logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 19/10/2022 lúc 10:20:11(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Vạn Thịnh Phát – chuông báo tử cho thị trường tài chính, tín dụng? (phần 1)

UserPostedImage
Tổng hành dinh Vạn Thịnh Phát tại Sài Gòn.

Đúng một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: “Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đang hoạt động bình thường, ổn định” (1), cũng NHNN công bố quyết định: Đưa SCB vào diện “kiểm soát đặc biệt” để hạn chế tác động tiêu cực đến SCB và hệ thống các tổ chức tín dụng!
Đúng một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: “Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đang hoạt động bình thường, ổn định” (1), cũng NHNN công bố quyết định: Đưa SCB vào diện “kiểm soát đặc biệt” để hạn chế tác động tiêu cực đến SCB và hệ thống các tổ chức tín dụng (2)!
Tại sao chỉ trong vòng một tuần, SCB đang... “bình thường, ổn định” lại rơi vào tình huống bất ổn đến mức NHNN phải áp dụng biện pháp “kiểm soát đặc biệt”? Vậy tuần trước, NHNN đánh giá - nhận định sai hay cố tình giảm nhẹ mức độ trầm trọng về “sức khỏe” của SCB để trấn an công chúng?
Không chỉ có NHNN, Bộ Công an cũng vậy! Ngày 8/10/2022, khi công bố những thông tin ban đầu liên quan đến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra ở An Dong Group và các tổ chức, đơn vị có liên quan, Bộ Công an đã cố tình che giấu việc tống giam Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định của SCB.
Khi công bố việc bắt bà Nguyễn Phương Hồng - Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định của SCB – như một bị can trong vụ án vừa đề cập (gọi tắt là vụ án Vạn Thịnh Phát), Bộ Công an đã chủ động khoác cho bà tấm “áo”... “Trợ lý Vạn Thịnh Phát”. Nhiều người biết quan hệ giữa Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB như thế nào. Đổi “áo” cho bà Hồng không chỉ cố tình vi phạm các qui định về khởi tố bị can của Luật Tố tụng hình sự mà còn cố ý dối gạt công chúng về tình trạng của SCB.
HĐQT của SCB có bốn thành viên thì một đột tử ngay vào thời điểm khởi tố vụ án Vạn Thịnh Phát (ông Nguyễn Tiến Thành), một bị tống giam rồi chết khi vừa bị tạm giam (bà Nguyễn Phương Hồng)... Trong bối cảnh như thế, làm sao SCB có thể “hoạt động bình thường, ổn định”?
Giữ cho SCB nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung “hoạt động bình thường, ổn định” là nhu cầu riêng của chính quyền Việt Nam. Do vậy, sau khi bắt bà Trương Mỹ Lan và ba đồng phạm, Bộ Công an còn bắt ngay lập tức vài người “bình luận thất thiệt về hoạt động của SCB gây hoang mang dư luận”, kèm theo răn đe sẽ xử lý... “tất cả tổ chức, cá nhân nếu đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự” (3).
Chẳng lẽ những tin như “SCB đang hoạt động bình thường, ổn định” hay bà Nguyễn Phương Hồng chỉ làm “Trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát” là... tin thật? Tại sao chính quyền chủ động loan báo tin giả, tin sai sự thật, còn công chúng thì bị cấm “đăng tải, chia sẻ, phát tán”, thậm chí cấm cả... “bình luận đồng thuận” khác với tin do chính quyền công bố? Chuyện các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức như VietNamNet (4), Pháp Luật TP.HCM (5), Infonet (6), Vietnam Finance (7),... hăm hở loan tin bà Nguyễn Phương Hồng chết, SCB đục bỏ danh sách và tiểu sử các thành viên HĐQT rồi hối hả... đục bỏ, cho thấy, chính quyền tìm mọi cách để bưng bít thông tin.
Chịu khó đọc, đối chiếu các dữ kiện, thông tin do chính quyền công bố theo kiểu trước vậy nhưng sau, hóa ra... không phải vậy, cũng như các thông tin được các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức loan báo rồi... đục bỏ, ắt sẽ nhận ra, chính quyền Việt Nam rất bối rối trong việc giữ cho thị trường tài chính, tín dụng ổn định.
***
Ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam vừa gặp Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại trên toàn quốc hôm 16/10/2022 - sau khi Bộ Công an tống giam hàng loạt chủ doanh nghiệp mà hoạt động có dính líu đến thị trường tài chính, tín dụng (Trịnh Văn Quyết – FLC, Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh, Đỗ Thành Nhân – Louis Holding và Louis Capital, Đỗ Đức Nam – Chứng khoán Trí Việt, Phạm Thị Hinh – Chứng khoán VSM, Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát,...).
Tại cuộc gặp mặt ấy, ông Chính trấn an các doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tín dụng: Không hoang mang, lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà luôn giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tình hình thế giới, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội, trong nhân dân, dưới sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước để tổ chức thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả.
Ông Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan... “theo dõi bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với NHNN để giải quyết các vấn đề liên quan, nhất là những đề xuất, kiến nghị của các ngân hàng thương mại” (8). Liệu NHNN cũng như các bộ, ngành liên quan và hệ thống ngân hàng thương mại có thể giải quyết khối nợ liên quan đến trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành lên tới vài trăm ngàn tỉ sắp đáo hạn mà 80% được xem là “rác” và 74% lượng trái phiếu này đang do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán nắm giữ?
