Không thơm cũng thể hoa nhài
Không sang cũng thể là người Tràng An.
Nghe lại câu này từ một ca sĩ khi cô tự giới thiệu về gốc gác của mình trong một chương trình ca nhạc, tôi đã nghe lòng sướng tỉ tê. Không biết có phải vì mình gốc dân Hà Nội, hay vì cảm cái nhan sắc của mỹ nhân đồng hương với mình. Cô ca sĩ có khuôn mặt khả ái và một giọng nói nhẹ nhàng nhưng thật lôi cuốn đã làm cho hồn tôi chao đảo để có thể dễ dàng nhận cô là một trong số người Tràng An chính gốc, còn lại rất ít trong số dân hiện nay của thủ đô ngàn năm văn vật xa xưa.
Chuyến về quê của tôi chỉ là đi từ Nam ra Bắc, vì tôi là một cư dân của Sài An, tức là Sài Gòn, nói văn vẻ dựa hơi Tràng An một tí. Đối với tôi, thành phố hoa lệ một thời mà tôi đã sinh sống từ thuở thơ ấu đến ngày bạc tóc hôm nay vẫn mãi là Sài Gòn. Và chỉ là Sài Gòn thôi. Tôi không chấp nhận một cái tên nào khác, của bất cứ một nhân vật hay sinh vật nào đó. Tôi đã gắn bó với Sài Gòn hơn nửa đời người. Cuộc sống hạnh phúc của một thanh niên mới lớn sớm bị cướp đi bởi cuộc đổi đời bi thảm năm 1975. Đổi đời, và đời xuống dốc không phanh. Tôi đã là một tên vô tích sự, so ra còn thua những cột đèn thành phố. Tụi nó không có chân nên chịu thua, còn tôi có chân mà chẳng đi được. Vì thế cứ phải gắn bó, một cách bắt buộc, với cuộc sống quá nhiều hệ lụy này như một công dân mạt hạng, thiếu tên trong sổ bộ đời của một xã hội điên mê. Đi xin việc làm nhiều nơi, dù tôi có học lực và bằng cấp, nhưng vẫn bị từ chối một cách phũ phàng. Tác phong lịch sự không hề có trong cái xã hội mới, nên những tên chủ mới của đất nước băng hoại này đã trả lời thẳng thừng là “không có chỗ cho những người lý lịch xấu như anh !” Chẳng còn cách nào khác hơn là tôi cứ ung dung (hay ra vẻ như thế) làm một tên thất nghiệp kinh niên từ đó đến nay, năm thứ hai mươi của thiên niên kỷ mới.
Thật sự, tôi rất tự hào về cái “lý lịch xấu” này của tôi. Tôi là đứa em út được cưng chiều trong một gia đình với những ông anh quyền thế một thời. Khi lũ người rừng tràn về thành phố, họ đã ra tay trả thù những người chiến bại cùng một màu da, tiếng nói, bằng một phương thức dã man, tàn độc. Đó là dùng Đói, Lạnh và Bệnh tật để giết lần hồi tù nhân trong các trại tù khổ sai được gọi bằng mỹ từ “trại học tập cải tạo”. Những năm xưa, khi theo đỡ đần người Mẹ già đáng thương của tôi, băng rừng lội suối đi thăm nuôi những ông anh đang bị tù đày, tôi thực không thể ngờ được rằng những người thân yêu của tôi, thân gầy mỏng như chiếc lá khô, di chuyển chậm chạp vật vờ kia sẽ còn sống sót và lại có ngày được thả, để được người bạn đồng minh phản bội đón nhận. Rồi không lâu sau đó, thằng em “giàu út ăn, khó út chịu” là tôi lại được “ngoại viện” để làm tốt hơn bổn phận phụng dưỡng cho Bố Mẹ còn ở lại quê hương tội tình này.
