Nàng là nhỏ bạn thân cùng xóm cùng lớp với tôi, rất thích đi coi bói, hễ nghe “danh” của ông bà thầy bói nào là nàng tìm đến, nhất là từ khi nàng biết yêu. Tôi là người luôn được (bị) nàng rủ đi theo dù tôi đã cố từ chối, nhưng nàng năn nỉ quá, vả lại, mỗi khi xong việc, nàng dẫn tôi đi ăn gỏi đu đủ khô bò và uống nước mía, nên tôi đành… nhận lời.
Lần ấy, nàng thất tình, ủ rũ như gà mắc mưa, tôi cản cỡ nào nàng cũng nhất quyết đi gặp thầy bói, để hỏi “tại sao tình tan vỡ”, và “khi nào tái hợp?!” Vòng vo quanh co trong hẻm Vạn Kiếp gần chợ Bà Chiểu, cuối cùng cũng tìm được nhà “thầy” (Có ai giải thích cho tôi, tại sao các ông bà thầy bói hay ở nhà trong hẻm, vì tôi đi với nàng nhiều lần, chưa bao giờ được đến nhà mặt tiền?)
Nàng bấm chuông, thầy từ từ hiện ra, lừ đừ mở cổng cho hai đứa vào, rồi hỏi:
– Hai cô coi hả?
Tôi nhanh nhẩu:
– Dạ không, chỉ có cô này thôi!
– Sao cô không coi?
– Vì tôi hổng… mê!
Nàng nhéo tôi một cái, nhìn thầy như xin lỗi! Thầy lạnh lùng chỉ vào phòng khách:
– Vậy cô ngồi đây chờ, còn cô này đi vào trong theo tui!
Trong lúc chờ đợi, thầy này… chơi đẹp, mở nhạc nho nhỏ, du dương, và bất ngờ khi đó là giọng hát Duy Quang. Tôi thích nghe Duy Quang qua một số bài bố Phạm Duy viết “đo ni đóng giày” cho con trai vì giọng anh ngọt ngào, hiền lành, thư sinh. Nhưng lần này, tôi được nghe Duy Quang hát loại nhạc khác, nhạc lính Việt Nam Cộng Hoà, hay không thể tả, mà lại cả một tape liên tục. Tôi nghe say sưa mà quên thời gian hơn nửa tiếng đã trôi qua, thầy đưa nàng ra, rồi tiễn hai đứa ra cổng.
Tôi bước đi mà tâm trí vẫn còn lâng lâng vì tiếng hát Duy Quang, chẳng để ý đôi mắt nàng đỏ hoe, tôi quyết định quay lại cổng. Thầy vẫn đứng đó, cười đon đả:
– Cô muốn coi hả, tui coi luôn cho, hôm nay tui vắng khách.
– Dạ không! Tôi chỉ muốn hỏi tape nhạc Duy Quang tên gì vậy thầy, hay quá trời luôn á!
Thầy tắt ngay “nụ cười chào hàng”, nhìn tôi như muốn quạu, cũng may nhờ có nàng đứng sụt sùi kế bên làm thầy động lòng, và quăng cho tôi câu trả lời khô như ngói:
– Tape Tình Anh Lính Chiến!
Hôm sau, tôi ra chợ trời Tạ Thu Thâu tìm thâu tape nhạc, đem về nhà, các ông anh bà chị tôi cũng nghe say mê, còn thâu đi thâu lại cho bạn bè cùng nghe.
Lần đầu tiên, tôi mới thấy lợi ích của việc… xem bói!
Còn chuyện tình của nàng ấy, sau chuyến đi đó, nàng còn đi thêm vài chỗ nữa, dĩ nhiên là cũng có mặt tôi tháp tùng chớ ai, không phải vì mấy dĩa gỏi đu đủ và ly nước mía, mà vì ai nỡ bỏ bạn bỏ bè khi nó đang đau khổ vì yêu đương? Cũng nhờ vậy mà nàng sáng mắt được chút xíu, vì ông bà thầy bói nào cũng phán như đinh đóng cột, rằng “gương vỡ sẽ lại lành”, cứ chờ đợi rồi “người ta” sẽ quay lại như Kim Trọng tái hợp Thuý Kiều, cùng nhau ca bài ca “về đây nghe em, ta nối lại tình xưa ”. Nhưng tháng ngày trôi qua, nàng vẫn âm thầm “đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành”, đường tình vẫn tối như đêm ba mươi, tôi bèn mạnh miệng khuyên bảo nàng:
– Mày bỏ tật đi coi bói được chưa nà!? Còn chuyện tình duyên, thì thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương lòng!
Người bên ngoài lúc nào cũng sáng suốt hơn kẻ trong cuộc đang u mê. Mày ngã tao nâng, tao ngã mày nâng vậy đó! Nàng cũng dần nguôi ngoai, tuy vẫn giận hờn mấy thầy bói đã từng cho nàng biết bao hy vọng, nhưng dù sao họ cũng là chỗ dựa, an ủi nàng trong nỗi bơ vơ tình ái của tuổi mới lớn.
