Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk.
Người đứng đầu về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói rằng các án tử hình đang được chính phủ Iran “vũ khí hóa” để đánh vào nỗi sợ hãi trong dân chúng và dập tắt những người bất đồng chính kiến, và cho rằng các vụ hành quyết chẳng khác nào việc “giết người theo sự phê duyệt của nhà nước”.
“Vũ khí hóa các thủ tục hình sự để trừng phạt những người thực hiện các quyền cơ bản của họ, chẳng hạn như những người tham gia hoặc tổ chức biểu tình, tương đương với hành vi giết người theo sự phê duyệt của nhà nước”, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk nói, đồng thời cho biết thêm rằng các vụ hành quyết đã vi phạm luật nhân quyền quốc tế.
Iran đã treo cổ hai người đàn ông hôm thứ Bảy 7/1 vì tội danh giết một thành viên của lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc, và nhiều người khác đã bị kết án tử hình.
Tuyên bố cho biết Văn phòng Nhân quyền của LHQ đã nhận được thông tin rằng hai vụ hành quyết nữa sắp xảy ra trong khi có tới 100 người phải đối mặt với cáo buộc phạm tội.
Ông Turk nói trong một tuyên bố rằng có rất nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng và xét xử công bằng trong các vụ án, bao gồm việc áp dụng các điều khoản luật hình sự được diễn đạt mơ hồ, từ chối cho tiếp cận với luật sư theo lựa chọn, buộc phải nhận tội trong tình trạng bị tra tấn và từ chối quyền kháng cáo.
Quốc gia Cộng hòa Hồi giáo, vốn đổ lỗi tình trạng bất ổn cho những kẻ thù nước ngoài bao gồm cả Hoa Kỳ, coi việc đàn áp các cuộc biểu tình là nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tuyên bố của Văn phòng nhân quyền LHQ với ngôn từ mạnh mẽ được đưa ra giữa lúc ông Turk tiếp tục thúc đẩy cho một chuyến đi tới đất nước này và một cuộc gặp với Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, theo lời một quan chức cấp cao về nhân quyền của LHQ, Mohammad Ali Alnsour, nói tại một cuộc họp báo ở Geneva hôm thứ Ba 10/1.
Ông Alnsour cho biết thêm rằng một cuộc gặp trực tiếp riêng rẽ đã được lên kế hoạch giữa ông Turk và giới hữu trách Iran sẽ “rất sớm” diễn ra, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
“Chúng ta không thể chỉ im lặng khi có những vi phạm rất nghiêm trọng”, ông nói.
Hội đồng Nhân quyền có trụ sở tại Geneva đã bỏ phiếu vào tháng 11 để thành lập một phái đoàn 3 thành viên để tìm hiểu dữ kiện độc lập về cuộc đàn áp của Iran đối với các cuộc biểu tình. Ông Alnsour cho biết họ đã nhận được hàng nghìn lượt thông tin gửi đến.
Các cuộc biểu tình, một trong những thách thức lớn nhất đối với giới tăng lữ lãnh đạo kể từ cuộc cách mạng năm 1979, đã thu hút sự ủng hộ của người dân Iran ở mọi tầng lớp xã hội và thách thức tính hợp pháp của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo với việc kêu gọi lật đổ những người cầm quyền.
Các vụ hành quyết, vốn bị ngày càng nhiều quốc gia lên án, bắt đầu diễn ra trùng với thời điểm các cuộc biểu tình chững lại.
Theo VOA