logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 07/05/2023 lúc 07:17:41(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Người lái xe bực mình. Ai đời mấy người khách đi nhờ từ lúc lên xe cứ một mực im lặng. Mà anh muốn họ nói. Nói chuyện gì cũng được, miễn có. Miễn anh nghe tiếng họ, không phải cảm thấy chỉ có mình anh trên chiếc xe tải cũ kỹ này. Đường thì dài.
Người đi nhờ xe nào cũng thế: lên xe, họ im lặng. Kiểu như họ có điều e ngại – một câu nói không đúng chỗ, một câu hỏi thừa hoặc vô duyên, làm mất đi cái may mắn vừa có được.
Mấy người mới lẩm cẩm làm sao, mới e ngại vớ vẩn làm sao – người lái xe nghĩ – Có ai đã cho họ lên xe lại bỏ họ giữa đường?
Buổi sáng, khi người lái cho xe đỗ lại để vào quán nước mua bao diêm thì đã có mấy người hấp tấp chạy đến, vây quanh anh.
Họ là những người lỡ chuyến xe khách sáng nay. Họ chờ một chuyến xe hỡi ơi nào đó sẽ cho họ đi nhờ. Chẳng ai muốn ngủ lại trong quán trọ giữa đường đợi chuyến xe khách hôm sau.
Người lái xe bối rối. Trước những cái nhìn cầu khẩn dõi vào mặt anh, anh không cất nổi lời từ chối. Những người xúm quanh đã thấy những bao tải muối mới xếp đến lớp thứ hai trên thùng xe trống rỗng. Ngồi lên đấy được quá mà, rộng chán, họ nghĩ thế. Mặt anh nghệt ra, anh tránh mắt họ. Anh không biết giúp họ cách nào, xe anh không được phép chở khách. Họ cũng thừa biết điều đó.
Nhìn thấy cảnh mấy người lúng túng, anh công an trẻ măng, ria mép lún phún, bước ra khỏi đồn lẳng lặng xem giấy tờ của mấy người còn lại sau khi những người thất vọng đã bỏ đi.
Người lái xe bỏ vào quán nước, uống rất chậm một bát chè tươi.
Khi anh quay ra thì anh công an đã đến bên, ngập ngừng đề nghị anh cho bốn người lên xe: hai cô gái, một đàn ông và một bộ đội. Để cẩn thận, anh công an viết mấy chữ vào một mảnh giấy, đưa cho anh lái xe. Anh lái xe hờ hững gấp mảnh giấy, bỏ vào túi ngực. Có nó, anh sẽ không bị làm khó dọc đường.
Những người được đi nhờ vội vã trèo lên thùng xe.
Người cuối cùng gặp may là một bà lão. Bà tất tả chạy đến, níu áo anh công an, bắt anh ta đọc một bức điện. Anh công an còn đang ngần ngừ thì người lái xe đã kéo bà lão lên ngồi cạnh mình.
Xe vừa chạy bà lão lập tức ngủ, đầu ngoẹo về một bên.
Qua Na Sầm.
Trận mưa đêm trước làm cho rừng trẻ lại. Nước mưa còn đọng từng giọt lớn trên lá cây xanh thẫm ở những cành vươn ra bên đường. Những cành cây quất mạnh vào kính chắn gió, ném những giọt nước mát rượi vào mặt người lái xe. Rừng và núi sáng hẳn lên sau trận mưa, như thể có ai đó, một người tính cẩn thận, đã rửa từng chiếc lá một.
Một đàn bướm rung cánh trên những bụi cây xa, dùng dằng mãi không chịu bay đi. Đến gần người lái xe mới biết đó là những bụi lá trắng. Con đường đá răm qua cơn mưa lấp lánh dưới ánh nắng sớm biến thành con sông nhỏ trôi nhanh dưới gầm xe. Gió phả vào mặt người lái xe mang theo mùi đất ẩm, mùi lá mục và mùi hoa dại.
Một tiếng kêu ngạc nhiên khe khẽ bay lên từ thùng xe. Người lái xe xoay xoay kính chiếu hậu cho đến khi bắt gặp một cặp mắt to đen láy.
Bên đường, xa xa, một người con gái, không phải, một người đàn bà, địu con, vừa đi vừa đọc sách. Khi ô tô đến gần, người đàn bà nép vào vệ đường, đầu đứa bé nhô lên khỏi vai gầy của mẹ, bàn tay nhỏ vẫy vẫy.
