Chuyện gì đang xảy ra ở Ai Cập?Một tòa nhà chính phủ bị người ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo đốt cháy hôm 15/8Lực lượng an ninh xông vào hai trại ở Cairo hôm 14 tháng Tám, giết hại và làm bị thương hàng trăm ủng hộ viên của Tổng thống bị truất quyền ông Mohammed Morsi và hàng chục nhân viên an ninh thiệt mạng.
Đó là ngày đẫm máu nhất tại Ai Cập kể từ khi cuộc nổi dậy vì dân chủ diễn ra cách đây hai năm. Đất nước này đã ở trong tình trạng hỗn độn kể từ khi quân đội phế truất ông Morsi hôm 3 tháng Bảy, một năm sau khi ông được dân bầu.
Điều gì xảy ra tại các cuộc biểu tình ngồi ủng hộ Morsi?
Lực lượng an ninh được điều động tới vào sáng ngày 14 tháng Tám để giải tỏa hai trại biểu tình bên ngoài đền thờ Rabaa al-Adawiya ở thủ đô Cairo và tại Quảng trường Nahda ở phía tây thành phố.
Hơi cay được dùng để giải tán những người biểu tình và người ta nghe thấy hàng loạt tiếng súng nổ. Những chiếc xe ủi bọc thép được điểu tới để giải tỏa các trại này.
Ít nhất 525 người bị thiệt mạng trong chiến dịch này, theo Bộ Y tế. Phong trào Huynh Đệ Hồi giáo, vốn hậu thuẫn cho những người biểu tình, đưa ra con số tử vong tới hơn 2000 người.
Hai địa điểm này là nơi những người ủng hộ Tổng thống Morsi chiếm giữ, và họ là những người đã bị quân đội buộc rời bỏ nhiệm sở sau các cuộc biểu tình quần chúng chống lại ông trên đường phố.
Họ đòi phải đưa ông trở lại nắm quyền và đã bỏ qua những cảnh cáo từ giới chức trách phải chấm dứt cuộc biểu tình ngồi.
Vì sao ông Morsi bị truất quyền?
Trong năm đầu cầm quyền của Tổng thống Morsi theo Hồi giáo, ông đã có bất đồng với các thể chế và các khu vực chủ chốt trong xã hội và nhiều người Ai Cập nhìn nhận ông là đã không làm gì nhiều để giải quyết những vấn đề kinh tế và xã hội của Ai Cập.
Ai Cập trở nên phân cực giữa những người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi và những người chống lại ông, bao gồm những người cánh tả, người có tư tưởng tự do và những người thế tục.
Hôm 30/6/2013 hàng triệu người đã xuống đường để đánh dấu một năm ngày Tổng thống tuyên thệ, trong một cuộc biểu tình do Phong trào Tamarod (Nổi dậy) tổ chức.
Các cuộc biểu tình đã dẫn tới việc quân đội cảnh báo Tổng thống Morsi vào hôm 1/7 rằng họ sẽ can thiệp và áp đặt "lịch trình" riêng của họ nếu ông không đáp ứng những đòi hỏi của quần chúng trong vòng 48 tiếng.
Khi thời hạn chót đến, ông Morsi quả quyết rằng ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của Ai Cập. Ông cảnh báo rằng bất cứ nỗ lực nào phế truất ông bằng vũ lực sẽ đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn.
Tuy nhiên hôm 3/7, người đứng đầu quân đội, Tướng Abdul Fattah al-Sisi, tuyên bố hiến pháp bị đình chỉ và quân đội được xe bọc thép hậu thuẫn đã chiếm giữ các vị trí chủ chốt tại thủ đô Cairo, khi hàng trăm ngàn người thuộc phe đối lập và những người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi xuống đường biểu tình.
Ông ElBaradei được đặt vào vị trí Phó Tổng thống lâm thời nhưng đã từ chức để phản đối hành động của quân đội hôm 14/8.
Ông Mohammed Morsi là ai?
