Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, phải, phát biểu sau cuộc họp tại trụ sở Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội ngày 10/9/2023.
Tổng thống Joe Biden ngày 11/9 đã kết thúc chuyến công tác ngoại giao kéo dài 5 ngày qua Việt Nam và Ấn Độ, trong đó tập trung vào các đối tác không hoàn hảo mà ông tin rằng sẽ rất quan trọng cho sự ổn định toàn cầu trong những năm tới.
Chuyến thăm ‘chóng vánh’ đã chứng minh rằng trong khi cuộc chiến của Nga với Ukraine diễn ra không hồi kết, ông Biden dường như đã sẵn sàng hơn để bỏ qua những khác biệt trong quá khứ với các đồng minh phức tạp mà ông rất cần phải giữ chặt vì sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Đông và các nơi khác.
Ông Biden đã kết thúc chuyến công du châu Á tại Hà Nội ngày 11/9 bằng việc nêu bật các thỏa thuận kinh doanh và quan hệ đối tác mới với Việt Nam sau khi ăn mừng việc chính phủ cộng sản nâng tầm quan hệ Mỹ-Việt lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
“Thông điệp của tôi hôm nay khá đơn giản: Hãy tiếp tục phát huy,” ông Biden nói về mong muốn tiếp tục củng cố quan hệ đối tác giữa các quốc gia trong cuộc gặp với các CEO. “Chúng ta cần phát triển và thúc đẩy sự hợp tác. Chúng ta cần phải tạo dựng quan hệ đối tác mới.”
Ông phủ nhận các bước đi này nhằm chống lại những nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng trong khu vực.
Cách tiếp cận thực dụng của Tổng thống Biden cũng được thể hiện vào cuối tuần qua tại Hội nghị thượng đỉnh Khối 20 ở New Delhi trong những lần tiếp xúc thân thiện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman, hai nhà lãnh đạo từng không ngần ngại nói không với ông Biden và ít quan tâm khi ông Biden nêu quan ngại về thành tích nhân quyền của họ.
Tại Hà Nội, ông Biden đã thể hiện vị thế ngoại giao mới được nâng cao của Hoa Kỳ với Việt Nam ngay cả khi nước này được cho là sắp đạt được thỏa thuận vũ khí với Nga, điều này trái với lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với các quốc gia làm ăn với quân đội và cơ quan tình báo Nga. Điều đó có thể khiến ông Biden rơi vào tình thế khó xử khi phải quyết định có nên trừng phạt một quốc gia mà ông đã nỗ lực hết sức để tán tỉnh hay không.
Ông Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia chính của ông Biden, nói: “Điều quan trọng là phải thừa nhận Việt Nam đã có mối quan hệ kéo dài hàng thập niên với Nga và mối quan hệ quân sự kéo dài hàng thập niên với Nga”. “Nhưng ý thức mạnh mẽ của chúng tôi là người Việt Nam ngày càng khó chịu với mối quan hệ đó”.
Các loan báo kinh doanh quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Biden bao gồm thỏa thuận trị giá 7,5 tỷ đô la của Boeing với Vietnam Airlines để mua khoảng 50 máy bay và kế hoạch của Amkor Technology có trụ sở tại Arizona về một nhà máy trị giá 1,6 tỷ đô la ở tỉnh Bắc Ninh.
Ông Biden khẳng định chuyến thăm Việt Nam của ông là nhằm tạo dựng mối quan hệ bền chặt hơn với Hà Nội và tìm cách bác bỏ quan điểm cho rằng chuyến đi của ông có liên quan đến căng thẳng của Washington với Bắc Kinh. Mối quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên căng thẳng vì Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đi ngang qua lục địa Mỹ, vấn đề Đài Loan, việc Nga xâm lược Ukraine và các vấn đề khác.
“Tôi không muốn khống chế Trung Quốc,” ông Biden nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội sau khi gặp ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, để thông báo chính thức về việc nâng cao mối quan hệ Mỹ-Việt. “Chúng tôi không cố gắng làm tổn thương Trung Quốc.”
Tuy nhiên, chính quyền của ông đã ưu tiên tăng cường quan hệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước những lo ngại ngày càng tăng về sự quyết đoán về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Nỗ lực của ông Biden nhằm tế nhị gạt bỏ những khác biệt về cuộc xâm lược của Nga đã được thể hiện vào cuối tuần qua ở New Delhi.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20, ông Biden nồng nhiệt chào đón Thái tử Ả Rập Xê-út bin Salman, chưa đầy một năm sau khi cảnh báo Ả Rập Xê-út rằng họ sẽ phải lãnh “hậu quả” cho việc bơm vào kho bạc của Moscow bằng cách thực hiện cắt giảm sản lượng dầu khiến giá dầu thô tăng vọt.
