Tổng thống Nga Putin chủ trì một phiên họp bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, 6/9/2022.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói hôm 7/9 rằng Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Nga và hy vọng thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước, các bản tin của Reuters và các báo Việt Nam cho hay.
Ông Chính nói như vậy khi phát biểu qua đường truyền video với Diễn đàn Kinh tế phương Đông, được tổ chức ở Vladivostok của Nga, với sự tham dự trực tiếp của Tổng thống Nga Putin, cũng như của một số vị đại diện cho Trung Quốc, Mông Cổ, Armenia...
Đề cập đến quan hệ kinh tế song phương Việt-Nga, Thủ tướng Chính nhấn mạnh rằng Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga, đánh giá cao các kết quả hợp tác kinh tế giữa hai nước những năm vừa qua, nhất là trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp...
Ông Chính đề nghị hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tận dụng hiệu quả và sớm nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), là liên minh của một số nước thuộc Liên Xô trước đây, gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.
Vẫn thủ tướng của Việt Nam khẳng định rằng quốc gia này hoan nghênh việc gắn kết kinh tế Nga, nhất là vùng Viễn Đông, với các nước châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nga. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối đẩy mạnh hợp tác ASEAN-Nga, trong đó có xây dựng Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EAEU, ông Chính nói.
Trong khi Việt Nam - đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa - muốn tăng cường quan hệ với châu Âu và Mỹ, quốc gia này vẫn là một trong những đối tác thân thiết nhất của Nga ở châu Á, với những quan hệ đã phát triển từ thời Liên Xô, bản tin của Reuters viết.
Trong phần phát biểu về Diễn đàn Kinh tế phương Đông, thủ tướng của Việt Nam nhấn mạnh rằng diễn đàn có ý nghĩa thiết thực nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần duy trì ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Vẫn Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật lên rằng Việt Nam luôn tích cực và chủ động tham gia các sáng kiến đa phương, trong đó có các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực. Từ đó, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương, ông Chính nói.
Diễn đàn Kinh tế phương Đông diễn ra trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã kéo dài 6 tháng rưỡi, Nga bị nhiều nước tẩy chay còn Việt Nam phải xoay sở để giữ tư thế không đứng về bên nào.
Như VOA đã đưa tin, các quan chức của Việt Nam, kể cả Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong các dịp khác nhau đều khẳng định lập trường của Việt Nam là tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Tuy nhiên, dù Việt Nam gọi cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine là “vô cớ”, song Việt Nam lại từ chối lên án hành động xâm lược của Nga.
Việt Nam có hai lần bỏ phiếu trắng khi Đại hội đồng LHQ tổ chức bỏ phiếu về hai nghị quyết lên án Nga và yêu cầu nước này rút quân khỏi Ukraine. Sau đó, Việt Nam bỏ phiếu chống, phản đối nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của LHQ.
Theo quan sát của VOA, nhiều người dân Việt Nam chỉ trích việc chính quyền của đất nước bỏ phiếu như vậy tại Đại hội đồng LHQ, họ cho rằng Hà Nội đứng về phía Nga qua những động thái đó.
Theo VOA