logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 28/06/2023 lúc 10:19:17(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tôi là dân Bắc Kỳ 54 di cư vào miền Trung, đến một thành phố rất đẹp ven biển. Ba tôi dạy học mãi ngoài Huế, nên tôi ở lại thành phố biển với Ông Nội và hai bà cô để tiện bề học hành và hầu hạ Ông. Tôi coi Ông giống như Cha, nhưng đôi khi cũng rất buồn, cô đơn và tủi thân. Bởi vì Ông già hơn Cha nhiều và khó gần gũi. Những lúc như vậy, hầu như tôi chỉ có bé Uyên là người thân thích nhất.
Uyên là “cô bé lọ lem” nhà hàng xóm, nhỏ hơn tôi sáu, bảy tuổi gì đó. Ba Uyên là quân nhân, luôn vắng nhà. Mẹ Uyên thương tôi như con bà vậy. Tôi không biết tên bà chỉ biết ai cũng gọi bà là “Cô Ba Nam Kỳ”. Lúc rảnh rỗi tôi hay lại nhà em chơi. Bé Uyên thường theo tôi đi nhà thờ. Đó là ngôi thánh đường nhỏ xíu, gần một dòng sông, có những hàng cây keo cao ngất mọc bên bờ, đầy gai và hoa trắng nõn, dày cơm, ngọt lịm. Chúng tôi hái hoa keo ăn chán chê, rồi ngồi trên bờ cát nhìn xuống dòng sông nhỏ bé lững lờ trôi, ngắm bày chim chiền chiện đuổi nhau trên đám cỏ lau kêu ríu rít, quên cả vô nhà thờ cầu nguyện. Hai đứa chúng tôi sống bên nhau như hai trẻ mồ côi lạc loài. Tất cả tình thương tôi đều dành cho Uyên, chiều chuộng em như chính em ruột của mình. Uyên cũng cảm nhận được điều đó nên luôn mè nheo tôi.
– Anh Hai, mấy con chim đó tên là gì dzậy?
– Người ta gọi là chim chiền chiện.
– Ai đặt tên cho nó dzậy?
– Anh hổng biết.
– Chắc má nó đặt tên cho nó phải hông?
– Chắc Ba nó đặt đó, giống như Ba đặt tên cho em dzậy.
– Ừ há.
– Bắt nó cho em đi, anh Hai.
– Nó chạy nhanh lắm, làm sao anh bắt được.
– Cẳng anh dài hơn cẳng nó mà.
– Nhưng nó có cánh.
– Thôi em hổng chơi dzới anh nữa đâu, anh lớn như dzầy mà hổng bắt được con chim nhỏ xíu đó.
– Để nó sống với ba má, bắt nó làm chi tội nghiệp, lỡ nó nhớ ba, buồn rồi bịnh chết mất sao.
– Anh Hai ơi, em nhớ Ba quá hà, bữa nào Ba dzìa, em nói Ba dẫn anh em mình đi ăn cơm gà xiu xiu nghe.
– Ừ phải đấy.
Tôi thấy mắt em đỏ hoe và quên mất chuyện đòi bắt chim chiền chiện. Tôi ôm em thật chặt, và hôn lên tóc em. Tôi thương em và thương tôi quá đỗi.
– Ngoan đi, anh còn một đồng đây, anh mua bánh rán cho em ăn nghe?
– Hổng chịu đâu.
– Chè đậu dzán dzậy?
– Hổng chịu.
– Kẹo kéo nhá, quay số trúng, chịu hông?
Nghe quay số mắt em sáng lên nhưng phụng phịu:
– Em chỉ muốn ăn kẹo bột thôi.
– Kẹo bột là kẹo gì dzậy trời?
– Kẹo đường đen rắc bột trắng đó.
– Trời đất, kẹo đường cứt trâu đó hả?
Em mở to mắt tròn xoe như hai viên bi thủy tinh và gật đầu lia lịa.
– Mở miệng ra coi, còn mấy cái răng mà đòi ăn kẹo bột. Em có biết là ăn nhiều đường sẽ bị sún răng không? Con gái mà sún răng trông xấu lắm mà còn bị bạn “lêu lêu” nữa đó.
– Thiệt hông? Anh xạo, em mét má cho coi.
– Sao hổng thiệt, em sờ dzô thì biết, coi chừng răng sún cắt đứt tay đó nghen.
Con bé có vẻ sợ thiệt, rơm rớm nước mắt. Tôi phải ôm Uyên dỗ dành. Có lẽ tôi thương em nhất trên đời. Em ở ngay bên tôi, an ủi tôi, cần tôi che chở, dẫn dắt, tất cả mọi thứ khác đều quá xa vời.