Trân Văn (VOA)
____________
Chú thích
(1) https://baochinhphu.vn/d...h-102221008163018383.htm
(2) https://tuoitre.vn/kiem-...cb-20221015175432938.htm
(3) https://baophapluat.vn/d...hang-scb-post454486.html
(4) https://vietnamnet.vn/mo...vua-qua-doi-2068743.html
(5) https://plo.vn/1-bi-can-...-qua-doi-post702578.html
(6) https://infonet.vietnamn...h-vien-hdqt-5002918.html
(7) https://vietnamfinance.v...ri-20180504224275415.htm
(8) https://tuoitre.vn/thu-t...an-20221016103026022.htm
song  
#2 Đã gửi : 19/10/2022 lúc 10:22:35(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Vạn Thịnh Phát – chuông báo tử cho thị trường tài chính, tín dụng? (phần 2)

UserPostedImage
Nguyễn Phương Hồng, bị bắt trong vụ Vạn Thịnh Phát, đã chết bí ẩn ngay sau đó.

Tại sao chuyện bán được bốn lô đất gấp năm, mười lần giá khởi điểm, hứa hẹn thu về cho công quỹ hơn 38.000 tỉ đồng lại khiến Quốc hội, chính phủ... căng thẳng như vậy?

Trước khi bị bắt, những doanh nhân đã kể ở phần 1 (Trịnh Văn Quyết – FLC, Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh, Đỗ Thành Nhân – Louis Holding và Louis Capital, Đỗ Đức Nam – Chứng khoán Trí Việt, Phạm Thị Hinh – Chứng khoán VSM, Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát,...) đều là các cá nhân đang điều hành những doanh nghiệp mà hoạt động liên quan đến thị trường tài chính, tín dụng. Một số bị khởi tố vì “thao túng thị trường chứng khoán”, số còn lại bị khởi tố vì “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Có người như ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố cả hai tội. Tự thân số lượng doanh nghiệp bị điều tra, doanh nhân bị bắt và tội danh họ bị khởi tố cho thấy hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng có “bình thường và ổn định” như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định hay không.
Trong chuỗi các vụ án liên quan đến những doanh nhân – doanh nghiệp mà hoạt động dính líu hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến thị trường tài chính, tín dụng, có hai vụ án gây rúng động dư luận: Vụ Trịnh Văn Quyết – FLC và vụ Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát. Dư luận rúng động không đơn thuần vì hậu quả (Ông Quyết bị cáo buộc nâng khống vốn điều lệ, “lừa đảo chiếm đoạt” 6.400 tỉ đồng qua việc phát hành cổ phiếu FLC [1]. Bà Lan bị cáo buộc có liên quan đến việc “lừa đảo chiếm đoạt” khoảng 25.000 tỉ thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp [2]) mà còn vì trong quá khứ, cả hai đều đã nhiều lần chứng tỏ họ có thể chi phối hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương để “chọc trời, khuấy nước”.
Đó cũng là lý do đã có rất nhiều người tham gia lý giải, tại sao năm nay, đợt này cả ông Trịnh Văn Quyết lẫn bà Trương Mỹ Lan lại cùng lâm nạn (?). Có thể tìm câu trả lời thông qua một số số liệu và dữ kiện chính thức...
***
Năm 2018, chính quyền Việt Nam cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn nhằm thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh. Loại trái phiếu này được gọi chung là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Về lý thuyết, TPDN là hình thức doanh nghiệp trực tiếp vay tiền từ công chúng với thời hạn vay tối thiểu là một năm. Phía mua TPDN được gọi là “nhà đầu tư”. Để thu hút “nhà đầu tư”, phía phát hành TPDN luôn trả lãi cho “nhà đầu tư” cao hơn mức lãi mà hệ thống ngân hàng trả cho người gửi tiền tiết kiệm. “Nhà đầu tư” có quyền tặng, chuyển nhượng, đem TPDN thế chấp như vật bảo đảm cho các quan hệ thương mại, dân sự... TPDN được quảng bá là an toàn hơn cổ phiếu vì cổ phiếu có thể mất giá khi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu giảm, còn giá trị của TPDN thì không (mua đồng nghĩa với cho vay, cho vay bao nhiêu sẽ được nhận lại bấy nhiêu kèm lãi đúng với mức doanh nghiệp phát hành TPDN đã cam kết, bất kể hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ra sao).
Cũng về lý thuyết, nếu doanh nghiệp phá sản, khối tài sản còn sót lại sẽ được ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ và “nhà đầu tư” TPDN, sau đó mới tới lượt cổ đông nhưng nếu tài sản thực của doanh nghiệp phát hành TPDN thấp hơn giá trị khối lượng TPDN đã phát hành, thậm chí thấp hơn nhiều lần thì TPDN chẳng khác gì… giấy lộn. Phải lưu ý như thế vì sau khi Bộ Công an loan báo đã bắt bà Trương Mỹ Lan, để trấn an những người đã gửi tiền cho ngân hàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: Tài sản cá nhân gửi cho các tổ chức tín dụng được NHNN cấp giấy phép, luôn được bảo đảm lợi ích hợp pháp, do vậy không nên hoang mang... nhưng theo NHNN... mua trái phiếu thì bên có trách nhiệm trả khoản tiền đầu tư này là công ty phát hành trái phiếu (3).
