logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 19/07/2023 lúc 11:26:54(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,254

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Chiếc xe khách Sài Gòn ra Huế tạm dừng ở thành phố Nha Trang vào khoảng bốn giờ chiều. Xe chưa đậu hẳn thì đã có bao nhiêu kẻ bán hàng vặt ồ ạt phóng tới miệng rao hàng inh ỏi tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn. Một số ăn xin tật nguyền, què cụt cũng cố chen lấn tranh nhau hành nghề... Hành khách rộn rịp rủ nhau tìm chỗ để ăn uống hoặc giải quyết chuyện riêng. Vợ chồng Quỳnh và cô em chồng dừng lại trước một cái xe bán trái cây, nàng định mua vài thứ đem về làm quà cho bà con. Đang lựa trái cây, Quỳnh chợt chú ý đến một người ăn xin cả hai chân cụt gần thấu háng, mặc quần sọt ống dài đủ phủ đôi chân cụt, đầu đội cái mũ nỉ, tay cầm một cái đòn ngồi. Anh ta di chuyển bằng cách chống hai tay xuống đất rồi rướn mạnh người lên lấy đà để đưa thân tới. Khi di chuyển, đôi ống quần thừa ra kéo lết dưới đất như lát chổi quét. Thế mà anh ta phóc nhanh không khác gì một con nhái. Thấy cảnh ngồ ngộ, Quỳnh đưa mắt hơi cười nhìn chồng, nói:
– Có tật thì có tài thiệt. Ông ấy đi còn nhanh hơn em nhiều!
Dũng nghiêm nghị tiếp lời:
– Chắc trước kia anh ta là lính tráng! Nước mình có nhiều người thương tật như vậy lắm. Kết quả của cuộc chiến huynh đệ tương tàn thật thê thảm!
Người cụt chân di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác quá nhanh nhẹn khiến Quỳnh tuy thấy tội nghiệp nhưng cũng có chút thinh thích. Nàng tò mò chăm chú theo dõi. Cứ đến cạnh chân một người khách là anh ta vừa ngửa cái mũ đưa lên vừa ngước mắt nhìn khách. Quỳnh không nghe thấy anh ta mở miệng, có lẽ anh ta chỉ nói bằng ánh mắt. Nhiều hành khách nhìn anh ta một lượt từ trên xuống dưới rồi rút một ít tiền lẻ bỏ vào chiếc mũ nỉ, anh ta chỉ khẽ gật đầu tỏ vẻ cám ơn. Gặp hành khách không cho, anh ta chỉ im lặng quay người lết đi chỗ khác...
Người bán trái cây đã gói xong hàng. Quỳnh lấy bóp ra chưa kịp đếm tiền trả bỗng thấy cái mũ nỉ của người cụt chân đưa lên phía trước mắt mình. Quỳnh nhìn xuống, mắt nàng chạm ngay luồng điện quang từ cặp mắt người cụt chân đang ngước lên. Quỳnh giật thót mình một cái. Ôi cặp mắt ai kia! Nàng đứng trân người ra, mồm há hốc. Người ăn xin cũng sững sờ không kém, anh ta bỗng quay ngoắt người nhảy đi như con sóc. Quỳnh chưa kịp định thần anh ta đã mất dạng giữa đám đông. Dũng và Liên vô cùng ngạc nhiên. Liên bấm tay Dũng nói nhỏ:
– Hình như người cụt chân ấy quen biết chi với chị Quỳnh!
Dũng hơi gật đầu, không nói gì. Liên nhìn Quỳnh vẫn còn đang thẫn thờ, hỏi:
– Sao anh ta vừa thấy chị lại quay người đi liền như thế nhỉ?
Quỳnh ngập ngừng lúng túng:
– ... chị cũng không hiểu nữa!
Dũng thản nhiên, xuề xòa:
– Có thể tưởng lầm gặp người quen anh ta ngượng chứ gì! Phải đi ăn xin chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Thật tội nghiệp! Chắc anh ta bị thương hồi chiến tranh! Những người không may đó hay tự ti mặc cảm lắm! Mà quả thật, người đời vẫn quen thói phù thịnh, theo thời, đối xử bất công với họ! Vì thế phần lớn những người như thế tâm trí hay trở nên bất thường...
Dũng tiếp tục nói nhiều về những người thương tật, nhưng Quỳnh không còn nghe gì nữa. Một dĩ vãng đau lòng sống dậy trong đầu óc Quỳnh, Quỳnh lẩm bẩm: "Anh ấy còn sống và ra nông nỗi như thế sao?"

***

Ngày còn đi học, đã có một thời Thành dạy kèm ở nhà cho Quỳnh. Cùng học với nàng còn có hai người bạn chí thân: Lan và Ngọc. Thành siêng năng chăm chỉ, tận tâm chỉ vẽ cho ba cô bé. Quỳnh thông minh mau hiểu hơn hai bạn, lại ngoan ngoãn hiền lành nên Thành yêu mến hơn cả.
