logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 05/02/2023 lúc 01:30:17(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 
VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2023
 
 
Tựa: TRỊNH Y THƯ
Bạt: VŨ HOÀNG THƯ
Nhận định: CUNG TÍCH BIỀN
Tranh bìa: PHẠM CUNG
Ảnh chân dung: CHƯƠNG-CHƯƠNG
Thiết kế sách: TRỊNH Y THƯ
Thiết kế bìa: LÊ GIANG TRẦN
Đọc bản thảo: TRẦN THỊ NGUYỆT MAI
 
 
LỜI NGỎ
 
Bạn Thơ ơi,
 
Với riêng tôi, Lục Bát thân thuộc như hơi thở.
 
Cha mẹ tôi kể thường ru tôi ngủ bằng những câu thơ lục bát. Như thế thì chưa biết nói đã được nhạc Lục Bát ấp ưu trong từng hơi thở đầu đời. Cứ thế mà bén rễ, ăn sâu vào cảm thức, cho đến khi bật ra thành câu thuở chập chững làm thơ, xem như Lục Bát là miếng cơm mớm cho những câu thơ bắt đầu tập nhai tập nuốt. Rồi theo hoài. Rồi thành quen. Đến nỗi Lục Bát gần như một phản xạ của rung động tức thì. Rồi cùng mình lặn lội tháng ngày, nuôi lẫn nhau thêm cái trầm lắng của sự chiêm nghiệm có được theo thời gian.
 
Và tôi đã cảm nhận rằng Lục Bát, dù mang nét chân phương như ca dao, vè, hay đầm đẫm nét sang cả của một Sáu Tám thâm viễn u u, thì ở mỗi tính cách, Lục Bát vẫn có sức quyến rũ riêng.
 
Tôi  đã  gom lại những bài Lục Bát của mình để có được một tặng phẩm nhỏ  này  như một tri ân Lục Bát, như quả thu được từ hoa lời ru của cha mẹ, như sợi tằm chắt chiu gửi cho Đời cho Người.
 
Vì không xếp thứ tự bài theo ngày tháng, và cũng vì có chút ý thích riêng, nên tập thơ hợp thành một dòng thời gian chập chùng đan xen giữa ngày qua ngày nay. Và hình ảnh, cảm xúc, ý nghĩ có đôi khi va chạm nhau tùy vào tâm trạng lúc viết. Đó là phút giây cảm xúc bắt được lúc ấy – đang là – và đã qua. Đang, Đã ấy lại dợm cho tôi cái Sẽ. Tuần tự kéo nhau để rồi giật mình, ảo-thực. Nên chi mong bạn thơ được nhẹ lòng khi cùng tôi bước vào dòng thời gian mộng ảo này.
 
– Nguyễn Thị Khánh Minh
(Santa Ana, một ngày Thu, 2022)
 
Tập thơ gồm ba phần:
 
Phần 1: LỤC BÁT TẠ ƠN.
Phần 2: ĐỒNG DAO TA (gồm những bài Lục Bát biến tấu).
Phần 3: THÁNG NĂM LÀ MỘNG ĐANG ĐI.
 
 
LỤC BÁT NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
Tơ Tóc Cũng Buồn
 
Trịnh Y Thư
 
1.
 
Trong một lần trò chuyện thân tình về thơ và các đề tài liên quan đến thơ, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh có bảo tôi rằng thơ của chị luôn luôn “được chỉ đường bởi những giấc mơ.” Rằng chị “nhìn thực tại qua lăng kính của mơ.” Vì sao ư? Vẫn theo lời chị, vì “thực tại có quá nhiều điều tàn khốc càng lúc càng đẩy con người vào niềm vô vọng.” Chị tự thú nhận chị là người quá nhạy cảm với sự đau đớn mà con người gây ra cho nhau về thể xác cũng như tinh thần, nên chị “muốn dùng ánh phản chiếu đẹp đẽ của mơ để khơi dậy niềm hy vọng.” Theo chị thì thơ và mơ tuy là hai thực thể tách biệt nhưng chúng xoắn xuýt lấy nhau, như cặp tình nhân ở độ nồng mặn nhất của tình yêu, cái này xuyên thấu cái kia, và ngược lại. Có lẽ bởi thế, chị rất thích câu nói của Hans Sachs, một thi hào người Đức sinh sống vào thời Trung đại, “Tất cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những giấc mơ,” mà chị dùng như một trích ngôn trong tập thơ Ngôn Ngữ Xanh xuất bản cách đây ít lâu.
 