Kể lể dông dài đến đây chắc có vị sẽ thấy thương cảm và hỏi tôi làm sao để sống. Xin trả lời ngay là tôi có thu nhập bằng nghề tay trái quí vị ạ! Đó là nghề hướng dẫn du lịch. Dĩ nhiên là tôi chả cần phải đăng ký vì tôi chỉ hành nghề nghiệp dư thôi. Một năm chỉ cần làm vài ba chuyến là xu hào rủng rỉnh, đủ ăn uống qua quít và cà phê thuốc lá. Tuy chỉ là một hướng dẫn viên làm ăn ngoài luồng (hay gọi là làm chui cũng thế) nhưng tôi rất có lương tâm và tận tụy với nghề. Đôi khi, sẵn sàng xả thân như “Lê Lai cứu chúa” để phục vụ khách hàng. Bởi vì, thân chủ chẳng có xa lạ gì, chính là thân quyến, là các anh chị và các cháu của tôi, cũng là những “khúc ruột thân thương của tổ quốc” từ ngàn dặm về thăm quê hương.
Cuối năm nay, tôi đón một ông anh cùng với vợ con về thăm nhà. Theo yêu cầu của anh, sau khi về ngôi nhà từ đường ở Sài Gòn, tôi sẽ có nhiệm vụ đưa anh chị và các cháu ra Hà Nội thăm lại căn nhà xưa ở Khu Phố Cổ. Anh tôi gọi chuyến đi này là “Trở về mái nhà xưa”. Tôi nhớ, bài hát bất hủ “Come back to Sorrento”, lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy, bắt đầu bằng câu: “Về đây khi mái tóc còn xanh. Về đây với màu gió ngày lang thang...” rồi nghĩ tới mái tóc bạc phơ và đôi cánh tay gầy, da mồi nhăn nheo của ông anh mà thấy lòng buồn rười rượi. Nói là về thăm nhà nhưng nào có phải là về nhà để ở đâu. Chỉ là đi ngang qua, ngắm lại ngôi nhà xưa xem bây giờ nó ra sao, để mà hồi tưởng, để nhớ lại một thời niên thiếu thật hồn nhiên và vô cùng tươi đẹp của anh em tôi ở con phố nhỏ đầy ắp những kỷ niệm thân thương ấy.
Từ phi trường Nội Bài, về khách sạn nghỉ ngơi chốc lát, chúng tôi thuê một chiếc taxi bảy chỗ ngồi để dạo một vòng thành phố. Ngôi nhà xưa của chúng tôi toạ lạc gần một ngã tư với đường rầy xe lửa. Tôi cho anh tài xế biết tên của ngã tư và dặn khi đến đấy tìm một chỗ đậu xe lại chừng vài phút rồi chạy tiếp. Ông anh nhìn tôi và nháy mắt cười ra vẻ đồng tình và hài lòng với cách làm ăn đầy ý thức của tôi về việc bảo vệ những điều riêng tư. Đến ngã tư, xe taxi tìm được một chỗ đậu thuận tiện. Mái nhà xưa đây rồi ! Nhà nằm ở bên kia đường, xéo về hướng đường rầy xe lửa. Anh tôi bước xuống xe. Tôi xuống theo với chiếc máy ảnh, vì trước khi đi anh đã dặn chụp cho anh vài tấm hình đứng trước ngôi nhà xưa. Anh bước đi chậm rãi và dừng lại khi trực diện với căn phố mà anh em chúng tôi lìa xa đã hơn nửa thế kỷ. Anh đứng nhìn chăm chú, mắt ngời sáng, môi anh mấp máy như đang nói chuyện với ai đó bên kia con phố tấp nập xe cộ và người đi lại. Tôi