Bây giờ hãy thử nhìn vào những số liệu, nhận định liên quan đến TPDN...
***
Cuối năm ngoái, FiinRatings – một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam – phát cảnh báo về năng lực trả nợ cho trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết (cổ phiếu chưa được phép đưa ra giao dịch trên thị trường chứng khoán). Theo đó, chỉ trong chín tháng đầu năm 2021, tuy kinh tế - xã hội nghiêng ngả vì đại dịch nhưng vay qua phát hành TPDN vẫn đạt 431.000 tỉ đồng và trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành chiếm khoảng 40%, tương đương 172.000 tỉ.
FiinRatings lưu ý: Phần lớn TPDN do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành nên trong thực tế, tỉ trọng TPDN trên toàn hệ thống sẽ lớn hơn rất nhiều. Đa số doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết bán trái phiếu của họ cho các ngân hàng, công ty chứng khoán, có hoặc không có thế chấp hay được bên thứ ba bảo lãnh... và: Năng lực trả nợ của những doanh nghiệp này hiện ở mức rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động (4).
Không chỉ FinnRatings, một số chuyên gia kinh tế - tài chính xem tình trạng phát hành ồ ạt TPDN để huy động vốn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản giống như đang chứa... “bom nổ chậm” trong nhà.
Cũng vào thời điểm cuối năm 2021, trong một cuộc trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, ông Lê Đạt Chí (làm việc tại Đại học Kinh tế TP.HCM) nhấn mạnh yếu tố, phần lớn trong số hơn 430.000 tỉ trái phiếu mà các doanh nghiệp đã phát hành trong chín tháng đầu năm 2021 không được các ngân hàng bảo lãnh thanh toán mà chỉ bảo lãnh phát hành (cam kết mua số trái phiếu còn dư nếu không phát hành hết). Nhiều nhà đầu tư tin phía bán (ngân hàng, công ty chứng khoán) nên mua TPDN chứ không biết gì về doanh nghiệp phát hành trái phiếu – nơi vay tiền và đó là nguy cơ trái phiếu trở thành “rác” vì doanh nghiệp phá sản thì nhà đầu tư lãnh đủ, ngân hàng hay công ty chứng khoán chỉ phát hành trái phiếu để nhận hoa hồng chứ không chịu trách nhiệm (5).
Thế rồi ngay vào lúc đó (đầu tháng 12/2021), TP.HCM tổ chức... thành công việc bán đấu giá bốn lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá không thể tin được: Lô 1 gấp 6,6 lần giá khởi điểm (24.500 tỉ), lô 2 gấp bốn lần giá khởi điểm (5.256 tỉ), lô 3 gấp bảy lần (4.000 tỉ) và lô 4 hơn mười lần giá khởi điểm (4.320 tỉ) [6]. Tuy ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh, chủ Ngôi sao Việt - doanh nghiệp thắng lô 1 với giá 24.500 tỉ tuyên bố, đại ý: Nâng giá đất lên cao như thế là vì... muốn tất cả tư bản nước ngoài phải mua đất của Việt Nam với giá như Tokyo hoặc New York, có như vậy nhân dân ta mới giàu nhanh, đất nước mới phát triển (7) nhưng cả Quốc hội lẫn chính phủ đều... thảng thốt, một số nổi giận.
Vài tuần sau vụ bán đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm – đầu tháng 1/2022 – khi tham dự Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022, sau khi khoe đủ thứ thành tích trong điều hành quốc gia, ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Việt Nam - chỉ đạo: Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát lại vấn đề liên quan tới phát hành TPDN, thị trường bất động sản, chứng khoán... để điều chỉnh, phòng ngừa rủi ro vĩ mô (8).
Tương tự, Chủ tịch Quốc hội hối thúc... “phải điều tiết để thị trường không nóng quá” khi thảo luận Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong kỳ họp bất thường diễn ra vào đầu tháng 1/2022 ấy, Bộ trưởng Tài chính công khai lên án việc Tân Hoàng Minh nâng giá đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm là hành vi gây... “nhiễu loạn thị trường” và loan báo về việc... “tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán” (9).
Tại sao chuyện bán được bốn lô đất gấp năm, mười lần giá khởi điểm, hứa hẹn thu về cho công quỹ hơn 38.000 tỉ đồng lại khiến Quốc hội, chính phủ... căng thẳng như vậy? Cứ đọc lại các số liệu, nhận định về TPDN sẽ có câu trả lời nhưng chuyện chưa ngừng ở đó...
Trân Văn (VOA)
________________
Chú thích
(1) https://laodong.vn/phap-...6400-ti-dong-1092231.ldo
(2) https://thanhnien.vn/tap...ti-dong-post1508105.html
(3) https://baochinhphu.vn/d...h-102221008163018383.htm
(4) https://thoibaotaichinhv...chua-niem-yet-96443.html
(5) https://tuoitre.vn/ngan-...ep-20211206090719906.htm
(6) https://nld.com.vn/chinh...em-20211230114128236.htm
(7) https://soha.vn/sau-thu-...ng-20220110104222487.htm
(8) https://vietnamnet.vn/vn...-chung-khoan-806932.html
(9) https://tuoitre.vn/bo-tr...ng-20220104163636619.htm
song  
#3 Đã gửi : 19/10/2022 lúc 10:25:04(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Vạn Thịnh Phát – chuông báo tử cho thị trường tài chính, tín dụng? (phần 3)

UserPostedImage
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, một trong những đại gia bị bắt trong thời gian vừa qua.

