Ông Medvedev (ảnh tư liệu)
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, một đồng minh của người đứng đầu Điện Kremlin Vladimir Putin, cảnh báo NATO hôm thứ Năm 19/1 rằng thất bại của Nga ở Ukraine có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Đồng thanh tương ứng với ông Medvedev, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga nói rằng việc cố gắng tiêu diệt nước Nga cũng đồng nghĩa với ngày tận thế. Vị thượng phụ này mô tả rằng thời điểm hiện nay rất bất an đối với đất nước.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, ông Medvedev đã nhiều lần lên tiếng đe dọa về ngày tận thế vì vũ khí hạt nhân, nhưng việc giờ đây ông thừa nhận khả năng Nga bị thua cho thấy mức độ lo ngại của Moscow về việc phương Tây gia tăng chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
"Việc một cường quốc hạt nhân bị thua trong một cuộc chiến thông thường có thể châm ngòi cho chiến tranh hạt nhân", ông Medvedev, người giữ chức phó chủ tịch hội đồng an ninh đầy quyền lực của ông Putin, đăng ý kiến trên Telegram.
"Các cường quốc hạt nhân chưa bao giờ thua trong các cuộc xung đột lớn mà số phận của họ phụ thuộc vào đó", ông Medvedev, người giữ chức tổng thống Nga từ năm 2008 đến 2012, nói.
Ông Medvedev nói rằng NATO và các nhà lãnh đạo quốc phòng khác nên suy nghĩ về những rủi ro trong chính sách của họ. Các bộ trưởng NATO có kế hoạch họp tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức vào thứ Sáu 20/1 để thảo luận về chiến lược và ủng hộ cho nỗ lực của phương Tây nhằm đánh bại Nga ở Ukraine
Nga và Mỹ, cho đến nay là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất, nắm giữ khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới. Ở Nga, ông Putin là người ra quyết định cuối cùng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Khi được hỏi liệu phát biểu của ông Medvedev có cho thấy Nga đang leo thang cuộc khủng hoảng lên một tầm cao mới hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Không, hoàn toàn không có nghĩa như vậy".
Ông này cho rằng ý kiến của ông Medvedev hoàn toàn phù hợp với học thuyết hạt nhân của Nga cho phép tấn công hạt nhân sau khi "có cuộc xâm lược vào Liên bang Nga bằng vũ khí thông thường, là khi mà sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa".
Tuy NATO có ưu thế về lực lượng quân sự thông thường so với Nga, song xét đến vũ khí hạt nhân, Nga lại có ưu thế về hạt nhân so với liên minh này ở châu Âu.
Washington chưa nói cụ thể và công khai là họ sẽ làm gì nếu ông Putin ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên trong chiến tranh kể từ khi Hoa Kỳ tấn công bằng bom nguyên tử lần đầu vào các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945.
Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân trong khi Mỹ có 5.428, Trung Quốc 350, Pháp 290 và Anh 225, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
Theo Reuters