đứng bên anh, giữ yên lặng để tôn trọng cái khoảnh khắc đáng ghi nhớ của một đời người phiêu bạt. Tôi biết, giờ này, những cơn xúc động trào lòng đang xâm chiếm anh tôi. Rời Hà Nội từ khi còn thơ dại, nên tôi gần như không có được một ký ức nào rõ nét về mái nhà xưa. Đối với anh thì khác, bầu trời thơ ấu luôn đi theo anh trên suốt hành trình của cuộc đời. Anh trân quí và gìn giữ những kỷ niệm tuổi thơ ở một ngăn kín trong trái tim đầy ắp tình cảm cho gia đình và quê hương của anh. Tôi biết chắc như thế, vì trước đây, mỗi khi có dịp nhắc đến Hà Nội là anh kể cho các em nghe những kỷ niệm đầy lý thú. Anh kể thật say sưa, nghe rất khoái. Con đường sắt còn nằm đây, hẳn sẽ gợi cho anh nhớ những ngày vui chơi vừa thích vừa sợ, khi rình chờ không để bị mất cắp những nút khoén, nắp chai bia, đã được xếp dài theo đường rầy chờ xe lửa đi qua cán cho phẳng. Anh kể, dạo đó, chỉ những thằng bạo gan như anh mới dám chơi cái trò này, vì phải làm thật nhanh vào giờ xe gần chạy qua, vừa canh chừng ăn trộm vừa lánh mặt người quen đi qua, không thôi bị mách thì ốm đòn. Những nắp chai bằng thiếc khi được xe lửa cán phẳng sẽ giữ nguyên được những hình vẽ rất đẹp và “có giá” lắm. Dùng nó làm tiền giả trong các trò chơi cũng được, hay là cứ tích lũy gần đầy một ống bơ đem bán cho các tiệm làm đồ chơi trẻ con sẽ có đủ tiền cho bốn anh em ăn một chầu kem. Anh nói, thay vì xin tiền của Mẹ, mua kem bằng tiền mình tự kiếm được, ăn càng ngon hơn.
Anh dặn tôi đứng cứ chờ bên này, anh sẽ băng qua bên kia đường rồi đi qua đi lại trước căn nhà xưa như một khách bộ hành nhàn tản. Tôi sẽ chờ khi vắng xe và không có ai trong nhà đi ra, anh đứng lại, thì bấm nhanh vài tấm ảnh. Anh tôi thận trọng như thế là phải. Tuy sống lâu năm ở nước ngoài nhưng anh cũng biết dân tình Hà Nội bây giờ dữ dằn và táo tợn lắm chứ không hiền như dân miền Nam. Tôi nhớ, lần trước anh về thăm nhà, tôi chở anh dạo phố Sài Gòn bằng xe Honda, anh bảo tôi dừng xe trước ngôi nhà của anh khi xưa đã bị tịch thâu khi anh xuất ngoại, để chụp vài tấm hình. Thấy tôi ngần ngại, anh cười cười rồi ung dung gõ cửa cổng. Một thanh niên đang làm gì đó trong sân bước ra nhìn, vẻ mặt không chút thân thiện. Anh nói: “Chúng tôi đi đến đây thì xe hỏng máy. Thấy ngôi nhà của anh đẹp quá, muốn xin chụp một tấm ảnh thôi, chứ không có việc gì cả!” Nghe thế, anh chàng cán bộ cười toe toét bảo: “Cứ chụp thoải mái!” Tùy cơ ứng biến nhanh trí như anh tôi mà ra Hà Nội chẳng lẽ cũng “rét”. Tôi nghĩ anh chỉ “tránh voi chẳng xấu mặt nào” mà thôi.