– Em thấy anh Hai khóc nè!
– Đâu có, cát bay dzô mắt anh đó.
– Anh Hai xạo quá, rõ ràng em thấy tóc em ướt mà.
– Chắc con chim chiền chiện bay ngang nó tè trên đầu em, vì em đòi bắt nó đó.
Em cười rũ rượi, và đấm trên ngực tôi liên hồi. Chúng tôi quên hết muộn phiền. Muốn đến nhà thờ phải lội bộ ngang ga xe lửa rồi băng qua nhiều đồi cát, tôi vừa đi vừa kể chuyện cho Uyên nghe, đó là những chuyện tôi đọc được trong các trang báo thiếu nhi, hay những truyện nhi đồng như Bạch Tuyết Và Bẩy Chú Lùn, Cô Bé Lọ Lem, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, Thằng Người Gỗ... Nhiều khi vừa cõng em vừa kể chuyện, tới lúc cô bé đã ngủ gục trên vai tôi lúc nào không biết. Mỗi lần đi ngang ga xe lửa, mùi cơm gà xiu xiu từ gánh hàng rong của chú Ba lại làm bụng hai đứa tôi cồn cào, nước miếng thi nhau chảy ra như mưa rào. Ôi những miếng thịt gà vàng ngậy, bóng lưỡng nằm trên đĩa cơm nấu bằng nước gà luộc rồi chiên với mỡ gà. Lần nào đi ngang qua hàng cơm gà Uyên cũng dán mắt vào đó, chân bước đi không nổi. Tôi chỉ có mỗi ước mơ nhỏ bé, một ngày nào đó sẽ mua cho Uyên một dĩa cơm gà xiu xiu!
Có lần cô Ba mắc đi sanh em bé, Cô xin phép Nội cho tôi qua ngủ trông nhà và Uyên cho Cô. Cô phải vào nhà hộ sanh sớm, kẻo tối có chuyện gì đi không kịp. Tỉnh nhỏ làm gì có phương tiện chuyên chở như bây giờ, đêm hôm chỉ có nước lội bộ thôi. Tôi dắt Uyên về Nội ăn cơm rồi hai đứa về nhà em ngủ. Dạo đó, tôi đang học đệ lục (ngang lớp 7 bây giờ), kể cũng đã lớn rồi. Uyên còn nhỏ lắm. Buổi tối em nhất định đòi tôi ngủ chung giường, Uyên nói:
– Em ngủ một mình sợ lắm, em vẫn ngủ chung với Má.
– Nhưng anh là con trai, em là con gái không ngủ chung được.
– Thế Ba với Má vẫn ngủ chung đó sao.
– Ba với Má thì khác, lớn lên em sẽ hiểu.
– Em thấy khác gì đâu, em hổng chịu đâu.
Giọng Nam Kỳ nhõng nhẽo, mếu máo, khiến tôi không thể làm phật ý em được. Đợi khi em ngủ say, tôi gỡ tay ra, trải chiếu, ngủ trên thềm nhà. Buổi sáng khi vừa mở mắt ra, đã thấy em nằm ngủ say sưa bên cạnh. Uyên ngây thơ và vô tư như thiên thần. Từ ngày có em bé, Uyên không còn được Mẹ chăm sóc như xưa, em quanh quẩn bên tôi nhiều hơn, buổi tối thường ăn cơm chung với tôi và đòi chỉ em làm bài tập.
Năm cuối cùng trung học đệ nhất cấp, tôi chuẩn bị đi Saigon học tiếp. Sẵn có tiền Nội cho, tôi dẫn Uyên đi ăn cơm gà xiu xiu, đó là bữa ăn ngon nhất trên đời tôi và em được ăn. Dù sau này đi khắp năm châu bốn bể, tôi cũng không thấy bữa ăn nào ngon như thế.
Lúc tôi lên đại học thì Uyên vừa vào trung học. Mỗi năm cứ vào dịp hè tôi lại đáp xe lửa về thành phố biển thăm Nội và Uyên. Tôi hay dẫn em leo núi Nhạn hái trái sim màu tím thẫm ngọt lịm hay trái dú dẻ màu vàng tươi, thơm ngát. Đó là những ngày hè vui nhất trong đời. Uyên càng lớn càng xinh đẹp hơn, không còn là cô bé lọ lem ngày nào. Chúng tôi vẫn leo lên mấy đồi cát đi về phía nhà thờ bên dòng sông thời thơ ấu, nhưng em không còn bắt tôi cõng và cũng không còn đòi ăn kẹo bột nữa.