Cặp mắt đen cười trong gương rồi quay về phía sau khi xe đi qua hai mẹ con. Một cô giáo, người lái xe nghĩ, chắc hẳn lần đầu lên đây nhận việc. Phải là một cô giáo miền xuôi mới ngạc nhiên thấy người dân tộc thiểu số đọc sách.
Người lái xe không nghe tiếng cô giáo, nhưng hình như cô nói liến thoắng điều gì đó với mấy bạn đồng hành. Anh loay hoay với cái kính chiếu hậu để nhìn thấy cả hai.
Họ sắp nói chuyện rồi, anh mỉm cười.
Ở chỗ cặp mắt đen láy anh thấy cái trán bóng của người đàn ông và mái tóc dài của một người con gái, người khác, không phải cô giáo. Người đàn ông có dáng cán bộ huyện, anh nghĩ, nhưng không chắc mình đoán đúng. Anh ta ngồi, đầu hơi cúi bên cạnh anh bộ đội không còn trẻ. Gió lùa qua cửa ca-bin, qua lưới thép ngăn cách với thùng xe làm rối tung mái tóc người con gái.
Trước kia, ở chỗ lưới thép là một tấm kính. Anh nghe kể trên đoạn đường gần Điện Biên Phủ trong trận đánh năm xưa, người lái xe bị bom phạt đứt mảng trán, óc phọt ra ngoài, cả thân trên đổ xuống tay lái. Kính trước vỡ toang, hơi bom thổi bung tấm kính sau trông ra thùng xe. Xe dừng đột ngột làm người lái phụ đâm bổ về phía trước. Anh nghe máy vẫn nổ đều đều. Anh hì hục lôi xác bạn sang chỗ mình, ngồi vào sau tay lái, cho xe tiếp tục vọt đi. Bom tiếp tục rơi, nhưng anh không còn nghe tiếng nổ, chỉ thấy những cột đất bay vọt lên quanh chiếc xe nghiêng ngả trên con đường toang hoác.
Chiến tranh hết, anh lái phụ nọ trở thành lái chính cho tới ngày nhận xe mới. Khi bàn giao xe cho chủ mới, anh tần ngần đi quanh nó, sờ mó mọi chỗ, vuốt ve mãi cái vô-lăng bị mất một mảng nhựa để lòi cốt sắt han rỉ, rồi nhẩn nha kể sự tích của nó cho người nhận nghe.
Chủ mới, chính là người lái chiếc xe bây giờ, dửng dưng nhìn nó. Xe đã qua đại tu, những chỗ bẹp, những lỗ thủng do bom đạn đã được vá lại nhưng vẫn có thể nhận ra chúng dưới nước sơn mới. Không người lái xe nào thích nhận một chiếc xe cũ như thế. Nhưng anh không có quyền đòi hỏi. Người ta phân cho anh xe nào thì anh phải nhận xe ấy.
Rồi cũng phải quen với nó thôi, anh thở dài.
Chiếc xe không đến nỗi quá tệ, động cơ còn ngon, vào cầu ra cầu vẫn trơn tru, phải tội cánh cửa bên trái không sao đóng chặt được, trên đường nó liên tục lặp đi lặp lại mấy tiếng “tành tành… tành tành tành… tành tành” như những nốt nhạc vô duyên. Riết rồi anh cũng quen với nó. Những lúc vui anh còn lẩm nhẩm hoà theo “tình tang… tình tang tang… tình tang”.
– Chà, thế mà Bố Củng rồi kìa!
Anh bộ đội nói to, cố ý cho người lái xe nghe được. Người lái xe hiểu lời khen thổi phồng, từ Na Sầm tới Bố Củng đâu có xa gì.
Anh bộ đội dán mắt vào tấm lưới thép, chằm chằm nhìn phía trước. Cái nhìn háo hức như của người xa quê đã lâu nay mới trở về.
Chen vào anh bộ đội là cặp mắt đen láy của cô giáo:
– Thế bao giờ mới tới Đông Khê, Thất Khê hở anh?
– Đông Khê còn xa. Phải qua Thất Khê rồi mới đến Đông Khê, cô ạ – anh bộ đội nói – Cô mới đến vùng này à?
Cô giáo gật đầu.
– Ở đây tôi thuộc từng cây số – anh bộ đội nhìn vào mắt người con gái – Hồi trước đơn vị tôi chiến đấu ở đây. Lúc ấy tôi mới vào bộ đội.
