Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại họp báo kết thúc Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 1/2/2021. AFP
Chàng hiệp sĩ Đông Ki-sốt đi vào lịch sử với hình ảnh toàn tâm toàn sức vung kiếm chém cối xay gió. Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng cũng là một Don Quixote của Việt Nam
Theo Bảng lương chức danh lãnh đạo được công bố, lương hàng tháng của Tổng bí thư và Chủ tịch nước bằng nhau, là 19.370.000 đồng. Lương Thủ tướng và lương Chủ tịch Quốc hội bằng nhau, 18.625.000 đồng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: 14.453.000 đ.
Chủ tịch UBND TP HCM: 15.347.000 đ.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh của các địa phương còn lại: 11.383.600 đ.
Đại tướng quân đội nhân dân: 15.496.000.
Thượng tướng: 14.602.000 đ.
Trung tướng: 13.708.000 đ.
Thiếu tướng: 12.814.000 đ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: 14.453.000 đ hoặc 15.347.000 đ (tùy hệ số lương). Ngoài ra, họ được hưởng thêm một số phụ cấp kèm theo tùy mỗi chức danh, lĩnh vực như: Phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc…
Đại úy công an: 8.046000 đồng/tháng. Ngoài ra những người công tác trong lực lượng công an, an ninh còn được hưởng các mức phụ cấp, trợ cấp khác theo quy định, như phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm công việc…
Từ 01/7/2023, do thay đổi mức lương cơ sở, lương của các vị trên cũng tăng lên vài triệu đồng. Cụ thể: lương Thủ tướng và lương Chủ tịch Quốc hội: 22.500.000 đồng. Lương Chủ tịch nước và lương Tổng bí thư: 23.400.000 đồng.
Chủ tịch TP Hà Nội: 17.460.000 đ.
Chủ tịch TP HCM: 18.540.000 đ.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh của các địa phương còn lại: 13.752.000 đồng/tháng.
Đại tướng: 18.720.000 đ.
Thượng tướng: 17.640.000 đ.
Trung tướng: 16.560.000 đ.
Thiếu tướng: 15.480.000 đ.
Tương tự với các chức danh, chức vụ, cấp bậc còn lại.
Chi phí sinh tồn Theo tính toán của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, chi phí sinh tồn cho một gia đình bốn người ít nhất vào khoảng 14 triệu đồng, áp dụng cho một gia đình công nhân, với mức thuê nhà tối thiểu hai triệu đồng/tháng; các chi tiêu về ăn, mặc, sinh hoạt… cũng rất thấp theo sinh hoạt trung bình của công nhân. Chưa tính đến các chi phí phát sinh như dự đám cưới, đám tang, giỗ họ, tiếp khách, mua sắm, may mặc…
Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân trung bình là 4,92 triệu đồng/tháng (theo khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện vào tháng 3/2022).
Do lương quá thấp và không có thời gian để làm thêm bù đắp chi phí, 12% công nhân phải thường xuyên đi vay tiền để chi tiêu; 35,5% thỉnh thoảng (3 -4 tháng/1 lần); 34,8% phải đi vay tiền một năm từ 1- 2 lần. 30% công nhân luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Đa số đều không có tiền tích luỹ, nhà ở; cùng với đó là ốm đau bệnh tật. Muốn đóng tiền học cho con, họ phải đi vay tiền.
Nhiều công nhân còn phải cắm sổ bảo hiểm xã hội, chứng minh nhân dân để đi vay chỉ 500.000 đồng đến một triệu đồng, trả tiền thuê nhà, mua gạo…
Như trên đã nói, lương của Chủ tịch nước vào khoảng hơn 19 triệu đồng. Cứ cho là vợ của các vị này cũng đi làm và lãnh lương tương đương chồng, thì mỗi tháng ngoài phần sinh tồn cơ bản như một gia đình công nhân, họ để dành được khoảng 25 triệu đồng.
Giá một căn chung cư cũ 60 m2 ở ngoại thành TP HCM hiện nay vào khoảng hai tỷ đồng. Như thế, với khoản dành dụm hoàn toàn chính đáng từ thu nhập của hai vợ chồng “tứ trụ” (Chủ tịch nước, Tộng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội) họ phải mất 80 tháng, là bảy năm, mới có thể mua được một căn. Trong suốt thời gian này, họ tuyệt đối không được đi dự đám cưới, đám tang, tiệc tùng, giỗ họ, chữa bệnh, thôi nôi, mừng sinh nhật, mừng nhà mới… của bất kỳ ai.
Mà phải là từ khi lên “tứ trụ” đấy nhé, chứ trước đó thì chưa được hưởng mức lương như nói trên đâu.
Như vậy, hoặc phải có cha mẹ giàu sẵn sàng nuôi dưỡng cả đời, hoặc có bạn bè tốt như Friedrich Engels nuôi Karl Marx, hoặc trúng giải độc đắc Vietlott liên tiếp… thì mới có thể nuôi con cái du học nước ngoài và toàn tâm toàn ý chống tham nhũng được.
Một người lái xe ôm nằm ngủ trước một tấm biển quảng cáo chung cư ở TPHCM (minh họa). AFP
Đội quân tham nhũng hùng hậu Chỉ trong 10 năm gần đây, chúng ta đã có:
-Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dính nghi án có bà vợ là “trùm cuối” của Việt Á, đạo diễn chính của vở kịch KIT test và vắc-xin COVID Việt Nam. Công an cho biết Việt Á khai đã “chi hoa hồng” 800 tỷ nhưng liệu đây đã là con số thật?
