Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” ở ngay trung tâm Hà Nội mới xây xong năm 2022. Bộ Công An
Giang hồ đang bò lăn ra cười với cái cụm tượng ngành công an trường phái tả thực, điểm đôi chi tiết huyền ảo mới vừa mọc lên ở Hà Nội. Đây chú công an đang dẫn bà cụ qua đường. Kia chú công an đang giơ thẳng tắp cánh tay chỉ đường cho nhân dân đi. Bên cạnh có ba chú cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy đang giương vòi rồng. Ngọn lửa bốc lên đùng đùng phía sau. Một chú ôm đứa bé, chắc vừa cứu ra từ ngọn lửa.
Ấy chỉ có thế thôi. Nguyên cả ngành công an, thế là hết rồi!
Mọi lý thuyết đều màu xám
Giang hồ lắm miệng bảo: Đáng lẽ phải có chú công an chạy xe ngành đưa thí sinh ngủ quên giờ thi tốt nghiệp. Chú công an đang truy bắt mai thúy (ma túy-cách gọi trại hài hước để né kiểm duyệt của dân mạng tiếng Việt). Cô công an hạch sách người dân về giấy tờ hộ khẩu các thứ. Lại còn cả các chú công an đang cần mẫn ngày đêm trên chiến trường báo tin giả, bắt tin tặc với bàn phím là vũ khí chiến đấu.
Chứ tại làm sao chú công an cứ phải đưa bà cụ sang đường mãi thế? Bà cụ sao không chờ đèn xanh để sang đường, đúng vạch, chả cần chú công an nào đưa? Hay cụ cậy nhớn tuổi, cụ cứ táng thẳng đường ta ta bước bất chấp đèn đỏ hay vạch sang đường, nên chú công an mới phải tất tả chạy theo hộ tống?
Rồi đến chú công an giơ tay chỉ đường cũng lạ lắm. Thời xưa, chưa có đèn xanh đèn đỏ, giữa giao lộ chỉ đặt mỗi cái bục tròn để chú công an đứng lên đấy thổi còi toét toét điều khiển giao thông. Chứ bao chục năm nay đèn giao thông sáng lòe, có hẳn bảng điện tử báo lùi giờ thì cần chú đứng giơ tay ở đấy làm gì? Hay chú “lãng quên vì tuổi tác?” Hay (người nặn ra chú) “liều một thác cho yên”? (Mẹ Tơm-Tố Hữu).
Hình dạng cháu bé đang được chú Cứu nạn cứu hộ bế ra cũng gây nhiều câu hỏi lớn không lời đáp, trong đó nhiều nhất là của cánh đốc tờ, học cho lắm những thứ sinh lý học con người, cơ chế quay cổ với những thứ phi nghệ thuật tương tự nên cứ thắc mắc vì sao em bé ngực áp vào trong mà cổ quay ngược ra ngoài đến tận gần 360 độ?
Mọi lý thuyết đều màu xám
Chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi
Cho những ai thắc mắc về chiếc cổ em bé (bọn độc mồm độc miệng nó bảo y như zombie): hãy đọc lại câu thơ trên. Như thế nào là nghệ thuật? Nghệ thuật là cây đời xanh tươi- cái cổ quay 360 độ chứng tỏ sự tự do và sáng tạo mà chỉ những ai có tâm hồn trong sáng và hồn nhiên như trẻ em mới có thể nghĩ ra.
Một ví dụ khác cho cặp phạm trù cây đời-lý thuyết là tượng đài Đồng khởi, dân mạng lại được dịp đào ra hôm qua.
Nhưng đấy là bà mẹ ở chỗ khác. Còn bà mẹ Bến Tre thì ai cũng biết là uống rất nhiều nước dừa. Nước dừa rất giàu vitamin, khoáng chất, các chất dinh dưỡng. Mẹ uống dừa nhiều năm nên đã đạt được kết quả chống lão hóa, giữ được tuổi xuân căng mọng tuyệt vời. Hãy uống nước dừa như mẹ!
Một tượng đài đỉnh của đỉnh, siêu cấp VIP Pro. Vừa biểu hiện chiến thắng, vừa quảng cáo và tôn vinh thế mạnh kinh tế địa phương!
Anh chiến sĩ, chị công nhân, cháu bé mầm non đất nước
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có khoảng gần 400 tượng đài, chủ yếu là tượng đài chiến thắng. Chia ra mỗi tỉnh có khoảng sáu tượng đài. Tượng đài được xây ở trung tâm các thành thị lớn và nhỏ, thường theo một kiểu giống hệt nhau, cũng thiên về tả thực y như cụm tượng công an nói trên. Nó có một bệ rất cao hình chữ nhật hoặc trụ tròn, trên đó nhất quyết phải đầy đủ anh chiến sĩ quấn vải dù, bồng súng đang lao lên, kế bên có chiến sĩ khác ôm trên vai một em bé, cạnh là cô du kích mặc bộ bà ba quấn khăn rằn nghiêm trang đứng, bà mẹ anh hùng tóc búi tó, mặt rất nhiều nếp nhăn dắt tay mấy em thiếu niên. Ý là toàn bộ mặt trận nam phụ lão ấu đồng lòng sát cánh.
Tiếp đến là tượng đài công-nông-binh. Y như tên gọi, nhất quyết phải có một anh công nhân vạm vỡ mặc áo xanh, tay cầm búa gác ngang ngực, một em gái xinh như mộng vác chiếc liềm, tay ôm bó lúa nặng quằn bông, một chiến sĩ đang giương súng.