Sau Tân Hoàng Minh, ba doanh nghiệp từng giành phần thắng trong cuộc đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm cũng bỏ cuộc, bỏ cọc.

Tháng 1/2022, sau khi lãnh đạo quốc hội, chính phủ bày tỏ sự lo ngại về thị trường tài chính, tín dụng như đã đề cập trong phần 2, ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính – loan báo, vì một số doanh nghiệp vay mượn cả từ ngân hàng lẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cao gấp nhiều lần vốn liếng thực có nên chính phủ buộc phải tổ chức kiểm tra những doanh nghiệp có liên quan trên thị trường tài chính, tín dụng (1), rồi Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với những doanh nghiệp tham gia đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (2), ông Đỗ Anh Dũng tự nguyện từ bỏ lô đất mà Tân Hoàng Minh vừa giành được (3).
Tuy tự nguyện từ bỏ lô đất vừa giành được thông qua đấu giá đồng nghĩa với mất 588 tỉ tiền cọc nhưng ông Đỗ Anh Dũng vẫn làm vì... nhất trí với chính quyền rằng... “kết quả trúng thầu cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt”. Không ít người bật cười khi đọc “Tâm thư” mà ông Dũng gửi lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ (4), song ngẫm kỹ thì lý do Tân Hoàng Minh viện dẫn để bỏ cuộc... “tránh gây xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung” đáng sợ hơn đáng cười!..
***
NHNN không tiết lộ Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng đã thu thập được những gì sau khi yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất ở Thủ Thiêm nhưng ngay sau khi Tân Hoàng Minh tuyên bố tự nguyện rút lui khỏi cuộc đua giành quyền sử dụng một trong bốn lô đất ở Thủ Thiêm, Bộ Công an chủ động tiết lộ đã âm thầm thu thập tài liệu liên quan đến 11 dự án của Tân Hoàng Minh ở Hà Nội kể từ tháng 12 năm 2021 (5)...
Sau Tân Hoàng Minh, ba doanh nghiệp từng giành phần thắng trong cuộc đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm cũng bỏ cuộc, bỏ cọc. Dẫu có thể sung công số tiền cọc hơn 1.000 tỉ của Ngôi Sao Việt – Tân Hoàng Minh, Bình Minh, Sheen Mega, Dream Republic nhưng những thông tin có liên quan đến cả bốn cùng chứng tỏ một điều: Cả bốn không những không đủ năng lực tài chính mà hoạt động cũng như hiệu quả kinh doanh đều có những dấu hiệu rất khó tả...
Vào thời điểm Ngôi Sao Việt tham dự cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, ba doanh nghiệp có liên quan đến Tân Hoàng Minh (SunValley, Bách Hưng Vương, Wealth Power) đã thu về 9.400 tỉ đồng thông qua phát hành TPDN nhưng theo VBMA (Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam), các bản công bố của cả ba thiếu tất cả thông tin cơ bản như: Mục đích, lãi, trái chủ, những nơi tham gia thu xếp, tài sản bảo đảm (6)... Vốn điều lệ của Bình Minh – doanh nghiệp dám đẩy giá ¼ lô đất ở Thủ Thiêm từ 728 tỉ lên 5.026 tỉ - chỉ có... 200 tỉ, trong đó có 100 tỉ được bổ sung trước khi tham dự đấu giá bảy... ngày (7). Thậm chí, tổng giá trị tài sản của Sheen Mega – doanh nghiệp dám trả 4.000 tỉ cho một lô đất ở Thủ Thiêm – chỉ vỏn vẹn... 27,6 triệu đồng! Tương tự, từ 2017 đến 2020, tổng giá trị tài sàn của Dream Republic - doanh nghiệp dám trả 3.820 tỉ cho một lô đất ở Thủ Thiêm – chưa bao giờ quá... 20 triệu đồng! Vài cơ quan truyền thông chính thức giới thiệu hàng loạt dấu hiệu, theo đó, sau lưng Sheen Mega và Dream Republic là... Vạn Thịnh Phát (8).
Chỉ có một câu trả lời cho việc thi nhau đẩy giá đất ở Thủ Thiêm lên mức khó tưởng. Đó là gây tiếng vang để hỗ trợ việc phát hành và tiêu thụ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong quá khứ, có thể những cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm từng... thành công rực rỡ về đủ mọi mặt khi áp dụng phương thức... “lấy mỡ nó rán nó” nhưng đến năm nay (2022), bối cảnh đã khác. Khi thị trường tài chính, tín dụng trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, “nó” không chỉ là thường dân, mà còn là chính quyền. Sự hỗn loạn của thị trường tài chính, tín dụng chắc chắn sẽ dẫn tới hỗn loạn về chính trị nên chính quyền mới hành động. Nếu không nhận ra Tân Hoàng Minh vừa dại dột “rán” cả chính quyền, chắc ông Đỗ Anh Dũng chẳng soạn và gửi... “Tâm thư”!