Phê phán dân tình Hà Nội như thế có vẻ vơ đũa cả nắm. Đi khắp thủ đô để ngắm nhìn sinh hoạt phố phường và lắng nghe thiên hạ trò chuyện, tôi mới tự xác minh được một điều là dân Hà Thành chính cống “bà lang trọc” không còn bao nhiêu. Cao lắm là một phần năm thôi. Chủ nhân của Tràng An một thời “ngàn năm văn vật” giờ này phiêu bạt nơi đâu. Nếu có ngưòi hỏi căn cứ vào đâu, và làm sao để kết luận như thế, tôi sẽ xin thưa là: cứ nghe giọng nói và nhìn cách ứng xử của họ rồi so sánh với giọng chuẩn và cốt cách của người từ Hà Nội ra đi là biết ngay. Những người nhã nhặn, lịch sự với giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn của Hà Nội xa xưa tôi được tiếp xúc hàng ngày. Đó là Ông Bà Bố Mẹ Cậu Dì của tôi. Ai đã từng một lần ghé qua Hà Nội ngày nay đều chứng kiến thái độ cọc cằn với lối nói “phang ngang bổ ngửa” ở mọi nơi, vào mọi lúc. Ngay cả những thiếu niên, mở miệng ra là “đéo....” một cách vô tư. Ông tôi có kể cho anh em chúng tôi nghe một câu chuyện vui đã xảy ra ngay trước nhà. Thuở ấy, ở phố cổ Hà Nội ai cũng biết “Ông Tư Kẹo”. Bọn trẻ con mê ông lắm, và mong gặp ông mỗi ngày. Ông thứ Tư và bán kẹo kéo nên mọi người gọi thế cho dễ nhớ. Tính tình của ông Tư rất khó chịu, hay cáu kỉnh, nhưng có hề gì. Chỉ cần kẹo của ông thơm ngon, và bàn tay vuốt rất khéo của ông cứ kéo ra một cây kẹo nổi u lên nhiều chỗ (có lạc rang ở chỗ ấy) thì bọn nhóc khoái thôi. Tiếng rao hàng của ông rất khác lạ, cũng to và vang xa nhưng đổi tông tùy hứng bất cứ lúc nào. Có một hôm, trời trở gió, phố xá vắng, kẹo bán ế quá ông buồn bực rồi chào hàng bằng một câu nghe thật “ba trợn”. Thay vì “ke... ẹ... o ke... e... é... o đây ”, ông rống lên “ thằng nào mua kẹo ra mua! Thằng nào mua kẹo ra mua!” Cứ lặp lại một câu đó, mỏi miệng thì nghỉ một lúc rồi lại rao. Thế mà cả bầy con nít túa ra mua kẹo, làm ông vui cười hả hê. Thấy ông tính khí bất thường như thế nhưng bọn nhóc tì vẫn không hề nhạo báng hay vô lễ với ông, cứ một “ông Tư”, hai “bác Tư” thôi. Nếu ông Tư bán kẹo kéo ở khu Phố Cổ vào lúc này thì chắc sẽ bị xì lốp xe đạp hay bị hành hung không chừng. Câu chuyện bình dị vừa kể cho thấy sự thay đổi đáng buồn trong cung cách sống của dân Hà Nội, từ người lớn cho đến trẻ con.
Tôi có dịp bước vào trong nhà của một số người và thấy nhiều tư gia Hà Nội vẫn còn thích treo hình ảnh gia đình, nhưng bây giờ “phong độ” mới mẻ và tiến bộ quá. Ngoài tấm hình lãnh tụ trên cao nhất, người ta thấy hình một cụ tổ khăn đóng áo dài treo lạc lõng bên dưới một lô hình các cô gái ăn mặc hở hang là chuyện..... đời thường. Hà Nội của tôi ngày xưa khác nhiều lắm. Tranh ảnh treo trên tường không chỉ để làm đẹp, mà còn để khoe khoang một cách nhũn nhặn cái thế giá của gia chủ. Chẳng có ai thèm treo ảnh của ông Tổng đốc hay tên toàn quyền nào cả, còn hình các cụ, ông bà luôn luôn ở trên hình ảnh của con cháu. Cái chuyện trẻ con nghịch ngợm nhưng vẫn lễ độ, cách treo tranh ảnh như vừa nói đều là những vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày của những khu phố buôn bán sầm uất ở Hà Nội thời xa xưa; nhưng khi va chạm với thực tế hôm nay ta mới thấy đó chính là nét đẹp của một xã hội thuần lương, con người sống với nhau có đạo lý, có văn hoá.
