Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Nga, Hoa Kỳ đã chính thức gia nhập trở lại UNESCO, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, vào thứ Sáu 30/06/2023, sau hơn 4 năm vắng bóng tại định chế quốc tế này.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thông báo Hoa Kỳ xin được quay trở lại tổ chức. Paris, Pháp, ngày 12/06/2023. AFP - ALAIN JOCARD
AFP cho biết trong số 193 nước thành viên UNESCO, 15 nước bỏ phiếu trắng và 10 nước phản đối, nhưng 132 nước đã bỏ phiếu ủng hộ việc trở lại của Mỹ. Phát biểu với AFP, Denise Bauer, đại sứ Mỹ tại Pháp, nước đặt trụ sở UNESCO, khẳng định : « Chúng tôi thực sự hài lòng về sự hỗ trợ này. (...) Việc tham gia tổ chức đa phương này quan trọng đến mức chúng tôi rất vinh dự được gia nhập trở lại » UNESCO.
Về phía tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay nhấn mạnh : « Đây là một ngày quan trọng, một thời điểm lịch sử ».
Bên cạnh Trung Quốc và Nga, một số nước như Iran, Syria, Bắc Triều Tiên … cũng phản đối sự gia nhập trở lại của Mỹ. Riêng phái đoàn Nga đã nhiều lần phát biểu về thủ tục và về bản dự thảo nhằm làm chậm các cuộc tranh luận về sư trở lại của Washington. Một nhà ngoại giao Nga tuyên bố Mỹ đã làm « méo mó, biến dạng không gian này », rằng « những người bảo vệ nền dân chủ và pháp quyền đang bắt đầu dẫn chúng ta đến việc vi phạm các quy tắc này », đồng thời đòi hỏi Mỹ phải thanh toán đầy đủ các khoản nợ UNESCO trước khi tái gia nhập tổ chức này, trong khi Washington đề xuất trả nợ dần dần.
Iran thì xem « cách Mỹ đòi trở lại là không thể chấp nhận được » vì giống như việc « vi phạm tinh thần Hiến chương » của tổ chức UNESCO.
Xin nhắc lại, dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump, vào năm 2017, Washington đã rút khỏi UNESCO với lý do tổ chức này thiên vị, chống Israel. Quyết định của Mỹ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2018. Israel khi đó cũng tuyên bố rút khỏi UNESCO.
Theo RFI