Cựu tù nhân: Xử tử công khai và tra tấn diễn ra hàng ngày ở Bắc HànHai trăm ngàn người đang bị giam trong các nhà tù ở Bắc Hàn. (Credit: AFP) .Các cựu tù nhân Bắc Hàn cho các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc biết chuyện xử tử công khai và tra tấn diễn ra hàng ngày tại các nhà tù ở Bắc Hàn.
Lời chứng về chuyện xử tử công khai và tra tấn diễn ra hàng ngày trong các nhà tù của Bắc Hàn đã được các cựu tù nhân đưa ra tại cuộc điều tra do Liên Hợp Quốc thực hiện.
Ủy ban Điều tra, với nhiệm vụ xem xét kỹ lưỡng hồ sơ nhân quyền của Bắc Hàn, đã khai diễn ở thủ đô Nam Hàn.
Bắc Hàn bác bỏ cáo buộc nói rằng họ vi phạm nhân quyền; họ cũng không công nhận thẩm quyền của Ủy ban Điều tra đồng thời không cho các nhà điều tra tiếp cận với các nhân chứng và vật chứng ở Bắc Hàn.
Bắc Hàn là nước hiện do ông Kim Jong-un, người thuộc thế hệ thứ ba của dòng họ Kim cai trị.
Vào ngày đầu tiên của cuộc điều tra, hội đồng các chuyên gia đã nghe các nhân chứng đào thoát từ Bắc Hàn và hiện đang sống tại Nam Hàn.
Ông Shin Dong Hyuk, người được sinh ra trong một nhà tù được gọi là trại 14, cho biết ông bị buộc phải xem cảnh người ta xử tử mẹ và anh trai của ông.
Mô tả sự trừng phạt ông phải chịu vì đã thả rơi một máy may, ông nói: "Tôi nghĩ rằng toàn bộ bàn tay của tôi đã bị chặt đứt ở cổ tay, vì vậy tôi cảm thấy biết ơn vì chỉ có ngón tay của tôi đã bị chặt."
"Bởi vì những người Bắc Hàn không thể dùng súng để vùng dậy như người dân ở Libya và Syria ... Cá nhân tôi nghĩ Ủy ban Điều tra là niềm hy vọng đầu tiên và cuối cùng còn sót lại."
Theo các nguồn tin độc lập, có đến 200 ngàn người trong các trại tù Bắc Triều Tiên; trong khi đó những người đào thoát nói nhiều tù nhân bị suy dinh dưỡng hay làm việc cho đến chết.
Mẹ ‘bị buộc phải giết con của mình'Sau hơn một năm rưỡi cầm quyền ở Bắc Hàn, ông Kim Jong Un, 30 tuổi cho thấy rất ít dấu hiệu ông sẽ thay đổi các luật lệ cứng rắn của cha mình, ông Kim Jong Il, và ông nội, nhà sáng lập Kim Nhật Thành.
Bà Jee Heon-a, 34 tuổi, nói với các điều tra viên Liên Hiệp Quốc về cảnh người lính gác bắt buộc một người mẹ giết con mình.
"Một người lính gác tới nói với bà mẹ nhấn lộn đầu em bé vào một xô nước," bà nói.
"Người mẹ xin người lính gác tha cho con mình, nhưng người này tiếp tục đánh bà mẹ. Vì vậy, người mẹ, hai bàn tay run rẩy, nhận mặt em bé xuống nước. Bé ngừng khóc, bong bóng nổi lên và sau đó bé đã chết."
Bà Jee nói với Ủy ban Điều tra rằng ngay từ ngày đầu tiên bà bị giam giữ hồi năm 1999, bà phát hiện rằng những con ếch được muối mặn là một trong số những thứ ít ỏi để ăn.
Chẳng có mấy chuyên gia trông đợi Ủy ban Điều tra sẽ tác động ngay tới tình hình nhân quyền ở Bắc Hàn; tuy nhiên ông Bill Schabas, Giáo sư Luật Quan hệ Quốc tế tại Đại học Middlesex, Anh Quốc, nói đây là một phương cách nhằm gia tăng áp lực lên Bắc Hàn.
Ông phát biểu: “Từ nhiều năm qua Liên Hiệp Quốc đã cố gắng nhiều cách khác nhau để làm áp lực lên Bắc Hàn trong lĩnh vực nhân quyền. Đây là một cách để tạo một chút áp lực”.
Ông nói tiếp: “Hiển nhiên là Bắc Hàn rất cứng rắn và phương cách của Liên Hiệp Quốc thì có giới hạn. Cần phải có sự thay đổi sâu rộng về mặt chính trị ở Bắc Hàn để dọn đường cho vấn đề nhân quyền’.
Trên website của mình, Ủy ban Điều tra nói rằng việc đưa Bắc Hàn ra Tòa án Hình sự Quốc tế là “điều không thích hợp”. Lý do là vì Bắc Hàn không ký vào các văn kiện công nhận tòa và các quy chế cho phép tòa này truy tố họ.
Reuters