Chống bắt lính, chạy ra nước ngoài bằng mọi giá : Xã hội Nga hỗn loạnNgười biểu tình ở Matxcơva ngày 21/09/2022 chống lệnh động viên của Vladimir Putin bị cảnh sát đàn áp. REUTERS - REUTERS PHOTOGRAPHER
Putin tuyên bố huy động 300.000 quân dự bị, nhưng các quy định rất mơ hồ, và theo tin tức rò rỉ, 1 triệu người sẽ bị « bắt lính ». Có những người lớn tuổi, bị bệnh, chưa bao giờ cầm súng cũng bị gọi nhập ngũ. Trên 260.000 nam công dân đã chạy ra nước ngoài, nhiều cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra, đặc biệt tại những vùng đất nghèo khổ có nhiều thanh niên đã tử trận như Xibêri, Daghestan.
Izyum, trên những hoang tàn đổ nátLe Monde có bài phóng sự cảm động mang tựa đề « Trên những hoang tàn của Izyum, thành phố đau thương của Ukraina vừa được giải phóng ». Một phái đoàn các nhà ngoại giao tận mắt chứng kiến các xà-lim hôi hám, tối tăm dưới hầm một trụ sở cảnh sát, văn phòng bị biến thành nơi tra tấn với những sợi dây điện ngổn ngang trên mặt đất. Tại Kharkov, tỉnh bị quân Nga chiếm đóng sáu tháng qua, mỗi thành phố đều có địa điểm tra tấn riêng, riêng Izyum có sáu. Trong một xà lim, tù nhân đánh dấu số ngày bị giam trên vách rồi bỗng dừng lại với câu kinh « Lạy Cha chúng con ở trên trời… ». Lính Nga chạy trốn khi quân đội Ukraina phản công, lẹ đến nỗi những người tù có thể tự giải thoát.
Trên đại lộ Soborna vốn sang trọng nhất, không giống một thành phố vừa được giải phóng chút nào. Không có băng-rôn ở mặt tiền, không trẻ em nào reo hò bên cửa sổ. Nhưng thực ra tất cả các tòa nhà đều bị hư hại, chẳng có mặt tiền lẫn cửa sổ, thành phố bị phá hủy đến 80 %. Người cũng chẳng còn nhiều, hai phần ba cư dân đã chạy trốn bằng mọi phương tiện : đi bộ, đi xe đạp, bơi qua sông…Vẫn chưa có điện, nước, khí đốt. Ngày 11/09 khi lực lượng Ukraina tiến vào, nhiều người dân vẫn chưa biết quân xâm lược đã bỏ chạy hết. Thành phố được tái chiếm chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, những người lính Ukraina phải hô to trên đường phố để báo tin. Chỉ có duy nhất một lá cờ được vẫy chào mừng, nhờ chủ nhà giấu kín dưới ghế bành trong thời chiếm đóng.
[img]Putin động viên 300 ngàn quân, nhưng trên 260 ngàn đã chạy khỏi Nga[/img]
Nhiều người dân Nga nay mới hiểu họ cũng là nạn nhân của cuộc chiến. « Căng thẳng xã hội và chính trị sau lệnh động viên của Vladimir Putin », « Động viên từng phần, giữa hỗn loạn và phản kháng » - nhiều tờ báo có cùng nhận định. Tuy Putin tuyên bố huy động 300.000 quân dự bị « có kinh nghiệm trong quân đội và có chuyên môn », từ 25 đến 35 tuổi, nhưng các nghị định được công bố rất mơ hồ. Những tin tức rò rỉ trên báo chí cho biết thật ra có đến 1 triệu người sẽ bị « bắt lính », gây nhiều lo sợ. Các video nhất là trên Telegram nhanh chóng cho thấy chiến dịch động viên trông giống các cuộc bố ráp hơn.
Le Monde dẫn nguồn từ Novaia Gazeta Europe cho biết đã có đến 261.000 nam công dân Nga chạy ra nước ngoài kể từ ngày 21/09. Có những người sẵn sàng đi bộ đến tận Gruzia. Sân bay, trạm biên phòng đông nghẹt người, ở biên giới Gruzia hàng xe và người dài đến 30 kilomet. Không ít người trên lý thuyết nằm ngoài các tiêu chí động viên, nhưng họ không hề tin vào những hứa hẹn của chính quyền.
Theo Le Figaro, nhiều trường hợp người đứng tuổi, sinh viên, thậm chí đang bị bệnh cũng bị gọi nhập ngũ. Báo mạng Nga Mediazona đăng lời chứng của một phụ nữ, mà người chồng 45 tuổi chỉ mới được huấn luyện một ngày đã bị đưa sang Ukraina, và sung vào sư đoàn xe tăng số 3 vốn được coi là đơn vị tinh nhuệ. La Croix nêu ra tại Volgograd ở miền tây nam chẳng hạn, một cựu quân nhân hưu trí 63 tuổi bị tiểu đường nặng, và hiệu trưởng một trường học 58 tuổi chưa bao giờ đi quân dịch cũng bị động viên.
Xung đột ở nhiều nơi chống bắt línhNhiều cuộc biểu tình đã nổ ra, đặc biệt tại những vùng đất nghèo xa xôi mà thanh niên hầu hết đã bị bắt đi sang Ukraina. Có một số làng ở Xibêri, tất cả đàn ông đều nhận được giấy gọi nhập ngũ. Tại Makhatchkala, thủ phủ Daghestan - một trong những vùng có tỉ lệ lính tử trận nhiều nhất - tối Chủ nhật 25/08 hàng ngàn người biểu tình đối đầu với lực lượng an ninh. Các nhân chứng ghi lại những cảnh hiếm thấy tại Nga – những người đàn ông tấn công cảnh sát, phụ nữ hè nhau ngăn trở những vụ bắt giữ… Chỉ khoảng 100 người bị bắt, cho thấy dù đã được tăng viện, cảnh sát vẫn bất lực trước sự phẫn nộ của dân chúng. Tại những làng khác, đôi khi cư dân cố chận đường vào.
Khắp nơi phụ nữ đi đầu, vì nam thanh niên biểu tình nếu bị bắt thường nhận được lệnh động viên. Họ hô những câu như « Con cái chúng tôi không phải là phân bón », « Hãy gởi con cái các vị đi trước đã », « Phản đối chiến tranh » … Những hình ảnh đầu tiên từ các căn cứ quân sự cho thấy tân binh được phát các loại trang bị cổ lỗ sỉ. Một số tố cáo là bị lừa - họ được hứa là tập trung xong sẽ cho về nhà. Trước những thông tin gây bối rối này, nhiều quân khu loan báo ý định cấm tân binh giữ điện thoại.
Đã xảy ra những vụ xung đột, như ở trung tâm tuyển mộ Oust-Ilimsk (Xibêri), một thanh niên đã bắn chết chính ủy. Tại Riazan, thành phố ở đông nam Matxcơva, một người đàn ông tự thiêu trước một bến xe, hô to rằng anh không muốn đi chiến đấu ở Ukraina. Rất nhiều vụ phóng hỏa các trung tâm tuyển mộ xảy ra trên toàn quốc, tổng cộng đã có 54 vụ tấn công. Đôi khi cơ quan hành chánh hay trụ sở đảng Nước Nga Thống Nhất cũng trở thành mục tiêu.
Theo RFI