Đoạn chị giải thích thêm, một cách chi li, rạch ròi: “Nhà thơ dùng thơ, cách khả dĩ nhất để diễn đạt được cái bất-khả-tư-nghị của mơ, đặt một cái không biên giới vào cái hạn hẹp của ngôn từ, cũng vì vậy đẩy họ bứt phá ngôn ngữ, làm sao để đem cái phi thực huyễn ảo ấy hiển lộ dưới ánh sáng của lời, do tác động qua lại đó nên có thể nói viết văn, làm thơ, là một cuộc đuổi bắt dài. Khởi đi từ giấc mơ, nhưng hành trình thơ là dặm trường sáng tạo, đi tìm Giấc Mơ.”
 
Kỳ thực, mỗi con người chúng ta, ai nấy đều sở hữu một thế giới tiềm ẩn bên trong trí óc mình. Gọi thế giới ấy là tiềm thức, siêu thức hay vô thức đều đúng. Đôi khi, bằng cách này hay cách nọ, ý thức đi vào thăm dò vùng đất đầy khói sương mờ mịt đó và lôi ra không biết bao nhiêu khối quặng tinh ròng để người nghệ sĩ, qua ý thức và tài năng, biến chúng thành nghệ thuật. Thế giới trong cõi mù sương ấy là cái gì bí nhiệm đen tối, nhưng lại cung cấp cho ta những chất liệu phong phú nhất trong thao tác sáng tạo. Khổ công gọt giũa khối quặng tinh ròng lấy ra từ vùng đất sâu thẳm là công việc của người nghệ sĩ.  Bởi những chất liệu “sống” ấy không phải nghệ thuật, nó chỉ là nghệ thuật sau khi đã được nhà nghệ sĩ, nhờ tài năng và một tấm lòng, một niềm tin son sắt, chuyển hóa thành tác phẩm.
 
Nguyễn Thị Khánh Minh là một nghệ sĩ như vậy. Với tập thơ mới nhất của chị, Tháng Năm Là Mộng Đang Đi (Văn Học Press xuất bản, 2023), tôi càng tin chắc vào điều này.
 
Vừa pha mầu theo bình minh
Đã vỡ òa theo dòng xanh. Của nắng
Tung ban mai. Ngày sóng sánh
Tràn xuống đây. Sân gạch. Vẽ bóng rơi
Đúng nơi bóng ấy. Tôi ngồi
Mỗi sáng trông lên biển trời. Quê cũ
(Quê cũ)
 
Ký ức luôn là nỗi ám ảnh lớn của Nguyễn Thị Khánh Minh. Ký ức của bóng là nhan đề một tập thơ khác của chị. Ký ức bộn bề bủa vây tâm cảnh chị. Ký ức nằm sâu trong tiềm thức, bỗng một hôm, nhờ một thanh âm, một cảnh sắc, một cảm xúc bất chợt, thậm chí một từ, dấy lên và ý thức chụp bắt được, chuyển hóa thành thơ. Ký ức về “dòng xanh” của một con sông trong tâm tưởng, trên đó có nắng bình minh vỡ òa. Sân gạch hanh hao. Và cái bóng. Đúng nơi bóng ấy. Tất cả như hòa quyện trong một tâm cảnh vừa cảm hoài vừa mang mang hoài nghi, như thể không biết đó có thực là cái gì mình từng trải nghiệm hay không.  Đường biên giữa ký ức và thực tại như bị xóa mờ. Ký ức là thực tại và thực tại là ký ức. Để chỉ còn biết “trông lên biển trời” mà tưởng về quê cũ.
 
