logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 30/06/2022 lúc 01:49:25(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
Hình minh hoạ: Tấm biển quảng cáo chương trình biểu diễn của ca sỹ Khánh Ly ở Hà Nội năm 2014. AFP

Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch Việt Nam, ông Trần Hướng Dương, vào ngày 30/6 lên tiếng về vụ việc ca sỹ hải ngoại Khánh Ly hát bài Gia tài Của Mẹ trong một chương trình tại Đà Lạt.
Truyền thông Nhà nước dẫn phát biểu của ông Trần Hướng Dương- Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn rằng, cơ quan của ông đã biết vụ việc và đang chờ Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Lâm Đồng xử lý. Sau đó Cục sẽ có biện pháp tiếp theo.
Bài hát Gia Tài Của Mẹ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn được ca sỹ Khánh Ly hát trong đêm nhạc “Dấu chân địa đàng” tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đêm 25/6.
Truyền thông Nhà nước đưa tin bài này không có trong danh sách 24 bài hát được ban tổ chức sự kiện đăng ký và được nhà chức trách địa phương đồng ý duyệt.
Ngay sau đêm diễn, Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan chức năng để làm việc với ban tổ chức đêm nhạc là Công ty TNHH Mây Lang Thang. Sở đã lập biên bản xử lý hành chính và đang cân nhắc mức xử phạt đối với doanh nghiệp này vì cho rằng việc công ty này tự ý để ca sỹ Khánh Ly biểu diễn bài hát trên là vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Nhiều người cho rằng bài hát Gia Tài Của Mẹ, được Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1965, còn bị cấm ở Việt Nam là trong bài hát có câu “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” ám chỉ thời gian 1945-1965. Trong thời gian này có cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài chín năm từ năm 1945 đến 1954.
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, bác sỹ quân y Đinh Đức Long, từ thành phố Hồ Chí Minh nói:
“Theo tôi biết bài hát mà bà Khánh Ly hát mà bị người ta nhắc nhở không nằm trong chương trình. Nếu một bài hát không nằm trong chương trình mà ca sỹ cứ hát còn ban tổ chức cứ để việc đó xảy ra thì cả hai bên đều có sai phạm và việc xử lý là đúng pháp luật.”
Bác sỹ Long cũng cho rằng nội dung bài hát Gia Tài Của Mẹ xuyên tạc lịch sử dân tộc vì đánh đồng cuộc kháng chiến chống Pháp với nội chiến, và do vậy việc nhà chức trách Việt Nam cấm bài hát này là đúng.
Tuy nhiên, những người dân khác như ông Nguyễn Quang Vinh ở Hà Nội và Quang Hữu Minh ở thành phố Hồ Chí Minh lại có quan điểm khác. Cả hai ông cho rằng việc nhà chức trách Việt Nam cấm bài hát này là vi phạm quyền tự do ngôn luận và ảnh hưởng xấu đến hoà giải dân tộc.
Trong tin nhắn với RFA, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết:
“Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) được Chính phủ ban hành thay Nghị định 79 trước đây bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc miền Nam trước 1975. Như vậy ca khúc "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn nằm trong điều chỉnh của Nghị định này. Tôi không rõ lý do của việc ‘xử lý’ của Sở Văn hóa TT& DL tỉnh Lâm Đồng như thế nào, vì lý do gì nhưng việc ‘xử lý’ này là trái với Nghị định 144.”
Một nhà kinh tế ở tỉnh Nghệ An nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, rằng việc Lâm Đồng xử lý ban tổ chức đêm nhạc của Khánh Ly là: “một hành động dại dột và phản tác dụng vì trong thời đại thế giới thông tin phẳng, việc xử phạt càng gây ra sự tò mò cho dân chúng và kích thích sự phát tán. Nếu không xử phạt thì nhiều người không biết nhưng sau sự việc này thì rất nhiều trong số họ tìm hiểu về bài hát.”
Ông cũng cho rằng lý do việc xử phạt cũng là do sự máy móc và sợ trách nhiệm của viên chức nhà nước. Họ thường hành động theo văn bản chỉ đạo mà không hiểu hậu quả sẽ đến sau đó.
Ông nhấn mạnh mọi cấm đoán ở Việt Nam, trong đó có cấm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật biểu hiện sự độc quyền chân lý của Đảng.
Ông nói thêm, Nhà nước Việt Nam hiện tại hay nói về chính sách hoà giải dân tộc, tuy nhiên, Chính phủ chỉ nói đầu môi để tuyên truyền chứ không có một kế hoạch hay chương trình cụ thể hoặc biện pháp thực hiện. 
“Họ cứ nói hoà giải hoà hợp suông thế nhưng những gì không có lợi cho Đảng hay một phe nhóm nào đó trong đảng hoặc thậm chí cho chính những người thực hiện trực tiếp, thì họ không làm.” 
Ông Quang Hữu Minh nói nhiều bài hát bị nhà chức trách Việt Nam cấm vì nội dung nói lên thực trạng của Việt Nam.
Gia Tài Của Mẹ là một trong ba bài hát của Trịnh Công Sơn hiện chưa được nhà chức trách Việt Nam cho phép biểu diễn ở Việt Nam. Hai bài kia là Bài Ca Dành Cho Những Xác Người và Hát Cho Người Nằm Xuống.
Có hơn 50 ngàn lượt tìm kiếm từ khóa "Gia tài của mẹ" trên công cụ tìm kiếm Google chỉ trong ngày 29/6, sau khi có thông tin người tổ chức đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly bị mời lên làm việc vì bà hát ca khúc chưa được cấp phép của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Hồi năm 2020, chính quyền bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975, thay vào đó, Nhà nước sẽ quản lý tác phẩm bằng cách hậu kiểm.
Theo RFA
song  
#2 Đã gửi : 30/06/2022 lúc 01:52:01(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Khánh Ly với ‘Gia tài của mẹ’ vẫn còn bị chính trị hóa?

