Tui nghèo tiền của nhưng luôn luôn rất giầu tình cảm, và vô cùng đa cảm nên hay yêu thích những câu thơ cùng những nhà thơ (lãng mạn) ngay từ thuở thiếu thời:
Tui nghèo tiền của nhưng luôn luôn rất giầu tình cảm, và vô cùng đa cảm nên hay yêu thích những câu thơ cùng những nhà thơ (lãng mạn) ngay từ thuở thiếu thời:
Ôi! nắng vàng sao mà nhớ nhung!
Có ai đàn lẻ để tơ chùng ? Huy Cận
Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. Xuân Diệu
Mãi đến già – và cho tới khi gần chết, như vào lúc này đây – tôi mới biết ra rằng nhị vị tác giả của những câu thơ thượng dẫn chả ai lãng mạn (hay vẩn vơ) gì ráo trọi, theo như lời của nhiều người cầm bút khác:
“Hai ông bạn, có chỗ này quả là giống nhau: cùng ăn rất khoẻ và chỉ thích thịt cá, trứng vịt lộn, nghĩa là những thứ nhiều prôtit… Tôi thấy Xuân Diệu rất thích uống bia và húp trứng sống. Khi anh mất, Vũ Tú Nam nói, Xuân Diệu đã bồi dưỡng nhầm là vì thế. Huy Cận cũng vậy. Phải nói là tham ăn.” (Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh).
“Lần đi Hồng Gai ấy, lúc trở về Hà Nội, ghé một quán phở mậu dịch sơ tán dọc đường, Huy Cận tươi cười hỏi cô bán phở đang thái tảng thịt chín: Cô thái thịt rất khéo, cô có muốn tôi đọc thơ cô nghe không? Cô mậu dịch viên lúng túng không biết trả lời sao… Huy Cận nói thêm, vẫn giọng tếu táo: Thế cô có nhận ra tôi không đã, tôi là Huy Cận, cô đi học đã học thơ Huy Cận chưa? Tôi sẽ đọc thơ tặng cô, nhưng cô phải cho bát phở Huy Cận nhiều thịt.” (“Giai Thoại”. Vũ Quần Phương).
“Chắc cháu biết thi sĩ Xuân Diệu, ông ta không có công tác gì nhiều, ‘cái cần câu cơm’ của ông là bài thuyết trình ‘Đạo Đức Bác Hồ’ và ‘Tiết Kiệm Để Sản Xuất.’ Hai bài thuyết trình nối với nhau bởi một đoạn kể chuyện Bác Hồ dạy người cần vụ đặt miếng xà-phòng sau khi tắm lên viên gạch để xà-phòng ráo nước, cứng, lâu hao mòn.
Một hôm nhà máy phân bón nơi tôi làm việc, được chỉ thị đón nhà thơ Xuân Diệu đến thuyết trình. Đảng cử đồng chí giám đốc và tôi đi đón, trên đường thi sĩ Xuân Diệu nói: Tôi nói chuyện với nhà máy thì cũng quá trưa, vậy trưa nay nhà máy cho tôi ăn gì nào? Gà nhé?
…
Một lúc sau, thi sĩ Xuân Diệu lại lên tiếng: ‘Có ăn trưa rồi thì phải có uống chứ? Mà ngay lúc tôi nói cũng phải có gì cho tôi giải lao nhé, thôi để tôi gợi ý cho các đồng chí là cho tôi uống bia nhé? Uống nước lã tôi hay đau bụng.”
(Nguyễn Chí Thiệp. Trại Kiên Giam. Los Angeles, CA: Sông Thu, 1992).
“Tô Hoài nói về Xuân Diệu: ‘Suốt đời ông ấy thèm ăn thèm uống.” (Vương Trí Nhàn. “Ghi Chép Về Xuân Diệu Và Mấy Nhà Thơ Cùng Thế Hệ”).
Chứ có mấy “nhà thơ cùng thế hệ” (và sống cùng nơi) với “ông ấy” mà không thèm ăn uống?
Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại!
Miếng thịt bò lại vĩ đại bằng hai
Chanh, muối, cam, đường, lạc, đỗ, gạo, khoai
Tất cả những gì người có thể nhai
Đảng mó tới tự nhiên thành vĩ đại
Mà Đảng thì “mó tới” có sót một thứ gì đâu nên ai cũng có thể gạ gẫm (năn nỉ hay vòi vĩnh) một miếng thịt gà, khi có dịp, chứ nào có riêng gì Xuân Diệu. Nhà thơ của chúng ta, chả qua, chỉ là một kẻ sinh bất phùng thời (thôi) nên đâu có chi để mà dè bỉu hay chê trách.
Cái thời bao cấp (thổ tả) ấy, may quá, đã xa như dĩ vãng. Sau khi Đảng dũng cảm nhìn vào sự thực, quyết tâm đổi mới toàn diện, và cương quyết bẻ lái con tầu tổ quốc (theo hướng kinh tế thị trường) thì bộ mặt của xã hội đã hoàn toàn thay đổi – theo như nhận xét của T.S Nguyễn Hữu Liêm: “Nay dân chúng không còn ăn để no, mà phải ngon; mặc không chỉ đủ ấm, mà phải đẹp. Chúng ta phải công bằng ghi cho Nhà nước VN điểm cộng.”