Một áp phích cổ động. Hình: Bộ Tư Pháp
Cho đến tận hôm nay, ngay trên quảng trường trung tâm của TP HCM, đoạn từ UBND quận 1 chạy dài xuống Đường Sách, rồi dọc theo đường Đồng Khởi ra tận gần Phố đi bộ, tất cả hình ảnh pa-nô tuyên truyền cho những đợt lễ, các ngày kỷ niệm… vẫn y chang motif này, không sai mảy may. Tuy nhiên thế kỷ 21 rồi nên có bổ sung thêm một thành phần là Trí (trí thức). Anh trí thức mặc áo trắng và nhất quyết phải đeo kính. Một điểm khác, rất thời thượng giải phẫu thẩm mỹ là mắt của tất cả các anh chị, cụ già, em bé đều hai mí dày sắc nét như Tây.
Và tuy được dựng ở khắp cả nước từ miền núi đến miền xuôi, 64 dân tộc, để tuyên truyền cho chính sách chung của Đảng và Nhà nước, nhưng hình ảnh trên tượng đài, pa-nô cổ động luôn luôn hoặc trong tuyệt đại trường hợp là nét mặt và y phục của dân tộc Kinh.
Nói về cái xấu của tượng đài, trên báo chí Việt Nam, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng nó “xấu đều”, “na ná nhau” và chất lượng nghệ thuật mới dừng lại ở mức “tranh cổ động bằng khối”.
Nhưng chất lượng xấu đều như thế mà số lượng tượng đài vẫn tăng. Chi phí thì ít nhất hàng tỷ đến hàng trăm tỷ hoặc hơn (tượng đài Điện Biên Phủ dưới đây có chi phí 400 tỷ đồng, nứt, rỉ và hư hỏng sau khi khánh thành). Thậm chí, huyện nghèo miền núi Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) tuy đói ăn nhưng vẫn quyết xây tượng đài chiến thắng 48 tỷ đồng vào năm 2019. Huyện nghèo Phước Sơn (Quảng Nam) xây tượng đài 14 tỷ năm 2020. Tỉnh Đắc Nông nghèo nhất nhì cả nước, hàng năm vẫn phải xin Chính phủ cho gạo cứu đói nhưng cũng năm 2020 quyết xây tượng đài 167 tỷ.
Trích báo Tiền Phong ngày 12/8/2020:
“Công trình Di tích lịch sử Nam Nung (tại xã Nam Nung, huyện Krông Nô) được xây dựng gần 30 tỷ đồng sau khi được Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch công nhận khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đang có dấu hiệu trở thành phế tích với nhiều hạng mục hư hỏng nghiêm trọng.
Cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa khoảng 60km, huyện Đắk Mil mới khánh thành tượng đài ở trung tâm thị trấn, chi phí xây dựng hơn 11 tỷ đồng (chủ yếu từ ngân sách huyện và xã hội hóa). Trước đây, tại vị trí này từng có một tượng tài, tuy nhiên, chính quyền phát hiện tượng đài cũ, biểu tượng (với tên gọi “cánh chim sắt”, hay “đôi bàn tay đan chặt”, làm bằng kim loại trị giá gần 3,6 tỷ) là “sao chép” ý tưởng từ một công trình khác ở một địa phương phía Nam nên đã phá đi xây lại.”
Tại làm sao nghèo tới nỗi vác rá đi xin gạo mà người ta vẫn khoái xây tượng đài trăm tỷ dữ vậy?
Câu trả lời thì ai cũng biết rõ.
Là vì có xây thì mới có “cất”
Tượng đài ở tỉnh Đắc Nông vừa xây xong bệ thì bị thanh tra phát hiện. Tòi ra vụ mới riêng bệ tượng đã bị ăn bớt đến một nửa nguyên vật liệu: tải trọng chỉ chịu được 1.000 tấn trong khi theo thiết kế phải là 2.000 tấn.
Vụ tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ còn dơ hơn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin kiêm Trưởng ban quản lý dự án đi tù vì ăn hối lộ. Chỉ riêng phần đồng đúc tượng, đám này chia chác rút ruột hết một nửa (gần 100 tấn đồng) trong tổng số hơn 200 tấn theo thiết kế.
Những nhà điêu khắc đều biết rõ việc thông đồng bán thầu, sao chép bản thiết kế làm tượng ở nhiều nơi, rút ruột công trình, đánh tráo vật liệu, ăn chia tiền tác quyền, ăn chia kinh phí xét duyệt, ăn chia kinh phí thi công tượng đài… Còn phía nghệ sĩ? Họa sĩ Trần Lương nói tận từ năm 2007: “Hiện nay vẫn tồn tại tình trạng cả nghệ sĩ và hội đồng nghệ thuật cùng lo “kiếm ăn” trên thân xác các tượng đài”.
Cho nên bỏ qua vụ tượng xấu đi. Người vẽ biết nó xấu. Vẫn vẽ! Người duyệt biết nó xấu. Vẫn duyệt! Ai cũng biết nó xấu, nhưng họ vẫn làm. Thế thì câu hỏi cho thời điểm này phải là đứa nào, quên, là ai đã duyệt cho xây tượng đài kiểu đó? Đứa xây “cất” một thì đứa “duyệt” cất mấy? Cái lò của cụ Tổng đã đốt củi đến lĩnh vực này chưa?
Theo quy định của pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý cấp phép xây dựng tượng đài cấp quốc gia. UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương duyệt cấp phép xây dựng tượng đài ở địa phương.
Chan Tương (RFA)
______________
Tham khảo:
https://nld.com.vn/thoi-...ng-20210311101836239.htmhttps://tienphong.vn/tin...-tram-ty-post1265242.tpohttps://vov.vn/phap-luat...dien-bien-phu-164788.vovhttps://thanhnien.vn/can...uong-dai-post686707.html