Tín đồ đạo Hồi ở Indonesia
Một tòa án ở Indonesia vừa kết án một phụ nữ hai năm tù trong tuần này vì vi phạm luật báng bổ sau khi bà đăng một video lên trang mạng xã hội TikTok, trong đó bà đọc kinh đạo Hồi trước khi ăn thịt lợn, theo Reuters.
Indonesia là quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới và thịt lợn bị coi là ‘haram’ nghĩa là bị cấm ăn trong đạo Hồi.
Bà Lina Lutfiawati, còn được gọi là Lina Mukherjee, người được xác định là tín đồ Hồi giáo theo hồ sơ của tòa án, đã đăng một video TikTok vào tháng 3, trong đó bà cầu nguyện, tạm dịch là ‘nhân danh Thánh Allah’, trước khi ăn miếng da heo quay giòn.
Tòa án ở thành phố Palembang trên đảo Sumatra của Indonesia hôm 19/9 kết án bà Lina về hành động này, và cáo buộc bà cố tình “truyền bá thông tin nhằm kích động thù hận hoặc thù địch cá nhân/nhóm dựa trên tôn giáo”, theo một tài liệu của tòa.
Tòa yêu cầu bà phải nộp phạt 250 triệu rupiah (khoảng 16.249,59 USD).
Các nhà phê bình cho rằng luật báng bổ nghiêm ngặt của Indonesia được sử dụng để làm xói mòn danh tiếng lâu đời về sự khoan dung và đa dạng ở quốc gia Đông Nam Á này.
Sau phiên tòa, bà Lina nói với các phóng viên rằng bà rất ngạc nhiên với bản án đó.
“Tôi biết mình sai nhưng tôi không ngờ lại có hình phạt này”, bà Lina nói trên đài truyền hình địa phương MetroTV.
Ông Usman Hamid, giám đốc điều hành của Tổ chức Ân xá Quốc tế Indonesia, cho biết điều khoản báng bổ trong luật Indonesia đã bị lạm dụng để nhắm vào các nhóm thiểu số và những người bất đồng chính kiến.
Ông nói: “Điều này trái với các nghĩa vụ quốc tế của Indonesia liên quan đến việc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo hay tín ngưỡng, quyền tự do quan điểm và biểu đạt”.
Luật báng bổ chủ yếu được sử dụng để chống lại những người được coi là xúc phạm Hồi giáo, bao gồm cả cựu thống đốc Cơ đốc giáo của Jakarta, Basuki “Ahok” Purnama, người đã bị kết án hai năm tù vào năm 2017 vì tội báng bổ, với các cáo buộc được nhiều người coi là có động cơ chính trị.
Theo tài liệu của tòa án, Hội đồng Hồi giáo Ulema Indonesia (MUI), một cơ quan học giả Hồi giáo của nước này, nói với tòa án rằng hành động của bà Lina là báng bổ Hồi giáo.
Theo VOA