Đôi khi chúng tôi ra ngồi ngoài bãi biển yên lặng nhìn mông lung về phía chân trời, mắt dõi theo những chiếc thuyền lững lờ trôi về nơi xa xăm. Sự tin yêu và thông cảm đã khiến chúng tôi hiểu lòng nhau mà không cần phải nói thành lời. Chiến cuộc ngày càng khốc liệt hơn, đời tôi rồi cũng sẽ như những chiếc thuyền vô định trên biển cả mênh mông kia.
Những năm “học đại” thật vất vả, tôi vừa phải lo kiếm sống vừa phải vùi đầu vào đống sách vở cao ngất ngưởng, chẳng nên cơm cháo gì, được vài cái chứng chỉ vớ vẩn, vứt ra đường không ai thèm lượm.
Rồi vụ bom đạn Tết Mậu Thân xảy ra, thời hạn hoãn dịch vì học vấn không còn hiệu lực nữa. Tôi cầm Lệnh Gọi Nhập Ngũ mà lòng bâng khuâng khôn tả. Những ngày tháng mơ mộng của tuổi cắp sách đến trường đã chấm dứt. Cuộc đời tôi đi vào một ngõ rẽ, đầy chông gai, và tương lai thì rất mịt mờ. Tôi đã 23 tuổi và có đúng một tháng để gói ghém tuổi học trò cất vào ngăn tủ khóa lại kỹ càng trước khi bước vào quân ngũ.
Tôi trở lại nhà thăm Nội và từ giã Uyên. Em vừa xong trung học đệ nhất cấp, chuẩn bị lên đệ tam (lớp 10). Uyên đã biết e lệ khi đi bên tôi, con mắt to đen láy có dáng tôi trong đó. Con đường đi lên đồi cát dẫn đến dòng sông tuổi nhỏ, chúng tôi đã đi qua biết bao nhiêu lần, nhưng lần này thật mới, xa lạ, ngập ngừng, e thẹn. Nắng sớm mai trải dài trên những đồi cát, chỗ sáng chỗ mờ, tạo thành những đợt sóng cát vô tận, như những đợt sóng ngầm trong lòng hai đứa. Chúng tôi ngồi bên nhau, bên bờ sông dưới hàng keo rậm rạp, nhìn cặp kỳ nhông đầy màu sắc rượt đuổi nhau trên bãi cát.

– Anh Hai kỳ ghê hà, sao nhìn em hoài dzậy?
– Anh muốn mang bé đi mãi mãi trong tim anh, dù có phiêu bạt tận chân trời góc biển nào đi nữa.
– Thôi hổng chịu đâu, anh Hai ở lại đây dzới em.
– Hổng được đâu, người ta nhốt anh trong tù thì sao?
– Em sẽ biến thành con muỗi, chui vô thăm anh mỗi ngày, chịu hông?
– Hổng chịu, muỗi chích đau lắm.
– Em thương anh hổng chích anh đâu mờ.
– Ý trời! Mấy con muỗi cái chích đau dữ lắm đó.
– Thôi làm con kiến dzậy, hổng được, con bươm bướm chịu hông?
– Chịu, người ta đưa anh lên rừng thì sao bướm bay cho nổi?
– Em sẽ hóa thành con chim bay theo anh.
– Người ta thảy anh xuống biển thì sao?
– Em sẽ hóa thành con cá lội theo anh. Thôi em hổng chơi dzới anh nữa đâu, tối ngày đòi đi này nọ, hổng chịu ở đây dzới em.
Em thật ngây thơ, chuyện đời đâu phải cứ muốn là được. Tôi cũng như chiếc lá lênh đênh trên dòng sông dưới kia, trôi hoài trôi mãi, cố vẫy vùng cũng không thoát khỏi số phận, cho đến ngày chịu nằm yên ngoài biển khơi. Rồi cũng đến lúc tôi phải ra đi. Bước lên con tàu, nhìn Uyên ở lại sân ga, trong bộ quần jean áo trắng tôi mới cho em, hai vạt áo chemise cột chéo vào nhau, trẻ trung hết sức, đang sụt sùi lau mắt. Tiếng còi tàu thét lên, tim tôi như vỡ ra từng mảnh, con tàu từ từ lăn bánh.
Em ở lại ôm ấp mối tình ngây thơ, còn tôi ra đi mang theo hình bóng em trên con đường vô định.
