NEWYORK. Hoa Kỳ có thể đang hướng tới một chính sách đối ngoại mới, bằng cách gửi viện trợ quân sự thay vì quân đội tới các quốc gia đang bị đe dọa.
Tổng cộng, Hoa Kỳ đã gửi hơn 100 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine và Đài Loan vào năm 2022.
Mùa đông năm ngoái, vị thế chính trị thế giới của tổng thống Joe Biden được xác định bởi cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan. Điều đó chỉ ra mọi sai lầm trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Cuộc chiến chống khủng bố đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn thường dân, khiến Hoa Kỳ thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la và kết thúc bằng sự rút lui của Hoa Kỳ. Taliban giành lại quyền lực chỉ sau vài ngày.
Nước Mỹ của Biden lúc đó là hình ảnh của sự giả dối và đạo đức giả, củng cố thêm cho tiếng nói cả trong lẫn ngoài nước, rằng Hoa Kỳ nên rút khỏi đấu trường thế giới.
Nhưng ngay sau đó, mọi việc đã thay đổi. Vào tháng 1 năm 2022, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Joe Biden, bắt đầu đưa ra lời cảnh báo về việc Putin có kế hoạch xâm lược Ukraine. Cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã hoàn toàn đúng.
Năm 2022 kết thúc với việc Joe Biden ký một thỏa thuận ngân sách toàn diện với khoản bổ sung 45 tỷ cho Kyiv. Đồng thời, hỗ trợ cho quốc phòng của Đài Loan đã tăng hơn 20 tỷ đô la trong năm.
Viện trợ vũ khí cho Ukraine và Đài Loan có thể trở thành hình mẫu cho chính sách đối ngoại mới của Hoa Kỳ.
Nhà sử học Phillips Payson O'Brien viết trên tạp chí The Atlantic rằng Hoa Kỳ nói chung đã hoạt động hiệu quả hơn khi đóng góp hỗ trợ quân sự từ xa, thay vì gửi quân đội ra nước ngoài. Ông tin rằng điều này sẽ trở thành một kiểu mẫu cho những xung đột trong tương lai.
“Quan điểm cho rằng Hoa Kỳ phải gửi quân đội để đạt được hiệu quả trong các cuộc can thiệp quân sự đã xuất hiện nhiều lần kể từ những năm 1980. Nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại”. Payson O'Brien viết, sử dụng Việt Nam, Iraq và Afghanistan làm ví dụ.
Biden từ lâu đã nói rõ rằng ông coi những năm 2020 là một thách thức với nền dân chủ toàn cầu, mà Trung Quốc và Nga là hai mối đe dọa lớn.
Biden cũng biết rõ rằng Hoa Kỳ không đủ khả năng, dù là về mặt quân sự, kinh tế hay nhân đạo, với những trận chiến do người tiền nhiệm của ông phát động. Do đó, chiến lược mới là cung cấp cho các khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới sự phòng thủ vững chắc trước mối đe dọa của các chế độ độc tài.
Với tư cách là tổng thống, Biden nhìn có vẻ yếu đuối, vẻ ngoài yếu ớt, không được ủng hộ nhiều ngay cả trong hàng ngũ của chính ông. Nhưng trong hai năm ở Nhà Trắng, Biden đã nhắc nhở thế giới về vai trò toàn cầu quan trọng của Hoa Kỳ, như một chính sách đối nghịch với các chế độ độc tài ngày càng có nhiều tham vọng về mặt quân sự.
Biden ít quan tâm đến các can thiệp đơn phương để phô trương sức mạnh quân sự và tập trung hơn vào việc xây dựng liên minh. Điều này không chỉ áp dụng cho việc mở rộng NATO, mà còn cho sự hợp tác đoàn kết các nước dân chủ chống lại sự chuyên chế ngày càng bành trướng của Trung Quốc. Ví dụ, liên minh ngoại giao Quad, với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, cũng như một loạt sáng kiến mới cho các cơ quan tình báo ở khu vực Thái Bình Dương và hợp tác sâu rộng với EU và Canada về các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền.
Hoa Kỳ trở nên khiêm cung hơn so với cái vai trò là cảnh sát của thế giới trong nửa thế kỷ qua, đồng thời Hoa Kỳ có thể sử dụng quân đội và ngành công nghiệp quân sự khổng lồ của mình, để giúp đỡ các đồng minh khi họ bị đe dọa. Cả Ukraine và Đài Loan đều không thể tồn tại lâu như những xã hội dân chủ nếu không có sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ.
Một chính sách như vậy cũng ít có nguy cơ bị phản kháng ở trong nước. Mặc dù bị cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc phản đối, Volodymyr Zelenskyy đều được cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ca ngợi là anh hùng trong chuyến thăm Washington.
Việc tiếp tục giao vũ khí cho Ukraine và Đài Loan về cơ bản là điều duy nhất đoàn kết hai bên ở Washington ngày nay.
Nguyên Hòa