Ảnh minh họa: Nhà báo Evan Gershkovich, làm việc cho tờ Wall Street Journal bị Nga bắt giữ với cáo buộc "hoạt động gián điệp". Ảnh chụp ngày 24/07/2021. © DIMITAR DILKOFF / AFP
Hôm qua, 31/03/2023, cơ quan giám sát các phương tiện truyền thông, do chính phủ Mỹ tài trợ, khẳng định đe dọa chống nhà báo gia tăng trên toàn cầu.
Trả lời AFP, tại La Haye (Hà Lan), bà Amanda Bennett, giám đốc Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ (USAGM - US Agency for Global Media), cho biết ‘‘các mối đe dọa chống lại các nhà báo trên khắp thế giới tăng mạnh qua từng năm’’. Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ chịu trách nhiệm giám sát các đài phát thanh và truyền hình quốc tế do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, trong đó các Đài Châu Âu Tự do, Đài Châu Á Tự do, Đài Marti tập trung vào Cuba và nhiều cơ quan truyền thông khác.
Người đứng đầu Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ khẳng định giá trị của truyền thông trung thực trong bối cảnh “môi trường thông tin sai lệch và các đe dọa nhắm vào các nhà báo’’. Điều này ‘‘một lần nữa cho thấy sự cần thiết của các phương tiện truyền thông có khả năng tiếp cận người dân tại các quốc gia như Trung Quốc, Iran và Nga”.
Lãnh đạo Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ đưa ra các phát biểu nói trên sau khi được hỏi về vụ nhà báo Evan Gershkovich, làm việc cho Wall Street Journal, bị chính quyền Nga bắt giữ mới đây vì cáo buộc gián điệp, điều chưa từng có kể từ chiến tranh Lạnh kết thúc.
Nhà báo Amada Bennett, từng đoạt giải Pulitzer, đã từ chức giám đốc đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA sau khi ông Donald Trump, tổng thống thời đó, bổ nhiệm Michael Pack, một nhà làm phim có quan điểm bảo thủ, đứng đầu USAGM.
Về vụ nhà báo Mỹ bị bắt, tổng thống Joe Biden hôm qua đã kêu gọi Matxcơva trả tự do cho ông Evan Gershkovich. Tổng thống Biden chỉ trích một hành động mà theo ông ‘‘dường như có tính toán để gây bối rối cho nước Mỹ, và gieo rắc không khí sợ hãi với báo chí nước ngoài làm việc tại Nga’’.
Theo RFI