Nói đến văn hoá cũng nên kể chuyện ẩm thực cho vui. Hà Nội xưa có lắm món ăn ngon được ghi lại trong sách vở. Hãy nói đến vài món “đặc sản” của Hà Nội. Trước tiên là Phở, hồi xưa có tên gọi là Phở Bắc, điều này ai cũng đồng ý. Món ăn khoái khẩu này đã theo chân người di cư năm 1954 xuôi Nam, và xuất dương theo người tị nạn sau 1975.. Đến nay, Phở được khách ăn sành điệu khắp năm châu đón nhận thật nồng nhiệt. Tôi còn nhớ, quán phở ngon nổi tiếng nhất Sài Gòn vào những năm cuối của thập niên 50 là tiệm phở không có bảng hiệu, hay đúng hơn là căn nhà, nằm trong đường hẻm kế bên rạp chiếu bóng Casino, góc đường Pasteur và Lê Lợi. Anh em chúng tôi thường được ăn ở đó vào cuối tuần, lâu lâu mới có chỗ ngồi liền, còn không phải đứng chờ trong đường hẻm chật chội đông đúc, trông nhếch nhác nhưng mùi phở thơm lừng. Phở di cư vào Nam, rồi Phở vượt biên ra nước ngoài, càng ngày Phở càng “thay da đổi thịt”, càng được thêm thắt “hoa lá cành” để trở thành món ăn tuyệt vời của mọi sắc dân trên toàn thế giới. Đó là điều đáng hãnh diện lắm chứ. Tôi chưa vội khen chê Phở Hà Nội, hãy để ông anh tôi bình phẩm, vì anh đã nếm mùi phở nhiều nơi rồi. Cả đoàn chúng tôi ghé một tiệm phở khá sang, có tiếng là ngon ở khu Phố cổ. Một cô gái đón tiếp và sắp chỗ ngồi. Dĩ nhiên tôi phải giao dịch vì là hướng dẫn viên du lịch. Tôi hỏi cô ở đây có bán những phở gì. Cô cất tiếng líu lo, một giọng tiếng Việt nặng chịch và cập rập tôi chẳng hiểu gì cả, phải nhờ cô lập lại và nói chậm một tí. Cuối cùng, chúng tôi gọi phở bò vì biết là tiệm chỉ có một “độc chiêu” đó thôi. Xong bữa ăn, bước ra khỏi tiệm tôi mới hỏi về chất lượng món phở vừa rồi. “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” cho chắc ăn, trước tiên tôi hỏi đứa cháu trai “Cháu ăn phở có ngon không?” Thằng cháu trả lời ngay, rất chính xác và thành thật “Phở gì mà không có mùi phở gì hết. Thịt bò dai quá là dai!” Anh tôi cười, tiếp lời “Cháu nó nói không sai”. Tôi hỏi anh phở ở đâu ngon nhất, anh bảo “Phở Sài Gòn ngon hơn phở Hà Nội nhiều lắm, nhưng không ngon bằng phở Sydney ở Úc và phở Cali ở Hoa Kỳ”. Tôi biết anh tôi nhận xét đúng, vì tôi đã nghe nhiều Việt kiều nói y như thế. Và tôi cũng phải nói đưa hơi theo là Phở Sài Gòn của tôi tuyệt cú mèo lắm. Nghĩ lại cũng thấy kỳ kỳ. Phải không quí vị ? Ở ngay xứ gốc của phở mà nấu phở chả ra gì hết. Tại sao vậy ? Tôi đã đi Hà Nội nhiều lần, lần nào cũng đưa các ông anh bà chị đi ăn phở cho biết, và ai cũng chán ngấy. Năm ngoái, một anh bạn học cũ từ Gia Nã Đại về thăm nhà có gặp tôi, rủ đi ăn phở. Khi bàn về câu hỏi “nhạy cảm” vừa nói, anh ta phang ngay một câu, nghe trắng trợn nhưng nghĩ lại thấy có lý “Tại sao phở Sài Gòn và phở tị nạn ngon hơn phở Hà Nội hả? Mày không được nghe kể à. Khi xưa, bộ đội đi đến đâu là dân bỏ chạy đến đó. Khố rách áo ôm cũng liều đói khát mà chạy, huống hồ gì những ông bà chủ tiệm phở ở Hà Nội. Họ di cư vào Nam, rồi lại chạy lần thứ hai, vượt biên. Chủ các hàng phở bây giờ có phải là dân Hà Nội đâu mà biết nấu cho ngon. Hà Hà!” Chuyện phở chưa hết. Mới đây, ở Hà Nội có khai trương một tiệm phở “cao cấp” với giá siêu cao. Theo quảng cáo, một tô phở nấu với thịt bò Kobe của Nhật giá bảy trăm nghìn (không viết sai), phở với thịt bò Úc thì năm trăm nghìn, còn phở bò ta dai như da thắt lưng thì cũng một trăm nghìn tiền cụ. Lại thêm một trò buôn bán quỉ quái nữa hay sao đây. Dân xích lô ở Phố Cổ còng lưng đạp cả tuần chỉ đủ ăn một tô phở thôi. Ai dám đến đó mà ăn. Hoạ chăng chỉ có những quan chức tham nhũng, ăn cắp công quỹ, tiền nhiều quá không biết làm gì, thì mới đến ăn lấy tiếng đại gia; chứ có mấy ai chơi dại lấy tiếng ngu.