Nhiều năm nay, việc ca sĩ Khánh Ly trở về hát ở trong nước là một dấu hiệu tích cực không chỉ về hoạt động văn hóa, mà còn về tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc.
Trong hành trang của bà, chiếm chủ yếu là các ca khúc Trịnh Công Sơn, cũng tựa như lời nhắn nhủ tới các thế hệ trong và sau chiến tranh, các quan điểm chính trị khác biệt, là hãy cùng nhau hướng tới tương lai hòa bình cho Việt Nam.
Nới trói
Việc những ca khúc trước 1975 ở miền Nam và sau này ở hải ngoại được thoát cảnh “cấp phép” (kiểu nhỏ giọt) là cả một đoạn trường gian nan. Đương nhiên nó liên quan tới việc ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn có thuận lợi hay không. 
Đã có nhiều tranh cãi và cả chuyện khôi hài, ví như bài “Nối vòng tay lớn” mà cũng bị liệt vào loại “cấm” (2017), hay “Con đường xưa anh đi” thì bị cấm vĩnh viễn, dẫn đến lãnh đạo quản lý văn hóa cấp vụ đã phải kiểm điểm, rồi bị “điều chuyển” ngay sau đó.
Nhìn lại, để có bước ngoặt giảm đói nghèo vật chất, nhiều trí thức, nhà kinh tế có tư tưởng tiến bộ đã phải đấu tranh không mệt mỏi mới có được Luật Doanh nghiệp năm 2000, cho phép thành lập doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng đói nghèo tinh thần thì cứ dai dẳng, tận 20 năm sau mới được “nới” chút ít, với Nghị định 144, trong đó bỏ quy định cấp phép phổ biến hai loại ca khúc nói trên. 
Còn bó
Tuy không còn “trói” như trước với từng ca khúc, nhưng Nghị định 144 lại vẫn “bó” với hoạt động biểu diễn, bằng những quy định cấm khá chung chung (Điều 3). Trong đó, đáng chú ý có Khoản 2, cấm “xuyên tạc lịch sử”, hay Khoản 3, cấm “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại”.
Khi một tổ chức, cá nhân làm thủ tục xin phép biểu diễn tại địa phương, sẽ dễ nảy sinh tình trạng mỗi nơi hiểu theo một cách khác nhau về những quy định “cấm” trong đó, ví như thế nào là “xuyên tạc lịch sử” với một ca khúc ra đời từ rất lâu rồi?
Không những nó làm khó cho người thực thi nhiệm vụ một cách chính trực, mà còn dễ sinh lỗ hổng cho hành vi tiêu cực, hay những quan điểm bảo thủ vẫn muốn níu kéo cơ chế cũ, chỉ sợ trách nhiệm mà coi nhẹ đời sống văn hóa tinh thần của công chúng. 
Thực tế …
Thấy ngay qua buổi diễn mới đây của Khánh Ly tại Đà Lạt, mở màn cho tua lưu diễn tại nhiều thành phố lớn, trong đó có Nhà hát lớn Hà nội, với tên gọi Như một lời chia tay. 
Theo danh sách cấp phép, có 24 ca khúc trong đêm nhạc, nhưng Khánh Ly đã hát “thêm” bản Gia tài của mẹ, thế là sinh chuyện. Ở mọi xứ khác trên thế giới, trong các chương trình âm nhạc, ai cũng thấy nó phóng khoáng đến thế nào trong tương tác giữa khán giả và ca sĩ. Họ có thể hát cùng, có thể hát thêm, … chẳng phải gửi “xét duyệt” nội dung trước nhiều ngày. Nhưng xứ Việt là một ngoại lệ. 
Oái oăm hơn, bản Gia tài của mẹ, tuy không bị cấm với nghị định mới, nhưng người ta có thể “ngầm cấm” bởi cách nhận thức khác nhau giữa cơ quan quản lý và người dân, ở hai khoản nêu trên. Cụ thể:
Câu “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” có thể bị cho là “xuyên tạc lịch sử”, bởi lâu nay chế độ này vẫn coi đó là “cuộc kháng chiến chống Pháp/ chống Mỹ cứu nước” đấy chứ.
Câu “Gia tài của mẹ là nước Việt buồn” cũng có thể bị cho là “xuyên tạc lịch sử”, nhất là về giai đoạn sau 75’ đến nay, toàn dân hồ hởi phấn khởi đấy chứ.
Câu “Ôi lũ con cùng cha quên hận thù” cũng có thể bị cho là “gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước”, trong đó có Trung Quốc (khi nó đi cùng với câu “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” ngay đầu bài hát).
Thậm chí, nếu quyết liệt hơn, người ta còn có thể cho rằng bài hát coi gia tài của mẹ VN toàn là “một bọn lai căng”, “một lũ bội tình”, nên việc truyền bá nó là nói xấu xã hội, chế độ, là vi phạm vào Điều 331, Bộ luật Hình sự, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Cho nên, việc ban tổ chức bị cơ quan quản lý địa phương mời làm việc, rồi có thể bị phạt hành chính, dù cho lý do chỉ là ca sĩ đã hát một ca khúc không có trong danh sách được cấp phép cho buổi diễn, nhưng không loại trừ khả năng còn có những lý do khác khó nói. 
Chính trị
Hầu như các báo đưa tin chỉ có Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh làm việc với nhà tổ chức buổi diễn, có báo cho biết thêm là có cả “cơ quan chức năng”. Nhưng Tuổi trẻ thì rõ hơn, là còn có “PA03 (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Lâm Đồng)”. Bức ảnh hiếm hoi ở đầu bài viết này, lấy từ báo Lâm Đồng, minh họa rõ. 
Tại sao lại phải cần đến công an, mà lại là an ninh (chuyên chống … “phản động”, “các thế lực thù địch”, “nội gián”), trong khi lẽ thường chỉ cần sở văn hóa thôi? 
Chưa hết, lại cả Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng vào cuộc; không khéo còn có cả cục nào đó trên Bộ Công an tham gia cũng nên. 
Với bao nhiêu bài viết trong nhiều năm nay, trên các báo Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, lên án “các thế lực thù địch” hay “xuyên tạc lịch sử”, trong đó coi cuộc chiến ở miền Nam VN trước 75’ là “nội chiến”, thì người dân có thể dễ dàng luận ra đằng sau (các) buổi làm việc này là điều gì. 
Nếu cứ như dân gian nói vui, bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, công an nhìn ai cũng ra … kẻ địch, sẽ dễ đoán sức tưởng tượng cho diễn biến vụ việc này còn đi bao xa … 
Dù kết cục ra sao thì cuộc vui cũng ít nhiều mất vui cho nhân vật chính.

