Tại Việt Nam, người dân tiếp tục xuống đường phản đối Trung Quốc Biểu tình phản đối Trung Quốc, trước tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, ngày 22/07/2012. REUTERSTheo AFP, hôm nay, 22/07/2012, tại Hà Nội, khoảng 200 người đã biểu tình để phản đối chính sách của Trung Quốc đối với các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đây là cuộc biểu tình lần thứ ba trong vòng một tháng qua.
Cuộc tuần hành bắt đầu từ Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm Hà Nội. Những người biểu tình giương cao và hô vang các khẩu hiệu « Đả đảo Trung Quốc xâm lược », « Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam » và đi về phía đại sứ quán Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi đến phố Trần Phú, Điện Biên Phủ, công an đã lập hàng rào, ngăn cản đoàn biểu tình tiến lại gần cơ quan đại diện Trung Quốc. Do vậy, đoàn biểu tình quay về Hồ Hoàn Kiếm, tập hợp lại dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ và tiếp tục hô vang các khẩu hiểu phản đối Trung Quốc.
Như thường lệ, chính quyền huy động một lực lượng đông đảo công an, an ninh, nhưng theo các nhân chứng, dường như không xẩy ra hành động trấn áp, hay bắt giữ người biểu tình.
Theo các nguồn tin trên mạng, tại thành phố Vinh – Nghệ An, do lực lượng công an và an ninh dày đặc, nhiều bạn trẻ bị theo dõi, nên không thể tập hợp lại để biểu tình. Còn ở Sài Gòn, các bức ảnh đăng trên internet cho thấy đông đảo các bạn trẻ ngồi tại khuôn viên Công trường 30/04.
AFP nhắc lại, trong năm 2011, đã có 11 cuộc biểu tình phản đối thái độ gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ban đầu, chính quyền Việt Nam « nhắm mắt làm ngơ », để cho biểu tình, nhưng sau đó, thẳng tay trấn áp; nhiều người biểu tình bị câu lưu, hành hung, thậm chí có trường hợp bị bắt đi cải tạo..
Các cuộc biểu tình lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình tại Biển Đông tiếp tục căng thẳng.
Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 họp tại Phnom Penh, Cam Bốt, đầu tuần trước, đã không ra được thông cáo chung do bất đồng trong hồ sơ Biển Đông. Với nỗ lực ngoại giao của Indonesia, hôm thứ Sáu, 20/07, ASEAN mới đạt được đồng thuận về một văn bản bao gồm 6 nguyên tắc xử lý các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cam kết tiếp tục đàm phán xây dựng một « bộ luật ứng xử » mang tính ràng buộc hơn.
Trong thời gian qua, Việt Nam và Philippines thường xuyên tố cáo Trung Quốc có cách hành xử hung hăng, độc đoán ở Biển Đông.
Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã căng thẳng thêm sau khi Việt Nam cho công bố Luật Biển, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đáp lại, Trung Quốc đã cho lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả hai vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi kèm với việc lập Bộ chỉ huy quân đồn trú ở nơi này. Còn Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc CNOOC cho mở thầu 9 lô thăm dò dầu khí mà Hà Nội khẳng định là nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Vừa qua, Trung Quốc còn đưa 30 tàu cá đến vùng quần đảo Trường Sa.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila cũng xấu đi. Từ đầu tháng Tư cho đến giữa tháng Sáu, các tàu của Philippines và Trung Quốc đã đối mặt với nhau tại vùng bãi đá Scarborouh mà Mania tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Source: RFI
Người dân biểu tình thể hiện lòng yêu nước là việc bình thườngBiểu tình chống hành động xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông, ở Hà Nội ngày 22/07/2012.
REUTERS/StringerCuộc xuống đường lần thứ ba trong tháng 7/2012 của người dân Hà Nội chống các hành động xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông, hôm nay 22/07/2012 đã thu hút được khoảng hai, ba trăm người tham dự tuy không đông đảo bằng lần trước.
Một trong những người thường xuyên tham gia là chị Đặng Bích Phượng, tức blogger Phương Bích, đã vui lòng dành thì giờ trò chuyện với RFI Việt ngữ về cuộc biểu tình sáng nay. Theo chị thì việc người dân biểu tình thể hiện lòng yêu nước cần phải được xem là chuyện bình thường.
Source: RFI
Sửa bởi người viết 22/07/2012 lúc 09:44:27(UTC)
| Lý do: Chưa rõ