Ảnh minh họa: Một đoạn video được ghi tại Mariupol và đăng trên kênh Telegram "War Gonzo" ngày 20/04/2022. © Ảnh chụp màn hình Telegram.
« Chúng ta đã thua. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian ». Lần đầu tiên kể từ khi phát động cuộc chiến, tổng thống Vladimir Putin đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ từ cả hai phía chống và ủng hộ chiến tranh. Nhưng sự giận dữ của phe diều hâu tại Nga còn làm nổi rõ vai trò của các « blogger » được điện Kremlin và quân đội Nga dung túng để cổ vũ cho luận điệu hiếu chiến chống Ukraina.
Quân đội Nga và những khiếm khuyếtThứ Bảy 10/09/2022, trong buổi họp báo thường nhật có tên là « Điểm tình hình về những tiến triển của chiến dịch quân sự đặc biệt », phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nga đã phát biểu: « Để đạt được các mục tiêu được đặt ra cho chiến dịch quân sự đặc biệt để giải phóng Donbass, quyết định đưa ra là dồn các đội quân đóng tại vùng Izium về chi viện cho Donetsk. Để tránh các thiệt hại cho các đạo quân, một cuộc oanh kích dữ dội bằng tên lửa và đại pháo đã được giáng xuống kẻ thù. Trong vòng ba ngày, hơn hai ngàn lính Ukraina và nước ngoài, cũng như hơn 100 xe thiết giáp và đại bác đã bị tiêu diệt. »
Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh những hình ảnh trên các mạng xã hội ở Nga phô bày một thực tế phũ phàng : Quân đội Nga tháo chạy, bỏ lại nhiều phương tiện, vũ khí, đạn dược cho kẻ thù. Theo giới quan sát tại Pháp, sự thất bại này đã làm lộ rõ các khiếm khuyết trong quân đội Nga : Tình báo yếu kém, tham nhũng, thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng, thậm chí thiếu tinh thần chiến đấu …
Pierre Servent, đại tá dự bị, chuyên gia về quốc phòng, lưu ý điều đó không có nghĩa là chiến tranh sẽ sớm chấm dứt, khả năng đánh phá của quân đội Nga vẫn còn đáng kể. Trên đài France Culture, ông nhắc lại : « Từ đầu cuộc chiến đến nay, mỗi lần ông Putin gặp thất bại quân sự, ông ấy cũng đã hứng lấy một vài đòn, thì ông ấy luôn có cùng một kiểu hành xử : Trừng phạt bằng cách đánh sâu vào lãnh thổ Ukraina nhắm vào các mục tiêu dân sự và đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Trong vài ngày tới, ông ấy thế nào cũng đưa ra một loại tên lửa hạt nhân chiến lược mới, hay nâng mức báo động hạt nhân mới… »
V. Putin đối mặt với cả « Bồ câu » lẫn « Diều hâu » Tuy nhiên, giới quan sát phương Tây đặc biệt lưu ý đây là lần đầu tiên tổng thống Vladimir Putin bị một bộ phận chính giới Nga, từ tả đến hữu, chỉ trích mạnh mẽ là đã « tiến hành một chiến lược chiến tranh tồi tệ ». Phe chống chiến tranh kêu gọi phế truất tổng thống Putin vì tội « phản quốc », theo như một kiến nghị do nhóm tám dân biểu ở Saint – Petersbourg đề xướng. Họ cho rằng Vladimir Putin đã phản bội đất nước và phản bội dân tộc Nga.
Đương nhiên, đòi hỏi này khó thể thực hiện, do việc đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin vẫn chiếm đa số ở Quốc Hội. Nhà chính trị học Anna Colin Lebedev, chuyên gia về các xã hội hậu Xô Viết, ví lời kêu gọi đó can đảm chẳng khác gì như một hành động « kamikaze – tấn công tự sát », trong bối cảnh những tiếng nói chống chiến tranh, chống sự cai trị độc tài của ông Putin ngày càng ít.
Điều thật sự gây ngạc nhiên đó là những lời chỉ trích gay gắt đến từ chính phe "diều hâu", những người ủng hộ điện Kremlin và cuộc chiến chống Ukraina. Theo tờ New York Times của Mỹ, sự giận dữ của phe diều hâu cho thấy, dù tổng thống Nga có bịt được miệng mọi phe đối lập ủng hộ tự do và dân chủ, thì ông vẫn bị sự bất bình từ cánh bảo thủ nhất đe dọa.
