Phần viết về Việt Nam của các tổ chức UN Watch, Human Rights Foundation và the Raoul Wallenberg Center for Human Rights, phản đối việc bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ 2023-2025. Photo UN Watch.
Một liên minh các nhóm nhân quyền phi chính phủ từ châu Âu, Hoa Kỳ và Canada vừa đồng thanh kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc bác tư cách ứng cử thành viên của Việt Nam và 4 nước khác vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, cho rằng các nước này “không đủ tiêu chuẩn”.
Lời kêu gọi của ba tổ chức nhân quyền gồm UN Watch, Human Rights Foundation, và The Raoul Wallenberg Center for Human Rights, đưa ra hôm 4/10, một tuần trước khi Đại Hội đồng LHQ bầu ra 14 nước vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, dự kiến diễn ra vào ngày 11/10 tại New York, Mỹ.
Ngoài Việt Nam, các tổ chức này còn liệt Afghanistan, Algeria, Sudan và Venezuela vào nhóm các nước “không đủ tiêu chuẩn” cho chiếc ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, cáo buộc rằng “hồ sơ của các ứng cử viên này — về việc tôn trọng nhân quyền trong nước và tại các kỳ bỏ phiếu của LHQ — không đáp ứng được các tiêu chí của LHQ dành cho thành viên hội đồng”.
Trong phần phân tích về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, báo cáo của các tổ chức này nêu hàng loạt các yếu kém: “Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm: 56 vụ giết người trái pháp luật hoặc tùy tiện; tra tấn; điều kiện nhà tù khắc nghiệt và nguy hiểm đến tính mạng; bắt giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; trả thù có động cơ chính trị chống lại các cá nhân ở quốc gia khác”.
Việt Nam bị nhóm các tổ chức nhân quyền liệt vào danh sách "Không đủ tiêu chuẩn" được bầu vào HĐNQ. Photo UN Watch.
Ngoài ra, nhóm này còn cho rằng Việt Nam “thiếu tính độc lập của cơ quan tư pháp; can thiệp bất hợp pháp vào quyền riêng tư; hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả việc bắt giữ tùy tiện những người chỉ trích chính phủ, kiểm duyệt và luật hình tội bỉ báng; can thiệp đáng kể vào quyền tự do lập hội; hạn chế quyền tự do đi lại; thiếu bầu cử tự do và công bằng; tham nhũng trong chính phủ; buôn người; và lao động trẻ em”.
Báo cáo nhắc đến trường hợp nhà báo Phạm Đoan Trang đang thụ án 9 năm tù tại Việt Nam vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, và hàng loạt vụ các nhà tranh đấu nhân quyền, nhà báo độc lập và bất đồng chính kiến bị bắt bớ gần đây theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự, cũng như ít nhất 11 trường hợp bị xử án tù vào năm ngoái với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.
Thêm vào đó, các tổ chức nhân quyền lưu ý rằng trong tư cách thành viên hội đồng nhiệm kỳ trước đây, chính quyền Việt Nam không lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền trên thế giới.
“Việt Nam đã tham gia Hội đồng Nhân quyền từ năm 2014 đến năm 2016. Với tư cách đó, họ phản đối các nghị quyết lên tiếng vì các nạn nhân nhân quyền ở Belarus và Iran và không ủng hộ các nghị quyết thay mặt cho các nạn nhân nhân quyền ở Burundi và Syria”, báo cáo cho biết. “Nước này cũng hỗ trợ các nghị quyết phản tác dụng làm suy yếu quyền con người của các cá nhân hoặc giải quyết các vấn đề vượt quá khả năng của Hội đồng”.
“Tại Đại hội đồng, Việt Nam đã bỏ phiếu phản đối các nghị quyết ủng hộ các nạn nhân nhân quyền ở Iran và Gruzia và không ủng hộ các nghị quyết thay mặt cho các nạn nhân nhân quyền ở Crimea và Syria”, báo cáo cho biết thêm.
Ngược lại, Việt Nam lại ủng hộ các giải pháp phản tác dụng mà theo đó làm suy yếu nhân quyền, lại còn đề cao cho các quyền mơ hồ và không xác định, chẳng hạn như “Quyền phát triển” và “Quyền hòa bình” lên trên cả quyền căn bản của con người được quốc tế công nhận; bao che cho những kẻ vi phạm nhân quyền thông qua một nghị quyết phản đối trừng phạt, và không thể hỗ trợ một giải pháp về trách nhiệm ngăn chặn nạn diệt chủng, vẫn theo báo cáo của nhóm ba tổ chức nhân quyền.
VOA đã cố gắng liên lạc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Phái đoàn Việt Nam tại LHQ ở New York, đề nghị họ cho biết ý kiến về lời kêu gọi và báo cáo này, nhưng chưa được phản hồi.
Bấm vào để nghe xem
https://av.voanews.com/V...42-fea8-08da981fdcba.mp4 Hôm 5/10, góp vào tiếng nói lên án hồ sơ nhân quyền được cho là yếu kém tại Việt Nam, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng các quốc gia thành viên LHQ không nên ủng hộ Việt Nam giành ghế trong Hội đồng Nhân quyền.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Á châu của HRW, viết trên Twitter: “Chế độ độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản. Các nhà hoạt động nhân quyền và các blogger chỉ trích chính phủ thường xuyên phải đối mặt với sự sách nhiễu của công an, đối mặt với sự bắt giữ tùy tiện và bỏ tù”.
Hôm 22/9, phản hồi yêu cầu bình luận của VOA sau khi 8 tổ chức nhân quyền lên tiếng phản đối việc Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng “chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam”.
Bộ này cũng khẳng định lại “chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người”.
Phát biểu tại phiên thảo luận chung Khóa họp thứ 77 Đại hội đồng LHQ tại New York, ngày 24/9/2022, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh vận động cho chiếc ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 của Hà Nội, nói rằng “Việt Nam sẽ luôn là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm và tinh thần xây dựng trong sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới”.
VIDEO Theo VOA
Sửa bởi người viết 06/10/2022 lúc 12:35:15(UTC)
| Lý do: Chưa rõ