nên không trụ vào chỗ nào mà sinh tâm mình. Vì vậy, khi Lục Tổ Huệ Năng nghe tới câu: “Ưng vô sở trụ”, nghĩa là không dính mắc vào bất kỳ sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần nào, đó là giác ngộ. Ngài Huệ Năng ngay lời đó đạt đại ngộ, biết rằng cả thảy muôn pháp không lìa tự tánh, và bạch Tổ rằng:
Nào dè tánh mình vốn tự thanh tịnh
Nào dè tánh mình vốn không sanh diệt
Nào dè tánh mình vốn tự đầy đủ
Nào dè tánh mình vốn không lay động,
Nào dè tánh mình có thể sanh ra muôn pháp.
Tánh là gì? Tánh là cái có sẳn, còn khi đợi duyên hợp mới có thì đó là tướng chứ không phải tánh. Cho nên nói các pháp duyên hợp không tự tánh tức là các pháp không sẳn có, đợi duyên hợp mới có. Còn tánh giác của chúng ta có sẳn, không phải đợi duyên hợp.
Phần III: Kết luận:Ý Nghĩa “Niêm Hoa Vi Tiếu” là Đức Phật muốn cho chúng ta biết “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Đức Phật dạy cho chúng ta thấy, và chúng ta hiểu để vào Tri kiến Phật. “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến”. Ngay lời nói liền nhận ra bản tâm của chính mình, Minh Tâm Kiến Tánh, nhận ra mình có Tánh Giác. Tánh Giác là chân thật, là vĩnh cữu, và cũng chính là bản thể của mình, đó chính là Pháp Thân. Pháp Thân là thật thể của thân tâm mà không có tướng mạo. Về phương diện, thường biết rõ ràng (liễu liễu thường tri) một cách chân thật là Chân Tâm. Vĩnh viễn không sanh diệt là Niết Bàn. Cái Ta chân thật ngàn đời là Bản Lai Diện Mục. Thể chân thật là Chân Như. Chân Như thậm thâm vi diệu, chỉ có thể dùng trí mà trực nhận, chứ không thể dùng lời nói mà diễn tả được. Thể nhập vào Tánh Không, không sanh không không diệt. Biết Tự Tánh bất sanh bất diệt, bất cứ lúc nào muôn pháp cũng đều viên dung vô ngại. Nếu một thứ đã chân thì mọi thứ đều chân, muôn cảnh đều đạt đến cảnh giới như như bất động, tâm như như bất động. Tánh Giác của chúng ta có sẳn, không phải đợi duyên hợp. Đây là hạt châu mà mọi người đều có không bao giờ mất, là con người bất tử, cũng là ý nghĩa của Niêm Hoa Vi Tiếu, và là Bổn môn của các kinh Đại Thừa, như Bổn môn kinh Pháp Hoa… mà Đức Phật muốn nhắn nhủ cho chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta muốn trở thành tỷ phú Đô la, hay là giàu hơn nữa, hoặc là vua của một nước, và muốn đi xâm chiếm các nước khác để trở thành Đại Đế, sau khi chết tay trắng vẫn hoàn trắng tay, chỉ mang theo nghiệp nhân thiện ác của mình trong đời hiện tại cho đời sau.
Thích Nguyên Hải