Cảnh sát tuần tra ở thủ đô La Habana, Cuba, ngày 11/07/2022. REUTERS - ALEXANDRE MENEGHINI
Thứ Hai 11/07/2022 là 1 năm ngày nổ ra cuộc biểu tình lớn chưa từng có làm rung chuyển đất nước Cuba. Tổng thống Cuba, Miguel Diaz-Canel, hôm qua hứa hẹn sẽ đưa đất nước thoát khỏi « tình hình kinh tế phức tạp », trong khi các nhà bất đồng chính kiến tố cáo nhà chức trách ngăn cản họ rời khỏi nhà.
Theo ghi nhận hôm nay 12/07 của phóng viên AFP, đường phố thủ đô La Habana vẫn bình lặng, người dân vẫn đi lại, hoạt động như thường lệ, nhưng nhiều cảnh sát mặc thường phục đã xuất hiện ở một số nơi được xem là điểm nóng ở thủ đô. Tuy nhiên, trong những ngày qua, hơn chục nhà bất đồng chính kiến, nghệ sĩ và nhà báo độc lập đã tố cáo cảnh sát trông chừng, không để họ rời khỏi nhà. Một số người thậm chí còn cho biết cảnh sát đứng canh ngay trước cửa nhà họ.
Trên mạng xã hội, các nhà đối lập với chính phủ đã kêu gọi lại tổ chức các cuộc biểu tình mới để kỷ niệm ngày 11/07, ngày nổ ra phong trào biểu tình rầm rộ chưa từng có kể từ sau Cách mạng 1959, nhưng nhiều người trong số những người tham gia phong trào cách nay một năm hiện đang phải sống lưu vong hoặc bị cầm tù. Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tố cáo việc chính quyền Cuba lên kế hoạch tránh các cuộc biểu tình mới diễn ra ra là sự vi phạm nhân quyền « một cách có hệ thống ».
Cũng trong ngày hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoan nghênh « sự quyết tâm và lòng can đảm » của người dân Cuba để đối phó với sự trấn áp đang diễn ra kể từ sau các cuộc biểu tình, bày tỏ thái độ cảm phục về việc hàng chục ngàn người dân tháng 07/2021 xuống đường đòi « các quyền tự do cơ bản và một cuộc sống tốt đẹp hơn ». Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez ngay lập tức chỉ trích các bình luận của đồng nhiệm Blinken, coi đó là « sự can dự trực tiếp của chính phủ » Mỹ vào « các mưu đồ lật đổ trật tự và hòa bình » ở Cuba.
Theo RFI