logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 16/10/2023 lúc 11:38:46(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
Một người chèo thuyền trên sông Hậu, lưu vực Cần Thơ, Việt Nam, ngày 25/5/2022 (Ảnh minh họa)
REUTERS

Dự án kênh đào “Funan Techo Canal” (“Kênh đào Đế chế Phù Nam”) của Campuchia đang nhận được sự quan tâm rộng rãi từ giới chuyên gia về sông Mekong nói chung và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) ở Việt Nam nói riêng.
Tiếp theo bài phỏng vấn TS. Brian Eyler ở Stimson Center, RFA xin giới thiệu những phân tích của Kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch Viet Ecology Foundation- một Tổ chức Phi chính phủ (NGO) ở Hoa Kỳ, về đại dự án trên.
Dựa trên cơ sở phân tích các thông số kỹ thuật và thiết kế của đại dự án kênh đào này, ông Phạm Phan Long cho rằng đây là một bước đi chiến lược của Trung Quốc để đánh vào hạ lưu sông Mekong. Ông nhấn mạnh, do đó hai quốc gia Campuchia và Việt Nam cần hợp tác thay vì chia rẽ nhau để cùng bảo vệ môi trường sống cho chính mình.
RFA: Theo ông, dự án này có ý nghĩa gì với Campuchia? Trung Quốc liên quan như thế nào? Việt Nam có liên quan đến các thủ tục duyệt xét dự án này hay không? 
Phạm Phan Long: Ủy ban sông Mekong quốc gia Campuchia đã công bố bản thông báo về kế hoạch đào kênh Phù Nam dưới tên Funan Techo Canal, dài 180 km, rộng 80 m tới 100 m, mực nước 4,7 m. 
Kênh đào này bắt đầu từ sông Mekong, nối sang sông Bassac và hướng ra vịnh Thái Lan. Song song hai bên kênh sẽ có 200 km đường cao tốc kết nối các thị trấn. Khi có hạ tầng cơ sở, phương tiện giao thông và nguồn cung cấp nước, tiềm năng phát triển kinh tế đồng bằng Tây Nam của Campuchia sẽ vực dậy. Kênh Phù Nam đã được chính quyền Campuchia đánh giá có khả thi kinh tế rất cao.
Công ty quốc doanh China Communication Construction của Trung Quốc đã bí mật thực hiện nghiên cứu khả thi dự án này từ 2021. Công trình này sẽ được tài trợ bởi chương trình Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc với kinh phí 1,7 tỉ Mỹ kim.
Vào Thế kỷ 13, Trung Quốc đã đào Đại Vận Hà dài 1.800 km cho dân tộc họ, đến nay vẫn là con kênh dài nhất thế giới, kênh Phù Nam có thể xem là một Đại Vận Hà của Vương Quốc Cam Bốt và dân tộc Khmer.
UserPostedImage
Hình 1. Kênh Phù Nam, Funan Techo Canal. Nguồn: Mekong River Commission. (Ảnh và chú thích: Kỹ sư Phạm Phan Long.)

heo quy định “Thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa hiệp” (Procedures for Notification, Prior Consultation, and Agreement, viết tắt là PNPCA) của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission, MRC) và Hiệp Định Mekong 1995, thì Campuchia có trách nhiệm cung cấp báo cáo khảo sát kỹ thuật (Technical Review Report, TRR) với đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới (TbEIA/ Environmental Impact Assessment) đối với kênh đào Phù Nam của họ.
Thủ tục PNCPA của MRC gồm ba giai đoạn: Thông báo-Tham Vấn và Thỏa hiệp. Việt Nam không có trách nhiệm soạn thảo TRR/EIA và nộp cho Campuchia như họ gởi văn thư yêu cầu. Việt Nam cũng không thể tự làm được vì không nắm được thiết kế, thông số và quy trình vận hành. Do đó không ai có thể đánh giá dự án này theo khoa học được nếu chỉ có bản Thông báo, một “Prior Notification” rất sơ lược.
RFA: Ông có nhận xét, trao đổi gì với các chuyên gia khác về tác động môi trường, kinh tế, xã hội của đại dự án giao thông thủy này của Campuchia tới bản thân Campuchia và Việt Nam?
Phạm Phan Long: TS. Brian Eyler, Stimson Center (Mỹ), được Radio Free Asia phỏng vấn đã phát biểu rằng: Dự án kênh đào nhân tạo này có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài (Đồng bằng sông Cửu Long), và do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ ảnh hưởng của nó. Ông cho rằng kênh đào này cần ít nhất 77 triệu mét khối nước để lấp đầy kênh khi nó hoàn thành. Như vậy, nó sẽ hạ thấp mực nước sông Mekong ở khu vực Phnomphenh và ĐBSCL ở Việt Nam. Nó cũng sẽ tác động nguy hại đến dòng chảy ngược vào Hồ Tonle Sap, một quá trình tự nhiên hiện đang giúp duy trì chủ yếu ngành ngư nghiệp nội địa của Campuchia và nông nghiệp ở ĐBSCL ở Việt Nam.  