Rồi các cô mỗi ngày mỗi lớn, vẻ đẹp, nét duyên con gái cũng lộ dần vào thời gian Thành sắp xếp bút nghiên...
Thành vào lính khi Quỳnh mới lên lớp đệ ngũ. Tiễn đưa Thành xong, Quỳnh cảm thấy buồn tê tái đến mấy hôm. Nhưng chỉ qua tuần sau Quỳnh đã hoàn toàn bình thường trở lại. Thỉnh thoảng Thành lại viết thư cho các cô học trò và các cô cũng gởi thư lại cho Thành, chẳng có gì đáng nói. Rồi thư từ cũng thưa dần...
Hơn hai năm sau, một hôm Quỳnh đang trên đường đạp xe đến trường bỗng nghe tiếng người gọi:
– Quỳnh! Quỳnh!...
Quỳnh nhìn lại và thấy một chiếc xích lô đạp ngược chiều từ từ dừng lại, người khách trên xe đang ngoái cổ nhìn và đưa tay vẫy vẫy. Quỳnh hết sức mừng rỡ vì nhận ra người khách ấy chính là Thành. Thành vừa vẫy tay vừa bước xuống xe. Quỳnh vội vàng cua xe vòng lại. Nàng sững sờ nhìn Thành: Chàng mặc đồ quân nhân, to lớn, đẹp đẽ như một thiên thần trong truyện cổ tích!
– Anh Thành về thăm nhà?
Thành nhìn Quỳnh cũng với vẻ kinh ngạc:
– Ừ. Anh nghỉ phép mười ngày. Mình sẽ có nhiều thời giờ gặp nhau. Quỳnh bây giờ trông khác trước nhiều lắm!
– Thế chiều nay anh tới nhà em chơi nhé. Bây giờ em phải đi cho kịp đã, gần tới giờ vô lớp rồi!...
– Ừ, chiều mình gặp nhau, em đi...
Một thứ cảm nghĩ lạ lùng từ đâu không biết đã dấy lên mãnh liệt trong đầu, Quỳnh đạp xe đến trường mà lòng bồi hồi khôn xiết. Hình ảnh người lính trẻ đã đột nhiên chiếm ngự tâm hồn nàng. Quỳnh đã gặp bao nhiêu là lính nhưng nàng chưa hề có thiện cảm với một ai. Trong đầu óc nàng lâu nay, người lính vẫn là biểu tượng cho sự thô bạo, thiếu thanh lịch. Đây là lần đầu tiên hình ảnh người lính hoàn toàn thay đổi trong tâm tư nàng. Giây phút này Quỳnh đã thực sự ngấm hiểu thế nào về những cái từ hào hoa, hiên ngang hay oai hùng dành cho người lính mà nàng vẫn nghe. Trong phút chốc hình ảnh một viên chức hành chánh, một ông thầy giáo hiền lành sớm đi tối về mà lâu nay nàng vẫn mơ tới trở thành nhạt nhẽo tầm thường quá... Nhưng đã qua một thời gian xa cách có thể Thành đã là người của ai rồi cũng nên! Mặc kệ, tại sao ta không có quyền hi vọng? Đối với Lan và Ngọc, Quỳnh không lo, nàng vẫn tự tin vì trong ba đứa, nàng biết sắc đẹp nàng trội hơn chúng xa. Nàng sẽ hãnh diện biết bao khi sóng đôi với chàng đi dạo phố hay đi xem hát! Nàng sẽ sung sướng bồi hồi xúc động đến thế nào khi gặp lại chàng sau những ngày hành quân xa! Rồi bao nhiêu cảnh tượng lâu nay Quỳnh vẫn không thèm chú ý lần lượt hiện ra như cảnh quân đội diễn hành, trao vòng hoa chiến thắng, đám cưới nhà binh...
Tất cả mọi cái nhìn về người lính dưới mắt nàng bây giờ hoàn toàn đổi khác.
Ngồi trong lớp trọn buổi sáng nhưng Quỳnh không hề thâu thập được một lời giảng nào của thầy giáo. Đầu óc nàng chỉ xoáy quanh những hình ảnh của người lính...
Trong vòng mười ngày phép ấy, Thành và Quỳnh đã đi đến yêu nhau. Những người chung quanh không ai ngạc nhiên cả. Trai tài gái sắc gặp nhau rồi phải lòng nhau nhanh chóng vẫn là chuyện thường. Có người còn nghĩ là cô cậu đã yêu nhau trước khi Thành đi lính. Chính Lan và Ngọc cũng nhiều lần mắng yêu Quỳnh:
– Mụ cô mi, rứa mà lâu nay vẫn giấu tụi tao làm tụi tao cứ nuôi mộng huyễn!