Những năm tháng miệt mài với chiến trận, tôi theo đoàn quân mũ nâu, lội khắp các tỉnh miền Trung rồi lên cao nguyên Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Phú Bổn, Phú Túc, Đức lập, Dakto, Ben Het, Quốc lộ 14, nhiều lắm kể sao cho hết. Tôi đi đến đâu cũng mang theo bé Uyên trong tim. Em như thiên thần hộ mệnh, giúp tôi vượt qua bao gian nan, nguy hiểm, cho đến ngày Ban Mê Thuột thất thủ, tôi trở thành tù binh.
Những năm tháng tù đầy hình ảnh em luôn ở bên cạnh tôi, có lúc là con muỗi, đậu ngoan ngoãn trên cánh tay tôi, có lúc là con chim hót líu lo trên cành cây giúp tôi quên đi những bó cây rừng nặng nề trên vai. Có lúc tôi thẫn thờ thấy em là con bướm đang chập chờn trước mặt, cười cợt, khiến lòng tôi quên đi bao nhiêu phiền não lo âu. Vâng, em đã giữ đúng lời hứa theo tôi từng bước chân lưu lạc tù đầy. Tôi gọi tên em khe khẽ trong cơn sốt rét rừng lạnh run người, rồi nóng bỏng. Tôi thấy em mặc áo trắng toát, đuôi áo xòe ra tận chân trời. Tôi cầm tay em đi bên dòng sông tuổi nhỏ, những con kỳ nhông sặc sỡ bu đến bên em, rồi tất cả bay lên khỏi từng mây trong bầu trời nắng chan hòa, có những đàn chim chiền chiện nâng áo em như thể đang trong ngày cưới, ở một vùng trời thênh thang, xa hẳn cõi trần thế khổ đau.
Rồi tôi cũng được thả ra khỏi trại tù. Qua bao khó khăn, trở ngại tìm đường trở lại quê nhà, tôi đau đớn thấy thành phố đã xa lạ, tan tác. Chú Ba với gánh cơm gà xiu xiu đã phiêu bạt nơi nào. Nội tôi đã qua đời, cô tôi đã có chồng vẫn còn trong trại tù nào đó tận đâu ngoài Bắc. Căn nhà Uyên ở nay đã thuộc về người khác. Em ở đâu, gia đình tôi lưu lạc phương nào tôi chẳng biết. Đúng là cảnh nước mất nhà tan. Thành phố nay đã thay đổi, chẳng nhìn thấy một nụ cười, phố xá xơ xác điêu tàn.
Tôi tìm về dòng sông tuổi nhỏ, nơi tôi và em đã từng đến để sưởi ấm tâm hồn. Những con chim chiền chiện vẫn còn đó, những hàng cây keo cao ngất vẫn còn đây, những con kỳ nhông vẫn vô tư đuổi nhau trên bãi cát. Tôi tự hỏi đã có bao nhiêu thế hệ chiền chiện bay ở đây? Bao nhiêu lần lá keo thay đổi, nhưng dòng sông thời thơ ấu vẫn còn y nguyên, như tấm lòng của tôi đối với Uyên. Nước vẫn lững lờ trôi êm đềm, mang theo cả tuổi thơ của hai đứa tôi đi mất. Tôi muốn khóc, cho em, cho tôi, cho tất cả những người Việt Nam điêu linh, khốn khổ vì chiến tranh, vì hận thù. Nước mắt tôi đã cạn khô từ những ngày trong lao tù tủi nhục. Linh hồn tôi đã bay khỏi địa ngục trần gian, để lại một thân xác còm cõi, bơ vơ, rã rời.
Sau hai lần vượt biên thất bại, cuối cùng tôi cũng đến được Pulau Bidong trên con tàu bé tí teo, cùng với mấy chục con ma đói rách rưới, hôi hám, bẩn thỉu, không còn đủ sức lết ra khỏi thuyền.
Có những đêm không ngủ được, nhớ Uyên, nhớ Nội, nhớ gia đình Ba Mẹ, bạn bè, chiến hữu đã từng cùng tôi vào sanh ra tử, tôi lần lên đồi tôn giáo, cầu nguyện. Nhìn xuống đám nhà thuyền nhân dưới kia, những cái được gọi là nhà đó chỉ là mấy nhánh cây rừng làm cột, lợp tôn mỏng, thùng giấy hoặc lá dừa. Hàng chục ngàn con tim đang thổn thức trong đó, có những người cố dỗ giấc ngủ như tôi, có những người đang khóc thầm vì mất vợ, mất chồng, mất con, mất cha mẹ, anh em. Có những người đang tự trách mình vì đã bỏ rơi bạn bè, chiến hữu trong lúc thập tử nhất sinh. Họ đang cố gắng quên đi những tủi nhục một đời, tù đày, ức hiếp, hăm dọa, đánh đập, chiếm đoạt tài sản, rồi bị săn đuổi như một loài thú hoang, còn chịu nạn hải tặc, cưỡng hiếp... Ngoài biển mênh mông kia, biết bao nhiêu oan hồn còn vất vưởng vì nỗi oan khiên chưa được giải, chưa biết tỏ cùng ai, không thể mang xuống tuyền đài. Biết đâu có Uyên trong đó.