Nguyễn Hữu Vinh (RFA)
song  
#3 Đã gửi : 01/07/2022 lúc 10:42:12(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Kỷ luật cảnh cáo đối với đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly

UserPostedImage
Ca sỹ Khánh Ly hát trong đêm diễn ở Đà Lạt hôm 25/6/2022. Viettel Media

Đơn vị tổ chức đêm nhạc ‘Dấu chân địa đàng’ mà ca sỹ Khánh Ly hát bài Gia tài của Mẹ chưa có phép vào ngày 1/7 nhận kỷ luật cảnh cáo của Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch tỉnh Lâm Đồng. Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày. 
Cụ thể, Công ty Mây Lang Thang bị cảnh cáo vì để ca sỹ hát bài không có trong danh mục 24 bài hát được cấp phép. Các bài hát này do nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác.
Tin còn dẫn đại diện của ca sỹ Khánh Ly cho biết hai đêm nhạc vào tối ngày 1/7 và 16/7 của nữ danh ca này theo kế hoạch tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được tổ chức theo lịch. Sau đó bà còn có các chương trình biểu diễn tại Đà Nẵng và Hà Nội.
Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch Việt Nam, ông Trần Hướng Dương, vào ngày 30/6 được truyền thông Nhà nước dẫn lời rằng ông đã biết vụ việc và đang chờ Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Lâm Đồng xử lý. Sau đó Cục sẽ có biện pháp tiếp theo.
Trong chương trình đêm 25/6, ca sỹ Khánh Ly hát bài Gia tài của Mẹ trước 1.000 khán giả tham dự. Buổi biểu diễn còn có một số khác mời tham dự là nghệ sĩ như ca sỹ Mỹ Linh, diễn viên kịch Thanh Thủy…
Theo RFA
song  
#4 Đã gửi : 02/07/2022 lúc 02:10:04(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Gia tài của mẹ

UserPostedImage
Trịnh Công Sơn từng được chọn làm biểu tượng trên Google. Sáng tác "Gia Tài Của Mẹ" vẫn còn bị cấm tại Việt Nam.