Đa phần các bài Lục Bát (ít có bài nào dài quá năm, sáu khổ thơ) của Nguyễn Thị Khánh Minh trong tập thơ này đều có chung một khí quyển như vậy, một khí quyển rất Nguyễn Thị Khánh Minh, được định hình từ những Giấc Mơ, và qua chữ nghĩa diễm ảo nuột nà của chị, chúng cho người đọc yêu thơ nhiều cung bậc cảm xúc, mà mỗi cung bậc là một chiêm nghiệm khác nhau của thần cảm, linh cảm hay trực cảm. Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh có xu hướng thiên về trữ tình, không nặng lý trí, không nghiêng về triết học siêu hình, mà ngả về mặt cảm xúc nhiều hơn, và qua chữ nghĩa óng ả đầy bùa phép của chị, nó là thứ cảm xúc đi thẳng từ trái tim thi nhân vào trái tim người đọc.
 
Thơ chị có nhiều thi ảnh, gần như bài nào cũng có những thi ảnh lấy ra từ thiên nhiên, con người, cuộc sống, như một ống kính vạn hoa, để từ đấy cảm xúc phóng chiếu lên nền một tâm cảnh nền nã, dịu êm. Những thi ảnh ấy đóng vai trò ẩn dụ, hoán dụ trong thơ chị.
 
 
2.
 
Toàn tập thơ Tháng Năm Là Mộng Đang Đi của Nguyễn Thị Khánh Minh là mấy trăm bài lục bát. Đây quả là một thách thức về hình thức biểu đạt, bởi không dễ dàng chút nào để duy trì tính nghệ thuật và cùng lúc giữ cho người đọc sự thú vị xuyên suốt khi đọc từ bài này sang bài khác. Tôi nghĩ Nguyễn Thị Khánh Minh đã có sự tự tin vững vàng hiếm có khi làm như thế.
 


Thể thơ lục bát từ nhiều năm đã không được nhiều nhà thơ, nhất là những nhà thơ trẻ, chọn làm hình thức biểu đạt tâm tư mình. Kỳ thực, nó bị bỏ rơi một cách buồn bã. Một thể thơ truyền thống của dân tộc, gắn bó với tâm hồn Việt Nam cả nghìn năm, ngày nay bị quay lưng lại, bị ruồng rẫy một cách đáng thương? Phải chăng nó không còn thích hợp cho những thao tác sáng tạo mới? Phải chăng niêm luật thơ lục bát gò bó quá, âm nhạc trong thơ lại đơn điệu, dễ nhàm chán, ý tình chẳng thể nào biểu đạt cho trọn vẹn? Phải chăng tính cách trữ tình, ý nhị của lục bát cũng kềm hãm, không cho bốc cháy những tứ thơ mãnh liệt, khốc liệt khiến nó không còn phù hợp với tiếng nói và nhịp đập của thời đại? Người ta chán thơ lục bát bởi dễ làm nhưng khó hay. Và vì khuôn sáo. Khuôn sáo ở những chỗ gieo vần, một hình thức làm cho đầy, lấp đầy những khoảng trống để “bắc cầu” cho những từ quan trọng hơn trong bài thơ.
 
Tôi tin là, qua tập thơ Tháng Năm Là Mộng Đang Đi, Nguyễn Thị Khánh Minh đã khắc phục được gần như tất cả những nhược điểm trên của thể thơ lục bát. Hãy lấy ra một bài thơ tiêu biểu:
 
Tôi ngồi lại. Một nốt nhạc
tím. Và chiều, một khúc hát bay xa
Rưng rưng mầu lá trên hoa
Một vệt sáng ngày vàng. Pha tĩnh vật
Rót đầy ly chiều ong mật
Hứa hẹn tôi về một giấc nắng mai
(Tĩnh vật chiều)
 
Trong một bài thơ vỏn vẹn sáu câu, Nguyễn Thị Khánh Minh đã áp dụng kỹ thuật vắt dòng (nhạc/ tím); chấm câu bất định; vần trắc thay vì vần bằng (nhạc/ hát – mật/ giấc); nhịp tiết 3-3 thay vì 2-2 thông dụng. Sự phá cách như vậy đã khiến bài thơ lục bát bỗng mang một diện mạo mới mẻ. Nó khiến người đọc thơ có một cách cảm thụ khác, vì trúc trắc nên nó bắt người đọc phải dừng lại suy ngẫm thêm ở những chỗ trúc trắc. Người đọc, nhờ vậy, có thể tự tiếp dẫn bước qua đường biên của bài thơ để tìm kiếm, thăm dò những cầu vực mới, những khả thể mới.
 