Một trong những doanh nhân vốn rất thành thạo trong chuyện “lấy mỡ nó rán nó” và cũng lâm nạn khi áp dụng phương thức này đúng vào lúc “nước sôi, lửa bỏng” là ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết cũng làm giàu nhờ bất động sản như ông Dũng nhưng thường tìm vốn từ những nguồn... chính thống như vay ngân hàng và phát hành cổ phiếu. Tháng 10/2017, ông Quyết “bán chui” cổ phiếu của FLC thu lợi khoảng 400 tỉ và sau đó chỉ phải trả... 65 triệu tiền phạt rồi... thôi (9)! Tuy nhiên tháng 1 năm nay, sau khi “bán chui” cổ phiếu, ông Quyết bị phạt 1,5 tỉ đồng, bị cấm tham gia các giao dịch chứng khoán trong năm tháng và đến tháng 3/20222 thì bị tống giam để điều tra do “thao túng thị trường chứng khoán”, tới tháng 8 bị khởi tố thêm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (10).
Gió đã đổi chiều nhưng dường như không phải vì xung đột giữa các nhóm vốn vẫn hậu thuẫn cho những cá nhân chuyên hối mại quyền thế để làm giàu và đã trở thành rất giàu. Gió phải đổi chiều vì chính quyền – nơi tạo ra, duy trì lợi ích cho tất cả các nhóm - đang ngả nghiêng trước “sóng to, gió lớn” trên thị trường tài chính, tín dụng: Giá cổ phiếu rơi chưa thấy ngừng, xuyên qua hết đáy này đến đáy khác. Hàng trăm ngàn tỉ TPDN bị giới chuyên môn xem là “rác” và nơi bỏ tiền hốt phần lớn đống “rác” này là ngân hàng...
Trân Văn (VOA)
___________
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/bo-tr...ng-20220104163636619.htm
(2) https://laodong.vn/thi-t...gay-cang-nong-993201.ldo
(3) https://tienphong.vn/nhu...ang-minh-post1409108.tpo
(4) https://etime.danviet.vn...em-20220111174832889.htm
(5) https://thanhnien.vn/bo-...-ha-noi-post1420379.html
(6) http://www.nguoiduatin.v...-hoang-minh-a539758.html
(7) https://ngaynay.vn/cong-...em-la-ai-post117740.html
(8) https://sohuutritue.net....t-thu-thiem-d137428.html
(9) https://vnexpress.net/ch...-trieu-dong-3668779.html
(10) https://vneconomy.vn/cuu...o-chiem-doat-tai-san.htm
song  
#4 Đã gửi : 21/10/2022 lúc 07:42:13(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Vạn Thịnh Phát – chuông báo tử cho thị trường tài chính, tín dụng? (phần 4)

UserPostedImage
Đỗ Anh Dũng và Trịnh Văn Quyết (phải). (Hình: Screenshot từ infonet.vietnamnet.vn)

Đến giờ, nửa năm sau khi toàn bộ TPDN trong ba lô mà Tân Hoàng Minh phát hành đã bị hủy, chưa “nhà đầu tư” nào được nhận lại tiền.
Sau khi ông Đỗ Anh Dũng và một số cá nhân dính líu đến hoạt động của Tân Hoàng Minh bị bắt vì lừa đảo chiếm đoạt khoảng tám hoặc mười ngàn tỉ (không thể xác định chính xác vì có nhiều số liệu khác nhau) thông qua chín đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) từ tháng 7/2021 đến 3/2022 (1), đại diện doanh nghiệp này hứa sẽ “thu xếp” để hoàn lại 100% tiền vốn cho “nhà đầu tư”, còn lãi thì sẽ “đàm phán sau”. Đến giờ, nửa năm sau khi toàn bộ TPDN trong ba lô mà Tân Hoàng Minh phát hành đã bị hủy, chưa “nhà đầu tư” nào được nhận lại tiền. Đại diện Tân Hoàng Minh loan báo đã “gom” được một mớ tiền (cũng chưa rõ là vài trăm tỉ hay một hai ngàn tỉ vì có nhiều số liệu khác nhau) nhưng chưa thể tiến hành chi trả cho các “nhà đầu tư” vì phải chờ quyết định từ phía tiến hành tố tụng (3).
Tương tự, sau khi ông Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân dính líu đến hoạt động của FLC bị bắt vì “thao túng thị trường chứng khoán”, rồi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, các cơ quan hữu trách bắt đầu hối hả gom nhặt những khoản nợ về thuế, tiền thuê đất,... từng cho FLC thiếu trong một thời gian dài (4), các ngân hàng đã cho FLC vay nhiều ngàn tỉ đồng cũng hối hả sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hồi vốn đã cho vay, kể cả phát mãi những động sản như hai chiếc xe thuộc loại siêu sang (5)... Đến nay, trong khi các cơ quan hữu trách và ngân hàng vẫn khẳng định, tài sản của FLC đủ để trang trải nợ nần thì giới đầu tư vào các loại cổ phiếu của FLC tiếp tục “ngậm đắng, nuốt cay” vì giá trị số tài sản đã dốc vào cổ phiếu FLC nếu không giảm chưa thấy điểm dùng thì cũng tạm thời vô giá trị bởi... “hạn chế giao dịch” (6).