Ngoài bài “Gia Tài Của Mẹ” nhiều Ca Khúc Da Vàng khác của ông vẫn còn bị cấm. Chiến tranh chấm dứt gần một nửa thế kỷ, vậy mà nhạc Trịnh Công Sơn vẫn bị cấm, hòa bình thực sự vẫn chưa có, chia rẽ trong nước và hải ngoại vẫn tồn tại.
Trong chuyến lưu diễn ca nhạc tại Việt Nam gần đây, Ca Sĩ Khánh Ly đã hát bài “Gia Tài Của Mẹ” của Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt vào ngày 25-6-2022 trước số cử tọa gần 1,000 người. Theo Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn thuộc Bộ Văn Hóa - Thể Thao – Du Lịch (VH-TT-DL), bài này nằm ngoài danh sách 24 bài đã đăng ký để xin phép trình diễn. Danh sách này bao gồm Tình Xa; Như Cánh Vạc Bay; Dấu Chân Địa Đàng; Như Một Lời Chia Tay; Rơi Lệ; Ru Người; Lời Buồn Thánh; Ngủ Đi Con; Người Con Gái Việt Nam Da Vàng; Kinh Khổ; Mây Hại Bên Ni Bên Nớ; Chờ; Tiếng Sáo Thiên Thai; Xin Cho Tôi; Và Con Tim Đã Vui Trở Lại; Ca Dao Mẹ; Xin Còn Gọi Tên Nhau; Bài Tình Ca Cho Em; Xa Em Kỷ Niệm; Còn Mãi Tìm Nhau; Xin Trả Nợ Người; Hẹn Hò; Cỏ Hồng; Thiên Thai.
Hơn thế nữa bài “Gia Tài Của Mẹ” còn bao gồm trong danh sách bị cấm bởi chính quyền Hà Nội nên ban tổ chức là công ty Mây Lang Thang đã bị Sở Văn Hóa - Thể Thao – Du Lịch tỉnh Lâm Đồng điều tra. Tại thời điểm này, không rõ cơ sở trung ương có quyết định nào khác không.
Chính quyền Hà Nội không cho phép hát bài “Gia Tài Của Mẹ” của Nhạc Sĩ Trịnh Cộng Sơn là một điều dễ hiểu, mặc dù trong thời đại kỹ thuật số, với Internet, Facebook, Youtube, Instagram sự cấm đoán thông tin nói chung không còn hiệu quả nữa.
Trong ca khúc “Gia Tài Của Mẹ”, Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn bốn lần "chửi" Tầu, chửi Tây mà không hề chửi Mỹ xâm lược đến một chữ. Trịnh Công Sơn cũng không hề ca ngợi cuộc chiến “giải phóng miền Nam” của cộng sản. Lê Duẩn từng nói không úp mở “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc.”
Trái lại, Trịnh Công Sơn coi chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến khốc liệt, dại dột, làm đất nước tan hoang. Đối với cộng sản, chiến tranh tại Việt Nam là một cuộc chiến chống xâm lăng.
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ.
Trịnh Công Sơn kêu gọi chấm dứt chiến tranh, quên hận thù.
Mẹ mong con chớ quên màu da
con chớ quên màu da, nước Việt xưa
mẹ mong trông con mau bước về nhà
mẹ mong con lũ con đường xa
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, CSVN quyết tâm trả thù quân dân miền Nam, thực hiện chế độ vô sản chuyên chính trên toàn cõi Việt Nam với tin tưởng tuyệt đối rằng "Chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu. Chủ nghĩa cộng sản là tương lai tươi sáng của nhân loại." Rồi chỉ 17 năm sau chế độ cộng sản trên toàn thế giới xụp đổ không tốn một viên đạn. Việt Nam chính thức từ bỏ chế độ XHCN cộng sản vào năm 1986 và trở thành một nước tư bản sau khi đã hi sinh hàng triệu sinh mạng để tiêu diệt nó.
Báo nhà nước đã lên tiếng chỉ trích việc Khánh Ly hát bài “Gia Tài Của Mẹ” như sau:
“Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải có sự kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung của các tác phẩm nghệ thuật trước khi phát hành cũng như trình diễn trước công chúng cũng như có chế tài xử phạt mạnh tay đối với hành vi sử dụng nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.”
“Về phía ca sỹ Khánh Ly, một người từng đứng giữa “Little Sài Gòn” tuyên bố “không bao giờ về Việt Nam kiếm tiền rồi lương tâm chống cộng luôn chảy trong máu tôi”… Giờ ở cái tuổi trên bảy mươi, được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện trở về quê hương nên tập trung hát những ca khúc đúng nghĩa nghệ thuật và đừng đụng chạm gì đến lịch sử theo kiểu phiến diện vì đây là Việt Nam, là nơi lịch sử được giữ gìn, là nơi mà người Việt Nam đoàn kết đánh ngoại bang chứ không bao giờ là nội chiến.”
Theo bản tin ngày 30-6-2022 của Đài Á Châu Tự Do (RFA), Nghị Định số 144/2020/NĐ-CP của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn, thay thế Nghị Định số 79/2012/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị Định số 15/2016/NĐ-CP, đã không còn đòi hỏi giấy phép phổ biến những ca khúc sáng tác ở miền Nam trước 1975. Việc ngăn cấm trình diễn bài “Gia Tài Của Mẹ” là vi phạm tinh thần của nghị định nói trên và ảnh hưởng đến việc hòa giải dân tộc gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Tuy nhiên, theo điều 10 của Nghị Định 144/2020/NĐ-CP, tổ chức biểu diễn nghệ thuật vẫn phải cần giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Đơn xin bao gồm kích bản, danh mục các tác phẩm và tác giả. Ca khúc “Gia Tài Của Mẹ” không có trong danh sách được cấp phép là trái với quy luật. Trong trường hợp này, hình phạt đối với cá nhân là 10 – 15 triệu đồng VN, và đối với tổ chức là 20 - 30 triệu đồng VN.
Nếu nội dung của chương trình biểu diễn xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phủ nhận thành tựu cách mạng, … số tiền phạt sẽ là 25 – 30 triệu đồng đối với cá nhân và 50 – 60 triệu đồng đối với tổ chức, đồng thời những người vi phạm sẽ bị cấm hoạt động biểu diễn 6 – 12 tháng. Theo truyền thông quốc doanh, nội dung bài “Gia Tài Của Mẹ” xuyên tạc lịch sử dân tộc. Hiện nay Khánh Ly vẫn còn ở Việt Nam qua đến tháng 8 để trình diễn tiếp tại Hà Nội, Saigon, Đà Nẵng. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Tin giờ chót của báo Tiền Phong vào ngày hôm nay, 1-7-2022, cho hay sau hai lần làm việc với Sở Văn Hóa - Thể Thao – Du Lịch tỉnh Lâm Đồng, công ty Mây Lang Thang đã nhận sai lầm trong việc tổ chức cuộc trình diễn ca nhạc cho Ca Sĩ Khánh Ly tại Đà Lạt và cam kết sẽ rút kinh nghiệm không để trường hợp tương tự xẩy ra trong tương lai. Công ty Mây Lang Thang chỉ bị cảnh cáo.
Ngoài “Gia Tài Của Mẹ”, Trịnh Công Sơn còn có một số bản nhạc gây ít nhiều tranh cãi tùy theo bạn ở phe nào trong cuộc chiến Việt Nam. “Hát Cho Người Nằm Xuống” là một trong những bản nhạc này. Trịnh Công Sơn sáng tác bài này vào tháng 5, 1968 để khóc cho người bạn văn nghệ vừa nằm xuống là Đại Tá Không Quân Lưu Kim Cương, chỉ huy trưởng yếu khu Tân Sân Nhất, bị tử trận trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân đợt II của cộng sản vào phi trường Tân Sân Nhất.
“Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên,
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn,
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn,
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh,
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình,
Nơi đây một lần, nhìn anh đến,
những xót xa đành nói cùng hư không!”

