Ảnh minh họa: Thư ngỏ của tám tổ chức gửi LHQ. VNHR-AFP, RFA edited
Hà Nội cho rằng các tổ chức, cá nhân... tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo... là thiếu thiện chí, lợi dụng chống phá, ngăn cản Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Các nhà hoạt động nhân quyền nói gì về tuyên bố này của chính phủ Việt Nam? Trả lời RFA hôm 30/9 từ Đức Quốc, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, một cựu tù chính trị cho biết, Việt Nam đã từng trúng cử một nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền LHQ 2014-2016. Nhưng sau đó họ không tái cử, do năm 2015 và đầu năm 2016 Việt Nam vi phạm nhân quyền nhiều quá nên không dám ra tái cử. Tuy nhiên ông cho rằng lần này Việt Nam cũng không xứng đáng ứng cử vì tình trạng đàn áp nhân quyền tồi tệ. Ông nói tiếp:
“Việt Nam trong 4 năm trở lại đây đã bắt giữ rất nhiều những người bất đồng chính kiến, những người thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí. Hiện có khoảng hơn 100 người đã bị bắt và đang bị cầm tù. Những người đó dùng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình để vạch rõ những sai phạm của nhà nước CSVN trong vấn đề tham nhũng, vi phạm nhân quyền và những vấn đề bất cập khác.... chứ không có một ai chống đối cả, họ chỉ nêu những vấn đề bình thường của xã hội và những điều đó hoàn toàn đúng sự thật. Phần lớn họ chỉ bình luận phân tích những vấn đề đã được báo chí nhà nước nêu lên, chứ họ không lấy những thông tin ở đâu đó, hay những thông tin không chính xác về nhà nước Cộng sản Việt Nam.”
Theo Luật sư Đài, Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền là một sự sắp xếp, dàn xếp của các quốc gia ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, cho nên chắc chắn họ sẽ trúng cử. Vì khu vực châu Á chỉ đưa ra đủ số ứng cử viên tham gia Hội đồng Nhân quyền, họ không đưa ra số dư, cho nên việc Việt Nam được vào Hội đồng Nhân quyền là gần như chắc chắn, dù số phiếu không được cao như năm 2014. Khi đó Việt Nam được số phiếu gần như cao nhất, năm nay Luật sư Đài cho rằng Việt Nam sẽ có vừa đủ số phiếu để là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ông Đài nói tiếp:
“Nếu Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền là một tin rất xấu, nó sẽ làm cho nhà cầm quyền CSVN kiêu ngạo hơn và họ sẽ gia tăng đàn áp nhân quyền trong nước. Việc họ trúng cử sẽ không giúp ích cho cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong những năm vừa qua, đây là một điều không vui. Bởi vì trong chế độ độc tài, họ thường tìm mọi cách để lọt vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc, trong đó có Hội đồng Nhân quyền, để dùng cái đó tuyên truyền cho người dân trong nước rằng, việc người trong nước tố cáo họ vi phạm nhân quyền hay tố cáo với cộng đồng quốc tế về họ, là không chính xác... đó là một điều không tốt.”
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng - Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS - Tổ chức Cứu người Vượt biển, thì Việt Nam có triển vọng thấp để đắc cử thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Trên trang thông tin chính chức của BPSOS, TS Thắng cho biết có 29 tổ chức và 10 cá nhân đã ký thư chung do BPSOS khởi xướng, kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên minh Quốc tế Tự do Tôn giáo hay Niềm tin nêu vấn đề này tại Đại Hội Đồng LHQ trước cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 10 năm 2022.
Việt Nam trong 4 năm trở lại đây đã bắt giữ rất nhiều những người bất đồng chính kiến, những người thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí. Hiện có khoảng hơn 100 người đã bị bắt và đang bị cầm tù.
-Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn ĐàiHội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council) là một tổ chức trực thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này được ra đời ngày 15 tháng 3 năm 2006.
Báo cáo về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới trong năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 12/4/2022 cho biết Việt Nam là một quốc gia độc tài, một đảng cầm quyền và cuộc bầu cử Quốc hội không tự do cũng không công bằng, có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản xét duyệt kỹ’.
Theo báo cáo, công dân Việt Nam không có khả năng thay đổi chính phủ của họ một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; chính phủ tham nhũng nghiêm trọng và có những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do hiệp hội của người lao động...
Ngoài ra, trong báo cáo còn nêu rõ những vấn đề nghiêm trọng với tính độc lập của cơ quan tư pháp tại Việt Nam; can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào quyền riêng tư; hạn chế nghiêm trọng đối với tự do ngôn luận và phương tiện truyền thông, bao gồm việc bắt giữ và truy tố tùy tiện những người chỉ trích Chính phủ, kiểm duyệt và các luật về tội phỉ báng; hạn chế nghiêm trọng về tự do internet; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do hiệp hội; hạn chế quyền tự do đi lại, bao gồm cả lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động...