- “Chuyến bay giải cứu” có 38 người bị bắt, trong đó có một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, một Cục trưởng Cục Lãnh sự, một loạt đại sứ, cán bộ thuộc các Đại sứ quán Việt Nam tại nhiều quốc gia, một Phó chủ tịch UBND Hà Nội, một Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Cấp thấp hơn tí như Phó cục trưởng, Vụ trưởng… thì đông như quân Nguyên.
Tổng kết 10 năm (2012-2022) đã có gần 168.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có bốn Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Uỷ viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.
Trong số những sĩ quan cấp tướng, có những vị trí kinh khủng nắm giữ trọng trách đầu ngành hoặc an ninh của cả một vùng như Tư lệnh, Phó Tư lệnh, Chính ủy, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Tư lệnh Cảnh sát biển vùng, Chỉ huy trưởng Biên phòng cấp tỉnh… nhưng đều bị bắt vì tội tham ô (rút ruột ngân sách dùng để mua sắm vật tư, trang thiết bị cho cảnh sát biển) hoặc bảo kê đường dây buôn lậu trên biển.
Những cánh quạt của cối xay gió Trong Don Quixote de la Mancha Kihote (Đông Ki-sốt, nhà quý tộc tài ba xứ Mantra) của nhà văn Tây Ban Nha Cervantet, anh chàng hiệp sĩ Đông Ki-sốt đi vào lịch sử với hình ảnh toàn tâm toàn sức vung kiếm chém cối xay gió. Vì anh ta thấy đó là những cánh tay của quái vật đang vung ra bắt người lành.
Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng cũng là một Don Quixote của Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng năm nay 79 tuổi. Trái với tập quán Việt Nam là lên lão và lui về nghỉ ngơi ngay khi còn rất trẻ (trước kia 50 tuổi đã lên lão), dường như càng thêm tuổi, ông Trọng lại càng trở thành tâm điểm của chính trị Việt Nam. Trong tư thế người hùng!
Đặc biệt, nếu không phải là vị lãnh đạo kêu gọi chống tham nhũng nhiều nhất từ trước đến giờ trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam thì ít nhất, trong nhiệm kỳ của mình ông Trọng đã đạt kỷ lục về số đảng viên lãnh đạo cao cấp bị bắt và thôi chức.
Ông Trọng đề ra “3 không” trong chiến lược chống tham nhũng, là làm thế nào để cán bộ:
-Không muốn tham nhũng.
-Không dám tham nhũng.
-Không thể tham nhũng.
Nhưng xin lỗi ông Trọng, với tình hình xã hội, pháp luật và chính trị của nước ta hiện tại thì thực tế lại là (có thể) “Không muốn tham nhũng nhưng không thể không tham nhũng”.
Ông Trọng luôn kêu gọi cán bộ đảng viên phải trong sạch, gương mẫu, “thép đã tôi”, tận hiến cho nhân dân… nhưng ông quên rằng cán bộ đảng viên cũng có dạ dày, có con đi học, có cha mẹ phải nuôi, có bệnh tật và tuổi già.
(Cũng không hiểu vì sao), ông lờ hẳn những lý do cốt lõi đẻ ra quốc nạn tham nhũng:
-Tiền lương, thu nhập chính từ công việc chính đáng quá thấp, trong khi cơ hội tham nhũng quá dễ, quá nhiều.
-Cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tham nhũng, cơ chế thanh tra, kiểm tra, trừng phạt đều chỉ là hình thức, hô hào rầm rộ nhưng không hiệu quả, hoặc có khi bị dùng làm công cụ răn đe nhóm lợi ích đối lập.
-Cán bộ mạnh tay tham nhũng vì thực tế chẳng ai tham nhũng một mình mà đều có đường dây chặt chẽ, có tổ chức và quy luật, có bảo kê từ chóp bu.
-Tin rằng “trời kêu ai nấy dạ”, nhưng “trạng chết Chúa cũng băng hà”, trời kêu ai chớ không bao giờ kêu mình, hoặc xui xẻo mình bị điểm danh thì sẽ có ô xòe ra đỡ.
Chứng kiến cấp trên, đồng sự, đồng nghiệp tham nhũng làm giàu cho cả họ, sống phè phỡn giàu sang, nhìn lại mình lương ba cọc ba đồng, không dám vào nhà hàng, chạy xe máy đội nắng đội mưa khổ sở, vợ mau già xấu, con đi học trường làng… Cả lòng ham muốn lẫn sự tức giận đều bị kích thích cao độ.
-Với cơ chế hiện tại, nếu không tham nhũng, không hối lộ thì không được việc. Nếu không được “ăn”, người có quyền phê duyệt công trình, dự án sẽ có vô số lý do để không ký duyệt. Nếu không, họ lỗ vốn vì đã bỏ ra vài chục đến vài trăm tỷ để giữ chỗ hoặc chạy chức, cống nạp cấp trên. Thậm chí nếu không chịu ăn, anh còn có nguy cơ bị đá khỏi ghế để người “biết chuyện” hơn lên thay.
Nguyễn Văn Chiêm (RFA)
_______________________
Tham khảo:https://laodong.vn/phap-...-nhan-hoi-lo-1131938.ldohttps://vietnamnet.vn/nh...c-vu-dai-an-2107677.htmlhttps://laodong.vn/tu-va...-an-nam-2022-1100064.ldohttps://thuvienphapluat....chuc-d-941986-44330.htmlhttp://www.congdoan.vn/t...E1%BB%93ng%2Fth%C3%A1ng.