Rò rỉ thông tin tình báo quân sự tổn hại an ninh Mỹ ra sao? Jack Teixeira, 21 tuổi, thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Hoa Kỳ bị buộc tội đăng lên mạng hồ sơ tình báo quân sự tuyệt mật.
To lớn, tốn kém và tuyệt mật.
Vào đầu những năm 1970, CIA đã chế tạo một con tàu khổng lồ có tên là Hughes Glomar Explorer để trục vớt một tàu ngầm Liên Xô bị chìm từ đáy Thái Bình Dương, theo lịch sử được giải mật của cơ quan tình báo Hoa Kỳ.
Câu chuyện che đậy công phu của CIA - rằng con tàu được Howard Hughes chế tạo để khai thác các hạt mangan từ độ sâu của đại dương - bắt đầu sáng tỏ với một bài báo của tờ Los Angeles Times vào tháng 2 năm 1975, cuối cùng buộc cơ quan này phải từ bỏ dự án.
Cuộc trình diện tòa mới đây của Jack Teixeira, 21 tuổi, thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Hoa Kỳ bị buộc tội đăng lên mạng hồ sơ tình báo quân sự tuyệt mật, đã làm sống lại câu hỏi về việc liệu rò rỉ thông tin tình báo có gây hại cho an ninh Hoa Kỳ hay không.
Khó chứng minh một vụ rò rỉ có gây hại cho chính phủ Hoa Kỳ, dù là rò rỉ một dữ liệu đơn lẻ hay một kho tài liệu, do các đánh giá nội bộ đều được giữ bí mật. Nhưng các nhà phân tích về bí mật của chính phủ nói thiệt hại có thể rất lớn.
Ông Steven Aftergood thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ nói: “Có khả năng... thiệt hại lớn vì nhiều phương pháp tình báo có giá trị nhất khá mong manh”.
“Một khi sự tồn tại của chúng được biết đến, chúng có thể bị né tránh hoặc giả mạo và do đó giá trị tình báo của chúng có thể bốc hơi”, ông nói thêm, đề cập đến việc mục tiêu thực hiện các bước để tránh hoạt động gián điệp hoặc khai thác kênh cung cấp thông tin sai lệch.
Ông nói thêm: “Các cá nhân có thể bị đặt vào nguy cơ bị bỏ tù hoặc tử hình”.
Bốn loại thiệt hại
Ông Mark Zaid, một luật sư an ninh quốc gia có trụ sở tại Washington, đã mô tả bốn loại tác hại tiềm ẩn.
Chúng bao gồm việc tiết lộ thông tin (chẳng hạn như vị trí của quân đội); nguồn hoặc phương pháp thu thập (có thể gây nguy hiểm cho cá nhân hoặc luồng thông tin); thực tế đơn thuần về lợi ích của Hoa Kỳ (có thể giúp các đối thủ xác định và khai thác các điểm kích hoạt của Hoa Kỳ); và tiết lộ công khai (có thể gây bối rối hoặc khiêu khích các quốc gia khác, kể cả các đồng minh).
Thường có sự sụp đổ ngoại giao.
Tổng thống Mexico hôm 18/4 cáo buộc Ngũ Giác Đài làm gián điệp sau khi tờ Washington Post đưa tin về những căng thẳng rõ ràng giữa quân đội và hải quân Mexico và nói ông sẽ bắt đầu bảo mật thông tin từ các lực lượng vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia.
Việc công bố các tài liệu ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ trên Wikileaks bắt đầu từ năm 2010 đã góp phần khiến hai đại sứ Hoa Kỳ mất việc.
Vào năm 2011, đại sứ Hoa Kỳ tại Mexico đã từ chức sau khi ông chỉ trích chính quyền Mexico vì thiếu sự phối hợp chống lại các thủ lĩnh băng đảng ma túy nổi lên và Ecuador đã trục xuất đặc phái viên Hoa Kỳ về các bức điện tín về nghi ngờ tham nhũng của cảnh sát.
Người bên ngoài hầu như không thể đánh giá đầy đủ thiệt hại do rò rỉ vì bản thân các đánh giá nội bộ đã được bảo mật để tránh tiết lộ thêm.
Ông Zaid nói: “Bản thân việc đánh giá thiệt hại có thể sẽ tiết lộ thêm thông tin mật.” Một yếu tố phức tạp khác là các quan chức có thể “tung hỏa mù” bằng cách giảm thiểu tầm quan trọng của việc rò rỉ hoặc phóng đại nó lên, có thể tìm kiếm lợi ích về quan hệ công chúng bằng cách giả vờ rằng không có thiệt hại nào xảy ra hoặc đưa ra lý lẽ mạnh mẽ hơn để trừng phạt những người rò rỉ.
Trong trường hợp tàu Hughes Glomar Explorer, được chế tạo với chi phí hàng trăm triệu đô la và chỉ thu hồi được một phần của tàu ngầm Liên Xô, một khi bí mật của nó bị phát hiện thì cũng chẳng có tác dụng gì cho CIA.
Con tàu cuối cùng đã được đưa vào sử dụng tư nhân để khoan dầu nước sâu và vào năm 2015 bị loại bỏ.
Theo VOA