Tính nhạc của thơ lục bát phá cách trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh cũng là một thử nghiệm thú vị đầy tính sáng tạo. Ngữ nhạc và cú điệu hai câu đầu bài Tĩnh vật chiều là nghịch âm, nhưng ngay tức khắc câu lục tiếp theo là thuận âm, và người có óc thẩm âm nhận ra ngay đây là phương cách chuyển cung rất thường thấy trong âm nhạc. Câu bát tiếp theo câu lục trở về nghịch âm cho đến hết bài thơ. Ngữ nhạc nhờ đó trở nên phong phú, nó gây cảm giác bâng khuâng khó tả, như nghe một  khúc nhạc của  Claude Debussy.  Hiệu ứng  của  câu chữ,  thi ảnh  tương thích với ngữ nhạc là sự thành công của bài thơ.
 
Thủ pháp  đặt  hai  thi ảnh hoặc hai phạm trù hoặc hai ý tưởng trái ngoe liền kề (tiếng Anh là incongruous juxtaposition) cũng được Nguyễn Thị Khánh Minh chú trọng, tuy không nhiều, và khi áp dụng, chị tìm kiếm sự tương hợp chứ không phải tương phản. Thí dụ là câu Rót đầy ly chiều ong mật trong bài thơ trên.
 
Nói như thế, tôi nghĩ Nguyễn Thị Khánh Minh là nhà thơ quan tâm nhiều đến từ và cảm xúc do từ đem lại. Vũ trụ thơ của chị là vũ trụ trong đó từ và nghĩa luôn luôn đi kèm sát nhau, ta không thể tách rời ý nghĩa của thơ ra khỏi ngôn từ. Mỗi con chữ trong bài thơ đều có ý nghĩa của nó, giữa những con chữ cũng có một ý nghĩa hữu cơ nào đó, nhưng đừng đòi hỏi, gán ghép hoặc phán quyết một ý nghĩa tổng hợp có tính áp đặt nào ở ngoài bài thơ. Nói cách khác, đừng đòi hỏi Nguyễn Thị Khánh Minh cho ta một thông điệp hay một dụ ngôn. Các thứ đó không có trong bộ từ vựng của chị. Chị chỉ giản dị ao ước những điều thật giản dị để hòa nhập với nhân sinh, để Một vòng tay. Ấm nỗi tình nhân gian.
 
Đem về. Một vạt nắng trong
Mở trang giấy ép một lòng ban mai
Hỏi con nắng. Đã vì ai
Để trang giấy mở thơm hoài bình minh

Mỗi buổi sáng. Một nụ cười
Đóa hướng dương nở mặt trời của tôi
Dưới kia một dòng sông trôi
Nước đi nước chở một nôi nắng đầy
Lòng tôi chở cánh mây bay…
(Ơn ngày bao dung)

Dường như chưa vẹn yêu thương
Xin trở lại. Về gần hơn. Bước mình
Về gần hơn. Mặt đất xinh
Một vòng tay. Ấm nỗi tình nhân gian
(Ơn nụ cười)
 
 
3.
 
Em hỏi anh đâu Niềm Vui
– Em ơi hãy nhóm tự bùi nhùi tim
Lửa hoa theo đó mà tìm
(Hỏi đáp giữa em-anh)
 
Đi tìm hạnh phúc, đối với Nguyễn Thị Khánh Minh, là sự trở về, trở về bản thể uyên nguyên, với chính con tim mình. Hạnh phúc đó không ở đâu xa và nó giản dị lắm, bởi nó chỉ là ước muốn tha thiết Nhìn nắng bình minh chan hòa; Soi gương cho tỏ nụ hoa, nụ cười; Nhẹ nhàng mà thác mà ghềnh; Nhìn xem hạt sương im trên cành…
 
Hơn ai hết,  Nguyễn Thị Khánh Minh  ý thức được một hạnh phúc như thế, để đạt tới lại không dễ dàng chút nào, bởi nó đòi hỏi người phải quay về với Như sau khi hiểu thấu nỗi đau của cát bụi. Cực kỳ giản dị nhưng lại vô vàn khó khăn thực hiện. Quả là một nghịch lý. Và cách duy nhất người có thể làm được là hãy trực diện nhìn thấu nỗi đau.
 