Những nhận định kiểu như Tân Hoàng Minh và FLC có thể dùng cả bất động sản lẫn các dự án để trả nợ không đủ để trấn an công chúng. Các viên chức, cơ quan hữu trách có thể ngăn chặn một số cuộc biểu tình trước trụ sở Tân Hoàng Minh ở Hà Nội bằng hứa hẹn sẽ “bảo vệ tối đa quyền lợi của các cá nhân” (7) nhưng không thể giữ cho thị trường chứng khoán ổn định. Giá trị các loại cổ phiếu giảm liên tục. Tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 9 vừa qua, các loại cổ phiếu đồng loạt mất giá đã làm 74 tỉ Mỹ kim... “bốc hơi” (8). Có thể đó là lý do thay vi... “khoe ra” như từng thấy, từng biết chính quyền bắt đầu dùng các “biện pháp nghiệp vụ” để đậy lại như “đổi áo” biến bà Nguyễn Phương Hồng từ “Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định của SCB” thành “Trợ lý Vạn Thịnh Phát”.
Cũng “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua phát hành TPDN như Tân Hoàng Minh, thậm chí so với Tân Hoàng Minh, giá trị số tài sản bị chiếm đoạt thông qua phát hành TPDN lớn hơn khoảng ba lần nhưng ba lô trái phiếu trị giá 25.000 tỉ đồng mà Công ty An Đông – thành viên Vạn Thịnh Phát – đã phát hành không bị hủy thành ra tránh được chuyện “kích thích” các “nhà đầu tư” tụ tập để đòi giải quyết quyền lợi. Bộ Tài chính tránh được việc phải tiếp công dân đến khiếu nại vì đã để họ bị lừa.
Từ Tân Hoàng Minh sang Vạn Thịnh Phát, chính quyền đã tiến một bước rất dài trong hành xử về trách nhiệm, thay vì Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán tiếp nhận khiếu nại, chuyển hồ sơ, khuyên nạn nhân “liên hệ với Bộ Công an để được giải quyết theo pháp luật” (10), đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) huỵch toẹt: NHNN chỉ có trách nhiệm với những khoản tiền đã gửi vào các cơ sở tín dụng có giấy phép hoạt động, còn bên có trách nhiệm với người mua TPDN là doanh nghiệp phát hành trái phiếu (11).
***
Cuối tháng 4/2022, Bộ Công an cho biết đã tống giam ông Nguyễn Hùng – Vụ phó Vụ Giám sát thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ủy ban CKNN) – để điều tra vì “cố ý làm lộ bí mật công tác”. Ủy ban CKNN thuộc Bộ Tài chính. Lệnh tạm giam ông Hùng được thực hiện sau khi Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (BCH TƯ) xác định “Ủy ban CKNN có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính”.
Ngoài việc thấy rằng cần kỷ luật Đảng ủy Ủy ban CKNN nhiệm kỳ 2015 – 2022, UBKT BCH TƯ tuyên bố sẽ xem xét kỷ luật các cá nhân là cựu lãnh đạo, lãnh đạo Uỷ ban CKNN như: Vũ Bằng (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch Ủy ban CKNN), Trần Văn Dũng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban CKNN), Nguyễn Thành Long (Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, cựu Phó bí thư Đảng ủy, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban CKNN, cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội), Lê Hải Trà (Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, cựu thành viên phụ trách HĐQT), Nguyễn Sơn (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) vì ngoài trách nhiệm cá nhân còn phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Ủy ban CKNN, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (12).
Đến tháng 5/2022, Bộ Tài chính công bố quyết định cách chức ông Trần Văn Dũng. Cảnh cáo các ông: Vũ Bằng, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Sơn. Ông Lê Hải Trà bị khai trừ khỏi đảng và buộc thôi việc (13)... Đến giờ, chỉ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền làm chừng đó chuyện. Trách nhiệm đối với sự hỗn loạn của thị trường tài chính, tín dụng và những hậu quả càng ngày càng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội đang được... chuyển hóa sang những “doanh nhân cực kỳ thành đạt” và “nhà đầu tư”...
Trân Văn (VOA)
_________________
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/10...oi-phu-quoc-2006082.html
(2) https://tuoitre.vn/tan-h...ng-20220607093831159.htm
(3) https://nld.com.vn/thoi-...ng-20220722233625083.htm
(4) https://www.24h.com.vn/n...an-flc-c850a1352929.html
(5) https://vietnamnet.vn/lo...h-van-quyet-2071460.html
(6) https://www.vietnamplus....-dang-lo-ngai/780976.vnp
(7) https://tienphong.vn/the...iao-dich-post1479497.tpo
(8) https://dantri.com.vn/ki...no-20220602014821414.htm
(9) https://tienphong.vn/chu...-the-nao-post1473656.tpo
(10) https://dangcongsan.vn/k...n-hoang-minh-614496.html
(11) https://baochinhphu.vn/d...h-102221008163018383.htm
(12) https://thanhnien.vn/bat...ha-nuoc-post1453890.html
(13) https://baochinhphu.vn/b...i-102220521030229804.htm


song  
#5 Đã gửi : 21/10/2022 lúc 07:49:03(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Vạn Thịnh Phát – chuông báo tử cho thị trường tài chính, tín dụng? (phần cuối)

UserPostedImage
Times Square building, một trong những tài sản của Vạn Thịnh Phát.

