Đoàn của Đại sứ quán Ukraine tham gia "Giải chạy Báo Hà Nội Mới” hôm 2/10/2022
FB Ukraine Embassy in Vietnam
Mạng báo Hà Nội Mới hôm 3/10 đã rút đoàn bộ hình ảnh của những người Ukraine tham gia vào cuộc thi chạy với chủ đề “Vì hoà bình”, nhưng vẫn để lại hình của đoàn Nga.
Do đó, Ngày 4/10 vừa qua, Facebook page chính thức của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam đăng tải một bức thư ngỏ gởi đến báo Hà Nội Mới. Nội dung bức thư bày tỏ sự “bất ngờ”, cũng như yêu cầu tờ báo giải thích về hành động này.
Hà Nội Mới rút hình đoàn Ukraine, để hình đoàn NgaSự việc bắt đầu vào sáng Chủ nhật, ngày 2/10, “Giải chạy Báo Hà Nội Mới” lần thứ 47 được tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề của năm 2022 là “Vì hòa bình”, với sự tham gia của khoảng 1.500 vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư, nhằm truyền đi thông điệp về hòa bình, kêu gọi nỗ lực chung để thúc đẩy hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đại sứ quán Ukraine là một đơn vị được mời tham gia sự kiện này.
“Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Ukraine tự hào được tham gia cuộc chạy vì Hòa bình cùng với các đại biểu quốc tế và Việt Nam. Chúng tôi cũng rất vui và biết ơn phóng viên khi xem những hình ảnh của chúng tôi trong bản tin của Báo Hà Nội Mới chiều ngày 2/10. Điều đó rất có ý nghĩa: Một lời kêu gọi hòa bình từ trái tim Hà Nội.” - Theo nội dung bức thư ngỏ.
Tuy nhiên, đến ngày 3/10, toàn bộ hình ảnh của đoàn vận động viên đến từ Ukraine đột nhiên bị xoá khỏi trang báo Hà Nội Mới, mà không có lời giải thích thích nào. Vậy nhưng, hình ảnh của đoàn Nga, là đất nước phát động chiến tranh với Ukraine, thì vẫn được giữ nguyên.
Đại sứ quán Ukraine bày tỏ cảm xúc trong thư ngỏ:
“Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của chúng tôi khi mở bài báo vào ngày 3/10 và thấy rằng những bức ảnh của những người Ukraine tham gia không còn ở đó nữa.
Trớ trêu thay, bài báo vẫn đưa ra những bức ảnh của những vận động viên từ đất nước mà ngày nay đang làm những việc hoàn toàn trái ngược với hòa bình: ném tên lửa và bom vào các thành phố của Ukraine, giết chết trẻ em và người lớn tuổi, đàn ông và phụ nữ, bắt cóc, tra tấn, cưỡng hiếp, cưỡng bức, buộc hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ và chạy trốn chiến tranh.”
Bà Nataliya Zhynkina, Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam bình luận với RFA qua email về cảm xúc của mình khi biết tin này:
“Đó là một sự hoang mang thật sự. Tôi đã nghĩ rằng toàn bộ ý tưởng của cuộc chạy đua là vì hòa bình đã bị hoen ố. Hiện nay, trên thế giới đang diễn ra một số cuộc xung đột vũ trang. Cuộc chiến hiện thu hút nhiều sự chú ý nhất và có tác động lớn nhất trên thế giới, đó là cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine.
Tại sao bạn mời người Ukraine tham gia cuộc thi chạy vì hòa bình mà không để hình ảnh của họ được xuất hiện? Tại sao bạn đăng tải hình ảnh và rồi sau đó xóa chúng đi?
Thay vào đó, tại sao bạn lại trưng ra những lá cờ của quốc gia đã gây ra cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu? Điều này nghĩa là gì? Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời…”
Cho đến hết ngày 5/10/2022, báo Hà Nội Mới vẫn chưa có phản hồi bức thư ngỏ này, bà Nataliya Zhynkina cho biết.
Phóng viên RFA gọi điện đến toà soạn báo Hà Nội Mới để hỏi về thêm thông tin về vụ việc này. Nhân viên trực điện thoại sau khi nghe nội dung câu hỏi đã chủ động ngắt máy.
Hình ảnh vận động viên giơ cao lá cờ Ukraine bị báo Hà Nội Mới rút xuống hôm 3/10. FB Ukraine Embassy in Vietnam
Báo chí làm theo định hướng?Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh triết, bình luận với RFA rằng chủ trương của Chính quyền Cộng sản Việt Nam là không chỉ trích Nga. Do đó, các tờ báo trong nước cũng bám sát theo thái độ chính trị này mà đưa tin:
“Cho nên là báo chí ăn theo. Họ đưa tin không đến nơi đến chốn, thường là đưa tin có lợi cho Nga.
Nhưng mà họ không biết rằng như thế là có hại. Bởi vì nó đánh lạc hướng, làm cho dân không biết đâu là chính nghĩa, tội ác là ai. Báo chí họ không công bằng, mù quáng trong vấn đề này.”
Chính quyền Việt Nam cho đến nay vẫn không gọi cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine là một cuộc xâm lược. Thậm chí, quốc gia độc đảng này còn liên tiếp bỏ phiếu có lợi cho Nga tại Liên Hiệp Quốc.
Vì vậy, báo chí trong nước, vốn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, khi đưa tin về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đều tránh sử dụng từ “xâm lược”.
Một số trang web của các bộ ngành nhà nước thậm chí còn đăng các bài viết nêu quan điểm ủng hộ Nga trước khi cuộc chiến nổ ra. Điển hình là bài "Ai hưởng lợi trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine?”, được đăng trên tờ Quân dội Nhân dân hôm 13/2. Trong bài có đoạn khẳng định rằng: “Nga chắc chắn là quốc gia không muốn gây xung đột với Ukraine”.
Tuy nhiên, bà Nataliya Zhynkina vẫn đánh giá rằng nhìn chung thì các tờ báo lớn ở Việt Nam đưa tin khá cân bằng về cuộc chiến này:
“Báo chí trung ương giữ tính trung lập trong các bài báo của họ, đưa tin về các sự kiện, trích dẫn quan điểm và bình luận của các bên khác nhau.
Trong số báo chí địa phương và tư nhân, có một số báo ủng hộ chiến tranh, một số lại ủng hộ hòa bình. Đánh giá của tôi là nhìn chung có sự cân bằng trong cách đưa tin.”
Kể từ khi Nga mở cuộc xâm lược hồi tháng 2/2022, Chính quyền Hà Nội đã nhiều lần ngăn cản các sự kiện có liên quan đến Ukraine.
Ví dụ như vào hôm 16/7, một buổi toạ đàm về văn hoá Ukraine được tổ chức ở Hà Nội bị phá rối giữa chừng, nhiều người người bị công an canh cửa không cho đến dự.
Trước đó, hôm 5/3, một số người dân Hà Nội thông báo họ bị công an giam lỏng tại nhà, không cho đến tham dự một buổi hội chợ gây quỹ tại Đại sứ quán Ukraine.
Một sự kiện hội chợ gây quỹ khác do một nhóm người Ukraine sinh sống tại Hà Nội, dự định tổ chức vào ngày 19 tháng 3 cũng đã phải huỷ bỏ, do có tác động từ phía công an.
Theo RFA
Sửa bởi người viết 05/10/2022 lúc 01:43:31(UTC)
| Lý do: Chưa rõ