Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO
Trang chủ của Ban Tuyên giáo Trung Ương mới đây đăng bài cho rằng cần phải khắc phục bệnh giáo điều trong cán bộ, đảng viên…
Tác giả bài viết, Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng ‘giáo điều’ là bệnh thuộc về tư duy, ý thức, nhận thức. Đó là lối suy nghĩ cứng nhắc, máy móc, rập khuôn theo những công thức đã có sẵn, lệ thuộc vào những kết luận có sẵn trong sách vở, coi nó như một cái tuyệt đối, không thay đổi… Người mang bệnh giáo điều không thể linh hoạt, ngại đổi mới thậm chí còn cố níu kéo cái cũ, dù đã tỏ ra lỗi thời…
Tuy nhiên ông Hoàng Chí Bảo lại cho rằng cần kiên định Chủ nghĩa Xã hội và cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là khoa học mà còn là đạo đức…
Nếu như mà không mở rộng dân chủ, nếu như mà không chấp nhận những lời phản biện của những người có ý kiến khác, thì rất khó mà khắc phục được bệnh giáo điều.
-Giáo sư Nguyễn Đình CốngĐộc đảng toàn trị thì sao có thể khắc phục bệnh giáo điều trong cán bộ, đảng viên? Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người có hơn 30 năm tuổi đảng, đã từ bỏ đảng vào năm 2016, khi trao đổi với RFA hôm 19/9/2023, cho rằng rất khó để khắc phục bệnh ‘giáo điều’ tại Việt Nam:
“Rất khó chứ không phải dễ khắc phục, tại vì bản chất cộng sản họ đề cao họ là duy nhất. Họ đồng nhất đảng với nhà nước, thành ra những cái giáo điều nó thấm vào trong người đảng viên. Tại vì nếu như mà không mở rộng dân chủ, nếu như mà không chấp nhận những lời phản biện của những người có ý kiến khác, thì rất khó mà khắc phục được bệnh giáo điều. Tôi nhắc lại là rất khó.”
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, giáo điều là những điều viết chỉ trong lý luận, chứ không phải là những điều từ thực tế. Ông nêu ví dụ:
“Giáo điều là những điều Mác, Lênin viết về giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, rồi những người khác cứ nghe thế và nói lại thế, chứ không ai dám nói khác đi. Hai ông Mác, Lênin cho rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội loài người, thế rồi mọi người khác cứ nói theo thế, mặc cho thực tế nó diễn ra không phải như vậy. Nghĩa là giáo điều là những điều nói theo sách vở của mấy ông lãnh tụ như ông Mác, ông Ăngghen, ông Lênin hay những lời của các ông được tôn lên lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng… các ông đó nói cái gì thì những người khác nói lại theo đúng y như thế, đó là những thứ giáo điều.”
Một người đàn ông đang sơn tấm biển cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội (hình minh họa). Reuters.
Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, trong bài viết nhân dịp Quốc khánh 2/9 một lần nữa xác định đảng kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh... nhưng không giáo điều...
Cụ thể theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, là để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ và là nền tảng vững chắc của Đảng.
Nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại cho rằng, nếu chỉ kiên định một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định, mà ‘đổi mới’ một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa chệch hướng, ‘đổi màu’.
Rất khó chứ không phải dễ khắc phục, tại vì bản chất cộng sản họ đề cao họ là duy nhất. Họ đồng nhất đảng với nhà nước, thành ra những cái giáo điều nó thấm vào trong người đảng viên.
-Giáo sư Nguyễn Đình CốngNhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, khi trao đổi với RFA về lý tưởng Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang theo đuổi, cho biết:
“Chủ nghĩa xã hội dựa trên hai nền tảng chính, thứ nhất là nền tảng kinh tế phi thị trường, gọi cho văn chương là nền kinh tế ‘lá diêu bông’ bởi vì nó không có thực, rất nhiều kinh tế gia đã chứng minh điều này. Nền tảng thứ hai là nền tảng chính trị độc đảng toàn trị, nó dựa trên những phương châm thứ nhất là nhồi sọ tư tưởng, thứ hai là khủng bố tinh thần, thứ ba là đàn áp và bỏ tù... Kể từ năm 1975 đến nay, tôi cho rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn đang kiên định chủ nghĩa xã hội.”
Vì vậy Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng có dùng hay không dùng chữ ‘giáo điều’ thì điều đó vẫn cho thấy sự thừa thải. Ông nói tiếp:
“Tóm lại nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn đang thực hiện đầy đủ, trọn vẹn mô hình xã hội chủ nghĩa mà bất chấp có giáo điều hay không giáo điều.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” không có một ý nghĩa gì cả. Bản thân các lãnh đạo Việt Nam cũng hiểu điều đấy, nhưng họ buộc phải nói như vậy. Họ đã giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa 70 năm nay, bây giờ chẳng lẽ lại nói bỏ xã hội chủ nghĩa đi để theo tư bản chủ nghĩa? Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ngay cả chế độ kinh tế mà đảng xây dựng ở Việt Nam hiện nay cũng là một chế độ tư bản chủ nghĩa man rợ, không có gì là xã hội chủ nghĩa cả. Họ phục vụ tư bản và bản thân họ là những tư bản giàu có, nhưng họ vẫn giữ những từ ngữ đấy để lừa mị thôi!
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng Việt Nam, các nước đi theo lý tưởng cộng sản xã hội chủ nghĩa cho đến nay, chưa có nước nào thành công với lý tưởng ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’... như chính mục tiêu họ đề ra.
Theo RFA