Một buổi chiều kia, nàng vội vã chạy qua nhà tôi, thầm thì:
– Ê, xóm mình có một chỗ xem bói mà xưa này tụi mình không biết nha!
Tôi trố mắt ngạc nhiên:
– Thật vậy sao? Là ai vậy cà? Mà sao mày biết?!
– Thì hồi nãy có hai cô gái ghé nhà tao đổ xăng (nhà nàng làm nghề bán xăng lẻ), rồi hỏi thăm nhà chị Tý bán bánh chưng, tao hỏi có chuyện chi không, họ bảo họ từ Chợ Cầu, nghe “danh tiếng” thầy bói là chị Tý nên tìm đến.
– Chị Tý mập con bà Sáng bán bánh chưng ư? Bà đó mà coi bói nổi tiếng ư?
Nhà bà Sáng, mẹ của chị Tý làm nghề bán bánh chưng mini, cỡ nửa bàn tay. Cả ngày chị Tý đầu tắt mặt tối phụ mẹ gói bánh, luộc bánh, giao bánh cho các chợ xung quanh. Đôi khi học bài khuya, tôi cũng đến mua một cái, ăn vừa đủ no. Vì quanh năm bận bịu làm bánh nên căn nhà chị Tý rất bộn bề, và theo năm tháng cũng trở nên cũ kỹ. Chị Tý, khá đứng tuổi, dáng người thấp, đẫy đà vì suốt ngày ngồi làm và… ăn bánh, nhan sắc vốn đã tàm tạm ngày càng xuống dốc vì chưa có ai rước (đời hoa chóng già vì thiếu …mặn mà), nên mọi niềm vui nỗi buồn của chị tập trung cả vào… nồi bánh!
Tôi lẩm bẩm:
– Tao vẫn chưa tưởng tượng chị Tý là “thầy bói lừng danh”.
– Người ta từ Chợ Cầu xa xôi tìm đến thì không phải là không có lý do nhé!
– Thì mày cũng đã từng lôi tao đi khắp các hẻm Phú Nhuận, hẻm Chùa Nghệ Sỹ, hẻm Cô Giang Cô Bắc đấy thôi, mà có kết quả gì đâu! À mà thôi, mày đã hứa với tao là bỏ chuyện bói toán rồi thì quan tâm làm gì đến bà Tý mập?
– Tụi mình đến đó thử xem sao, coi như … ủng hộ hàng xóm láng giềng. Tao hứa lần cuối với mày, sau lần này nếu không đúng, tao thề sẽ vĩnh biệt bói toán, chịu hông?
Tôi hơi bực mình:
– Chuyện dĩ vãng đã qua, Kim Trọng cũng đã biến mất tăm, vậy bây giờ Thuý Kiều, í lộn, nhà ngươi đến gặp chị Tý để xem chuyện chi??
– Đã nói là thử thôi mà. Mày làm ơn giúp tao lần này nữa thôi, nhe?
Chập tối ngày hôm sau, xóm nhỏ ẩm ướt sau cơn mưa chiều lất phất, tôi và nàng đi vào ngõ chợ, vòng qua bên hông Nhà Thờ, tìm đến nhà chị Tý. Trong bóng mờ, chị Tý ngồi bên bếp lửa trước sân, canh chừng mẻ bánh cuối ngày để giao cho nhóm công nhân xí nghiệp làm ca ba. Thấy hai đứa tôi bước vào, chị Tý ngước lên mỉm cười:
– Mua bánh hả cưng?
Chúng tôi ngồi xuống bên bếp, nàng nhìn chị Tý ra vẻ “bí mật”:
– Dạ, em đến đây nhờ chị xem giùm một quẻ.
Chị Tý giật mình, làm rớt khúc củi định bỏ vào lò:
– Tầm bậy nà! Chị mà bói toán gì!!
– Thôi chị đừng... mắc cở nữa, em biết rõ lắm luôn. Hôm qua em chỉ nhà chị cho hai cô gái Chợ Cầu chớ ai!
Đến nước này, chị Tý đành phải im lặng, rồi chị đứng dậy, kéo hai đứa tôi ra cổng:
– Chỗ hàng xóm thân tình, chị nói thiêt, chị không biết bói gì hết á! Người ta tìm đến thì chị nương theo mà nói… tào lao cho người ta khuây khoả nỗi lòng, vậy thôi. Nói hên thì trúng mà nếu có trật cũng đâu ai dám bắt đền. Tóm lại, hai đứa coi như chưa nghe thấy gì nhe, còn bây giờ thì mau đi về cho chị còn luộc bánh!
Nói xong, chị dúi vào tay tôi hai cái bánh nóng, rồi nhanh nhẹn quay trở vào nhà, nàng bạn yêu quý của tôi không kịp tra hỏi thêm câu nào nữa.
Bước ra ngoài đường cái, tôi mừng rỡ trong bụng, hớn hở bóc bánh ăn, còn nàng đi bên cạnh tôi, im re thẫn thờ. Chẳng biết vì mải suy nghĩ câu nói của chị Tý hay đang tiếc nuối lời hứa “cuối cùng” đã hứa với tôi?!
Kim Loan