Năm tôi học lớp 12, con nhỏ xinh nhất lớp đi lấy chồng, mời gần cả lớp đi dự. Lần đầu tiên trong đời được đi ăn cưới với tư cách đã trưởng thành (tuổi 18, chớ không phải đi ăn theo bà con họ hàng chòm xóm), tôi và nhỏ bạn thân bàn tính, phải ăn diện trang điểm cho thật đẹp, nhưng ở tuổi đó, vào thời đó, hai đứa chẳng có một bộ đồ “make-up” nào. Hơn nữa, mấy anh chị lớn trong nhà tôi không đồng ý chuyện điểm phấn tô son ở tuổi học trò. Chúng tôi vẫn nhất quyết muốn được làm đẹp, bèn nhớ ra chị Hà trong xóm. Chị lớn hơn tôi 7, 8 tuổi, thuộc thế hệ mấy ông anh tôi, nhưng chị là “thần tượng” của tôi vì chị thông minh, xinh đẹp với dáng người cao ráo, nước da trắng và nụ cười duyên dáng hớp hồn bao chàng trai cùng xóm và khác xóm.
Cửa sau nhà tôi đối diện cửa sau nhà chị. Má tôi và má chị từng quen biết thân thiết, sau khi má tôi mất thì má chị hay qua nhà tôi mỗi khi có chuyện trọng đại như giỗ quảy, cưới hỏi, coi như thay mặt cho má tôi, nên tôi với chị cũng là chỗ “người nhà”. Thế là chúng tôi đến nhờ chị bí mật trang điểm cho hai đứa, tụi tôi mặc quần áo sẵn sàng, ghé qua nhà chị, trang điểm xong là đi thẳng đến đám cưới.
Chị la oai oái:
– Thôi, thôi! Anh chị nhà em đã cấm, sao chị dám làm chớ, mặc dù chị không tiếc chuyện trang điểm cho tụi em.
Tụi tôi năn nỉ:
– Chị làm ơn giúp tụi em! Đây là lần đầu tiên tụi em được làm người lớn, đám cưới này có bạn bè và nhiều người khác bên đàng chú rể, tui em nhất định phải… đẹp!
– Nói thiệt, chị thấy tụi bay tuổi mới lớn, má đỏ môi hồng tự nhiên, mắt sáng da căng quá đáng yêu, cần gì trang điểm nữa! Mà thôi, chị sẽ đánh chút phấn thơm và thoa chút son, nha!
Chúng tôi đành chấp nhận, dù sao có vẫn còn hơn không. Nhà chị có người nhà bên Mỹ gửi quà về, nên chắc chắn đồ trang điểm của chị thuộc loại “xịn”. Nhưng sau khi xong xuôi, chúng tôi nhìn vào gương vẫn không hài lòng, không thấy mình… lộng lẫy thêm tí nào. Hai đứa rủ nhau về nhà nhỏ bạn, mượn hộp trang điểm của chị dâu của nó, trét son lên môi đỏ chót, dặm mí mắt xanh lè, rồi tự tin mình đã “rực rỡ”, kêu xích lô đến tiệc cưới. Tưởng mọi chuyện êm xuôi, nhưng sau đó vài hôm, chị Hà gặp tôi, phàn nàn:
– Sao tụi em cãi lời chị, tô son kẻ mắt như bà đồng bóng, mất hết vẻ đẹp ngây thơ của tuổi học trò, bà chị của em mắng vốn chị kìa!
– Ủa, sao chị em biết chớ, trước khi về nhà đêm đó, tụi em đã xoá sạch hết màu son màu mắt mà?
– Làm sao chị biết được! Tụi bay làm mất uy tín của chị rồi!
Dĩ nhiên là tôi bị bà chị Cả và ông anh thứ tư (khó tính nhất nhà) mắng cho một trận nhớ đời. Sau lần đó, tôi đâu dám gặp chị vì biết chị còn giận, ai ngờ số phận đẩy đưa (chắc là mắc nợ nhau), vài năm sau đó, tôi và chị lại tái hợp trong một chuyến vượt biên.
Tờ mờ sáng hôm đó, hai chị em tỉnh dậy, (tối qua tôi đã qua nhà chị ngủ để sáng ra bến xe đi Miền Tây). Xuống dưới nhà, ba mẹ chị thắp nến bàn thờ Chúa, bốn người đọc 10 kinh, rồi mẹ chị gói hai gói xôi cho chúng tôi để vào giỏ hành lý. Chị hỏi tôi:
– Xuất phát cửa trước hay cửa sau đây?
– Cửa sau đi chị! Cửa trước sợ gặp mấy hàng xóm đi làm sớm, nhứt là chú Tư chạy xe ba gác!
Hai chị em bèn đi cửa sau, vừa bước ra gặp bên hông Chùa, tiếng mõ dìu dặt nhịp nhàng của buổi công phu sớm làm lòng tôi xao xuyến:
– Chị Hà ơi, nghe tiếng chuông chùa, tiếng mõ thân quen, em bước đi hổng đặng!
