Chiến đấu cơ Mỹ, Nhật, Úc bay đội hình tại căn cứ Andersen Air Force Base, Guam, 2020. Hình minh họa.
Cho đến nay, với sự tham gia của các đồng minh và đối tác, Mỹ đã sắp đặt gần như hoàn chỉnh một vành đai phòng thủ để sẵn sàng đáp trả nguy cơ xâm lược từ phía Trung Quốc và Bắc Hàn.
Đó là tuyên bố của Thiếu tướng Joshep Ryan – Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh của Mỹ (*). Phạm vi trách nhiệm của sư đoàn có Bộ Tư lệnh đặt tại Hawaii này của Lục quân Mỹ là toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tướng Ryan đưa ra tuyên bố vừa kể trong một cuộc phỏng vấn với AP tại Manila – thủ đô Philippnes. Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh Mỹ đang ở Philippines để thảo luận với giới hữu trách của Philippines về kế hoạch cho các cuộc tập trận chung sẽ diễn ra trong tháng tới và tháng tới nữa cả trên bộ, trên biển lẫn trên không ở Philippines. Theo dự kiến, sẽ có hàng ngàn quân nhân Mỹ tham gia hai cuộc tập trận này và riêng năm nay, Mỹ sẽ cùng Philippines tổ chức khoảng 500 cuộc tập trận chung ở các quy mô khác nhau.
Mức độ cứng rắn trong các thông điệp mà Mỹ gửi cho Trung Quốc, Bắc Hàn đang tăng dần và cuộc trò chuyện giữa tướng Ryan với AP chính là một ví dụ. Trong cuộc trò chuyện này, tướng Ryan nhắc đến cuộc chiến giữa Ukraine và Nga đề lưu ý cả Trung Quốc lẫn Bắc Hàn – hai quốc gia được xác định là những đối tượng có khả năng phát động các cuộc chiến xâm lược ở châu Á – cần quan sát kỹ lưỡng về hậu quả mà Nga đang phải gánh chịu và suy nghĩ cẩn thận xem có nên hung hăng như thế hay không.
Tướng Ryan nhấn mạnh: Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và những đồng minh ở châu Á trong thời gian vừa qua cho thấy Mỹ và đồng minh sẵn sàng tham chiến. Thông qua các cuộc tập trận chung, Mỹ, Nhật, Úc, Philippines và những quốc gia khác đã chứng minh sẽ cùng với nhau chống lại sự xâm lược của những quốc gia muốn thay đổi trật tự thế giới ở châu Á. Tuy châu Á không phải là đối tác của NATO nhưng liên minh quân sự này sẽ cung cấp các biện pháp bảo vệ, tham gia duy trì trật tự quốc tế trong khu vực.
Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh của Mỹ bày tỏ sự phấn khởi trước những gì ông đã chứng kiên từ các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á, đặc biệt là việc cùng nhau đáp trả hành động gây hấn của Trung Quốc. Chuyện Philippines mở cửa chín căn cứ quân sự (một số trông sang Đài Loan, một số trông ra biển Đông) để tiếp nhận các đơn vị của quân đội Mỹ trú đóng theo hình thức luân phiên và bố trí sẵn vũ khí, quân cụ, phương tiện quân sự là ví dụ mới nhất.
Cho đến nay, với sự tham gia của các đồng minh và đối tác, Mỹ đã sắp đặt gần như hoàn chỉnh một vành đai phòng thủ để sẵn sàng đáp trả nguy cơ xâm lược từ phía Trung Quốc và Bắc Hàn. Sự phản đối của Trung Quốc về những cuộc tập trận có quân đội Mỹ tham gia ở những vùng ven biển Đông – khu vực mà Trung Quốc muốn xác lập chủ quyền - cũng như những cáo buộc vể việc Mỹ can thiệp vào các tranh chấp ở châu Á, quân sự hóa gia tăng nguy hiểm tại khu vực này... rõ ràng là... phản tác dụng!
Theo tướng Ryan, mục đích chính của việc thiết lập vành đai phòng thủ và liên tục tổ chức các cuộc tập trận chung với đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á là nhằm “răn đe” đối thủ trong khu vực: Mỗi chính khách, mỗi chính phủ sẽ phải nhìn vào mối liên kết đó để suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định. Họ phải cân nhắc xem có thể thắng nếu phải đối mặt với lực lượng đã được huấn luyện và sẵn sàng như vậy hay không. Trước nay, giới hữu trách của các bên tham gia tập trận ở khu vực châu Á thường không xác định loại hoạt động này nhắm vào quốc gia nào nhưng giờ đã khác. Tướng Ryan bảo rằng: Sự hung hăng của Trung Quốc là một thực tế đáng ngại mà cả khu vực nên chuẩn bị. Khi huấn luyện, khả năng xâm lược của Trung Quốc có xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta không? Hoàn toàn có thể! Chúng ta có nghĩa vụ phải bảo đảm rằng Philippines có thể duy trì và sẽ duy trì chủ quyền của họ. Sự gây hấn của Trung Quốc khiến đồng minh của chúng tôi khó chịu cũng khiến chúng tôi khó chịu.
Chỉ tính riêng năm ngoái, Philippines đã gửi khoảng 200 công hàm phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông – hải lộ vừa đông đúc, vừa giàu tài nguyên, nơi Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cùng xác lập chủ quyền ở những vùng chồng lấn. Trả lời thắc mắc, liệu Mỹ và các đồng minh ở châu Á có sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra tình huống tương tự như Nga xâm lược Ukraine trong khu vực hay không, tướng Ryan khẳng định: Hoàn toàn có thể. Tôi tự tin là chúng tôi đã sẵn sàng nhưng điều đó không có nghĩa là tôi hài lòng. Chúng ta luôn có thể làm tốt hơn. Theo ông: Các đối thủ của Mỹ nên ngẫm nghĩ về đối thoại vì chiến tranh rất phức tạp và có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Nga đã nhận ra và sẽ còn nhận ra điều này. Trước chiến tranh, nhiều người nghĩ Ukraine sẽ nhanh chóng bị khuất phục trước sức mạnh quân sự của Nga nhưng điều đó đã không xảy ra vì hai lý do, thứ nhất, đó là ý chí chiến đấu của dân chúng Ukraine...
Thứ hai là Mỹ và NATO đã hỗ trợ quân đội Ukraine bằng cách huấn luyện, nâng cao khả năng đối phó với các tình huống an ninh bất ngờ của họ trong nhiều năm trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược quy mô lớn vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tướng Ryan nói thêm: Tôi nghĩ các đồng minh của chúng ta trong khu vực coi trọng chủ quyền của họ, coi trọng tự do của họ, coi trọng nền độc lập của họ và không đối thủ nào nên xem nhẹ điều đó.
Trân Văn (VOA)
____________
Chú thích(*)
https://www.armytimes.co...re-battle-ready-in-asia/