Người con gái nghe chăm chú.
– Chắc cô lên đây dạy học?
Cô giáo gật đầu.
Người lái xe mỉm cười, thấy mình đoán đúng.
– Thế thì chắc cô đã đọc về chiến dịch biên giới?
– Dạ có, em có đọc.
Anh bộ đội trầm ngâm:
– Nói thật với cô, tôi không tin sách lắm. Nó chẳng nói hết được những chuyện đã xảy ra. Nhà văn nghe chuyện rồi viết, cô ạ, họ không thể miêu tả rõ ràng như người trực tiếp tham gia.
Cô giáo không nói gì.
– Đi cùng đơn vị chúng tôi hồi ấy cũng có một ông nhà văn đi theo đấy. Được chiều như chiều vong. Bộ đội lúc bấy giờ thiếu thốn lắm, đừng nói ăn, đến súng đạn cũng chẳng đủ. Chúng tôi đánh xong rồi, Tây lốc nhốc ra hàng rồi, ông nhà văn mới lò dò ra. Là ở chỗ chúng mình vừa đi qua đấy.
– Thế a?
– Bố Củng khó. Đánh, hai bên choảng nhau mấy đợt, dữ lắm…
Xe lên dốc. Anh bộ đội mất dạng trong kính chiếu hậu. Anh bị trôi đi và người lái xe chỉ còn nghe loáng thoáng giọng hào hứng miêu tả trận đánh.
Bà lão ngả đầu vào vai người lái xe. Anh nhích ra cho khỏi vướng tay lái, đầu bà lão nghiêng theo, đè nặng lên vai anh.
Nhìn lên kính chiếu hậu, anh thấy mấy mái đầu chụm lại, cánh tay anh bộ đội thỉnh thoảng lại vung lên. Có vẻ anh ta làm động tác ném lựu đạn. Chắc đã là một đồn nào khác, không phải Bố Củng mà họ vừa bỏ lại.
– Chiếm được đồn rồi, mới thấy khát khô họng… – xe xuống dốc và người lái xe lại được nghe tiếp câu chuyện – Cả ngày hò hét, chẳng có giọt nước nào… Một cậu nhảy xuống hầm, thấy cái thùng để đấy, mới xỉa một nhát lê xem trong là cái gì – rượu phun ra ào ào. Tây nó đựng rượu trong những cái thùng to, các vị ạ, chúng nó uống rượu như ta uống nước lã.
– Khiếp, cái giống Tây, nốc rượu thế thua là phải! – người đàn ông bình phẩm.
– Đang cơn khát, cậu ta mới nằm thẳng cẳng cho rượu tung toé vào mặt, vào miệng. Tay ấy, tôi biết, cái khoản rượu là nhất hạng, không ai bằng. Cu cậu sướng, cứ tì tì, nốc mãi.
– Vô kỷ luật đến thế là cùng! – người đàn ông lắc đầu – Bộ đội gì của ấy.
– Bộ đội thì cũng có người nọ người kia, ông ơi – anh bộ đội nói, giọng có vẻ khó chịu – Người ta đi bộ đội có phải để uống rượu đâu. Đi bộ đội chín phần chết một phần sống đấy, ông ạ.
Người đàn ông đáp, có ý phân trần:
– Nào tôi có phê phán gì đâu. Vấn đề ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, là kỷ luật chiến trường…
Anh bộ đội xịu mặt, tiếp tục câu chuyện bỏ dở.
– Quân ta rút lúc nào không hay, cái cậu ấy. Say bí tỉ, nào biết trời biết đất là gì. Lúc ấy nhốn nháo lắm, lệnh rút là rút, thương binh thì cõng, tử sĩ thì kéo, không ai để ý người còn người thiếu. Với lại lúc ấy còn ai mò xuống hầm làm gì.
– Rồi sao, anh? – cô giáo hỏi.
– Còn sao nữa. Tây chiếm lại đồn. Cu cậu vẫn nằm đó, ngáy khò khò. Hì hì. Tây đánh thức mãi mới tỉnh.
– Chết thật! – cô giáo cười nắc nẻ.
Người con gái ngồi bên góp chuyện:
– Sướng nhỉ? Bao nhiêu là rượu! Hôm cưới em mậu
dịch bán cho mỗi ba chai tiêu chuẩn, mà lại là rượu cà phê.
– Cưới mà chỉ có ba chai thì ai uống ai đừng?