Quỳnh vô cùng sung sướng, hãnh diện với mối tình đầu đời đó.
Hai người ước hẹn với nhau khi Quỳnh đậu tú tài xong sẽ chính thức tính chuyện hôn nhân.
Ngày vui thường vẫn chóng tàn, mười ngày sau Quỳnh phải tiễn đưa Thành vào Qui Nhơn, nơi chàng đóng quân. Lần này thì Quỳnh đã rơi bao nhiêu nước mắt chân tình.
Sau đó, những lá thư tình nồng nàn vẫn nối nhau đi đi về về giữa hai người. Tuy vậy, càng ngày Quỳnh càng cảm thấy thiếu an tâm. Nàng thấy đời lính hay xảy ra lắm chuyện bất trắc. Nàng lo lắng cho tương lai, ngày ngày cố gắng chúi đầu vào sách vở và nôn nóng chóng tới kỳ thi tú tài.
May thay, kỳ thi tú tài Quỳnh đã trúng tuyển khá dễ dàng. Với ý định theo sát chân chàng, Quỳnh ráo riết chuẩn bị thi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Nhưng Quỳnh giấu Thành, nàng muốn dành cho Thành một sự ngạc nhiên khi nàng trúng tuyển. Thấy Quỳnh lo đơn đi sư phạm, nhiều người bạn cũng bắt chước làm theo, tạo nên một bầu không khí ganh đua phấn chấn.
Quỳnh, Lan và Ngọc và ba cô bạn khác cùng đi nộp đơn dự thi một lần. Xong việc, từ phòng nhận hồ sơ bước ra cô nào cũng vui vẻ nói chuyện như sáo. Trong lúc cao hứng, Lan đùa:
– Chuyến này sẽ chỉ có một mình tao đậu thôi, con Quỳnh phải rớt, như thế khi vào trường Qui Nhơn tao mới đoạt ngang anh Thành của con Quỳnh được. Cho con Quỳnh khóc húp cặp mắt luôn! Mi chịu nhường anh Thành cho tao không Quỳnh?
Ngọc chửi Lan:
– Mụ cô mi đừng có ác miệng ác mồm!
Cả bọn cùng cười, Quỳnh cũng cười nhưng lòng không vui. Nàng mơ hồ cảm thấy Lan đã vô tình báo hiệu một điềm không tốt về nàng...
Rồi Quỳnh đã thật sự thất vọng khi nàng rớt kỳ thi vào trường sư phạm. Sáu đứa trong bọn Quỳnh chỉ có một mình Ngọc trúng tuyển.
Đã vài lần nếm mùi thi rớt, nhưng lần rớt này Quỳnh thấy buồn ghê gớm như đã đánh mất đi nửa cuộc đời. Quỳnh đã khóc nhiều. Quỳnh hết sức lo sợ cho cuộc tình của mình_ lo sợ đến mất ăn mất ngủ.
Chỉ có một mình Ngọc đậu vào trường sư phạm Qui Nhơn! Cũng còn may vì người đậu không phải là Lan. Dù sao Quỳnh vẫn còn bị ám ảnh bởi lời nói đùa của Lan!
Ngày Ngọc hớn hở khăn gói vào trường, Quỳnh gượng gạo tiễn đưa bạn, dặn dò:
– Tao nghe anh Thành nói đơn vị anh cũng đóng gần trường sư phạm Qui Nhơn, mi vô đó chắc sẽ gặp anh ấy. Nhớ coi chừng anh ấy giùm tao nghe! Nếu có điều chi không tốt mi nhớ viết thư báo cho tao liền đó.
– Bồ yên chí đi! Có cô nào mon men lại gần anh Thành là mình vừa đá cổ nó ra giúp bồ vừa thông báo cho bồ lập tức.
Ngọc cười đùa nhưng Quỳnh thì rơm rơm nước mắt.
Ở nhà Quỳnh vẫn nhận thư từ của Thành đều đều, lời thư vẫn tràn đầy tình cảm nồng thắm. Thành cho biết lâu lắm mới gặp Ngọc một lần. Ngọc gởi thư cho Quỳnh cũng nói như thế. Cũng được thôi. Thà như vậy vẫn hay hơn. Nhưng thỉnh thoảng Quỳnh vẫn nhớ lời nói đùa của Lan mà phát ớn. Tuy giữa nàng và Ngọc tình nghĩa hết sức mật thiết, sâu đậm, nhưng biết đâu chuyện đời!
Thành cho biết sẽ xin nghỉ phép thường niên vào đầu mùa hè tới để về cùng Quỳnh lo tính chuyện hôn nhân. Nhận được tin ấy Quỳnh mừng hết sức. Nàng trông đợi đến mùa hè còn hơn cả thời còn là học sinh tiểu học.
Nhưng rồi gần đến mùa hè Thành bỗng vắng thư từ.