Những người này chê trách tổng thống Nga quá mềm yếu, đòi hỏi phải có hành động triệt để hơn. Chuyên gia về Nga, bà Tatiana Kastouéva – Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trả lời báo Les Echos nhận định vào lúc này có căng thẳng trên thượng tầng lãnh đạo ở Matxcơva.
« Khó thể biết được ông Putin đang nghĩ gì, nhất là khi ông ấy bị đặt trước sự đã rồi. Hiện tại, như thường lệ, giới lãnh đạo đi theo đường hướng của điện Kremlin, theo một thói quen hay như bị cưỡng ép để hậu thuẫn tổng thống và những phát biểu của ông ấy. Thế nhưng, lịch sử đất nước nhắc rõ là mọi thay đổi chính trị sẽ không đến từ đường phố, mà là từ những tranh giành ảnh hưởng ở thượng tầng lãnh đạo. »
Nhưng nhà chính trị học Anna Colin Lebedev lo rằng những phát ngôn cứng rắn từ phe « diều hâu » hiến chiến có nguy cơ dẫn đến leo thang quân sự. Trên đài phát thanh France Culture, chuyên gia Lebedev giải thích :
« Phe diều hâu này đặt nghi vấn về chiến lược của Nga, cho rằng đã quân Nga đã không đánh mạnh, không tiến xa hơn, phá hủy chưa đủ. Chiến lược này đã không nhắm vào thường dân. Người ta còn nghe những kẻ cực kỳ bảo thủ này nói rằng chúng ta có thể dội bom Kiev … Đương nhiên những người nói như thế không hẳn là những người có quyền lực chính trị, nhưng ngược lại họ phát biểu nhân danh những người từ trong hậu trường ra các quyết định, họ cũng có thể sẽ là những người ra một số quyết định nào đó. Điều làm tôi lo ở đây là một thất bại quân sự rất có thể là điểm xuất phát cho một cuộc leo thang. »
Blogger Nga : Cỗ máy tuyên truyền hay kẻ tố cáo ?Nhưng phải chăng Vladimir Putin cũng đang bị « gậy ông đập lưng ông » ? Bất chấp đạo luật do chính ông ban hành hồi đầu tháng 3/2022, nghiêm cấm và phạt tù nặng những ai tuyên truyền làm mất uy tín của quân đội, các hình ảnh trên mạng xã hội và Internet lại cho thấy thất bại của Nga quá hiển nhiên. Báo Mỹ New York Times lưu ý sự việc nhắc rõ vai trò quan trọng của các blogger Nga trên mạng Telegram khi phát tán các bài tường thuật trực tiếp về chiến tranh.
Được hàng nghìn người theo dõi, nhiều người trong số các blogger hiếu chiến còn được tháp tùng theo binh sĩ Nga và phe thân Nga đến gần các đường chiến tuyến. Trang mạng kênh truyền hình quốc tế France 24, hồi đầu tháng 5/2022, đơn cử ví dụ kênh Telegram « War Gonzo », do blogger Semyon Pegov quản lý, được hơn 800 ngàn người theo dõi trên mạng Youtube và hơn một triệu người trên Telegram.
Từng là phóng viên cho kênh truyền hình Nga Life News ở Donbass, Semyon Pegov đã đăng tải nhiều đoạn video cho thấy hình ảnh binh sĩ Nga ở Mariupol, cảnh (bị cho là dàn dựng) những quân nhân thân Nga được người dân đón tiếp ở ngõ vào Donetsk, hay hình ảnh Semyon Pegov đang ra hiệu cho một binh sĩ kích hoạt bệ phóng rốc-kết trước khi quay sang trả lời phỏng vấn trước camera….
France 24 cho biết « War Gonzo » không phải là trường hợp duy nhất, Vladlen Tatarsky, một cựu quân nhân Nga từng chiến đấu ở Donbass hồi năm 2014, cũng có một cộng đồng Youtube khá đông đảo nhờ đăng các mẩu video từ nhiều vùng chiến sự mà ông được tham gia.