Người con gái bụm miệng:
– Chỉ trông vào mậu dịch có mà chết. Còn có rượu lậu chứ. Cưới em hai họ cứ là nhoè.
Ông cán bộ huyện, theo anh lái xe đoán, hứ một tiếng:
– Ở đâu mà lắm rượu lậu thế? Không bị bắt à?
– Có mà bắt! – cô gái cười, cái răng vàng lấp lánh – Bắt hết thì bắt cả huyện. Nhà em là xã đội phó đấy, vẫn cứ nấu như thường.
Ông cán bộ huyện cao giọng:
– Chết thật, thế thì còn gì là kỷ cương. Làm cán bộ phải gương mẫu. Đảng viên đi trước làng nước theo sau.
Xe lên dốc. Tiếng động cơ át đi câu nói tiếp theo của ông cán bộ huyện.
– Thế rồi cái anh bộ đội nát rượu ấy có bị gì không? – cô giáo hỏi.
– Bị chứ. Tây mà nó tha à? Nó tẩn cho một trận thừa sống thiếu chết. May, rượu nốc đẫy, người nóng bừng bừng, cậu ta mới cởi hết quần áo quẳng đi, trên người chỉ còn mỗi cái quần đùi. Mới một mực khai là dân công. Tây khờ lắm. Tin. Ờ, mày là dân công. Tốt. Dân công thì đi theo chúng tao, vác đạn.
– Rồi anh ấy có trốn được không?
– Chứ ở lại với Tây à? Cậu ta rồi cũng chuồn được về đơn vị. Lẽ ra bị kỷ luật đấy, nhưng đại đội trưởng nghe chuyện buồn cười quá, tha. Cũng là tính thêm vào đấy chiến công của cậu ta: phá được một ụ súng, nói phét là pháo lớn, nhưng anh em biết, đồn ấy chỉ có hai khẩu đui-xết (mười hai li bẩy) thôi.
Câu chuyện của anh bộ đội làm người lái xe nhớ đến những năm kháng chiến, khi anh còn là người lính ở miền đông Nam Bộ. Ở đó anh cũng như anh bộ đội kia, cũng thuộc từng thôn làng, từng đoạn đường. Ở quê anh những con đường, những cánh đồng cũng có chuyện của chúng, cũng được mọi người kể lại với giọng tự hào y như thế này.
Tập kết ra Bắc, anh mới học nghề lái xe. Lịch sử đường số 4 anh biết lơ mơ. Mỗi cột cây số, mỗi quả núi, mỗi cánh rừng, mỗi vách đá ven đường đều gắn liền với những sự tích mà anh không biết.
– Lúc ấy em còn bé quá!
Anh nhớ đến những đồng đội đã không còn. Cho đến nay, anh không nghĩ về họ với cảm giác tiếc rẻ trong lòng: “Giá chúng nó còn sống!” Với anh, trong tâm tưởng họ vẫn sống. Họ chỉ vắng mặt ít lâu, chỉ xa anh ít lâu, rồi họ sẽ trở về. Nhưng giờ đây, trong lúc này, câu chuyện của người lính đi nhờ trong thùng xe kia, với cô giáo trẻ đang dỏng tai nghe kia, nó làm anh nghĩ tới những người bạn mình đã mất, quá khứ đã qua đi thật sự, không gì có thể làm họ sống lại.
“Thế là chúng mày không bao giờ được biết có những đứa bé lớn lên thèm khát cuộc sống của chúng mình ngày xưa!” Người lái xe ưu tư. “Chẳng có đứa nào trong chúng ta mong cho những đứa bé ấy phải sống như chúng ta đã sống. Cuộc sống của chúng ta là cuộc sống không đáng có. Chiến tranh là cái không đáng có. Chiến tranh giết chết những con người đáng lẽ được sống”.
– Thế hồi kháng chiến chín năm cô giáo ở đâu? – anh bộ đội hỏi.
– Em ở Hà Nội.
Khi xe bỏ dốc, tiếng máy dịu đi, người lái xe mới nghe được câu tiếp theo:
– Trước kia gia đình em cũng có thời gian tản cư ra vùng kháng chiến…
Không ai nói gì. Mọi người đều hiểu điều cô không nói tiếp.
– Bây giờ cô lên trên này công tác? – anh bộ đội lúng túng, như thể anh là người gây ra cái yên lặng vừa qua – Các cô các chị lên vùng cao công tác thật quý hoá. Trên này thiếu giáo viên lắm.