Về trong tiếng gọi cội nguồn
Một tâm xao động. Một hồn tịch nhiên
Lắng vào lời của vô biên
Nghe trong ta nở một miền cỏ hoa
(Như)

Dòng sông hay dòng lệ
Về đâu. Tan một bể xanh dâu
Xin nhìn thấu nỗi đau
(Bên bờ)
 
Rất nhiều bài thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh chứa đựng ý niệm đó, như những biến tấu từ một chủ đề, một chủ đề có lẽ đã có từ nhiều ngàn năm trước mà sao người vẫn vật vã trong mê lộ.
 
Tầm xuân mơ giấc bình thường
Những bước đi. Những con đường sớm mai
Sau lưng khuya khoắt đêm dài
(Tầm xuân hóa hiện)


Nguyễn Thị Khánh Minh ý thức rất rõ về sự hữu hạn và nỗi bấp bênh của kiếp nhân sinh. Rơi là một bài thơ tương đối dài so với những khúc thơ khác trong tập thơ, nói về điều này. Đó là một bài thơ tôi tâm đắc, bởi chỉ trong một bài thơ ta có thể có cái nhìn trải rộng bao quát về kiếp người, từ lúc Rơi vào bụng mẹ đầu thai, cho đến lúc Hóa thân sương hạt chơi vơi cõi ngoài. Và giữa hai mốc điểm đến và đi đó, là:
 
Tan sương bao kiếp giấc mơ
Trôi đi bao nỗi ngẩn ngơ kiếp lời
Dường như là tôi đang rơi…
(Rơi)
 
Thấu hiểu sự mong manh vô thường của kiếp người, chị biết ơn cuộc sống hơn. Với tâm thức đó, trần gian đối với chị trở thành nơi Để lòng rộng mở để hơi thở đầy, cho chị yêu thương người, cho chị quý từng hơi thở trong từng sát na.
 
Ô trần gian có phải nơi
Để lòng rộng mở để hơi thở đầy
Cho tôi biết cuộc sống này
Từng phút trôi là từng giây sống đời
Từng thương yêu. Để yêu người
(Ơn trần gian)
 
Hay, ở những khúc thơ khác:
 
Sáng nay trời đất như thường
Mà ô hay một tấm gương diệu kỳ
Vỡ hoài dưới bước ta đi…
Rồi nguyên như cũ, lưu ly đất trời
(Một thoáng)
 
Vỗ tay tàn cuộc mông mênh
Nghe dâu xanh thở nổi nênh phận người
Sinh khóc tử khóc như cười
Vút cao trái bóng, cõi đời mây bay
Thưa người, ngọn gió ngất ngây…
(Trò chơi con trẻ)
 
 
4.
 
Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh là những đóa hương diệu kỳ đánh động trái tim ta, cho ta niềm cảm xúc dạt dào, và toát ra từ câu chữ là nỗi niềm thương yêu nhân hậu, cảm thông trọn vẹn với cuộc nhân sinh. Cái đau, nếu có, thì cũng có thể khỏa lấp được bằng thương yêu và hy vọng. Cái đau của chị không quằn quại thê thiết, nhưng không phải vì thế mà nó thiếu chiều sâu.
 
Mai về
Một cõi riêng em
Gửi năm tháng lại
Bên thềm thời gian
Ngày xanh
Nếp nếp từng trang
Lời thơ chưa cạn
Đôi hàng chữ khô
Tàn hơi một cuộc mong chờ
Hoang mang con nước nằm mơ cội nguồn
Dăm lời thề thốt trôi suông
Nghe ra tơ tóc cũng buồn biển dâu…
(Tơ tóc cũng buồn)
 
Có thể nói bài thơ này gói ghém trọn vẹn ý tình của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Chia sẻ được với chị là hạnh phúc của người đọc chúng ta.
 