Đó có phải là lý do nhiều “doanh nhân cực kỳ thành đạt” đột nhiên lâm nạn bất kể trong quá khứ họ đã từng thoát nạn ngoạn mục tới mức phải xảy ra rồi mới có thể tin là có thật?

Về lý thuyết, cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là những công cụ giúp doanh nghiệp có thêm vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh còn phía đầu tư (mua cổ phiếu, mua TPDN) có cơ hội tìm kiếm thêm lợi nhuận, gia tăng giá trị tài sản. Cổ phiếu và TPDN giúp thị trường tài chính, tín dụng phát triển lành mạnh, qua đó hỗ trợ kinh tế - xã hội phát triển (doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo thêm việc làm, tạo ra nhiều nguồn thu cho cả công lẫn tư,...) và ngược lại, có thể làm thị trường tài chính, tín dụng suy sụp, kinh tế - xã hội lụn bại.
Sự tồn tại và phát triển của thị trường tài chính, tín dụng ở Việt Nam có lành mạnh hay không? Muốn biết cứ nhìn vào các vụ “thao túng thị trường chứng khoán” và cung cách xử lý những vụ thao túng này từ cuối năm ngoái trở về trước, bất kể các chuyên gia liên tục cảnh báo, khuyến cáo. Ở cuộc tọa đàm “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022” diễn ra cách nay khoảng nửa năm, khi thảo luận về TPDN, thêm một lần nữa những chuyên gia như ông Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh – nhấn mạnh: Việt Nam chưa có thị trường TPDN chân chính do yếu tố đầu cơ rất lớn. Do kỳ hạn ngắn, lãi suất cao nên TPDN không có tác dụng hỗ trợ cho những doanh nghiệp chỉ sản xuất, kinh doanh bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh thuần túy không thể kham được những điều kiện như vậy. Đó là lý do trong cơ cấu giá trị, trái phiếu do những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành chiếm 46%, do ngân hàng phát hành chiếm 30% [1].
Cũng vào tháng 3/2022, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn giới thiệu bản phân tích của SSI Research (chuyên nghiên cứu về chứng khoán). Theo báo cáo này, riêng trong năm 2021, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 320.000 tỉ đồng với mức lãi suất trung bình từ 10,3%/năm đến 10,6%/năm, thậm chí một số doanh nghiệp bất động sản cam kết trả lãi từ 12%/năm tới 13%/năm (2). Đó cũng là lý do nhiều ngân hàng tại Việt Nam dốc tiền mua TPDN để hưởng chênh lệch lãi suất khi nhận tiền tiết kiệm và cho vay dù phần lớn TPDN không có tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán .
Các cơ quan hữu trách có thấy ẩn họa từ thực tế đó không? Câu trả lời là có nhưng không làm gì và khi hành động thì dường như đã trễ. Hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ vỡ nợ dây chuyền khi nhiều ngân hàng dốc tiền mua trái phiếu mà nhiều doanh nghiệp phát hành để có tiền thanh toán nợ cũ đến hạn phải trả, trong đó có tới gần 50% là trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành và tuyên bố sẽ... “siết lại” (3) nhưng... chỉ từ đầu năm ngoái đến lúc NHNN loan báo... “siết”, hệ thống ngân hàng và công ty chứng khoán đã bỏ 153.000 tỉ mua trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản!
Không phải tự nhiên mà sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị tống giam, giới rành rẽ về thị trường chứng khoán cảm thán như tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Thao túng giá cổ phiếu, kể cả giao dịch nội gián, ở thị trường chứng khoán Việt Nam không hiếm nhưng suốt 20 năm vừa qua, truy cứu trách nhiệm hình sự như vừa làm với ông Quyết lại là trường hợp hiếm hoi. “Cây gậy” luật pháp đã không được sử dụng đúng với mức độ mà lẽ ra cần phải áp dụng để làm trong sạch thị trường suốt một thời gian dài. Việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán là tín hiệu tích cực, có thể sẽ có sức răn đe với các đội lái, những người lâu nay vẫn làm giàu nhờ thông tin nội gián. Tuy nhiên, với rất nhiều nhà đầu tư đã mất tiền của vào tay các tội phạm chứng khoán, quyết định khởi tố này có thể đã là quá muộn (4).
Trung tuần tháng này, trang web Người tiêu dùng Việt Nam tóm lược nhận định của CEO Finn Ratings – chuyên cung cấp dữ liệu về thị trường tài chính, tín dụng Việt Nam. Theo đó: 80% trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành (TPDN BĐS) được xếp vào loại “trái phiếu rác” vì “sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động”. Do thị trường nợ Việt Nam chưa có xếp hạng tín nhiệm độc lập, hãng phát hành nợ là “trái phiếu rác” đang có một thiên đường phát hành nợ nhờ sự tiếp sức nhiệt tình từ các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán. Theo tính toán của Finn Ratings, trong sáu tháng đầu năm 2021, khoảng 74% TPDN BĐS được các ngân hàng thương mại và những công ty chứng khoán có liên kết chặt chẽ với ngân hàng thương mại nắm giữ.