Cho dù những blogger này đôi khi hành động như một loa phóng thanh cho những luận điệu của điện Kremlin, xem người Ukraina như là « phát xít », không xứng đáng để đối xử như một con người, Jack Margolin – giám đốc dự án tại Trung tâm Nghiên cứu của Mỹ Center for advanced defence studies (C4ADS) – trả lời France 24 lưu ý thêm rằng « tuy đôi khi trình bày sai lệch về nhiều sự kiện, những người này cũng là khung cửa sổ hữu ích về cho thấy nhiều điều mà chúng ta không có cách nào khác thấy được. »
Theo giải thích của Kuznets – cựu phóng viên chiến trường – với tờ New York Times, các sĩ quan Nga dường như dung thứ cho sự hiện diện của những bloggers này, cho dù các ý kiến của họ đôi khi mang tính chỉ trích, bởi vì những người này chia sẻ cùng khái niệm chủ nghĩa đế quốc và hiếu chiến. Hơn nữa, các blogger giữ một vai trò chủ yếu trong việc phổ biến tuyên truyền ủng hộ Nga trên các mạng xã hội mà cả người dân Nga lẫn Ukraina đều tìm hiểu.
Chính họ là những người cung cấp nhiều thông tin còn chi tiết, rõ nét và có thể nói là đáng tin cậy hơn là nguồn tin từ bộ Quốc Phòng. Chính họ cũng là những người đầu tiên báo động khả năng Ukraina phản công ở đông bắc, và giờ đây, trước những thất bại quân sự liên tiếp của quân đội Nga tại Ukraina, cũng chính họ là những người đầu tiên giận dữ phản đối bộ Quốc Phòng Nga đã đánh giá thấp kẻ thù và che giấu các thông tin xấu với công luận, chỉ trích cả nhiều quân nhân Nga không buồn kháng cự trước đà tiến của quân Ukraina trong tuần này.
Tổng động viên : Thế lưỡng nan của ông PutinTheo nhiều chuyên gia, sự giận dữ ở một mức độ chưa từng thấy từ các blogger Nga nói lên nhiều điều về quan điểm của một bộ phận tầng lớp trí thức Nga liên quan đến cuộc chiến này : Đó là một chiến dịch thể hiện sự thiếu năng lực, được tiến hành với một kinh phí thấp, và chỉ có thể giành được thắng lợi nếu ông Vladimir Putin ban hành lệnh tổng động viên.
Sự việc giờ đây đặt tổng thống Nga trong thế khó xử. Hầu hết giới chuyên gia Nga và phương Tây đều cho rằng chủ nhân điện Kremlin dưới áp lực của phe diều hâu không còn cách nào khác ngoài việc tổng động viên, để bù đắp cho số thiệt hại 40 ngàn quân, theo ước tính từ bộ Quốc Phòng Mỹ. Nhưng đây cũng là một giải pháp nguy hiểm cho điện Kremlin. Trên đài RFI, nhà nghiên cứu Dimitri Minic, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), giải thích :
« Khi so sánh các con số lý thuyết về lính nghĩa vụ và lính nhập ngũ thật sự, nhất là trong năm nay, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng tổng động viên không hẳn là một giải pháp, mà đúng hơn là một tác nhân thúc đẩy sự sụp đổ. Bởi vì người ta nhận thấy rằng thanh niên và người dân Nga trên thực tế tỏ ra miễn cưỡng tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột này. Đó rất có thể là một sự phủ nhận đối với chính sách của ông Putin.
Chúng ta cũng thấy điều đó trên truyền hình Nga, những cuộc tranh luận sau cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraina. Chúng ta thấy là lời lẽ bắt đầu được tuôn ra, thậm chí chúng ta còn thấy là ý tưởng tổng động viên đang được tranh cãi. Trên thực tế đây là một vấn đề rắc rối, đối với họ, được ăn cả ngã về không. »
Theo một thăm dò do cơ quan độc lập Levada thực hiện hồi tháng 8/2022, khoảng 48% số người Nga được hỏi cho biết ít quan tâm đến chiến sự tại Ukraina, thậm chí là hầu như không quan tâm. Đây quả thật không phải là giải pháp tốt cho ông Putin. Việc leo thang căng thẳng có nguy cơ gây nguy hiểm cho sự đồng thuận hời hợt về cuộc chiến trên bình diện đối nội. Mặt khác, những thất bại quân sự liên tiếp trên trận địa cũng có nguy cơ làm cho phe diều hâu, những kẻ hiếu chiến nhất, quay lưng lại với ông. Đó là những người đã tin theo luận điệu của điện Kremlin, theo đó Nga phải chiến đấu chống « quân phát xít » và cho chính sự tồn tại của nước Nga.
Theo RFI