“Xin cho một người vừa nằm xuống,
thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.”
Sau 30 tháng 4, 1975 thay vì phải đi học tập cải tạo, Trịnh Công Sơn bị đẩy đi nông trường lao động. Ngoài bài “Gia Tài Của Mẹ” nhiều Ca Khúc Da Vàng khác của ông vẫn còn bị cấm. Chiến tranh chấm dứt gần một nửa thế kỷ, vậy mà nhạc Trịnh Công Sơn vẫn bị cấm, hòa bình thực sự vẫn chưa có, chia rẽ trong nước và hải ngoại vẫn tồn tại.
GIA TÀI CỦA MẸ
Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn.
Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ.
Dạy cho con tiếng nói thật thà
mẹ mong con chớ quên màu da
con chớ quên màu da, nước Việt xưa
mẹ mong trông con mau bước về nhà
mẹ mong con lũ con đường xa
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù.
Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng.
Một ngàn năm nô lệ giặc tầu
một trăm năm đô hộ giặc tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một bọn lai căng
gia tài của mẹ, một lũ bội tình.

Nguyễn Quốc Khải (VOA)

song  
#5 Đã gửi : 02/07/2022 lúc 02:16:18(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
“Nội chiến” bị coi là phản tuyên truyền và kích động hận thù?

Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia Tài Của Mẹ, một bài hát trong tập Ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang dấy lên những tranh luận dữ dội trong nước. Phía những người chống Khánh Ly và sự tồn tại của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa ở Việt Nam, lúc này đã dùng những lời lẽ hết sức nặng nề, thậm chí gọi bà là kẻ âm mưu tuyên truyền chính trị ở Việt Nam.
Không có lý luận rõ ràng, nhưng hầu hết các luận điệu chống đối ca sĩ Khánh Ly đều dựa trên câu chữ mà bài hát mô tả là “nội chiến” để tấn công. Phía Nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh giải phóng Nam Bắc là một cuộc giải phóng thần thánh, để thống nhất đất nước. Nội dung nói “nội chiến” bị coi là sai đường lối và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng đáng ngạc nhiên, là không dòng nào chỉ trích người viết ra bài hát này, là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bên cạnh đó, làm sóng bảo vệ bà Khánh Ly và dòng văn hóa riêng của Việt Nam Cộng Hòa cũng bùng lên sôi động không kém.
Trên nhiều diễn đàn ở Facebook, có những lời bình luận nói vụ video quay bà Khánh Ly hát ở Đà Lạt bài Gia Tài Của Mẹ, là do công an gài để tấn công show diễn của bà.
Viết trên trang nhà của mình, nhà bình luận thời sự Dương Quốc Chính từ Hà Nội, ghi rằng “An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc do “quần chúng tố giác”! Thực ra quần chúng ở đây chính là anh em bò đỏ thôi. Chuyện này gây phẫn nộ dữ dội bởi anh em, do não trạng xơ cứng và máy móc, cứ thấy bài hát bị cấm là auto phẫn nộ khi có kẻ cả gan biểu diễn trái phép. Bọn chúng không hiểu rằng cấm thế chứ cấm nữa thì cũng vô ích. Bởi nghe offline chỉ có tối đa 1.000 người chứ nghe online thì cả triệu người và cả trăm triệu lượt người mấy chục năm qua, có cấm được đâu? Đấy là chưa kể khi báo chí rùm beng thì trẻ trâu nó search vì tò mò khiến bài hát lại càng được phổ biến. Thế nên bò càng húc lại càng giúp quảng bá bài hát, phản tác dụng”.
Nhiều người cũng nhắc rằng bài Gia Tài Của Mẹ cũng như nhiều bài hát trước năm 1975 không được lưu hành trong đời sống, đều không có một lệnh cấm cụ thể nào.
Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát thêm một bài ngoài danh sách 24 bài cho phép, vốn là chuyện ngày thường của sân khấu Việt Nam, đặc biệt khi có khán giả yêu cầu. Nhưng với ca sĩ Khánh Ly, ắt là một trường hợp “nhạy cảm” khác nên mọi thứ trở nên căng thẳng. Cục Biểu Diễn Nghệ Thuật ở Hà Nội nói đợi sau khi Sở VHTT&DL Lâm Đồng xử lý xong, thì sẽ đến phiên Cục này có quyết định tiếp.
Trong một bình luận có tên “Biện bạch vụng về”, nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang viết “Mượn cớ ca khúc "Gia tài của mẹ" không có trong danh mục ca khúc được cấp phép biểu diễn trong đêm nhạc 25/6/2022 ở Đà Lạt, Sở VHTT & DL cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTT & DL đều khẳng định Ban Tổ chức đêm nhạc có sai phạm, Sở VHTT & DL Lâm Đồng làm đúng quy định khi mời làm việc Ban Tổ chức đêm nhạc? Xin lỗi! Võ Văn Tạo tôi tin chắc 100% rằng nếu đêm đó Khánh Ly hát vượt danh mục cấp phép đêm biểu diễn bằng bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng thì" có đến bố quý Sở cũng không dám "mời làm việc". Phải không ạ?”
Có những bình luận na ná nhau, xuất hiện ở nhiều nơi, tựa như có một cách chỉ huy hành động chung, nói bài hát Gia Tài Của Mẹ chống hòa giải hòa hợp, khơi gợi hận thù trong người Việt, nên cần phải cấm. Tuy nhiên nhiều người nói đây là một cách nói lấy được. Nhiều bài hát của miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đến nay vẫn còn được lưu hành, đầy tính kích động hận thù.
Đơn cử như bài Tiến Về Sài Gòn của tác giả Huỳnh Minh Siêng có lời hát ”tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”. Bài hát này được phát liên tục từ năm 1974 cho đến về sau này, mà đó là thời điểm chỉ còn cuộc đối đầu giữa hai phía Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà thôi. Từ năm 1973, lực lượng đồng minh của VNCH đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, nên “giặc thù” ở đây, rõ chỉ có chính quyền miền Nam Việt Nam.
Việc ra giấy phép biểu diễn, kiểm soát nghiêm ngặt như show Xuyên Việt của ca sĩ Khánh Ly, cũng cho thấy có cái gì đó bất thường đối với Nghị định cho phép tự do trình diễn các ca khúc trước năm 1975 của Hà Nội đã từng được nhiều báo chí trong nước hân hoan đưa tin.
Theo Nghị định số 144/2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được Chính phủ ban hành, từ 1-2-2021, có nói rõ rằng quy định bắt buộc cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975 được bãi bỏ. Việc phổ biến không cần phải cấp phép nữa, hay nói cách khác là tất cả các bài hát được tự do trình bày. Bài nào đặc biệt có “vấn đề” sẽ có danh sách cấm riêng. Nhưng Gia Tài Của Mẹ cũng chưa bao giờ được công bố là bài hát cấm, nên công chúng đang tự hỏi bài hát này đang trở thành sự kiện rùm beng, là vi phạm gì về nội dung gì?
Và như vậy, Sở VHTT&DL Lâm Đồng đang áp dụng lệ làng hay Nghị định chính phủ vô giá trị, chỉ thông cáo đưa ra cho có? Và hiện nay, cách nối nhau để “làm việc” với chương trình của bà Khánh Ly, liệu có là một chủ trương bất thường của hệ thống kiểm duyệt văn hóa Việt Nam?
Tuấn Khanh (RFA)
song  
#6 Đã gửi : 13/07/2022 lúc 09:24:37(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Đánh giá chuyến trở về Việt Nam của Khánh Ly

