Vấn nạn công an, cảnh sát xuống tay tàn bạo với dânCông an, cảnh sát đánh hai thiếu niên. Ảnh cắt từ video
Vụ việc bốn người, bao gồm cả công an và cảnh sát giao thông đánh tới tấp hai nam sinh đi xe máy, tạo nên sự phẫn nộ mạnh trong cộng đồng mạng mấy ngày nay.
“Hành vi tàn ác”Một video clip dài hơn năm phút được chia sẻ “chóng mặt” trên mạng xã hội, ghi lại cảnh bốn công an dí theo hai nam sinh đi xe máy vào góc tường.
Ba trong bốn người dùng dùi cui và nón bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu, vai và lưng của hai em học sinh.Vào chiều ngày 30/9, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết Ban Giám đốc Công an tỉnh đã họp và ra quyết định kỷ luật tước danh hiệu công an nhân dân đối với ba người gồm: Đại uý Châu Minh Trung, Trung uý Nguyễn Quang Thái, Thượng uý Đoàn Tấn Phong.
Ngoài ba người vừa nêu, một công an khác là Đại uý Trần Minh Đời bị kỷ luật cảnh cáo vì không có hành vi can ngăn, khuyên can đồng đội đánh dân.
Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Tuần tra Tổ trưởng Tổ tuần tra là Đại úy Hứa Trường An, do là cán bộ lãnh đạo nhưng không quán xuyến được cấp dưới nên bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức.
Ông Võ Minh Đức, một cựu Đại uý Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho rằng hành vi của những viên công an này là vô cùng tàn ác, chà đạp lên pháp luật, vô nhân tính, vi phạm pháp luật một cách trắng trợn:
“Họ sử dụng dùi cui, rồi sau đó họ gỡ cả mũ bảo hiểm để họ đánh liên tục, giống như là đánh cho chết luôn. Cái hình ảnh cứ cầm nón bảo hiểm nhằm vào đầu mà đánh thì cá nhân tôi cho đó là hành vi cố ý giết người.”
Chị Hồng, một người dân ở TPHCM nói với RFA rằng chị không dám xem hết cả video vì những người được cho là thực thu luật phát hành xử quá dã man:
“Tôi coi mà hồi hộp lắm, chỉ sợ mấy đứa nhỏ mới chết thôi! Bởi vì mức độ dã man nó cao quá. Và tôi cảm thấy rất phẫn nộ, đánh gẫy cả dùi cui văng đi rồi tháo nón bảo hiểm đánh tiếp.”
Trước sự phẫn nộ của dư luận, cùng ngày 29/9, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an yêu cầu lãnh đạo công an tỉnh Sóc Trăng phải xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.
Bao che, gỡ tội Theo lời Đại tá Lâm Thành Sol, sự việc xảy ra vào ngày 25/9, tổ tuần tra phát hiện hai em học sinh điều khiển xe máy đi ngược chiều nên ra hiệu dừng lại kiểm tra, nhưng hai “đối tượng này không chấp hành mà tăng tốc lạng lách bỏ chạy. Sau khi rượt đuổi theo qua nhiều tuyến đường, Công an đã dừng xe của hai nam sinh. Tuy nhiên do bức xúc trước hành vi coi thường pháp luật, họ đã không kiềm chế được và đã có cách cư xử bạo lực như trong clip”.
Chị Hồng (không muốn nêu họ), một người dân, cho rằng lời giải thích trên của Giám đốc công an Sóc Trăng là không hợp lý:
“Nếu cảm thấy rằng mình không kiềm chế được thì mình không nên làm công việc này. Nếu nói là nóng giận thì có thể chỉ đánh một cái hai cái thôi, còn ở đây là người ta đánh cật lực, liên tục. Đó không phải là câu trả lời phù hợp.”
Một vấn đề mà ông Minh Đức nhận thấy trong phát ngôn của công an Sóc Trăng, cũng như việc truyền thông đưa tin theo cách luôn nhấn mạnh rằng các học sinh này vi phạm luật giao thông nên công an mới hành cử như vậy. Theo ông Đức, đây là hành vi “ném đá dò đường” để gỡ tội cho bốn viên công an vi phạm pháp luật:
“Cộng thêm chuyện là truyền thông mấy bữa nay cứ “nhai đi nhai lại” rằng các em này đánh võng, lạng lách thì tôi cũng cho rằng đó là cái kiểu gỡ tội trước cho cái đám này.”
Mạng báo VnExpress hôm 29/9 dẫn lời Đại úy Châu Minh Trung, là một trong bốn công an đánh hai nam sinh nói rằng "Hai học sinh không có giấy phép lái xe, chạy xe trên 100 phân khối. Em cầm lái lạng lách, ép xe cảnh sát làm nhiệm vụ nên chúng tôi nóng giận”.
