Niềm vui chưa trọnPhương Uyên ngay sau phiên phúc thẩm hôm 16/8/2013. Ảnh blogger Anh Chí Trước khi hai em Phương Uyên và Nguyên Kha ra toà phúc thẩm tôi đã viết hai bài khẳng định sự vô tội của hai em trên RFA, đó là "Các em lại ra tòa" và "Chống "nhà nước CHXHCNVN" không phải là chống đất nước, dân tộc".
Tôi có việc phải đi California, đúng vào ngày xét xử án hai em, ngày 16/8. Tới phi trường Los Angeles vào đêm 15/8 lúc 10 giời 40, giờ Cali, tức gần 2 giờ sáng, giờ Việt Nam, ngồi đợi người bạn từ Washington DC tới trễ hơn, tôi mở latop và vào Facebook. Vẫn chưa có kết quả.
Tuy nhiên tôi vững tâm rằng, tinh thần của Phương Uyên trước tòa rất tốt, khi thấy trên Facebook ghi lại lời Phương Uyên: "Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống đảng cộng sản không phải chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng”. Và nghĩ rằng, với tình hình này, khả năng giữ y án có thể xảy ra.
Đón người bạn, thuê xe, đi ăn đêm, tiếp tục cập nhật tin qua Iphone. Vẫn chưa thấy gì cả. Về đến hotel, anh bạn đi ngủ, còn tôi tiếp tục vào Facebook. Lúc này đã hơn 3 giờ sáng tức sau 5 giờ chiều ở Việt Nam.
Thông tin ập đến làm tôi vui như điên: Phương Uyên hưởng án treo, được trả tự do tại toà. Tôi bị xúc động đến mức muốn gào lên, muốn chửi thề cho đã, rằng, công lý cuối cùng cũng đến, cô gái bé bỏng đáng yêu Phương Uyên không còn phải chịu cảnh tù đày nữa. Rồi xem những hình ảnh những người biểu tình phía ngoài toà án, nằm chặn xe công an, Bùi Thị Minh Hằng khóc, mẹ Phương Uyên xỉu đi khi nghe nghị án, tôi cũng thấy mắt mình ngấn lệ. Niềm vui vỡ oà, đến mức quên khuấy đi Nhật Uy và Nguyên Kha ra sao.
Nhưng rồi qua đi những xúc động nặng về cảm tính ban đầu là sự suy nghĩ, vì sao lại có một bản án có thể nói là bất ngờ như thế, với Phương Uyên, Nhật Uy, Nguyên Kha.
Trước hết, không thể phủ nhận rằng, đây là kết quả thực sự của tổng hợp nhiều nguyên do, của cuộc tranh đấu vì công lý và tự do, đặc biệt của anh chị em đã và đang tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, cộng với áp lực mạnh của quốc tế.
Kết quả này rất cũng là một động thái "nhân nhượng", có vẻ như là bước lùi tạm thời trong toàn bộ mối quan hệ "toàn diện" Mỹ -Việt, mà trong đó cuộc chạy đua chiếc ghế trong Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tham gia Hiệp ước Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP và hợp tác Mỹ-Việt trên biển Đông, chiếm vị trí chủ chốt.
Tuy nhiên, cũng cần để ý đến trường hợp anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tới nay tình trạng giải quyết đơn khiếu nại của anh vẫn bị Viện kiểm Sát Nghệ An đùn đẩy, vô trách nhiệm. Để thấy rằng, sự nhân nhượng, nếu có, mới dừng lại ở mức chiến thuật, có cái gì đó còn rất gượng gạo, giả dối.
Điều này được nhìn nhận rõ ràng trong cả tiến trình xét xử.
Vào buổi sáng ngày 16/8, lực lượng công an, an ninh hùng hậu đã ngăn cản thô bạo không cho ai vào tham dự phiên toà, kể cả bố mẹ, thân nhân của người bị xử, dù được nói là công khai, phá sóng điện thoại, trấn áp và bắt giữ người biểu tình phía ngoài.
Hành động trên cho thấy, nhà cầm quyền không hề muốn phiên toà được diễn ra một cách minh bạch, bình thường.
Đặng Nhật Uy là người bị bắt sau phiên toà sơ thẩm, ngày 15/06, có nghĩa rằng anh phải được đưa ra xét xử theo đúng tội danh khác bị cáo buộc, đó là vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình Sự (lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước). Thế nhưng, Đinh Nhật Uy lại bị xử ở phiên phúc thẩm và nghị án ba năm tù treo! Điều này hoàn toàn trái với luật tố tụng thông thường.
Khi đe doạ và buộc các em từ chối luật sư bào chữa với lời hứa sẽ giảm án, nhưng trong phiên tòa chỉ Nguyên Kha nhận tội, xin giảm án, nhưng Phương Uyên thì không và Phương Uyên đã kiên quyết đấu lý cho lẽ phải của mình. Việc này đã đẩy toà vào tình huống lúng túng.
Uyên nói với RFI: "Em không thể nào “bán danh chỉ có ba đồng”. Không thể nào làm trái lương tâm của mình được. Em không thể từ bỏ quan điểm, lập trường của riêng em. Đó là động lực thúc đẩy để em đứng trước tòa, tự bào chữa cho mình, cũng như giữ vững quan điểm và lập trường của mình".
Ngay bản thân Phương Uyên cũng không lường trước được mức án dành cho mình, một tiền lệ chưa thấy ở các vụ án chính trị bị khép vào điều 88 Bộ Luật Hình sự, vì thấy "rất là khó khăn, rất là khắt khe".
Bản án được đưa ra tương đối chậm trễ, vào lúc 4 giớ 15 phút chiều, chắc chắn có sự bàn bạc, xin ý kiến chỉ đạo từ "trên" của nhóm nào đó tại Trung ương, thậm chí của một ai đó, không những cho thấy sự tùy tiện đến phi lý của hội đồng xét xử, mà của cả phía chỉ đạo ngay trong ngày xét xử.
Hơn nữa, xét cho cùng, mặc dù Phương Uyên được về với gia đình, nhưng với cái án 3 năm tù treo và 52 tháng bị quản chế, trong cả một thời gian dài còn phải tự chế, cẩn trọng để tránh hậu quả xấu. Nhật Uy bị 3 năm tù treo chỉ vì vài câu viết trên Facebook nhưng không được trả tự do ngay lập tức tại toà như Phương Uyên. Cuối cùng là 4 năm tù dành cho Nguyên Kha. Mọi thứ cho thấy, sự mâu thuẫn, lộn xộn, bất hợp lý trong cách xét xử. Và với nhà nước CHXHCNVN, mọi người đều có tội và chẳng phải là điều gì ghê gớm, đến mức vui quá mất khôn.
Dường như đây là một tình huống đặng chẳng đừng của nhà cầm quyền. Sự "nhân nhuợng" này chẳng qua là một thủ đoạn trong toàn bộ cuộc chơi mèo vờn chuột.
Đây cũng không hề là "thiện chí" gì của nhà cầm quyền đối với phong trào tranh đấu dân chủ. Một phép thử khác sẽ là vụ án "trốn thuế" ngang ngược của anh Lê Quốc Quân.
Dù sao, một cô gái mới ở tuổi hai mươi, trong sáng, can đảm, đáng mến và đáng cảm phục như Phương Uyên, thoát khỏi cảnh tù đày là một điều hết sức vui mừng và khích lệ.
Tuy thế, là một niềm vui chưa trọn vẹn. Con đường tiến tới dân chủ, tự do và công bằng xã hội vẫn còn rất dài và lắm chông gai.
Theo RFA