Thành sắp về thăm nên anh ấy không gởi thư chăng? Hay có gì xảy ra? Một tuần, một tháng... rồi đã giữa mùa hè Thành vẫn vắng tin! Thời gian sau này Ngọc cũng không thư từ cho Quỳnh nên nàng cũng khó thăm hỏi.
Quỳnh hết sức lo lắng nhưng nàng không dám bày tỏ cùng ai, kể cả những bạn thân như Lan... Ở cái quê hương sỏi đá thô lậu chân chất này, một người nữ theo đuổi một người nam thường bị dư luận phê phán rất khắt khe. Vì thế, nhiều lần Quỳnh định đánh liều đến nhà Thành tìm hiểu lý do gì chàng vắng thư nhưng rồi không dám.
Giữa lúc ấy, bỗng một người chị họ của Quỳnh lại từ Qui Nhơn về thăm gia đình. Đó là chị Thu, nhà chị cũng gần nhà Quỳnh. Chồng chị Thu lúc ấy đang làm quận trưởng quận Tuy Phước. Quỳnh nghe tin liền mượn cớ tới thăm chị Thu để dò hỏi tin tức. Chị Thu cho biết thời gian này Thành bận đi học một khóa đặc biệt gì đó chừng hai ba tháng ở Đà Lạt. Ở quận Tuy Phước cũng có một viên trung úy dự khóa học này đi chung với Thành nên chị Thu biết rõ. Lính đi thụ huấn là chuyện thường, nghe tin ấy Quỳnh đã lấy lại được niềm tin... Nhưng sao anh ấy không báo tin cho mình hay nhỉ?
Một hôm, Quỳnh ghé nhà Lan chơi, tình cờ Quỳnh thấy một bức hình chụp Ngọc đứng một mình bên thác Cam Ly đẹp lắm. Sau bức ảnh ghi chú: "Kỷ niệm những ngày rất vui ở xứ Hoa Đào". Đà Lạt, ngày 12 tháng 5/19... Ngọc cũng ở thành phố Đà Lạt đầy thơ mộng trong dịp này ư? Quỳnh tái mặt chăm chú nhìn vào ngày ghi trên tấm ảnh rồi hỏi Lan:
– Do đâu mi có bức hình này? Ngọc nó gởi cho mi à?
Lan chưng hửng như không hiểu gì hết:
– À, vừa rồi tao ghé thăm mẹ nó, thấy tấm hình này để giữa bàn, tao thích nên xin. Bà Lộc (mẹ của Ngọc) tặng tao đó. Bà nói nó mới gởi về. Tao thấy còn mấy cái nữa nhưng bà ấy vội cất mất... Ồ, mi sao thế? Có chuyện gì không?
Quỳnh nghe nói toát cả mồ hôi, người lảo đảo, nhưng nàng nói lảng chống chế:
– Thế con Ngọc không về nghỉ hè à? Từ buổi sáng tao đã thấy trong người hơi khó chịu. Có lẽ tao bị xoang gió.
– Con Ngọc có gởi lời thăm tao với mi. Năm nay có thể nó không về nghỉ hè ở nhà. Nó bận đi thăm vài người bà con, mẹ nó nói thế.
– Thôi tao về nghe!
Rồi Quỳnh về nhà với cõi lòng rối rắm nặng trĩu. Linh tính cho nàng biết đã có chuyện bất thường xảy ra. Càng suy nghĩ mối nghi càng trổi dậy trong lòng, nàng vào phòng đóng cửa nằm...
Linh tính của Quỳnh quả không tồi lắm. Mấy hôm sau, Quỳnh nhận được một lá thư của Thành. Cầm lá thư Quỳnh đã có cảm tưởng trong ấy chứa đựng những gì chẳng lành. Quỳnh bồn chồn mở thư ra:

"Qui Nhơn, ngày...
Quỳnh thương mến,
Ở đời thường xảy ra những biến chuyển đột ngột mà chính người trong cuộc không chủ động được một chút nào. Anh đã trở thành kẻ có lỗi rất nặng đối với Quỳnh. Dù muốn hay không, anh đã trở thành kẻ phản bội. Chỉ do một lúc mù quáng, yếu lòng, anh đã... lỡ làm mất em. Em cứ nguyền rủa anh đi! Anh là kẻ rất đáng bị nguyền rủa!...
Dù sao, Quỳnh vẫn còn nguyên vẹn những gì cao quí nhất, vẫn hiên ngang với đời. Còn Ngọc thì khác, Ngọc đã lỡ làng, đã lỡ mang dòng máu của anh, anh không có quyền xa cách Ngọc nữa... Anh mong rằng, Quỳnh thông cảm mà tha thứ..."

Quỳnh choáng váng cả mặt mày, muốn ngất xỉu. Nàng gắng gượng đọc cho hết lá thư. Người cướp Thành của nàng lại chính là Ngọc! Ngọc đã có thai! Đó là lý do khiến Thành khẳng định rằng anh đành phải chọn Ngọc. Thế là nàng hết phương xoay xở...