Trịnh Y Thư
 
 
Sách đã có bán trên BARNES & NOBLE
206 trang, bìa mềm, 5.5” x 8.5”, giá bán: US$20.00
Xin bấm vào đường dẫn sau: 
https://www.barnesandnob...923479?ean=9798823166874
 
Từ tìm kiếm: thang nam la mong dang di, nguyen thi khanh minh
 
Hoặc liên lạc với tác giả hay NXB qua địa chỉ email sau:
 
ngkhanhm@gmail.com
vanhocpress@gmail.com
 

song  
#2 Đã gửi : 05/02/2023 lúc 01:32:23(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Đọc Thơ Khánh Minh, Tháng năm là mộng đang đi

Khánh Minh tâm sự: “Với riêng tôi, Lục Bát thân thuộc như hơi thở. Cha mẹ tôi kể thường ru tôi ngủ bằng những câu thơ lục bát. Như thế thì chưa biết nói đã được nhạc Lục Bát ấp ủ trong từng hơi thở đầu đời. Cứ thế mà bén rễ, ăn sâu vào cảm thức, cho đến khi bật ra thành câu thuở chập chững làm thơ…


Và tôi đã cảm nhận rằng Lục Bát, dù mang nét chân phương như ca dao, vè, hay đầm đẫm nét sang cả của một Sáu Tám thâm viễn u u, thì ở mỗi tính cách, Lục Bát vẫn có sức quyến rũ riêng.


Tôi đã gom lại những bài Lục Bát của mình để có được một tặng phẩm nhỏ này như một tri ân Lục Bát, như quả thu được từ hoa lời ru của cha mẹ, như sợi tằm chắt chiu gửi cho Đời cho Người…” – Nguyễn Thị Khánh Minh.


Khánh Minh có lần cho biết, trong bài phòng vấn của Lê Thị Huệ trên gio-o.com: “Tôi vẫn luôn luôn viết từ cảm xúc tức thời của mình, về những điều tôi chợt thấy, hay về những điều ám ảnh và trở đi trở lại trong ý nghĩ mình, và tôi thường diễn đạt theo một thi pháp trong sáng nhất, trong sáng với nghĩa dễ hiểu, không nhiều ẩn dụ. Tôi mong là người đọc thơ tôi cảm được cái Thơ của nó không qua suy nghĩ. Một cái hiểu và cảm tức thì”.


Nhiều người cho rằng Lục bát thì “dễ làm mà khó hay”, nên phải làm mới, đưa kỹ thuật hàn lâm vào để nâng cao, để có thứ lục bát “đầm đẫm nét sang cả của một Sáu Tám thâm viễn u u” thì tôi chịu thua! Theo tôi, làm mới lục bát đúng là một chuyện không dễ và… không cần. Nó là một thứ tiếng nói. Tiếng nói Việt. Cho nên cách tân lục bát để “hàn lâm” nó chỉ gây thêm khổ cho cả người thơ và người đọc.


Nhiều bài lục bát hàn lâm, sang cả u u, tôi ráng hiểu, thấy khâm phục, nhưng lạ, sao không thấy hay! Đành cười mình dốt đặc! Hay, với tôi là cái đọng lại, cái ngẩn ngơ sau những câu chữ buột miệng, tình cờ… kiểu như thò tay ngắt một cọng ngò/ thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ… Phải, thứ lục bát của ca dao tôi, của tâm hồn tôi. Nó quê mùa, nó chơn chất. Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà… Nó cứ trơn tuột như vậy, bước xuống vườn cà để làm gì? Để hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay. Ai bảo nó là lục bát. Ai bảo nó không là lục bát. Ba đồng một miếng trầu cay/ Sao anh không hỏi những ngày còn không/ Bây giờ em đã có chồng… Vậy đó. Nó cứ tuồn tuột. Mà nó bứt rứt, mà nó thốn đau, mà nó đay nghiến, mà nó dằn vặt… có khi đến trọn  đời. Với tôi, còn là thứ lục bát con cò mà đi ăn đêm, trông trời trông đất trông mây… toàn là những nỗi đau, nỗi mong, nỗi đợi. Lục bát như vậy nó không cần đi vào sang cả u u, phải vật vã truy tìm, mà nó đi thẳng vào tim với rung động sáu cách...!