UserPostedImage
Như vậy chiến tranh chống Mỹ không phải, chiến tranh giải phóng miền Nam cũng không phải; chỉ còn một danh xưng cho cuộc chiến 1954-75 là “Nội chiến”, một danh xưng cấm kỵ đối với chế độ. (ảnh Bùi Văn Phú)

Nhưng, Khánh Ly, không biết vô tình hay cố ý, khi trình bày ca khúc Gia tài của mẹ đã công khai xác định giữa lòng chế độ một sự thật mà không ai dám nói, hay được nói.
Khánh Ly trở về trình diễn ở Việt Nam đã khiến không ít người Việt hải ngoại đã từng hâm mộ tiếng hát của chị lên tiếng chỉ trích, thậm chí còn dùng những lời lẽ thậm tệ. Nhưng trên bình diện khai dân trí, giúp cho người dân, dù là đảng viên hay người còn mù quáng hiểu biết thế nào là tự do, thế nào là nhà nước pháp quyền, và danh xưng chính xác của cuộc chiến 1954-75 thì chuyến trở về của Khánh Ly đã tạo được một kích động lớn theo chiều hướng đó.
I-Trước tiên, ban tổ chức đêm nhạc “Dấu chân địa đàng” ngày 25/6/2022 tại Đà Lạt bị chính quyền làm khó dễ vì Khánh Ly đã hát một bài không có trong chương trình 24 ca khúc đã được kiểm duyệt và cho phép trước (1). Điều này đã khiến những người Việt ở ngoài nước ngạc nhiên. Tại nước ngoài, tất cả các chương trình ca nhạc hay giải trí đều được tự do, không phải xin phép; và chương trình không phải đưa cơ quan nào kiểm duyệt để chấp thuận. Đây là vấn đề người dân nên mang ra chất vấn các đại biểu quốc hội tại sao nước ta lại qui định khác với tất cả thế giới?
II-Về phương diện pháp lý (lập pháp), nghị định áp dụng cho nội vụ, "Nghị định 144/2020/NĐ-CP hoạt động nghệ thuật biểu diễn” (2), hoàn toàn bất hợp hiến bởi vì có “Điều 3. Quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn."
Giải thích đơn giản cho người ngoài ngành chuyên môn hiểu thế này: Thời buổi này, hầu như toàn dân đều biết, mọi người đều có quyền làm những điều luật pháp không cấm. Mà “luật” ở đây phải hiểu là một văn bản do quốc hội soạn thảo. Nói cách khác, chỉ có luật do quốc hội soạn thảo mới có quyền cấm người dân làm một số hành vi nào đó. Chính điều 3 đã rõ ràng cho thấy Nghị định bất hợp hiến, nhưng không hiểu sao các “luật gia” từ trong chính quyền tới tư nhân đều không nhận thấy? Những ai tự nhận mình là luật gia nên nêu vấn đề hủy bỏ nghị định này.
III-Tạm thời bỏ ngoài vấn đề sai phạm căn bản của điều 3 vừa phân tích, về nội dung, nghị định viện dẫn qui định những điều đã được qui định trong các bộ luật hình sự và dân sự -- đây là một qui định chòng chéo --. Lại thêm ngôn từ mơ hồ; có thể bị nhà cầm quyền giải thích một cách co dãn thiệt hại cho người dân. (Nguyên tắc cơ bản là “luật hình phải được qui định một cách chặt chẽ.”)
Ví dụ 1: Khoản 1 “1. Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Khoản này rõ ràng không cần thiết, vì đã có hẳn đạo luật hình sự ngăn cấm hành động này.
Ba khoản còn lại cũng thừa (vì đã có những đạo luật qui định rồi), đồng thời mơ hồ, khiến người dân dễ dàng bị nhà nước làm khó dễ, áp dụng những biện pháp trừng phạt co dãn không có căn cứ. Bằng chứng là trong nội vụ, mới đầu sở Văn Hóa -Thể Thao-Du Lịch (VH-TT-DL) Lâm- Đồng làm có vẻ nghiêm trọng lắm, thậm chí còn có cả cơ quan an ninh của công an vào cuộc, rồi thì Cục Nghệ thuật biểu diễn loan báo chờ điều tra, báo cáo của Lâm đồng sẽ có quyết định sau. Nhưng cuối cùng thấy nếu làm nghiêm trọng thì bất lợi về chính trị nên Sở VH-TT-DL Lâm đồng chỉ cảnh cáo, và Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng im luôn; cái này gọi là “lặng lẽ cho chìm xuồng”.
Ví dụ 2: Điều 4. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
1. Tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật có quyền:
b) Thụ hưởng các lợi ích hợp pháp từ việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
Qui định này thừa. Đây là một hoạt động kinh doanh cho nên việc người tổ chức được hưởng lợi ích hợp pháp trong kinh doanh của họ là đương nhiên theo luật dân sự, không cần thêm nghị định này.
Ví dụ 3: Điều 5. Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật
1. Tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật có quyền:
b) Thụ hưởng các lợi ích hợp pháp từ việc tham gia biểu diễn nghệ thuật:
Khoản này cũng thừa vì những người (hay tổ chức) tham gia biểu diễn dĩ nhiên được hưởng lợi ích hợp pháp do hợp đồng lao động của họ ký kết với người tổ chức (dựa trên luật dân sự.) Tại sao lại phải cần nghị định này nữa?
Ví dụ 4: Điều 6. Quyền, trách nhiệm của chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật
1. Chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật có quyền:
b) Thụ hưởng các lợi ích hợp pháp từ việc khai thác, sử dụng địa điểm.
Điều này cũng thừa vì chủ địa điểm (nhà hát) khi cho thuê địa điểm dĩ nhiên họ được hưởng tiền cho thuê theo hợp đồng ký kết với người tổ chức (đã qui định trong luật dân sự).