Tim tôi quặn đau, nghẹt thở. Tôi cầu xin Trời Phật dù thế nào cũng dẫn em qua cầu khổ đau, tôi khấn nguyện ơn trên hãy mở tay cứu giúp các linh hồn còn vất vưởng ngoài biển khơi được về cõi vĩnh hằng. Tôi miên man nghĩ từng giả thiết về em, đã chết trên đường vượt biên ư? Không, không thể được, em là Thiên Thần có Chư Thiên phò hộ, không thể chết được. Cũng có thể em còn ở Việt Nam hay đã đến một trong những trại tỵ nạn nào đó, hoặc biết đâu, đã đến được bến bờ tự do. Tôi an ủi mình, có thể lắm chứ, em là Thiên Thần mà! Tôi bị dày vò với bao nhiêu giả thuyết, tôi điên rồi.
Cơn điên cứ miên man như thế trong nhiều giấc mơ, theo tôi vượt qua biển Đông, về tận quê nhà nơi thành phố biển, leo qua những đồi cát bên dòng sông tuổi nhỏ. Tôi thấy Uyên và tôi đang đùa giỡn bên nhau, rượt đuổi mấy con kỳ nhông, hay công kênh em trên vai để hái hoa keo hoặc vờ làm bẫy để bắt mấy con chim chiền chiện cho em. Tôi nghe tiếng em cười, tiếng em nhõng nhẽo đòi ăn kẹo bột. Tôi còn nước mắt để khóc không? Nhưng nghe nghèn nghẹn trong tim rồi rơi vào giấc ngủ mê. Tôi thấy em đang chơi vơi giữa đại dương, hai tay dơ lên giữa những cơn sóng phủ đầu. Tiếng kêu cứu của em bị át bởi tiếng gầm gừ của đại dương; “Anh Hai, cứu em, cứu em, cứu em…” Tôi giật mình tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như tắm, đầu hâm hấp nóng. Trời đã khuya, tôi đọc kinh và thầm cầu nguyện cho em. Bầu trời trong vắt đầy sao, có lẽ em đã là một vì sao lấp lánh trên kia. Tôi lặng lẽ trở về căn chòi lá mà lòng đầy nghi vấn. Em đang ở đâu? Còn sống hay đã chết?
Đầu thập niên 80, tôi đặt chân lên đất Mỹ, làm lại cuộc đời từ con số không. Kể như vẫn còn may mắn. Đời tôi luôn luôn gặp may mắn, tôi tin như vậy, cho nên tôi vẫn để ý tìm Uyên khắp nơi. Đi dự họp mặt của các hội đoàn đồng hương, cựu quân nhân, các hội cựu học sinh, sinh viên.

***

Nhiều năm qua đi. Tôi đi học trở lại, ra trường rồi đi làm. Một hôm, theo người bạn cùng sở bay về California tham dự buổi họp mặt của một Hội Đồng Hương, tôi đã gặp lại Uyên! Chúng tôi ôm nhau giữa đám đông khóc mùi mẫn, khóc thoải mái, khóc tự nhiên, khóc thật to cho mọi người cùng khóc. Trong đám đông đồng hương này có biết bao nhiêu người cũng đã từng khóc như chúng tôi. Khóc để trôi đi bao điều còn giữ kỹ trong lòng, không nói ra được. Khóc để nói với mọi người rằng chúng tôi đã tìm thấy báu vật đánh mất bao nhiêu năm trời. Khóc đã đời, chúng tôi buông nhau ra. Nhìn mặt Uyên son phấn tèm lem như thời bé bỏng nghịch đất cát, tôi bật cười. Em hỏi sao tôi cười. Tôi nói tôi đã tìm lại được tuổi thơ của chúng ta, tôi vui lắm. Em muốn kể tôi nghe những gian truân, gia đình tan nát, đổ vỡ, chết chóc, nhưng tôi không muốn nghe. Tôi tìm thấy em là đủ rồi, những cái khác hãy quên đi, quên đi, quên đi…

Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.141 giây.