Thời gian sau 1975, tôi cỡ 9-10 tuổi, ngoài ông anh lớn đi dạy ở Cần Thơ, tôi có ba người anh đang học Đại Học, hằng tuần có bạn bè kéo về nhà tôi tụ tập ăn uống, đờn địch ca hát rất vui. Tôi nhỏ tuổi không được tham gia, nhưng có núp ở sau bếp... nghe lỏm.
Ông anh thứ ba chơi đàn trong ban nhạc của phường xã và ban nhạc sinh viên. Thời buổi hiếm hoi các nhạc cụ, nhà tôi vẫn có hai cây đàn guitar, các bạn của anh cũng là dân máu mê văn nghệ, với ý định làm một band nhạc “nghiệp dư” để thỏa đam mê ca hát, các anh khéo tay mày mò hì hục cả tuần lễ tại sân sau nhà tôi, tự làm một bộ trống, làm đi làm lại sau mấy lần cũng thành công, thế là có đủ cho ban nhạc “xập xình”.
Thường là dịp cuối tuần, dịp lễ, các anh chị tụ tập, có khi mười mấy người nhộn nhịp. Gia đình tôi có hai căn nhà, hễ anh tôi tụ họp bạn bè thì mấy người lớn trong nhà ra căn nhà ngoài mặt đường, nhường không gian căn nhà trong hẻm này cho các anh chị họp mặt thoải mái, riêng tôi trong đám con nít vẫn ở lại nhà, nên có nhiều dịp ...hóng, thiệt vui. Các chị nữ đi chợ nấu nướng, các anh ngồi đàn ca, uống trà tán dóc giữa mùi thức ăn tỏa ra từ gian bếp thơm lừng, dù thời ấy còn chế độ “bao cấp” khó khăn, các món ăn thường đơn giản rẻ tiền như cháo huyết, bún chả giò, đồ tráng miệng thì có bánh cay khoai mì chiên, chuối xào dừa là những món tôi từng được thưởng thức ké.
Sau khi ăn uống ca hát xong xuôi, một số người ra về, còn lại vài anh rất thân thiết với anh tôi, cùng ở lại qua đêm vì các anh còn niềm đam mê khác, đó là hát thâu vào băng cassette làm kỷ niệm.
Đêm khuya, cả nhà tôi ngủ say, không gian im lặng, “phòng thu” bắt đầu thâu băng (không có tiếng trống, chỉ có tiếng đàn guitar). Tôi nằm ngay phòng kế bên phòng khách, dỏng tai nghe không sót bài nào, và ấn tượng mạnh mẽ với một giọng nam trầm, mượt mà ấm áp tôi nghe tới đâu say mê tới đó, quên cả ngủ.
Ngoài nhạc Vàng nhạc mùi cho đến nhạc trẻ nhóm Phương Hoàng Nguyễn Trung Cang Lê Hựu Hà như Yêu Người Yêu Đời, Tôi Muốn, Mặt Trời Đen... trước năm 1975, các anh còn chơi cả nhạc ngoại, những bản nhạc nổi tiếng thế giới được dịch sang lời Việt mà giới trẻ thuở ấy theo phong cách “hippy” rất ưa chuộng. Tôi còn nhớ các tờ nhạc rời, tập nhạc trẻ, các bài hát với một đứa trẻ như tôi nghe rất lạ tai đầy hấp dẫn: Búp Bê Không Tình Yêu, Em Đẹp Nhất Đêm Nay, Hãy Gõ Ba Tiếng nhưng nhớ nhất là bài Hôm Nay Không Sữa vì tôi chẳng hiểu rõ nội dung.
Anh tôi và mấy anh bạn thân đó, cũng mặc quần áo kiểu “hippy” là quần ống loe, áo sơ mi đủ màu sắc chim cò, ai có gì mặc nấy, rồi kẻ ôm đàn người ngồi goánh trống ( bộ trống tự chế mà âm thanh nghe cũng đặng). Cứ thế, cả buổi chiều cuối tuần, các bài nhạc trẻ sôi động cả sân sau nhà tôi. Lại là những bài hát và giọng hát mê hoặc thích thú. Nhưng thực ra, chỉ có một giọng hát hay nhất mà thôi, không thể trộn lẫn với những giọng ca còn lại.
Sau đó vài năm, anh tôi ra trường đi làm, nhóm bạn bè không còn tụ tập hát ca nữa, nhớ về thời “vàng son” đó, tôi có liều mình hỏi anh để biết chủ nhân giọng hát truyền cảm đó là ai.
Anh hỏi:
– Em phải nói rõ bài hát nào thì anh mới nhớ chứ!
– “Một người quen đã đi lấy chồng, một người yêu tôi đã sang sông …”, và ảnh thất tình sao đó mà lại nức nở: “Em biết không em chỉ một lời, em giết anh khi mới nửa đời?”