Câu nói khách sáo không làm giảm đi bầu không khí nặng nề.
– Anh là người trên này sao?
Cô gái đeo xà cột hỏi. Từ lúc ông cán bộ huyện nói điều gay gắt về rượu lậu, cô không muốn nói gì nữa, cô giận.
– Tôi là dân Quảng Uyên.
– Em ở dưới Quảng Uyên một tí, ở ngay đèo Mã Phục – người con gái nói – Anh cũng người dân tộc à?
– Tôi người Nùng.
Người lái xe thấy đôi mắt đen của cô giáo đưa đi đưa lại trong gương, vẻ ngạc nhiên không dứt.
Anh muốn nhìn cô mãi trong tư thế này. Nó làm anh nhớ tới người con gái mà anh chỉ có thể thấy lại
khi nhìn vào bức ảnh anh mang theo trong hành
trang ra Bắc.
Ngày anh ra đi hai người không hứa hẹn gì với nhau. Cô tặng anh bức ảnh với một hàng chữ ngắn ngủi ở mặt sau. Thỉnh thoảng anh đọc lại hàng chữ ấy, lúc thì thấy nó thân yêu, lúc lại thấy nó hờ hững.
– Anh chả phải người Nùng – cô gái cười, nói – Anh người Kinh. Nghe anh nói chẳng thấy Nùng tẹo nào.
– Nói dối làm gì. Nùng thật mà.
Cô gái nhổm lên, giọng thách đố, dây xà cột tuột khỏi vai.
– Chả phải. Thế… người Nùng gọi quả đu đủ là gì nào?
– Là ma ca cố chứ còn là cái gì.
Anh bộ đội đáp, mặt xịu.
– Ma ca cố, ma ca cố… – cô gái không thôi cười – Thế mà anh bảo anh người Nùng. Người Nùng đâu có gọi thế.
– Nùng cũng năm bảy thứ Nùng chứ. Thế cô người gì?
– Cũng Nùng lố.
Cô cười ngặt nghẽo.
Lần này anh bộ đội giận thật. Anh liến thoắng nói với cô bằng tiếng Nùng của anh. Cô đáp lại bằng tiếng Nùng của cô. Họ hiểu nhau tuốt.
Xe qua đèo. Không khí dịu xuống giữa hai người. Họ cười với nhau hồn nhiên. Cô giáo ngẩn nghe họ đối đáp. Trước khi lên đường cô mường tượng ra những người ở mạn ngược, họ khác kia, không giống hai người này. Cô không ngờ lúc này mình đang ngồi bên họ. Người lái xe đoán cô nghĩ thế khi nhìn vào đôi mắt mở to của cô.
Anh bộ đội chuyển qua tiếng Kinh lúc nào không biết. Anh kể chuyện một trận đánh khác.
– Mình tưởng chỗ ấy là đất. Mới nhảy đại xuống, thế nào lại rặt cỏ dại mọc um tùm trên đống đá, còn xơi mới đến đất, ngã một cái chết điếng.
Người lái xe nghe chuyện, quên bẵng nỗi bực bội khi ngồi vào ca-bin. Đáng lẽ hôm nay là ngày nghỉ bù của anh. Anh đã báo cho mấy người bạn ở Hà Nội rằng anh sẽ về bù khú với họ, đã hình dung mấy bữa nhậu có khô bò, gà xé phay… với mấy chai rượu ngô anh giấu kỹ dưới gầm ghế. Thế mà lại phải đi. Lúc nào cũng đột xuất và đột xuất. Mà đột xuất gì cơ chứ, vẻn vẹn mấy bao tải muối vét kho.
Xe lại đi vào đoạn đường xấu, xóc nảy người. Cánh cửa trái lại ca bài ca muôn thuở “tành tành… tành tành tành… tành tành”.
Cô gái đeo xà cột hoá ra là một cán bộ phụ nữ huyện. Hoá ra cô cũng có chuyện về đường số 4. Cô từng đi dân công theo bộ đội đánh Đông Khê.
– Lúc ấy em bé lắm, gầy lắm, chị ạ – cô nói với cô giáo – Như con mèo ấy.
Anh bộ đội hỏi tên những đơn vị mà cô biết hoặc còn nhớ, thỉnh thoảng lại “a” lên một tiếng, cứ như thể họ nhận ra nhau là người quen khi nhắc tới một phiên hiệu nào đó.