Ông Mohammed Morsi nổi lên từ phong trào Huynh Đệ Hồi giáo của Ai Cập, một phong trào bị cấm đã nhiều thập niên. Ông trở thành chủ tịch Đảng Tự do và Công lý - cánh chính trị của phong trào này.
Ông thắng cử với tỉ lệ sát sao hồi tháng Sáu năm 2012, trở thành Tổng thống được bầu chọn dân chủ đầu tiên của Ai Cập. Cuộc bầu cử đó, nhìn chung được nhìn nhận là tự do và công bằng, theo sau một giai đoạn đầy biến động dưới sự cầm quyền của quân đội sau khi nhà lãnh đạo lâu năm của Ai Cập là ông Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng Hai năm 2011.
Kể từ khi bị truất quyền, Morsi đã bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ.
Một vài nhân vật cao cấp khác từ Phong trào Huynh Đệ Hồi giáo cũng đã bị giam giữ trong đó có Phó chủ tịch đầy quyền lực, ông Khairat al-Shater, người bị cáo buộc đã xúi giục bạo động.
Chính phủ nói hơn 500 người chết, trong khi đối lập nói ít nhất 2000 người bị giết
Điều gì xảy ra kể từ khi quân đội nắm quyền?
Những người ủng hộ ông Morsi đã hầu như ngày nào cũng tổ chức tuần hành đòi đưa ông trở lại nắm quyền và Trụ sở của Vệ binh Tổng thống tại Cairo là điểm nóng vì nhiều người tin rằng đó là nơi ông Morsi đang bị giam giữ.
Phát biểu sau cái chết của ít nhất 51 người bên ngoài Trụ sở Vệ binh Tổng thống hôm 8 tháng Bảy, Đảng Tự do và Công lý kêu gọi "một cuộc nổi dậy" chống lại "những người tìm cách đánh cắp cuộc cách mạng của họ bằng xe tăng".
Hôm 27 tháng Bảy, hơn 70 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh tại cuộc biểu tình ngồi ở Rabaa al-Adawiya. Lực lượng an ninh bị cáo buộc đã dùng vũ lực chết người không cần thiết. Bộ Nội vụ cáo buộc những người biểu tình đã dùng vũ khí.
Những người biểu tình chống ông Morsi cũng đã xuống đường. Tướng Sisi khuyến khích họ đi biểu tình hôm 26 tháng Bảy để giao cho quân đội "sứ mệnh sẵn sàng đối mặt với bạo động và khủng bố có thể xảy ra".
Hơn 250 người đã bị giết hại trong các cuộc biểu tình và đối đầu với lực lượng an ninh trước khi diễn ra chiến dịch tiến vào giải tỏa các trại, hầu hết những người tại đó là ủng hộ viên của ông Morsi.
Kế tiếp sẽ là gì?
Tướng Sisi nói ông Mansour sẽ nắm trách nhiệm trong một "giai đoạn chuyển giao cho tới khi một Tổng thống mới được bầu chọn".
Tướng Sisi đã gạt bỏ ông Morsi (phải)Ông Mansour đã đặt ra các kế hoạch cho chuyển giao bao gồm duyệt xét lại Hiến pháp vốn được ông Morsi hậu thuẫn và bầu cử quốc hội mới vào đầu năm 2014. Kế hoạch đã bị Phong trào Huynh Đệ Hồi giáo bác bỏ và bị đảng cánh tả và các đảng tự do chỉ trích.
Tướng Sisi hứa "không gạt bỏ bất cứ một ai hay bất cứ một phong trào nào" và kêu gọi các biện pháp để "giao quyền cho thanh niên và đưa họ vào các thể chế của nhà nước".
Tuy nhiên ông không xác định thời gian cho giai đoạn chuyển giao hay quân đội sẽ đóng vai trò gì.
Quân đội có quyền lực nhất và nhiều người nói quân đội hoạt động giống như một nhà nước trong một quốc gia. Những cơ sở kinh doanh do quân đội sở hữu chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế Ai Cập.
Theo BBC