Chả cá là một món ăn đặc biệt khác, thường được gọi bằng một cái tên đầy đủ là Chả cá Lã Vọng. Những bà nội trợ ở Hà Nội hay làm món này trong những tiệc tùng. Nó cũng đơn giản và dễ làm, nhưng muốn làm cho ngon phải nắm được bí quyết ướp nghệ cho cá và pha mắm tôm vừa đủ nồng độ. Trong thành phố, có nhiều tiệm ăn chỉ bán chả cá và có cùng một tên hiệu “Chả cá Lã Vọng”. Tôi đưa gia đình ông anh đến một tiệm chả cá tự nhận là chính hiệu, được nhiều người khen ngon. Vì tiệm lúc nào cũng đông, nên phải gọi điện thoại đặt chỗ trước một ngày mới có bàn. Chúng tôi đến tiệm đúng giờ và được mời đi lên tầng trên bằng một cầu thang rất hẹp, tối tăm và ọp ẹp. Vừa lên đến nơi tôi đã muốn quay trở xuống vì không khí nồng nặc hơi người cùng với mùi mắm tôm làm cho khó thở. Trong gian phòng rộng ước chừng ba chục thước vuông, kê hơn mười cái bàn. Thực khách ngồi gần kín, đang nhồm nhoàm chan húp và trò chuyện như một cái chợ. Một bà cỡ trung niên mặt mày cau có, tôi đoán là chủ tiệm, đang chạy lăng xăng, tay chỉ chỏ, miệng hét la và không ngừng chửi rủa mấy cô chạy bàn. Khi chúng tôi vừa ngồi xuống ghế bà ta chạy đến, chỉ giương mắt nhìn chờ gọi thức ăn chứ không chào hỏi gì cả. Tôi nói: “Chúng tôi có 5 người. Hai đứa cháu không ăn được, bà cho 3 phần ăn được không?” Hai mắt bà long lên, đổ hào quang và đốp chát ngay: “Ba suất thì phục vụ thế chó nào được!” Vừa nói xong là quày quả bỏ đi. Một cô đứng gần tôi nói: “Phải 4 suất bác ơi”. Anh chị tôi vẫn nhẫn nại làm thinh. Tôi thấy ngao ngán nhưng cố nén tức giận bảo: “Bốn suất cũng được cô nhé”. Trong tình huống này, có ăn nem công chả phượng chắc cũng không thấy ngon. Chúng tôi ăn qua loa, trả tiền rồi xuống thang đi ngay. Chị dâu tôi đề nghị: “Chắc không có ai no bụng. Hay là mình ghé mua xôi về ăn. Trước khi về đây, chị có nghe nói là xôi Hà Nội ngon lắm!” Tôi và ông anh còn “no hơi” không muốn ăn. Vì hai đứa cháu ủng hộ ý kiến của Mẹ, nên tôi dẫn cả nhà đến một tiệm bán xôi nổi tiếng của Hà Nội để mua về ăn. Sáng hôm sau, khi dùng điểm tâm ở nhà ăn của khách sạn, anh tôi cho hay tối hôm qua, ăn xôi xong, chị và cháu gái đau bụng, đi cầu cả đêm. Anh nhìn tôi cười, giọng trầm xuống, nghe thật buồn: “Chắc anh sẽ không về thành phố này nữa em ạ. Trừ phi...” “Trừ phi” cái gì anh không nói tiếp, nhưng tôi hiểu điều anh muốn nói. Bởi vì, chính tôi cũng mong lắm, cho điều đó xảy ra.