Cô cán bộ phụ nữ nói nhanh, cười giòn, hay chêm vào câu nói hai chữ “tưởng bở” vô nghĩa. “Dân công đi rầm rập, chết cũng nhiều lố. Chiến lợi phẩm nhiều, gánh kìn kìn, như đi hội ấy. Tây trắng Tây đen bị giải đi hàng xâu, lũ lượt, tưởng bở, lốc nhốc hàng đàn. Sao mà chúng nó lắm râu thế không biết, lông cũng lắm, như khỉ ấy, tưởng bở!”
Anh bộ đội cười tít mắt.
Đường xấu làm bà lão tỉnh giấc, ngơ ngác nhìn ra con đường phía trước, rồi ý tứ ngồi dịch ra để khỏi vướng tay lái. Nhưng cái cánh cửa rung bần bật làm bà sợ. Bà sợ một lúc nào đó nó sẽ bung ra và bà sẽ văng xuống đường.
Anh bộ đội nói với cô giáo:
– Cô lên cái chốn khỉ ho, cò gáy, trâu gõ mõ, chó leo thang, mèo làm chủ tịch này là dũng cảm lắm đấy.
Cô giáo cười, nhưng người lái xe biết đàng sau nụ cười cố gắng là nỗi lo lắng được che giấu.
– Mèo sao làm chủ tịch được, anh ơi?
Anh bộ đội cười to:
– Là nói người Mèo, cô ạ, không phải con mèo.
Có tiếng đập khe khẽ vào tấm lưới thép. Thoạt đầu, người lái xe tưởng đó là do đường xóc, nhưng rồi anh nghe rõ đó tiếng đập của một bàn tay ngập ngừng.
Người lái xe không quay lại. Xe đang ở một khúc ngoặt bên thung lũng sâu hun hút.
Đàng sau anh, cô giáo thì thầm:
– Anh lái ơi, anh lái…
Tiếp theo là giọng khẩn khoản của anh bộ đội:
– Đồng chí chiếu cố tụi tôi tí nhá.
Người lái xe không ngoảnh lại:
– Chiếu cố gì cơ?
– Hai cô muốn được thăm nghĩa trang liệt sĩ. Nhân
tiện, có nhang mang theo. Cô này có người chị đi dân công hy sinh ở đây…
Giọng ngập ngừng, anh bộ đội nói thay hai người con gái, nhưng lại ngại người lái xe cho rằng mình dựa vào các cô để nói lời nhờ vả:
– Tôi cũng đánh ở đây đấy, đồng chí ạ. Đánh Bông Lau không phải chỉ cmột trận, chúng nó giữ chặt lắm. Mấy cậu bạn tôi hy sinh…
Người lái xe nhìn đồng hồ cây số. Cứ thế này xe anh sẽ đến chậm. Các xe khác đi sớm, anh vét kho, đi sau rốt. Lại còn lằng nhằng với mấy người đi nhờ này nữa.
Nhưng khi nhìn thấy cổng nghĩa trang quét vôi trắng hiện ra trên sườn đồi trước mặt, anh nhấn ga cho xe đi mau hơn rồi kéo phanh tay cho nó dừng hẳn trước những bậc lên xuống.
Không ngoảnh lại anh cũng biết mấy người ở đàng sau thở phào.
Anh vớ cái khăn tay lau mặt, đỡ bà lão bước xuống.
Bây giờ anh mới nhìn rõ bạn đồng hành của mình. Cô giáo có nước da trắng, ở đôi gò má của khuôn mặt bầu bĩnh có những tia máu hồng li ti. Nếu cô không có nước da trắng như thế, cô có thể là một cô gái miệt vườn quê anh. Anh bộ đội trông nhỏ đi. Nhiều lần lưng anh bộ đội che lấp mọi người trong gương làm người lái xe có cảm giác anh cao lớn. Còn cô gái Nùng thì đẹp hơn trước rất nhiều vì đôi mắt long lanh dưới vành khăn chàm vừa quấn vội lên đầu.
Họ leo lên đồi. Bà lão đi từng bước nặng nhọc theo hai cô gái cố ý đi chậm lại đợi bà.
Cô giáo bước rất nhẹ, như sợ làm thức giấc những người nằm dưới mộ. Nghĩa trang lặng lẽ đến nỗi tiếng gió làm những ngọn cỏ lau đập vào nhau nghe cũng rõ.