Trong lúc đang đau khổ, Quỳnh sực nhớ tới chị Thu. Quỳnh biết chị Thu vốn là người nóng nảy và thẳng thắn lắm. Thế là nàng bất chấp tai tiếng, tới gặp chị để bày tỏ mọi việc với mục đích mượn chị mắng Thành và Ngọc một trận cho bõ ghét.
Sau khi nghe Quỳnh kể chuyện, chị Thu cũng ra mặt giận dữ:
– Đồ cái thứ giựt chồng người ta phải tạt a xít vào mặt mới xứng! Cho nó thành mụ Cẩm Nhung đi!
Nhưng liền đó, chị dịu giọng:
– Nhưng Quỳnh cũng chưa chính thức là vợ chồng với thằng Thành, mình muốn làm gì cũng chưa được thuận lẽ. Hơn nữa, biết đâu con Ngọc nó đeo thằng Thành rồi nó ép thằng Thành nói với em vậy? Dễ gì mà nó đã có con? Vài ngày nữa chị vào Qui Nhơn rồi đó, hay là Quỳnh vào chơi với anh chị mươi ngày để tiện thể dò la cho rõ chuyện? Em mà vào gặp chúng nó thì làm chúng khó xử bằng trăm lần mắng chửi đó. Chị sẽ nói anh Luật chở thẳng em qua chỗ thằng Thành làm việc mà gặp nó, sợ gì? Nếu Quỳnh đi được chị lo phương tiện cho, dễ mà! Đi không?
Vì còn quá thương Thành và cũng quá giận Ngọc, Quỳnh đã cấp tốc thu xếp để theo chị Thu vào Qui Nhơn một chuyến. Mẹ Quỳnh – bà Ái ngạc nhiên hỏi đi có chuyện gì không nhưng Quỳnh chỉ nói loanh quanh.
Sau khi nghe chị Thu kể lại sự việc, anh Luật cho một người lính đi mời Thành đến nhà mình ăn cơm tối. Chị Thu cũng dặn trước Quỳnh phải tự nhiên, coi như vì quá lâu không nhận được thư từ gì nên nóng lòng vào thăm chứ chưa biết chuyện đã xảy ra.
Khi Thành đến, Luật đón tiếp tận cửa. Thành chào và hỏi:
– Có chuyện gì mà ông quận cho đàn em ăn cơm vậy?
Luật niềm nở dắt Thành vào phòng khách, thân mật nói:
– Sở dĩ có bữa cơm tối này vì chúng tôi muốn tặng cậu một niềm vui bất ngờ: Ý trung nhân của cậu vì quá nhớ thương cậu nên đã lặn lội từ Huế vào thăm cậu đó. Cậu ngồi chơi một tí, cô Quỳnh đang ở dưới bếp lo chuẩn bị một bữa ăn thật ngon cho cậu đấy! Đàn bà khi họ đã thương thì thương hết chỗ nói, cảm động thật!
Nghe Luật nói, Thành bỗng tái mặt. Quá bất ngờ vì cái tin Quỳnh đã có mặt nơi này, Thành ngớ đi một chút rồi làm ra vẻ mừng rỡ:
– Anh Luật không nói đùa chứ? Quỳnh vào đây hồi nào vậy?
Cũng vừa lúc đó thì Quỳnh xuất hiện đẹp đẽ xinh xắn với bộ đồ bộ lụa vàng nhạt, hai tay bưng hai dĩa xà lách xoong bóp giấm trộn thịt bò có rải thêm những lát trứng gà xắt mỏng bên trên. Theo sau là chị Thu bưng một dĩa cá trê nướng và một chén nước mắm gừng. Đó đúng là những món ăn mà bình thường Thành vẫn ưa thích. Thành và Quỳnh chưa kịp chào nhau thì chị Thu đã vui vẻ lên tiếng:
– Mừng cho chú Thành, cô Quỳnh thân gái dặm trường tìm chú tới tận đây như thế hạnh phúc cho chú biết chừng nào nhỉ? Chú phải nghĩ tình cô ấy, mai sau mà bày đặt bắt chước thói phản bội thì chết với chị đấy nhé!
Thành nghe những lời thân mật của vợ chồng Luật mà cảm thấy nhột nhạt, xốn xang trong lòng. Anh lúng túng vói tay đỡ hai dĩa rau trên tay Quỳnh:
– Em vào đây sao không báo cho anh biết trước?
Quỳnh nhoẻn miệng cười làm ra vẻ tự nhiên:
– Em muốn dành cho anh một sự ngạc nhiên đó mà! Em cũng không cho Ngọc biết nữa đó chứ. Ngày mai anh dẫn em đến thăm Ngọc nhé! Chắc nó cũng ngạc nhiên mừng rỡ lắm!