– Trời ơi! Nhà ngươi làm ơn bỏ cái tính cải lương sến sẩm, ưa mủi lòng đó được không? Cái miệng ăn mắm ăn muối nói tào lao, chưa ra bến xe đã chùn chân rồi!
– Úi, em xin lỗi chị! Nhưng lần sau tụi mình nên xuất phát cửa trước.
Chị đánh vào vai tôi thiệt mạnh:
– Lại nói bậy nữa rồi! Lần sau là sao? Bữa nay đi là đi luôn chớ!
– Dạ em xin chừa, từ giờ phút này hổng dám mở miệng nói gì nữa!
– Mà lỡ rồi, chị nói luôn nà, đi cửa trước sẽ qua nhà thờ, lại có tiếng chuông kêu Lễ sớm, mày lại xuyến xao bịn rịn, tốt nhứt là có cánh bay thẳng tới bến xe.
Hai chị em nhìn nhau cười mỉm chi. Vừa quẹo ra khỏi xóm Chùa ra đường cái, xung quanh các ngôi nhà vẫn ngủ im lìm trong bóng tối của trời nửa đêm về sáng, bỗng chị níu tôi lại:
– Ê, hình như ở phía xa có xe ba gác của chú Tư, mà còn có cả thím Tư ở trên xe nữa kìa, tính sao đây?
– Không xong rồi chị ơi! Thím Tư được xóm mình gọi là Thím “Tám” là chị đủ biết rồi đó! Vào đây núp đi chị!
Hai chị em tạt vào chiếc cổng của căn nhà bên đường, nép bên cột hàng rào. Tự dưng tôi rùng mình, nhìn lên cây dừa cao vút nơi góc sân căn nhà, run rẩy thì thầm:
– Chị Hà ơi… em… sợ… quá!
Chị cũng hoảng hốt:
– Vụ gì nữa đây?
Tôi chỉ cây dừa:
– Chị hổng nhớ gì sao!!
Tôi vừa dứt câu, chị cũng run lẩy bẩy. Căn nhà này, mới tuần trước, gia chủ có đám cưới, anh con trai trèo lên cây dừa hái lá để làm rạp cưới cho em gái, nhằm ngày trời mưa mới tạnh, dây điện giăng ngang cây dừa bị chập điên, anh ấy bị điện giựt nằm vắt vẻo đen thui trên ngọn dừa, cả xóm không ai dám nhìn, vậy mà khuya nay chúng tôi đang đứng dưới cây dừa, hỏi sao không toát mồ hôi hột? Chị Hà kéo tôi đi như chạy:
– Bây giờ có gặp mười thím “Tám” cũng chịu luôn em ơi!
Hai chị em vừa chạy, tuy sợ ma nhưng lại cười suốt cả đoạn đường cho đến lúc bắt được xe ra Xa Cảng thẳng tiến Cần Thơ. Chúng tôi ở Cần Thơ và Long Xuyên mỗi nơi vài ngày rồi đón xe lôi đến Sóc Trăng.
Đêm chờ ghe nhỏ tại ven sông Sóc Trăng, hai chị em thao thức, không ngủ được. Tôi hỏi:
– Tụi mình đi bất ngờ, chắc chị chưa có dịp chia tay chàng bác sĩ của chị ha?
– Ừa, chiều nhận tin là tối gói hành lý liền, đâu kịp gặp ai, nhưng chị có viết mấy lời, khi nào ảnh tới nhà thì má chị sẽ đưa.
– Chị nói gì ở trỏng?
– Chị ghi gọn gàng lắm: Anh Giao, em đi vượt biên, anh đừng chờ đợi!
– Trời, sao mà phũ phàng còn hơn Lan cắt dây chuông không cho Điệp vào thăm vậy trời!!
– Thì mình đi rồi, phải cho người ta tự do chớ! Còn em, có nhắn gì cho ai không?
– Dạ, em cũng chẳng kịp có thời gian suy nghĩ, không biết nên nhắn… cho ai!
Mà miệng tôi “ăn mắm ăn muối”thiệt, nói xui nói xẻo khi vừa bắt đầu, nên qua ngày hôm sau chúng tôi lại khăn gói trở về thành phố.
Chàng bác sĩ biết nỗi “đam mê” của chị nên hơn một năm sau, hai anh chị lên đường qua Cambodia rồi lên tàu vượt biển qua Thailand. Một năm sau tôi cũng đi theo, nhưng đến trại thì anh chị đã đi định cư, mãi hơn 20 năm sau hai chị em mới được tái ngộ tại Nam California.
Hôm nay tôi viết lại kỷ niệm này, mong chị đọc được, coi như tôi chuộc lại lỗi lầm cho lần… lỡ dại “điệu đà tuổi 18” và cái miệng “mắm muối” thuở nào!
3/2022
Kim Loan