Người lái xe nghe những tiếng xào xạc và nhớ đến một khúc hát anh được nghe trong những ngày đầu tiên chạy trên đường này: Thất khê ề ê, Vệ quốc quân xông pha à a... Vẳng nghe thấy tiếng súng trong sương mù... Anh không nhớ bài hát đó. Anh chỉ nhớ vài câu.
Anh bộ đội dừng lại lần thứ hai ở mỗi tấm bia liệt sĩ, lẩm nhẩm đọc những hàng chữ khắc chìm vào xi-măng và tô bằng mực đen. Người lái xe đến gần và đọc theo anh bộ đội: Cung Văn Trăng… Trần Văn Phúc… Sầm Văn Pèng…
Ở cái bia tiếp theo trong số những tấm bia có tên người, chỉ có vẻn vẹn một hàng chữ “Liệt sĩ Điền”.
Anh bộ đội tần ngần trước những hàng mộ chí. Anh không tìm thấy những tên quen. Dưới những nấm mồ không tên kia, ai là bạn anh? Người lái xe nhìn những tấm bia, buồn rầu nghĩ đến những nấm mồ bạn bè trong Nam.
Bà lão rút mấy thẻ hương cô gái Nùng mang theo. Người lái xe thường gặp những bao hương giấy đỏ loại này ở chợ Đồng Xuân, ở những gánh hàng rong góc phố hàng Đường Hà Nội, bao giờ cũng đặt bên những bông hoa không có lá.
Bà lão mượn người lái xe bao diêm và nhờ cô giáo châm. Khi bà lão xoè những que hương thành hình nan quạt và vẫy tay làm tắt ngọn lửa, một làn khói
đặc và nặng chậm chạp bay lên. Một ngọn gió đón
lấy, làm nó tan ra thành một làn khói mờ và mỏng.
Không biết có phải vì khói tạt vào mặt không, nhưng anh lái xe thấy cay nơi mắt. Bà lão chia những thẻ hương ra và lần lượt cắm trên những nấm mộ liệt sĩ. Khi bà lùi lại, đưa hai tay lên vái thì mọi người đã theo chân cô giáo đứng về phía sau.
Người lái xe yên lặng nhìn mọi người. Anh thấy một giọt nước mắt nhỏ xíu lăn trên má cô giáo. Sau lưng anh, cô giáo thì thầm hỏi cô bạn đường:
– Cô có thấy mộ chị của cô không?
Không thấy cô người Nùng trả lời.
Ông cán bộ huyện bảo:
– Tôi xuống đây được rồi. Đi bộ chỉ một quãng.
Người lái xe không nói gì.
Xe đến một con dốc tiếp theo, bà lão nói với người lái xe:
– Tôi được cả thảy ba cháu trai thì hai đứa hy sinh trong kháng chiến. Cháu thứ ba công tác trên này. Nó vừa đánh điện cho tôi lên coi vợ nó ốm. Vợ nó có mang được năm tháng. Tội nghiệp, vợ nó yếu lắm, sẩy hai lần rồi, bác ạ. Tôi khấn các anh bộ đội phù hộ cho cháu. Sống khôn chết thiêng, phải không bác?
Anh lái xe gật gật đầu để bà lão hiểu anh cũng nghĩ như bà.
Khi xe lên gần hết dốc, người lái xe bỗng ngửi thấy một mùi thơm nhẹ phảng phất. Không phải mùi hoa rừng. Đó là mùi hương trầm. Mùi hương do bà lão vừa châm. Một trận gió lớn chợt đến đã đưa làn khói thơm ấy từ nghĩa trang bay đi, đuổi kịp chiếc xe.
Bà lão cũng ngửi thấy mùi hương. Người lái xe
thấy cánh mũi bà lão phập phồng. Rồi bà rùng mình, chớp chớp mắt và từ từ ngả đầu vào thành sau. Có lẽ bà lão sắp ngủ. Người lái xe hãm bớt tốc độ cho bà lão đỡ bị xóc. Một lát sau, anh biết anh lầm. Bà lão không ngủ, tuy mắt bà nhắm nghiền.
Xe chạy từ từ xuống dốc. Môi bà lão khẽ động đậy và người lái xe nghe thấy bà lẩm bẩm khấn những liệt sĩ trên đèo phù hộ cho con bà.
Đường số 4 chạy dài trước mặt…


Vũ Thư Hiên
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.258 giây.