Bức chân dung ông Mao Trạch Đông tại Viện bảo tàng Văn hóa trong tỉnh Quảng Đông, Trung QuốcBẮC KINH — Gần 40 năm sau khi cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc chấm dứt với cái chết của Mao Trạch Đông, một số người sống sót đã bắt đầu công khai thuật lại những hành động của họ trong thời kỳ kinh hoàng đó. Từ Bắc Kinh, các thông tín viên đài VOA gởi về bài tường thuật.
Mao Trạch Đông cho đến nay vẫn tiếp tục là một thần tượng chính trị ở Trung Quốc và hầu như không hề bị phê phán một cách công khai.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Trung Quốc thông qua những cuốn hồi ký, phỏng vấn và tạ lỗi công khai để nói tới những sự việc kinh hoàng dưới thời Cách mạng Văn hóa do ông phát động.
Điều đáng chú ý là những sự việc này đã được phổ biến trên các cơ quan truyền thông Trung Quốc, và theo các nhà quan sát, đây chính là một dấu hiệu cho thấy nhiều người đã sẵn lòng nhắc tới những ký ức đau đớn của những nạn nhân cũng như của những người hành hạ họ.
Một trong những sự việc đầu tiên của xu thế này là lời tạ lỗi của một học sinh với cô giáo được truyền thông Trung Quốc phổ biến vào năm 2010.
Bà Trần Bội, năm nay 90 tuổi, từng là giáo viên của Trường Ngoại ngữ Bắc Kinh.
Tháng 8 năm 1966, khi đợt bạo động đầu tiên của cuộc Cách mạng Văn hóa lên tới cao điểm, bà bị học sinh trong trường mang ra đấu tố. Bà nói:
"Đối với những người bị đấu tố như chúng tôi, thời kỳ đó quả là một cơn ác mộng."
Thẩm Tiểu Khắc là một học sinh 17 tuổi ở trường của bà Trần Bội khi các lớp học bị ngưng và một cuộc vận động chính trị kichl bắt đầu diễn ra kể lại:
"Khi đó học sinh ganh đua với nhau để xem ai là người cách mạng hơn. Nếu anh không đánh đập người khác thì anh bị xem là một phần tử hữu khuynh. Cho nên những người thường ngày không dám đánh nhau với ai cũng đã phải ra tay đánh người."
Ông Thẩm cho biết tại những cuộc đấu tố, ông trông thấy nhiều bạn học trong lớp ông đấu tố những giáo viên bị cho là thuộc thành phần phản cách mạng. Sự bách hại nghiệt ngã đến độ hai nhân viên quản lý của trường đã tự tử.
Ông Thẩm nói rằng tất cả những người bị đấu tố là những người vô tội:
"Họ đều là những người tốt, nhưng họ bị hành hạ vô cùng khốc liệt. Họ bị đánh đập, chửi mắng. Bị làm nhục đủ điều. Mặc dù tôi không hề đánh họ, nhưng tôi luôn luôn cảm thấy áy náy vô cùng về những gì đã xảy ra cho họ."
Năm 2010, ông Thẩm quyết định đối mặt với những ký ức xót xa này, và ông đã viết cho bà Trần Bội một lá thư tạ lỗi về những gì mà ông và những bạn học cùng lớp đã làm. Ông nói:
"Những gì xảy ra cho cô Trần là sai. Và vì đó là việc sai, nên tôi nghĩ rằng chúng tôi phải ngỏ lời xin lỗi các thầy cô của mình."
Sau khi lá thư của ông Thẩm được đăng tải, nhiều học sinh khác trong khối người thường được gọi là “Tiểu Hồng vệ binh” cũng bắt đầu công khai bày tỏ sự hối hận.
Trong một chương trình truyền hình hiếm có về đề tài Cách mạng Văn hóa, được chiếu trên Đài truyền hình Phượng Hoàng ở Hồng Kông hồi đầu năm nay, ông Trương Hồng Bân đã thuật lại câu chuyện của mình và xin được tha thứ.
Vào năm 1970, khi còn là một tiểu hồng vệ binh hăng máu, ông đã tố cáo với công an là mẹ ông dùng những từ ngữ khiếm nhã khi nói về Mao Trạch Đông.
Trong lúc ông đứng nhìn, công an đã đánh đập mẹ ông và bắt bà mang đi. Vài tháng sau đó, mẹ ông bị xử tử về tội phản cách mạng.
Trong một vụ khác, ông Lý Tân, người từng làm giám đốc nghệ thuật của một ấn phẩm của Hồng vệ binh, nói với Tuần báo Nam Phương rằng ông cũng cảm thấy có trách nhiệm đối với những nỗi đau khổ do cuộc Cách mạng Văn hóa gây ra. Ông nói rằng vì ông đã vẽ rất nhiều bức tranh cách mạng và tham gia trong guồng máy tuyên truyền cho bạo động.
Bà Vương Hữu Cầm, một giảng viên của Đại học Chicago, đã nghiên cứu về những tội ác xảy ra trong thời Cách mạng Văn hóa và đã nói chuyện với hàng người từng chứng kiến những vụ bạo hành.
Bà nói rằng mặc dù việc nhớ lại những sự việc cực kỳ tàn bạo làm cho người ta cảm thấy đau đớn, nhưng những người mà bà phỏng vấn vẫn muốn câu chuyện của họ được ghi lại, để cho lịch sử không tái diễn. Bà nói:
"Người Trung Quốc thường nói lịch sử là một tấm gương. Nếu chúng ta có thể soi mình trong tấm gương, thì chúng ta có thể sửa đổi."
Tuy số người công khai nói tới những trải nghiệm cá nhân mỗi lúc một nhiều, nhưng chính quyền Trung Quốc không muốn nhắc tới thời kỳ này.
Một vụ xét xử rầm rộ sau cái chết của Mao Trạch Đông đã chuyển hết trách nhiệm cho “Tứ nhân bang” – gồm vợ ông Mao Trạch Đông là bà Giang Thanh cùng với 3 nhân vật quá khích khác.
Chính quyền đã tuyên bố Cách mạng Văn hóa là một sai lầm. Đến đầu thập niên 1980, ông Đặng Tiểu Bình đã công khai đánh giá Mao Trạch Đông và nói rằng nhà lãnh đạo này đúng 70% và sai 30%.
Trong những năm gần đây hơn, các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tránh nói tới vấn đề này, một phần là vì sự phê phán đối với Mao Trạch Đông hay thời kỳ họ Mao nắm quyền có thể đe dọa tới tính chất chính đáng của quyền cai trị của đảng Cộng Sản.
Tuy truyền thông Trung Quốc đã đăng tải một số câu chuyện cá nhân thời cách mạng Văn hóa, nhưng việc thẩm định một cách bao quát hơn về thời ký vẫn còn bị cấm đoán.
Trang web của giáo sư Vương Hữu Cầm, chuyên đăng tải những cuộc phỏng vấn các nạn nhân của cách mạng văn hóa và những tài liệu liên quan, đã bị chính quyền Trung Quốc ngăn chận.
Tháng tư năm nay, một cựu Hồng vệ binh tên Vương Khắc Minh đã hoàn tất việc biên tập một tuyển tập gồm các bài viết của 32 Hồng vệ binh với tựa đề “Chúng tôi thú tội.”
Mới đây, ông Vương cho biết những nỗ lực của ông để in tuyển tập này đã bị thất bại. Các nhà xuất bản nói với ông rằng: “Chưa tới lúc để in những cuốn sách nói về những chuyện như vậy”.
Theo VOA