Thêm một điểm cộng nữa, cũng cần phải được ghi luôn, là sự đổi thay trong chính sách đãi ngộ của Đảng đối với văn nghệ sỹ và trí thức mà tiêu biểu là trường hợp của G.S, T.S Hoàng Chí Bảo.
Ông tiến sỹ cũng chuyên nghề kể chuyện về cuộc đời (cần – kiệm – liêm – chính) của Hồ Chủ Tịch và được giới truyền thông của Nhà Nước tung hô (lên đến tận Giời) chứ không còn bị ghẻ lạnh, hay coi thường, như cái thời của ông thi sỹ nữa:
Pho Sử Sống Về Bác Hồ
Người Kể Chuyện Về Bác Hồ Hay Nhất
Người 26 Năm Kể Nghìn Chuyện Bác Hồ …
Không chỉ được vinh danh, và được chi trả hậu hĩnh, G.S Hoàng Chí Bảo còn được hưởng “đặc lợi” nữa cơ – theo như tường thuật của nhà báo Nguyễn Thông, qua một bài viết ngắn, xin ghi lại toàn văn (không sót một chữ nào) kể luôn cái tựa:
Đặc lợi
Nhớ hôm ra sân bay TSN (hôm nào, nhà cháu chả khai lúc trốn trong đống rơm đâu) gặp sự này: Làm thủ tục vé xong, nhà cháu ra ngoài rìa đường làn A hút thuốc, dù biết “hút thuốc dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn” như hãng Craven đã cảnh báo.
Một cái xe biển xanh 80 xịch tới, một xe còi hụ cảnh sát bám đít cũng xịch. Nhân viên cung kính mở cửa xe 80, một ông già trán hói đồi mồi bước ra. Nhà cháu hay tò mò đọc báo nên nhìn là biết đích thị ai rồi.
Ông giáo sư tiến sĩ dân quen gọi đùa là giáo sĩ tiến sư, nghề nghiệp chuyên… nói phét về cụ Hồ. Cả đám tiền hô hậu ủng đưa tiễn, có cả thượng tá công an, cung kính mang vác, dắt dẫn, đưa vào làm thủ tục ưu tiên.
Thôi thì người già, kính lão đắc thọ, lại có tí danh tí quyền, cũng được đi. Chắc có nơi nào trong miền Nam chưa giác ngộ cách mạng, mời ngài vào để ngài thực thi nghề nghiệp.
Tôi có ý chờ xem sao. Hút thêm điếu nữa, lại điếu nữa, rồi ngồi phệt xuống ngó hai chú tài xế đang bước tới bước lui sốt ruột. Cả nửa tiếng chả thấy ai ra, nhà cháu sợ trễ chuyện mình liền lò dò vào. Qua cửa an ninh, lên trên, thấy giáo sĩ, thượng tá và cả đám vẫn đang ngồi ăn uống.
Chắc hai chú tài sẽ phải bồn chồn đi lại hút thuốc thêm cả gói nữa. Tôi không tị nạnh gì với giáo sĩ kia. Mình mà tiếng tăm như vậy có khi còn 5 – 7 xe hộ tống là đằng khác. Chỉ sực nhớ nơi này quy định rất rõ, dán cả chữ lên tường lên cột, rằng xe đưa khách tới nhà ga chỉ được dừng tối đa 5 phút.
Nhớ lần trước đứa cháu chở tôi đi, xe cũ khó mở thùng sau, lúng túng lấy đồ, mà chưa đầy 5 phút đã có 2 chú công vụ to con đeo dùi cui tới đuổi quầy quậy. Nghĩ thương phận dân đen, ngay cả cái chỗ cần sự công bằng nhất cũng chả có công bằng. Hơn nửa tiếng đồng hồ, 2 cái xe biển xanh cứ chiếm chỗ, không đứa lực lưỡng dùi cui nào dám ngó tới, nói chi lại gần nhắc nhở.
Tôi tận mắt chứng kiến nhưng không thèm chụp ảnh bởi những ảnh này chả bõ chụp, đã có camera ở đó ghi lại tất. Chỉ muốn nói rằng đặc quyền đặc lợi là thứ đặc sản của nhà cai trị ở xứ này, họ chỉ từ bỏ bằng mồm chứ thực tế không bao giờ bỏ được.
Nghe tôi phàn nàn, người bạn bảo ở các nước dân chủ văn minh, giáo sư chứ ông giời cũng cứ phải như mọi người. Anh ấy còn kể thủ tướng Anh khi hết chức, rời tòa nhà ở phố Downing phải tự cùng vợ con vận chuyển đồ lên xe, tự lái xe về, đâu như mấy ông kễnh xứ mình. Chiếm chỗ như kiểu ở Tân Sơn Nhất vừa kể, pháp luật nó lại chả phạt cho lòi mắt ra.
Nguyễn Thông – 27.09.2022
Bài báo thượng dẫn đã được nhiều trang mạng đăng lại cùng với vô số lời bình. Tất cả đều rất rườm lời (hoặc rất rườm rà) đọc mà phát mệt luôn. Chớ nói cho nó gọn (và cho nó lẹ) thì chỉ cần một từ là đủ: tởm!
Tưởng Năng Tiến