Phải khởi tố hình sựCho đến tối ngày 29/9, cả bốn viên công an đều đã bị đình chỉ công tác. Tuy nhiên, một luật sư không muốn nêu danh tính, thuộc đoàn luật sư TPHCM nhận định rằng dựa vào hành vi trong video clip lan truyền trên mạng xã hội là đủ để khởi tố một vụ án hình sự:
“Theo tôi trong trường hợp này cần phải khởi tố vụ án về hành vi cố ý gây thương tích đối với những người thực thi công vụ này thì mới phù hợp và mới thể hiện được tính nghiêm minh của luật pháp.”
Ông Võ Minh Đức nói hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến vụ việc này, cũng như cách xử lý của lãnh đạo ngành công an có thoả đáng hay không:
“Dư luận quan tâm đến đến kết quả xử lý có nghiêm minh không, hay là xử theo kiểu dung túng bao che. Cá nhân tôi thì tôi cho rằng vụ này phải tước quân tịch và truy tố trước pháp luật mới là đích đáng.”
Điều 134, Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 quy định phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm đối với hành vi cố tình gây thương tích mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%, hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội với người dưới 16 tuổi hoặc người khác không có khả năng tự vệ; hoặc có tính chất côn đồ…
Lực lượng công quyền coi thường pháp luật Chỉ cần gõ vào trang Google cụm từ “cảnh sát đánh dân” là sẽ ra hàng loạt các vụ việc kéo dài từ hơn chục năm qua.
Ví dụ như vụ hai YouTuber bị cảnh sát giao thông đánh vào tháng 3/2021 xảy ra ở huyện Bình Chánh, TPHCM. Công an huyện này có trả lời truyền thông rằng sẽ xác minh vụ việc và xử lý nghiêm, không bao che. Tuy nhiên, sau đó không thấy thêm thông tin về hình thức xử lý các cán bộ này như thế nào.
Tháng 12/2020, ba cảnh sát giao thông ở Bắc Giang bị điều chuyển công tác qua làm nhiệm vụ khác vì đã đánh, chửi một tài xế xe tải không chịu dừng xe.
Võ Minh Đức nói với RFA rằng tình trạng công an bạo lực với dân xảy ra rất nhiều trong quá khứ, nhưng mỗi lần như vậy là truyền thông Nhà nước lại đưa tin theo dung túng, bẻ cong sự thật bằng các từ ngữ như túng như là “giơ chân hơi cao, đưa tay chạm mặt”…
"Người dân rất khó để đấu tranh giành lại công bằng trong những chuyện như vậy. Nguyên nhân là lực lượng công an ở Việt Nam đã được trắng trợn tuyên bố đó là thanh kiếm và lá chắn của Đảng, nên việc bảo vệ Đảng và chế độ là họ đặt lên hàng đầu chứ không phải là bảo vệ người dân và an ninh trật tự xã hội.
Cho nên là cuối cùng thì xử lý đúng mức độ, đúng tội, thích đáng thì chắc là không có đâu.”
Các vụ công an trấn áp, đánh dân gây phẫn nộ trong dư luận từ nhiều năm nay, nhưng bây giờ tình trạng này vẫn tiếp diễn, điều đó cho thấy sự coi thường pháp luật của lực lượng lượng thực thi pháp luật. Luật sư giấu tên nói:
“Nếu không ghi lại được những hành vi vi phạm của lực lượng công an thì rất có thể vụ việc đó sẽ chìm xuồng. Và xã hội Việt Nam sẽ không bao giờ thoát khỏi những hành vi tương tự trong tương lại nếu luật pháp còn bị coi thường bởi những người thực thi công vụ như hiện nay.”
Vào chiều 30/9, ông Lê Hoàng Bắc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cho biết người đăng tải đoạn băng hình ba cảnh sát giao thông, trật tự Sóc Trăng hành hung dã man hai thiếu niên (15 và 16 tuổi) sẽ không bị xử lý như thường thấy.
Ông nói: “Qua nghiên cứu của Sở TT&TT tỉnh, căn cứ vào khoản a Điều 32 Luật Dân sự 2015, người dân đang phát tán để bảo vệ lợi ích công cộng hoặc tố giác tội phạm nên không cần xin phép, không vi phạm trong trường hợp này”.
Trong những vụ việc tương tự từng xảy ra, cơ quan công an thường phát đi thông báo truy tìm người đăng tải đoạn clip lên mạng xã hội để xử lý.
Theo RFA