Ba mươi sáu phố phường của một Hà Nội thanh lịch xa xưa đã ghi đậm trong tâm tư của người tha hương những hình ảnh và kỷ niệm khó quên. Sau nhiều năm xa cách, họ trở về thấy lạc lõng và ngỡ ngàng vì những đổi thay. Phố cổ hôm nay trông thật lạ lẫm với những sửa chữa, tân trang tùy tiện thiếu kế hoạch và cảm quan nghệ thuật. Hình như, người ta cứ đụng đâu làm đấy, vô tội vạ vì xấu đẹp mặc kệ. “Mái nhà xưa” của chúng tôi nay được chia làm hai, một bên cũ kỹ rêu phong trông như hơn nửa thế kỷ rồi không có bàn tay ai quét dọn hay sơn phết, đang bày bán nồi niêu soong chảo. Còn một nửa căn phố dùng làm một cửa tiệm bán hàng thời trang “xịn”, mặt tiền được che kín từ bao lơn của tầng lầu lên đến mái nhà bằng một tấm bửng làm bảng hiệu, sơn phết màu mè trông rất bắt mắt. Cái màn “tân cổ giao duyên” này trông vô duyên tệ. Cách đây không lâu, chính quyền Việt Nam có đệ nạp hồ sơ xin Liên Hiệp Quốc công nhận Phố Cổ Hà Nội là một di sản văn hoá thế giới, đồng thời xin cấp ngân khoản để trùng tu. Đọc tin trên mạng tôi được biết người đứng đầu cơ quan phụ trách xét duyệt để công nhận di sản văn hoá của LHQ đã đích thân đến Phố Cổ để quan sát và lượng định. Sau đó, đơn xin bị công khai từ chối với những phê phán nghe thật bẽ bàng và đáng xấu hổ. Thế cũng xong, không có tiền thì bọn sâu mọt khỏi chấm mút và đục khoét.
Ngày trở lại Sài Gòn lại gặp rắc rối. Ở phi trường, khi đến lấy vé lên phi cơ, mấy nường ở quầy vé đòi anh tôi xuất trình thẻ tín dụng ngân hàng để “xem số thẻ có giống với số ghi trong tờ vé điện tử hay không”. Anh tôi cố giải thích là vé đã trả tiền ngay khi mua bằng internet, đi du lịch không cần mang theo thẻ tín dụng nhưng anh nhớ số, có cần kiểm tra thì anh đọc số cho nghe. Các cô gái mặt khó đăm đăm này nhất định đòi xem thẻ và mời một quan chức đến giải quyết. Tên này cũng lên giọng hầm hè, trịch thượng như đang nói chuyện với người đi phi cơ không mua vé. Cuối cùng, anh tôi phải bỏ tiền mặt ra mua vé khác cho cả nhà. Xin nhắn các anh chị và các bạn, khi về thăm nhà, nếu có mua vé phi cơ nội địa Việt Nam thì nhớ mang theo thẻ tín dụng để tránh bị bọn bất lương cướp cạn làm tiền.
Trong khi chờ lên phi cơ, anh em tôi lại bàn luận về sự đổi thay của Hà Nội và thấy thất vọng vô cùng vì Phố cổ hôm nay, tuy danh xưng vẫn còn nhưng giá trị lịch sử quí báu đã mất. Anh bảo: “Phố Cổ Hà Nội của anh em mình hôm nay giống như bộ răng của một ông lão 80. Những chiếc răng hỏng và xệu xạo, thay vì thay bằng răng xương cho có vẻ tự nhiên, thì người ta lại trồng răng vàng răng bạc vào, trông chẳng ra cái gì cả!” Tôi thấm ý bật cười to. Hai đứa cháu đang ngồi hàng ghế đối diện, thấy bố và chú đang cười, tưởng có gì hay cũng cười theo luôn.
Vĩnh Ngộ
*Trùng chủ đề