Nhóm 8 người thuộc nhóm Hiến Pháp tại phiên toà xét ở ở TP Hồ Chí Minh hôm 31/7/2020. Pháp Luật
Một người bị đi tù vì biểu tình phản đối dự luật Đặc khu, mãn án trở về bị công an đưa đi quản chế ở một tỉnh khác cách xa vợ con cả ngàn cây số.
Ông Trần Thanh Phương sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh từ khoảng 30 năm qua và bị bắt hồi tháng 9/2018 sau các hoạt động biểu tình chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Ông bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết ba năm sáu tháng tù và hai năm quản chế về tội danh “Phá rối an ninh” trong phiên toà hồi tháng 7/2020 cùng với bảy người khác.
Đến ngày 7/3/2022, ông hết án trở về thì bị công an Trại giam An Phước đưa về Thừa Thiên-Huế để buộc ông thực hiện án quản chế tại đây, trong khi vợ con ông đều sinh sống ở TPHCM.
Khi bị chất vấn thì phía công an đưa cho ông một bản copy của bản "sao y bản chính" văn bản số 120 ngày 23/7/2021 của tòa án với tiêu đề Thông báo sửa chữa quyết định thi hành án hình phạt tù.
Theo văn bản ký tên của Phó Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM thì quyết định về việc thi hành án phạt tù, trong đó có hình phạt bổ sung là phạt quản chế ông Phương "tại nơi cư trú phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian hai năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù" là chưa chính xác.
Do đó, cơ quan này sửa chữa bản án và thay đổi địa điểm thi hành án quản chế từ nơi cư trú ở TPHCM về Thừa Thiên-Huế là nơi đăng ký thường trú.
Trong văn bản này phần Nơi nhận có ghi "Người bị kết án" (tức là ông Phương), tuy nhiên, ông nói không nhận được văn bản nào như vậy.
Ông Phương nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại như sau:
“Trong bản án gốc của toà thì quản chế ở phường Bình Hưng Hoà, số nhà 255/5 phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tôi thi hành án xong thì nó tự chỉnh sửa bản án đưa tôi về Huế… Bắt tôi ở Sài Gòn, nhà tôi ở Sài Gòn, tôi định cư ở Sài Gòn 28 năm rồi. Tôi đâu có ở Huế mà bắt tôi về đó, mà đó lại là nhà của mẹ vợ tôi.”
Theo ông Phương thì gia đình ông có giấy KT3 ở TPHCM, đây là một sổ tạm trú dài hạn của cá nhân ở một tỉnh thành hoặc thành phố trực thuộc trung ương mà nơi đó không phải là địa chỉ thường trú của cá nhân đó.
Trong khi đó, nơi đăng ký thường trú vẫn là địa chỉ căn nhà mẹ vợ ông Phương ở Huế, dù trên thực tế ông không sống ở nơi này gần 30 năm qua.
Chúng tôi không liên hệ được với Toà án Nhân dân TPHCM bằng điện thoại mà chỉ thông qua hòm thư góp ý trên trang web nhưng chưa nhận được phản hồi.
Liên hệ bằng điện thoại với Công an thành phố thì được đề nghị gửi yêu cầu bằng văn bản tới trụ sở của cơ quan này.
Ngày 14/4, ông Phương trở vào trụ sở Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để trích lục công văn về việc chỉnh sửa bản án thì chỉ nhận được câu trả lời miệng là phía toà không chỉnh sửa bản án, và nói ông lên Trại giam An Phước để hỏi.
Ông nói hai bên toà án và trại giam cứ đá quả bóng trách nhiệm cho nhau, với hậu quả là ông bị buộc phải sống xa vợ con, không được “tái hoà nhập cộng đồng” như chính sách mà nhà nước Việt Nam thường tuyên truyền với những người mãn hạn tù.
Khi ông muốn vào TPHCM để đoàn tụ cùng vợ con thì công an địa phương ngăn không cho đi.
Hiện nay, ông thất nghiệp và bị buộc phải sống ở một nơi cách gia đình hơn 1.000 km.
Phóng viên có liên lạc với luật sư Đặng Đình Mạnh, là người bào chữa cho ông Trần Thanh Phương trong phiên toà thì luật sư này cho biết không thể bình luận về sự việc của ông Phương vì không nhận được văn bản nào từ tòa về bản án của ông này.
Ông Phương cho biết thêm là đã viết đơn yêu cầu được thi hành án quản chế tại nơi gia đình ông đang sinh sống đến nhiều cơ quan như Toà án, Viện Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh, và Cục Cảnh sát quản lý trại giam (C10) của Bộ Công an nhưng không nhận được phản hồi.
Ông cho biết, một số sỹ quan an ninh nói lý do buộc ông phải thi hành án quản chế ở Huế là vì vợ ông hay đưa tin về đàn áp nhân quyền và sách nhiễu gia đình tù nhân lương tâm lên mạng xã hội Facebook.
Đài Á Châu Tự Do không thể kiểm chứng được thông tin này.
Ông Phương cũng nghi ngờ đây là biện pháp trả thù ông vì trong thời gian thi hành án tù ở Trại giam An Phước từ ngày 17/8/2020 đến ngày mãn hạn tù, ông đã tham gia tranh đấu phản đối việc trại giam đối xử hà khắc với tù nhân, đặc biệt là tù nhân lương tâm, và đòi quyền lợi cho tù nhân.
Theo RFA