Luật, Thu cũng như Quỳnh ai cũng ra vẻ cười nói thản nhiên nhưng thật sự cả ba người đều chú mục theo dõi từng nét biến đổi trên gương mặt Thành. Có lẽ lời nói như vô tư của Quỳnh làm cho Thành bị dằn vặt khó xử. Anh cố nở một nụ cười nhưng cái vẻ gượng gạo không che giấu được ai.
– Anh mới gởi một lá thư Quỳnh chưa nhận được sao?
– Có thư từ gì đâu! Vì thế em sốt ruột quá mới tìm cách vào thăm anh chứ!
Thấy Thành cứ ngớ người ra, Luật tội nghiệp nói:
– Thôi, bây giờ chúng ta gặp nhau cứ ăn uống cái đã. Ăn xong, cô cậu sẽ tha hồ mà giãi bày tâm sự!
Thế rồi vợ chồng Luật cứ hỏi chuyện vẩn vơ và ân cần thúc ép hai người ăn uống.
Khi cơm nước xong xuôi, Luật nói:
– Thôi, bây giờ chúng tôi rút đi chỗ khác lo công việc. Chỗ này không ai quấy phá, cô cậu cứ thoải mái hàn huyên.
Vợ chồng Luật vừa đi khỏi thì Thành buột miệng thở dài. Quỳnh xích lại gần Thành ra vẻ lo lắng hỏi:
– Anh có điều gì không vui à? Từ khi gặp anh tới giờ em thấy hình như anh cứ suy nghĩ đâu đâu ấy. Có chuyện gì xảy ra thế, cho em biết được không?
Thành lại thở dài:
– Anh có chuyện khổ tâm khó nói quá!
Quỳnh nhỏ nhẹ nói:
– Khó nói là khó với ai kia, chứ em cũng như vợ sắp cưới của anh sao anh lại không thể chia sẻ vui buồn với em chứ?
Thành vẫn giọng rầu rầu nói:
– Tiếc rằng mọi chuyện anh đã kể rõ trong lá thư gởi Quỳnh mà Quỳnh lại chưa nhận được! Bây giờ bắt anh phải nói thẳng với em anh khổ lắm.
Quỳnh bỗng giở giọng gay gắt:
– Thì có gì anh cứ nói đi, bất cứ chuyện gì em cũng chịu được mà!
Rốt cục, Thành cũng kể lại chuyện y như trong thư anh đã viết cho Quỳnh. Thành kết luận:
– Mọi chuyện đã lỡ cả rồi. Anh thật tình không muốn phản bội Quỳnh đâu. Anh biết dù anh nói gì thì Quỳnh cũng không tin được nữa nhưng anh xin thề với đất trời anh chỉ bị lỡ lầm chứ không phải cố tình phản bội!
Nghe xong, Quỳnh chỉ nói một câu:
– Thôi được rồi, cầu cho anh và Ngọc được hạnh phúc!

***

Cơn sốc tình yêu đầu đời quá lớn đã làm lòng Quỳnh dậy lên bao nỗi uất hận, oán thù. Nhưng nàng chỉ phản ứng một cách thụ động. Trong một thời gian dài, nàng cố tránh tiếp xúc với mọi người chung quanh, lơ luôn cả việc chuyện vãn hằng ngày với mẹ nàng. Ngoài những lúc đi học, đi làm, hễ bước về nhà Quỳnh lại chui vào phòng đóng cửa lại. Quỳnh tuyệt nhiên không hề nói với mẹ về chuyện Thành. Nhưng qua thái độ của con gái, bà Ái cũng dần tìm hiểu ra sự việc. Không ngờ vì tính bộc trực và quá thương con, bà Ái đã gây ra một việc không hay.
Một buổi chiều bà Ái ghé vào hàng thịt trong chợ. Thấy một miếng thịt heo đẹp, bà trả giá nhưng người hàng thịt đòi cao hơn một tí. Đã ưng bụng nhưng còn muốn kèo nài một chút, bà Ái giả vờ quay đi. Không ngờ liền đó có tiếng người khác nói:
– Bà ấy không mua để tôi mua cho!
Bà Ái quay lại thì thấy bà Lộc, bà nổi giận mắng lớn:
– Tôi mua đã xong đâu mà bà nhảy vô giựt mối? Hễ ai hở ra là chụp giựt! Con gái thì giựt chồng người ta, mẹ thì giựt của giữa chợ! Đố đĩ thúi!
Bà Lộc bị mắng cũng nổi giận xung thiên, mắng trả lại:
– Đĩ thúi là con gái của bà đó chứ ai! Vì chê đĩ thúi đàn ông người ta mới bỏ mà theo người khác chứ!