– Ồ, đó là anh Thành.
– Rồi còn bài Hôm Nay Không Sữa thì ai ca?
– Cũng nó luôn đó.
– Trời, hay thần sầu, bây giờ ảnh ra sao rồi?
– Hắn đi vượt biên rồi!
– Chẳng lẽ để… trả thù đời? Khi ảnh cất tiếng ca em cứ ngỡ ảnh thất tình, yêu đơn phương, hoặc bị vợ bỏ phải làm bố đơn thân chăm con nhỏ như trong bài “Hôm Nay Không Sữa chắc em ra đi thật xa. Chiếc chai lăn trong góc nhà, dấu tích đêm chưa xóa nhòa...”
– Trời ơi! Tất cả chỉ là cảm xúc theo các bài hát thôi, mà ý của bài Hôm Nay Không Sữa không phải như vậy nhe, thôi đi học bài đi, hỏi nhiều quá.
– À mà anh ơi, cái anh Thành “No Milk Today” đi vượt biên có tin tức gì chưa?
Sau này, lớn lên, tìm hiểu, nghe bài gốc English mới biết xuất xứ bài hát rất tình cờ: Ngày ấy, thập niên 1960, sữa tươi (fresh milk) còn được giao tận nhà; mỗi sáng sớm, chủ nhà để cái chai không ngoài cửa, người giao sữa (milkman) tới lấy và để lại chai sữa mới.
Một buổi sáng nọ, nhạc sĩ Graham Gouldman cùng ông bố đi ngang ngôi nhà của một người quen, và thấy tờ giấy chủ nhà viết mấy chữ nhắn người giao sữa “no milk today” trước cửa. Ông bố của Graham Gouldman liền “triết lý vụn”, đại khái: chỉ mấy chữ ấy thôi nhưng có biết bao nguyên nhân khác nhau, nào ai biết được, có trời mới biết!
Câu nói của ông bố đã tạo nguồn cảm hửng cho Graham Gouldman viết bản No Milk Today, với nội dung là lời tâm tình của một chàng trai có người yêu đã bỏ ra đi, và được nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng dịch sang lời Việt thành “Hôm Nay Không Sữa”.
Thế đấy, đôi khi chỉ một câu nói, một cụm từ, một khung cảnh bất chợt mà người ta có thể cảm xúc ra một bài nhạc, một bài thơ, thậm chí cả một câu chuyện.
Đó chính là "sáng tác", là "tưởng tượng thêm mắm muối" mà những người viết nhạc, văn, thơ... đều thường làm, nhưng đôi lúc độc giả lại cứ "hiểu lầm" (hoặc cố tình hiểu lầm), bảo rằng đó là "chiệng thiệt chăm phần chăm" của tác giả. (Chuyện “hiểu lầm” này tôi cũng bị vài lần, riết rồi chán, hổng thèm thanh minh thanh nga).
Mới đây, khi cùng cả đại gia đình ngồi ôn lại chuyện xưa, bà chị Cả nói đùa tôi:
– Mày có “cảm” chàng No Milk Today thiệt không đó? Mà lạ thiệt, nhà mình có 4 chàng trai vào Đại Học, với biết bao nhiêu bè bạn lui tới, mà hổng có chàng nào bén duyên với mày hen, chẳng lẽ mấy tên đó “đui” hết ráo?
Tôi cũng đùa lại:
– Chẳng có ai “đui” hết á, vì so tuổi tác thì các anh ấy lớn hơn em từ 6 đến 8 tuổi, họ chỉ nhìn thấy em khi đầu bù tóc rối, chí chóe ăn hàng, cãi nhau với bạn bè, làm sao mà ... yêu nổi?
Nói thì nói thế, chớ cũng oan cho mấy ảnh, vì thực ra cũng có hai anh từng có ý định “chờ bé lớn đủ tuổi”, (trong đó có chàng No Milk Today sau khi đi vượt biên thất bại trở về, vất vả mưu sinh vì gia đình đông em nheo nhóc), nhưng khi “bé” đến tuổi dậy thì, các anh không còn nhiều dịp đến nhà gặp “bé”, trong khi “bé” hớn hở tung tăng bước vào cuộc đời êm ái cỏ hoa, ngây thơ chưa biết buồn biết đau vì sỏi đá gập ghềnh.
Hôm nay, tình cờ nghe No Milk Today, dư âm của những ngày xa lắc ấy trỗi dậy, tôi lại thấy căn nhà xưa, xóm học, giàn hoa giấy mộng mơ, và những chàng trai thiếu nữ tuổi thanh xuân (bạn bè của anh tôi) đã gieo vào hồn tôi, cô bé chỉ hơn 10 tuổi đầu, tình yêu âm nhạc, để rồi tôi bắt đầu tập tành viết Văn, làmThơ.
7/2023
Kim Loan