Tháng năm là mộng đang đi… của Khánh Minh là một tập thơ luc bát lạ, nó vừa “sang cả u u” lại vừa “chơn chất thật thà”, đầy những kỷ niệm nhỏ to với bạn bè khắp chốn. Bởi nó là mộng. Mộng thấy quê nhà là nét dễ mến nhất, “khánh minh” nhất. Mộng thấy biển xanh. Thấy bóng nắng. Thấy cổ tỉnh. “Vằng vặc một tấm lòng/ Giếng xưa trăng rọi bóng” (trạm trạm nhất phiến tâm/ minh nguyệt cổ tỉnh thủy. Nguyễn Du).






Vòng tay mở rất quê nhà
Trông lên đôi mắt đã là quê hương
 
Tôi biết nhà thơ muốn viết đã nhòe quê hương…

(Tháng năm là mộng đang đi)


Và ta hiểu nỗi cô đơn dằng dặc thế nào trong cảnh sống xa quê của một người có tấm lòng “cổ tỉnh”.


Nói thầm
Gọi thầm
Hát thầm
Luôn luôn như thế
Lặng câm
Một mình
Như cơn sốt nặng làm kinh
Bật lên tiếng gọi thình lình. Giữa đêm
Thì ra vì quá lặng im
Sợ quên. Nên gọi. Để tìm mình thôi
(Nói thầm)


Bỗng nhớ Thanh Tâm Tuyền hơn nửa thế kỷ trước:


Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
Thanh Tâm Tuyền Thanh Tâm Tuyền.
(Tôi không còn cô độc, 1956)


Không dừng ở đó, Tháng năm là mộng đang đi lại là nỗi tìm về.


Về trong tiếng gọi cội nguồn
 Một tâm xao động. Một hồn tịch nhiên
Lắng vào lời của vô biên
Nghe trong ta nở một miền cỏ hoa.
(NHƯ)
 
Lắng vào lời của vô biên/ Nghe trong ta nở một miền cỏ hoa. Phải rồi. Đó mới chính là Khánh Minh. Là nghe tiếng gọi cội nguồn, là nghe lời nói của vô biên, là đã trở về với Như Lai thực tướng.
 
Thầy Phước Hậu năm xưa (1862-1949) đã ghi nhắc:
 
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.
 
*


Tôi thử đi tìm ca dao trong lục bát Khánh Minh. Có đó.
 
Vậy mà mình đã quên nhau
Lời ca dao cũ vọng đau tháng ngày
Sẻ chia một thoáng gừng cay
Muối tình phai giữa biển đầy lãng quên
(Gừng cay muối mặn)
 
Ôi, biển đã hết mặn rồi sao? Gừng đã không còn cay nữa sao?
 
Lúc đầu tôi định chỉ trích vài câu trong Bùa Quê thôi mà không cầm lòng được, đành trích nguyên bài “Lá bùa hộ mệnh” này. Và như vậy tôi mới thấy nhà thơ rõ hơn, ngôn ngữ “bùa mê thuốc lú” rõ hơn.
 
Quen hơi bóng nắng tre xanh
Cho ngơ cho ngẩn khi mình đi xa
Ếm vào chân nỗi nhớ nhà
Đường chông chênh lạ vẫn à ơi quê
Cứ như ai dắt bước về
Chợp con mắt lại bùa mê bóng làng
Hàng cau xanh biếc thời gian
Mầu hoa bí vẫn nở tràn giấc mơ
Bước non bước biển bây giờ
Mênh mông một khoảnh ao xưa, là nguồn
Lá bùa hộ mệnh – quê thơm –
Chở tim đồng nội, che rơm rạ lòng
Biển khơi, nhớ ngụm giếng trong
Nắng mười phương, vẫn hương đòng lúa hoa
Núm quê chiu chắt con xa…
(Bùa Quê)
 
Không chỉ vậy, thấm đẫm nơi Khánh Minh còn là cõi Phật, với Nghiệp, với nhân quả, với “mũi tên nào để vết thương/ thôi thì đau, để nhẹ nhàng cái vay”.
 
Mũi tên nào để vết thương
Thôi thì đau, để nhẹ nhàng cái vay
Hạt vơi đong nỗi hạt đầy
Ơn trời, mưa bóng mưa mây thôi mà
Đi đi. Đường hãy còn xa…
(Dặm trường)


Tôi cũng nghĩ vậy. Đi đi. Đường hãy còn xa.  

5/02/2023
Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê)

Sửa bởi người viết 05/02/2023 lúc 01:32:57(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.399 giây.