Ví dụ 5: Tất cả các điều khoản khác đều thừa, vì đã được qui định trong các đạo luật khác rồi và ngôn từ lại rất mơ hồ.
IV-Ca khúc Gia tài của mẹ bị cấm (không văn bản mà qua sự kiểm duyệt & chấp thuận chương trình trước.) và tất cả mọi người đều nghĩ bởi hai câu: “Một Ngàn Năm Nô Lệ Giặc Tàu”, “Hai Mươi Năm Nội Chiến Từng Ngày”.
A-“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”.
Không có Khánh Ly trình bày ca khúc này thì cũng đã có không ít người Việt Nam nghĩ rằng hiện nay giới cầm quyền đang bị nô lệ Trung Quốc. Rõ ràng nhất là những cuộc biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, độc chiếm biển Đông đều bị ngăn chặn, giải tán; và những người tổ chức đều bị bắt bỏ tù dài hạn. Thậm chí chỉ mặc cái áo may ô có hàng chữ NO U, ám chỉ chống đối đường lưỡi bò của Trung Quốc muốn chiếm toàn vùng biển Đông cũng bị bắt. Nhưng khi Khánh Ly trình bày ca khúc Gia Tài Của Mẹ thì vấn đề nhà cầm quyền đang nô lệ Trung Quốc lại được hâm nóng và toàn dân, một lần nữa, nhìn rõ chân tướng của giới cầm quyền.
B-Câu “Hai Mươi Năm Nội Chiến Từng Ngày” đã khiến công chúng ồn ào hơn bởi vì vẫn còn không ít người miền Bắc không đồng ý coi cuộc chiến 1954-75 là nội chiến mà là cuộc chiến chống Mỹ và Giải Phóng Miền Nam như đảng tuyên truyền.
Nhưng ngày nay, cũng không ít người miền Bắc (nhất là những người có trình độ, có ngoại ngữ) tin rằng cuộc chiến mà cha anh họ hy sinh và bản thân họ trải qua không phải là cuộc chiến chống Mỹ. Nhờ đọc tài liệu, sách báo phương Tây, họ biết rõ là người Mỹ chỉ tham gia cuộc chiến Việt Nam từ năm 1965 để giúp miền Nam chống lại cuộc xâm lấn của cộng sản miền Bắc. Họ biết rất rõ là cộng sản miền Bắc đã bắt đầu xâm lấn miền Nam (có thể gọi là xâm lăng không?) từ 1959 khi chưa có quân Mỹ và đồng minh tại miền Nam (Tháng 1 năm 1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, họp tại Hà Nội, xác định: “Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng.” Tiếp đó, ngày 19/5/1959 Đoàn 559 có nhiệm vụ đưa cán bộ và vũ khí vào miền Nam được thành lập. 17 tháng sau, ngày 20-12-1960, số cán bộ xâm nhập từ miền Bắc đã tổ chức ra “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Nhưng để lừa bịp thế giới, đảng đã tuyên truyền đó là tổ chức do nhân dân Miền Nam tự phát dựng lên (3 & 4). Thêm nữa, sau Hiệp định Paris tháng 1/1973 thì quân Mỹ rút hết về nước, miền Nam đâu còn quân Mỹ nữa, thế mà cộng sản miền Bắc vẫn cứ tiếp tục xâm lăng miền Nam. Tài liệu chứng minh rõ, không có Mỹ hay có Mỹ cộng sản miền Bắc vẫn xâm lăng miền Nam, như vậy gọi là nội chiến là chính xác. Và nếu muốn chính xác nữa thì phải gọi là “cuộc nội chiến do cộng sản miền Bắc phát động.”
C-“Cuộc chiến giải phóng miền Nam.”
Đi kèm với chiêu bài chống Mỹ là chiêu bài giải phóng miền Nam. Hai danh xưng này cộng sản miền Bắc gán cho cuộc nội chiến do họ phát động là không thể tách rời.
Ngày nay, có lẽ những người mù quáng nhất cũng không còn tin chiêu bài giải phóng miền Nam. Bởi vì sau khi cướp được miền Nam, chính những thành viên của “đoàn quân chiến thắng” cũng nhận thấy trong chiến tranh, miền Bắc đói khổ, đời sống chỉ bằng một phần ngàn đời sống của người dân miền Nam trên mọi phương diện, kể cả phương diện văn hóa. Nếu ai còn chưa tin hãy vào trang “Hà Nội Tri Thức” để biết tâm sự thật của những người miền Bắc, trước kia cũng là những con người u mê, bị đảng nhồi sọ; nhưng nay là những trí thức thấm nhuần kiến thức phương tây. Thêm nữa, muốn biết rõ Saigon trước “giải phóng” tốt đẹp sung túc như thế nào xin mời đọc Ái Vân Tự Truyện. Còn nữa, năm 1975 nhà văn Nguyễn Quang Lập người miền Bắc, 19 tuổi, đang là sinh viên Đại học Hà Nội. Vào Saigon một năm sau đó ông đã viết bài ký “Saigon giải phóng tôi.” (5). Nhà thơ bộ đội giải phóng miền Nam Trần Mạnh Hảo, hiện nay là người có kiến thức đông tây uyên thâm hơn tất cả các tiến sĩ, giáo sư được nhà nước phong cấp đã xác nhận với tôi trên facebook, “tất cả kiến thức của ông đều được thu thập từ sách báo miền Nam sau khi ông vào miền Nam.” Hay ngắn gọn và đầy đủ như nhà văn Dương Thu Hương, một nữ bộ đội tình nguyện vượt Trường Sơn đi “giải phóng miền Nam”, trong bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Đinh Quang Anh Thái đăng trên Việt Tide 242: “Khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Ông Thái đừng quên rằng, ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ . . .nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.”(6)
Như vậy chiến tranh chống Mỹ không phải, chiến tranh giải phóng miền Nam cũng không phải; chỉ còn một danh xưng cho cuộc chiến 1954-75 là “Nội chiến”, một danh xưng cấm kỵ đối với chế độ. Nhưng, Khánh Ly, không biết vô tình hay cố ý, khi trình bày ca khúc Gia tài của mẹ đã công khai xác định giữa lòng chế độ một sự thật mà không ai dám nói, hay được nói.