Cái bắt tay nồng nhiệt giữa ông Biden và thái tử – có sự tham gia của Thủ tướng Ấn Độ Modi – hoàn toàn trái ngược với cú chạm nắm đấm vụng về mà ông Biden và ông bin Salman đã chia sẻ vào mùa hè năm ngoái trong chuyến thăm của ông Biden vào lúc kinh tế toàn cầu phải vật lộn với giá dầu tăng cao và lạm phát lịch sử.
Cú chạm nắm đấm đó đã khiến nhiều nhà hoạt động và những người khác vốn đã khó chịu trước quyết định gặp một nhà lãnh đạo Ả Rập Xê-út bị chỉ trích rộng rãi vì vi phạm nhân quyền và vụ sát hại nhà văn Jamal Khashoggi làm việc ở Hoa Kỳ.
Ông Biden đã từ chối nói chuyện với Thái tử Mohammed khi bắt đầu lên nắm quyền. Với tư cách là ứng cử viên tổng thống vào năm 2020, ông nói rằng ông muốn khiến người Ả Rập Xê-út “phải trả giá và biến họ trên thực tế thành những kẻ khốn cùng như hiện tại”.
Sự khác biệt về sản xuất dầu giữa Ả Rập Xê-út và Mỹ vẫn chưa được giải quyết. Ả Rập Xê-út và Nga tuần trước tuyên bố nhất trí gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện cho đến cuối năm nay, cắt giảm 1,3 triệu thùng dầu thô ra khỏi thị trường toàn cầu và thúc đẩy giá năng lượng.
Nhưng Tòa Bạch đã thôi thúc đẩy vấn đề này, ít nhất là một cách công khai.
Thay vào đó, chính quyền đã tập trung hơn vào việc hợp tác với Ả Rập Xê-út để chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều năm với Yemen. Chính quyền Biden cũng đã bắt đầu đặt nền móng cho khả năng bình thường hóa quan hệ giữa các đối thủ Israel và Ả Rập Xê-út, một thành tựu ấn tượng nếu ông Biden có thể thực hiện được.
Tại G20, ông Biden cảm ơn thái tử vì đã tham gia kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng hành lang đường sắt và vận tải nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu. Hành lang này sẽ giúp thúc đẩy thương mại, cung cấp các nguồn năng lượng và cải thiện kết nối kỹ thuật số. Ngoài Ấn Độ và Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan, Israel và Liên hiệp Châu Âu đã ký kết.
Tòa Bạch Ốc cho biết dự án này không được coi là tiền đề cho một thỏa thuận bình thường hóa tiềm năng nhưng cho rằng sự tham gia của Israel là rất quan trọng.
Ông Biden cũng khen ngợi Thủ tướng Modi của Ấn Độ, chủ nhà G20 năm nay, vì đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh thành công - ngay cả khi chính phủ Modi bác bỏ việc chính quyền Biden vận động hành lang để Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy được mời.
Ông Zelenskyy đã sử dụng các cuộc họp cấp cao như vậy để tranh luận về việc tiếp tục hỗ trợ kinh tế và quân sự cho đất nước của mình. Ấn Độ là một trong những đồng minh nổi bật nhất của Mỹ phần lớn đứng bên lề cuộc chiến và thậm chí còn tăng đáng kể việc mua dầu của Nga.
“Cuối cùng, đó không phải là quyết định của chúng tôi,” ông Finer nói về quyết định không mời ông Zelenskyy tham dự G20.
Ông Modi cũng bị chỉ trích vì hồ sơ nhân quyền của mình. Ông Biden, trong cuộc họp báo, tự cho biết rằng đã nêu với Thủ tướng Modi tầm quan trọng “của việc tôn trọng nhân quyền và vai trò quan trọng của xã hội dân sự và báo chí tự do trong việc xây dựng một đất nước hùng mạnh và thịnh vượng”.
Trước khi rời Việt Nam vào chiều 11/9, ông Biden đã đến thăm đài tưởng niệm người bạn và đồng nghiệp quá cố của ông, Thượng nghị sĩ John McCain, người đã bị giam cầm lâu dài ở Hà Nội trong Chiến tranh Việt Nam.
Đài tưởng niệm bằng đá nằm gần nơi máy bay ném bom Skyhawk của ông McCain bị Bắc Việt bắn hạ năm 1967.
Việt-Mỹ đã trao đổi tài liệu hôm 11/9 về quân nhân Mỹ và binh sĩ Việt Nam mất tích. Ông Biden đã để lại một trong những đồng xu kỷ niệm của mình tại đài tưởng niệm.
Tại bữa tiệc trưa do ông Võ Văn Thưởng khoản đãi, ông Biden đã ca ngợi hai ông McCain và John Kerry - một cựu chiến binh khác trong Chiến tranh Việt Nam và hiện là đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Biden - vì đã đóng những vai trò quan trọng trong “vòng cung tiến bộ 50 năm” của hai quốc gia.
Theo VOA