Nhà hoạt động dân chủ Panusaya Sithijirawattanakul trong một cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18/7/2022. AP - Sakchai Lalit
Một tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Thái Lan, hôm nay, 18/07/2022, cho biết có hơn 20 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, từng tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2020 và 2021, là đối tượng theo dõi của phần mềm gián điệp gây tranh cãi Pegasus.
AFP trích dẫn báo cáo iLaw, do DigitalReach và Citizen Lab đồng thực hiện, cho biết, trong suốt giai đoạn khủng hoảng chính trị, điện thoại của những nhà đấu tranh nói trên đã bị tấn công tin tặc trong khoảng thời gian từ 21/10/2020 đến 19/11/2021.
Trong số 24 nhà hoạt động có điện thoại bị thâm nhập, có hai gương mặt tiêu biểu cho phong trào phản kháng là Panusaya "Rung" Sithijirawattanakul và Jatupat "Pai" Boonpattararaksa. Hai nhà hoạt động này hiện đang bị tư pháp truy tố với cáo buộc đã xúc phạm Hoàng gia. Theo AFP, ngoài ra, còn có ba luật sư và ba nhân viên các tổ chức phi chính phủ cũng bị theo dõi bằng phần mềm Pegasus.
Các tác giả của báo cáo, dù khẳng định không thể tiếp cận một nguồn thông tin chính thức nào để biết được ai đứng sau vụ việc, đánh giá rằng « hiển nhiên, chính phủ Thái Lan sẽ là bên được hưởng lợi được nhiều nhất ».
Ngay khi báo cáo được công bố, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ( Amnesty International ) kêu gọi tư pháp Thái Lan nên có « một cuộc điều tra sâu rộng ».
AFP nhắc lại, theo lời kêu gọi của giới sinh viên, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình ở Bangkok đòi thủ tướng Prayut Chan-O-Cha từ chức và yêu cầu một cuộc cải cách lớn đối với nền quân chủ đầy quyền lực, một chủ đề cấm kỵ cho đến hiện nay. Phong trào phản kháng bị suy yếu do dịch bệnh bùng phát và do nhiều lãnh đạo chính của phong trào bị bắt.
Phần mềm Pegasus - do hãng NSO của Israel lập trình, cho phép kích hoạt từ xa các camera và thiết bị thu âm của điện thoại thông minh - đã gây nhiều tranh cãi kể từ khi liên minh 17 tổ chức truyền thông quốc tế công bố kết quả điều tra, cáo buộc Pegasus đã được sử dụng để theo dõi số điện thoại của ít nhất khoảng 180 nhà báo, 600 chính khách, 85 nhà đấu tranh nhân quyền và 65 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhiều quốc gia.
Theo RFI