Nguyễn Tường Tâm (VOA)
___________________
Ghi chú:
1-https://tuoitre.vn/danh-ca-khanh-ly-hat-gia-tai-cua-me-don-vi-to-chuc-bi-moi-lam-viec-20220629181246802.htm
Danh ca Khánh Ly hát "Gia tài của mẹ", đơn vị tổ chức bị mời làm việc
2-https://luatvietnam.vn/van-hoa/nghi-dinh-144-2020-hoat-dong-nghe-thuat-bieu-dien-195588-d1.html
Nghị định 144/2020/NĐ-CP hoạt động nghệ thuật biểu diễn
3-https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ngay-nay-nam-xua/ngay-20-12-1960-mat-tran-dan-toc-giai-phong-mien-nam-viet-nam-chinh-thuc-duoc-thanh-lap-680654
Ngày 20-12-1960: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập
4-http://dsvh.gov.vn/di-tich-lich-su-duong-truong-son-duong-ho-chi-minh-2969
Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh
5-https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/qv-sai-gon-giai-phong-toi/
Sài Gòn giải phóng tôi
6-https://www.vietthuc.org/toi-khoc-ngay-30-thang-t%C6%B0-75-vi-th%E1%BA%A5y-n%E1%BB%81n-van-minh-da-thua-ch%E1%BA%BF-d%E1%BB%99-man-r%E1%BB%A3/
Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 75 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ


Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.360 giây.