Thế rồi hai người đàn bà lăn xả vào nhau, túm tóc nhau, cào cắn nhau túi bụi. Cả chợ đều xúm lại xem. Một chốc sau người ta mới gỡ hai bà ra khỏi nhau được.
Từ đó, hai bà già ấy không bao giờ nhìn mặt nhau nữa.
Khi Quỳnh nghe được chuyện này, nàng thấy quá xấu hổ với làng nước và giận mẹ mình lắm. Vì thế, khi tốt nghiệp trường cán sự y tế, dù đậu cao, có thể xin làm việc gần nhà, Quỳnh vẫn tình nguyện phục vụ tại Quảng Ngãi.
Một lần Quỳnh về thăm nhà thì mẹ cho hay tin Thành mới bị thương nặng phải nằm bệnh viện Cộng Hòa. Dù lúc ấy trời sắp tối Quỳnh vẫn hối hả đi tới nhà Thành để hỏi thăm. Bước vào ngõ nhà Thành, Quỳnh thấy đèn sáng trưng và nhiều người đang nói chuyện. Quỳnh nghe cả tiếng bà Lộc trong đó nên nàng ngại ngùng chưa dám bước vào liền. Quỳnh đang thập thò thì nghe tiếng hỏi:
– Bị gẫy hai chân có thể phải cưa à?
– Còn sống là may rồi. Từ nay việc chi cũng có chính phủ lo cho, đâu đến nỗi đói rách gì mà sợ. Con Quỳnh con Lan đã biết chuyện chưa?
Trời ơi! Thành bị thương nặng đến thế sao? Quỳnh đang bồi hồi xúc động thì chợt nghe một giọng đanh đá cất lên:
– Con Lan thì biết rồi, còn con đĩ Quỳnh đó hả? Nó nghe tin này nó làm cỗ ăn mừng nữa chứ lị! Lâu nay nó vẫn trù rủa mong cho thằng Thành bị như thế mà. Nó vẫn cầu cho con Ngọc tôi sa xuống vực thẳm mà!
Quỳnh nghe qua giọng nói của bà Lộc mà ngán ngẫm, đành tiu nghỉu quay gót về nhà. Không phải nàng buồn bà ta mà quay lại trách chính mẹ mình. Không hiểu sao lần đó mẹ nàng dữ dằn đến thế! Lâu nay mỗi lần nhớ lại vụ đánh lộn của mẹ, nàng lại cười một mình. Không ngờ chuyện đó tới giờ vẫn còn quá sâu đậm trong lòng bà Lộc! Quỳnh vừa đi vừa ôn lại chuyện cũ, đến nhà lúc nào không hay. Mẹ nàng thấy con đi quá chóng về thì hỏi:
– Nghe thằng Thành ra sao rồi con? Sao con đến thăm lại về liền như thế?
– Thấy người tới thăm đông quá nên con không vào. Hình như anh ấy bị thương nặng ở hai chân. Tội nghiệp anh ấy quá!
Quỳnh hơi ngượng vì sự không thành thật của mình. Nhưng mẹ nàng mỉm cười với vẻ toại nguyện:
– Cũng may cho con đó. Con Ngọc ăn ở không phải với con nên bây giờ lãnh nợ thế cho con. Nhất là con mẹ nó ăn nói không một lời ra điều. Thật là ông trời có mắt!
Nghe mẹ nói, Quỳnh càng áy náy không vui. Nàng rất buồn vì sự nông nỗi của mẹ mình. Lòng Quỳnh bây giờ không còn gợn chút hận thù nào với những người ấy nữa. Nàng chỉ thấy thương xót họ. Trước mắt rõ ràng Thành đã chịu mất mát, thiệt thòi quá nhiều, đâu có thể lấy gì bù đắp nổi! Nếu chàng còn được gì chẳng qua cũng chỉ là chút hư vinh an ủi mà thôi. Và Ngọc cũng thế, từ nay đời Ngọc đã bị giới hạn, đóng khung trong cái bổn phận khó đủ niềm vui... Quỳnh nói:
– Thôi mẹ, bây giờ họ là những người đáng thương, ta không nên nhắc chuyện cũ.
– Thì tao nói trong nhà mà nghe thế thôi chứ có nói với ai đâu!
Đêm ấy Quỳnh thao thức suy nghĩ về Thành rất nhiều. Chuyện bay nhảy sông hồ của chàng thế là dứt điểm. Từ nay Thành có thể chịu cảnh ngồi xe lăn quanh quẩn đếm những tháng ngày chán ngắt. Trái tim yêu đương nóng hổi, bồng bột trước kia cũng sẽ khô héo rồi teo tóp theo thời gian. Mộng công danh vương tướng cũng đi đời... Còn Ngọc, con người hiếu động, ưa chuộng vẻ ngoài thì làm sao có thể sống lâu dài được với Thành? Quỳnh thấy vô cùng lo lắng cho Thành, lo lắng thật tình với thứ tình thương bao la của người em gái dành cho người anh của mình...