Bởi các ngân hàng thương mại chỉ nắm giữ TPDN khi mới phát hành, như một cách bảo đảm uy tín cho TPDN - loại nợ mà họ vừa tư vấn phát hành, vừa định giá, vừa đầu tư - sau đó bán cho công chúng nhưng khả năng hấp thụ nợ trên thị trường nợ của Việt Nam không lớn nên, 45,8% TPDN BĐS đang trong tay các công ty chứng khoán. Hầu hết công ty chứng khoán lại là công ty con của các ngân hàng thương mại lớn nên không trích lập dự phòng rủi ro như luật định. Do yêu cầu phát hành TPDN thấp hơn nhiều so với quy trình và yêu cầu đòi hỏi thẩm định khoản vay tín dụng, nên TPDN BĐS do ngân hàng thương mại và các công ty liên kết với họ nắm giữ thực chất là khoản cho vay dưới chuẩn, tạo ra xung đột lợi ích rất lớn trên thị trường tài chính. Đó có thể là sự câu kết giữa các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán với doanh nghiệp phát hành TPDN để đáo nợ.
Sự tham gia của các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán trong phát hành TPDN không phải là bảo lãnh. Cam kết của họ chỉ dừng lại ở mức “bảo chứng” theo kiểu: “Dòng tiền dự án của công ty A (công ty phát hành trái phiếu) cam kết đi qua tài khoản tại ngân hàng của chúng tôi, chúng tôi đảm bảo sẽ sử dụng nguồn tiền qua tài khoản của công ty A này thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu cho các trái chủ của công ty A như đã cam kết”. Cách làm này vừa giúp các ngân hàng thương mại không phải trích lập dự phòng rủi ro cho bảo lãnh TPDN như một khoản tín dụng (theo luật), vừa không phải chịu trách nhiệm gì với các nhà đầu tư TPDN mà ngân hàng thương mại đó tư vấn bán. Đáng tiếc là phần lớn nhà đầu tư trong nước vẫn nhầm lẫn khái niệm “bảo chứng” với “bảo lãnh”. Bản thân nhân viên ngân hàng khi bán TPDN BĐS cho nhà đầu tư luôn dùng từ “bảo lãnh”, họ đã đánh tráo khái niệm tài chính căn bản chỉ để bán được hàng. Với rủi ro ở mức hệ thống lớn như thế, việc dự báo tình trạng vỡ nợ TPDN BĐS không còn là dự báo xa. Nợ xấu, đổ vỡ kèm lãi suất tăng như giai đoạn 2011 - 2012 có thể lặp lại một lần nữa (5).
***
Tuy có khá nhiều số liệu khác nhau về khối lượng TPDN đáo hạn. Ví dụ Bộ Tài chính cho biết, trong năm nay, khối lượng TPDN đáo hạn sẽ khoảng 144.500 tỉ đồng (6), còn Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thuộc Ngân hàng MSB thì ước đoán, tổng khối lượng TPDN đáo hạn trong năm nay là 231.000 tỉ đồng (7),... nhưng dù có khác biệt lớn thì nhìn một cách tổng quát, khối lượng TPDN đáo hạn của năm nay, năm tới và năm tới nữa vẫn dao động trong khoảng gần... một triệu tỉ đồng. Đó cũng là lý do năm nay, giới am tường thị trường tài chính, tín dụng Việt Nam rất nhiều lần đề cập đến những từ như... “bom nợ”, “vỡ nợ” rồi “hiệu ứng domino”...
Đó có phải là lý do nhiều “doanh nhân cực kỳ thành đạt” đột nhiên lâm nạn bất kể trong quá khứ họ đã từng thoát nạn ngoạn mục tới mức phải xảy ra rồi mới có thể tin là có thật? Vì sao cũng sai phạm, thậm chí sai phạm tương tự mà ngày xưa những “doanh nhân cực kỳ thành đạt” này thoát hiểm còn bây giờ thì không? Thông thường, mọi đổ vỡ, thiệt hại đều phải có đối tượng chịu trách nhiệm mới có thể đạt tới... ổn định. Khi đảng luôn tài tình, sáng suốt trong chỉ đạo, quốc hội luôn chặt chẽ trong giám sát, chính phủ luôn điều hành mọi thứ hết sức hiệu quả, có lẽ “doanh nhân cực kỳ thành đạt” đột nhiên rơi vào tình trạng “cực kỳ thê thảm” mới dễ giúp giải tỏa bất bình, phẫn nộ. Thế còn những “nhà đầu tư”? Các hệ thống đã từng xỉa xói những lương dân do nghèo đói phải bỏ xứ tìm sang Campuchia kiếm cơm áo nuôi thân, nuôi gia đình rồi bị lừa, bị bắt làm nô lệ, có người mất mạng là... “tham”, mặc họ tự gánh hậu quả vì thích... “việc nhẹ, lương cao” liệu sẽ thương xót, bù đắp thiệt hại cho những công dân trắng tay?
Trân Văn (VOA)
________________
Chú thích
(1) https://thesaigontimes.v...trai-phieu-doanh-nghiep/
(2) https://thesaigontimes.v...ong-trai-phieu-nam-2021/
(3) https://www.vietnamplus....cua-ngan-hang/755570.vnp
(4) https://thesaigontimes.v...at-phap-da-khong-nghiem/
(5) https://www.ntdvn.net/ki...khong-con-xa-319678.html
(6) https://thoibaotaichinhv...chua-niem-yet-96443.html
(7) https://www.tinnhanhchun...uat-hien-post298290.html
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.476 giây.