Đại diện EU tại Đối thoại nhân quyền Việt Nam - EU vào tháng 4/2022 cho rằng, các quy định trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam hạn chế việc đăng ký điểm nhóm, sinh hoạt tôn giáo... EU cũng bày tỏ quan ngại về việc tín đồ Tin lành của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị hạn chế hoạt động.
Tuy nhiên báo chí nhà nước Việt Nam lại cho rằng thông tin mà Hoa Kỳ và EU nêu lên là sai lệch, thiếu khách quan về vấn đề dân tộc, tôn giáo... do sử dụng thông tin của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức mà nhà cầm quyền CS cho là ‘phản động lưu vong chống phá Việt Nam’ như Ủy ban Cứu người vượt biển – BPSOS...
Ngày 5/1/2021, ba nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị tuyên tổng cộng 37 năm tù giam với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". AFP.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chi Cộng sản, khi trả lời RFA từ Việt Nam hôm 30/9, nhận định:
“Nhà cầm quyền luôn nói họ không vi phạm nhân quyền, nhưng trên thực tế vi phạm rất nhiều. Tất cả những nhà quan sát, những người đấu tranh bị đàn áp... đã lên tiếng cho thế giới biết sự thật ở Việt Nam là như thế. Khi đó thế giới căn cứ vào các tiêu chuẩn nhân quyền, nếu xác định Việt Nam vi phạm thì vị trí ứng cử của Việt Nam sẽ gặp khó khăn, đây là thực tế chắc chắn sẽ diễn ra, vì sự vi phạm liên tục và có hệ thống. Đối với chính quyền Việt Nam thì họ bảo là chống phá, còn những người nói lên sự thật thì họ nói đó là sự thật. Quốc tế phải căn cứ vào các tiêu chuẩn nhân quyền của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết, thì mới xác định được là có vi phạm hay không.”
Với sự hỗ trợ của Khoa Luật Nhân quyền Quốc tế thuộc Trường Luật Berkeley, Đại học California - Hoa Kỳ, 8 tổ chức nhân quyền vào ngày 13/9/2022 đã gửi thư chung cho Đại diện Thường trực của các Quốc gia thành viên của Đại hội đồng LHQ kêu gọi không nên bỏ phiếu cho Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, với lý do rằng ‘Việt Nam là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và triền miên, không tuân thủ các cam kết, có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền’.
Nhà cầm quyền luôn nói họ không vi phạm nhân quyền, nhưng trên thực tế vi phạm rất nhiều.
-Nhà báo Nguyễn Vũ BìnhVăn phòng Luật sư Vũ Đức Khanh tại Ottawa, Canada hôm 22/2/2021 đã ra thông cáo về việc Việt Nam ‘đại diện’ ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong 10 năm gần đây.
“Những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam trong 10 năm gần đây rất đáng quan ngại. Chính phủ Việt Nam không ngừng hình sự hóa các hoạt động biểu đạt chính trị, bóp nghẹt tiếng nói của người dân và thẳng tay đàn áp các nhà báo độc lập và những người bất đồng chính kiến. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, thiết lập cơ chế đối thoại nhân quyền (ví dụ như Đài Quan sát Nhân quyền Việt Nam) giữa Nhà nước và xã hội dân sự.” Luật sư Vũ Đức Khanh, nói với RFA qua tin nhắn vào thời điểm đó.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này từ Hà Nội vào lúc Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, cho rằng:
“Nhà nước cộng sản Việt Nam thường xuyên chống đối nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Họ vu cáo những người đã thực hiện tự do ngôn luận là vi phạm pháp luật, phạm tội chống phá nhà nước, đã bắt người ta chịu những án tù rất nặng. Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền khóa 2014-16 với mục đích chính là để tuyên truyền lừa bịp, rằng họ thực sự tôn trọng nhân quyền, rất mong muốn đóng góp cho hoạt động vì nhân quyền. Họ đã che giấu rất kín mục đích tuyên truyền, đã lừa được nhiều người ở trong nước và trên toàn thế giới, nhẹ dạ, cả tin vào những lời hoa mỹ của họ. Gần đây sự đàn áp nhân quyền ở Việt Nam càng tăng, bị vạch mặt, bị lên án ở nhiều nơi.”
Chuyện Việt Nam lại đang vận động để gia nhập Hội đồng nhân quyền khóa 2023- 2025, theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, có lẽ mục đích chính của họ lần này cũng là để tuyên truyền lừa bịp, nhưng họ vẫn che giấu mục đích đó mà phô trương những khẩu hiệu vì nhân quyền. Giáo sư Cống cho rằng những người thực tâm đấu tranh cho nhân quyền và tiến bộ xã hội không lạ gì thủ đoạn của chính quyền cộng sản.
Theo RFA