– Thôi, từ từ rồi mình cũng gặp lại họ, mình sẽ tìm cách hàn gắn lại những sứt mẻ, vui vẻ lại với nhau _ Quỳnh nhủ thầm.
Hôm sau Quỳnh trở về Quảng Ngãi làm việc dù chưa nghỉ hết phép.

***

Cuộc chiến đã kết thúc với sự sụp đổ của toàn bộ chính quyền miền Nam. Quỳnh nghe người ta nói Thành bị mất tích. Anh chưa được điều trị xong vết thương thì bị chính quyền phe chiến thắng đuổi ra khỏi bệnh viện Cộng Hòa. Không ai rõ anh đã bỏ xác ở gầm cầu, hóc phố nào đó hay đi đâu. Ngọc đã tìm kiếm, chờ đợi cả mấy tháng vẫn không kết quả, đành trở về quê cũ với một đứa con dại và một thai nhi trong bụng. Cuộc sống của mẹ con Ngọc ngày càng trở nên khó khăn.
Bấy giờ Quỳnh đã lờ hết mọi chuyện cũ. Mỗi lần về thăm nhà, Quỳnh lại ghé nhà Ngọc để tặng chút quà cho mấy đứa nhỏ và an ủi Ngọc vài lời.
Không lâu sau đó, Quỳnh được đổi về làm việc tại Biên Hòa. Ở nơi này, Quỳnh đã gặp Dũng, chủ một hãng may áo quần xuất khẩu. Sau khi lấy nhau, Quỳnh xin nghỉ việc nhà nước để ở nhà phụ giúp công việc cho chồng. Đây là lần đầu tiên từ khi lập gia đình, Quỳnh dẫn chồng và em gái chồng về thăm quê.
Cuộc gặp gỡ người xưa quá bất ngờ đã làm Quỳnh hết sức xúc động. Quỳnh không ngờ Thành vẫn còn đó và lại sống cuộc đời thê thảm như vậy. Tại sao anh không trở về để mẹ anh, vợ con anh phải thương khóc tìm kiếm anh bao lâu nay? Có lẽ anh sợ sự trở về của mình sẽ trở thành một gánh nặng cho gia đình chăng? Nàng rất hối hận vì trong lúc bối rối không kịp phản ứng, nàng đã để Thành tránh mất. Thấy Quỳnh vẫn còn ở trạng thái thẫn thờ, Liên nói:
– Em chắc ông ấy là người quen của chị rồi!
Quỳnh hơi khó chịu, nàng ngẫm nghĩ một chút rồi nói với Dũng:
– Bây giờ em đã nhớ ra, đó là ông thầy dạy kèm ở nhà cho em ngày xưa! Không ngờ bây giờ ông ấy ra thân như thế!
Liên cười tinh nghịch:
– Mấy ông thầy trẻ dạy kèm thường vẫn hay chiếm được cảm tình của các cô nữ sinh lắm chị Quỳnh nhỉ?
Dũng không để ý lời nói của cô em gái, hỏi:
– Thế ông ấy có còn gia đình không?
– Có chứ, gia đình ông ấy hiện vẫn sống ở quê mình, nhưng lâu nay ai cũng tưởng ông ấy đã mất sau khi chiến cuộc kết thúc rồi. Lần này về mình sẽ đưa tin cho gia đình ông ấy biết.
Dũng lộ vẻ thương cảm nói:
– Hay là chúng ta thuê phòng ngủ ở lại đây một đêm, ngày mai tìm gặp ông ấy để mời ông ta cùng về một lần với mình?
Quỳnh lại ngẫm nghĩ rồi ngại ngùng nói:
– Chắc không được đâu anh. Ông ấy đã cố tránh em tức là không muốn cho gia đình biết ông ấy vẫn còn sống. Giờ chúng ta khó mà tìm gặp được. Mình cứ về báo cho gia đình ông ta biết như thế là được rồi.
Ngọc làm sao có thể đùm bọc được Thành trong lúc này? Sự trở về của Thành thực tế có chắc là niềm vui, là điều may cho gia đình Ngọc không? Hay chỉ tạo nên sự xáo trộn, rắc rối thêm cho một nề nếp sống khắc khổ đã khá quen? Hay rồi Thành cũng phải tiếp tục lết đường như hiện nay? Qua một đêm chật vật trên xe đò, Quỳnh cứ suy nghĩ lung tung và trông cho chóng sáng.
Khi Quỳnh xuống xe để về căn nhà cũ, Liên bỗng nhìn nàng đăm đăm, nói:
–Chị hãy ghé chỗ nào kiếm miếng nước rửa mặt đi đã! Về thăm bác mà cặp mắt đỏ hoe như vậy trông kỳ lắm, chị không sợ bị bác hiểu lầm à?


Ngô Viết Trọng
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.388 giây.