Trao đổi với chúng tôi và các nhà nghiên cứu khác, Kỹ sư Thuỷ học Đỗ Văn Tùng, P.Eng, từng là kỹ sư tham vấn cho nhiều công ty Mỹ và Canada, cho rằng: 
“Nếu con kênh này bắt đầu từ Prek Takeo nối dòng chính sông Mekong và sẽ gặp sông Bassac ở hạ lưu. Sau khi hoàn thành, con kênh dài 180 km này sẽ cần khoảng 80 triệu mét khối nước để thông thương. Sau đó lưu lượng dòng chảy trong kênh sẽ tùy thuộc vào chênh lệch cao độ giữa đầu và cuối con kênh, cùng với ảnh hưởng của thủy triều. Lưu lượng nước này sẽ lấy từ sông Mekong và Bassac. Ảnh hưởng như thế nào ở mỗi mùa đối với Biển Hồ Tonle Sap và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa rõ. Cần phải có một mô hình điện toán về thủy lực [Hydraulic modeling] mới tính được chính xác. Nhưng có một điều chắc chắn là trong mùa khô nước ở ĐBSCL sẽ ít hơn làm vấn đề nhiễm mặn trầm trọng hơn.”
Theo tôi, ngoài những tác động như trên, Kênh đào Phù Nam còn có khả năng tác động tới ĐBSCL ở những khía cạnh khác nữa. 
Ngoài dung tích 77 triệu mét khối dung tích cần có ban đầu, phải tính thêm lượng nước hàng năm các âu tàu phải xả ra là 113 triệu mét khối. Đáng quan tâm hơn nữa là về sau khi có con kênh này rồi, Campuchia có thể đơn phương bơm nước từ kênh này ra tưới khắp châu thổ vùng Takeo suốt lộ trình 180 km cho tới vịnh Thái Lan. Khi đó Campuchia không phải chỉ cắt 113 triệu mét khối mỗi năm không cho về châu thổ Cửu Long như họ thông báo, mà sẽ nhiều lần hơn thế, không thể nào lường được, lúc đó Việt Nam có lẽ sẽ bó tay. 
Kênh Phù Nam sẽ gây tác động nhất định lên Biển Hồ Tonle Sap. Chính bản thân Campuchia phải rất quan tâm vì nhiều năm rồi Biển Hồ đã bị mất dần nhịp lũ. Khi thêm kênh Phù Nam cùng chảy với sông Tiền và Hậu ra biển Đông thì liệu nhịp lũ cho Biển Hồ còn tồn tại được không? 
Thật vậy, nhóm nghiên cứu của TS. Samuel De Xun Chua, Department of Geography, National University of Singapore, đã khảo sát nhịp lũ suốt 60 năm tại Biển Hồ và công bố tình trạng suy thoái như sau:
“Chúng tôi thấy rằng thời gian mùa lũ đã giảm khoảng 26 ngày (Kampong Cham) và 40 ngày (Chaktomuk), mùa lũ bắt đầu muộn hơn và kết thúc sớm hơn nhiều. Dọc sông Tonle Sap, dòng chảy ngược trung bình hàng năm từ sông Mê Kông đến hồ Tonle Sap đã giảm 56,5 %, từ 48,7 km3 năm 1962–1972 xuống còn 31,7 km3 năm 2010–2018. Kết quả là mực nước mùa mưa tại hồ Tonle Sap giảm 1,05 m trong năm 2010–2019 so với năm 1996–2009, tương ứng với diện tích hồ giảm 20,6 %.” (Xem trên tạp chí “Hydrology and Earth System Sciences” của Liên minh khoa học địa chất châu Âu.) 
Với những nguy cơ to lớn mà dự án kênh đào Phù Nam có thể gây ra, “Báo cáo đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới” của dự án này cần phải xét tác động tích hợp của kênh đào này cùng với hoạt động của các đập thủy điện trong toàn lưu vực, qua các tình huống mưa nhiều cũng như khô hạn. Vận chuyển trên kênh phải tùy vào mực nước ấy. 
Bên cạnh đó, phạm vi nghiên cứu đánh giá tác động môi trường cần phải có Biển Hồ, lưu vực Tonle Sap ở Campuchia và ĐBSCL ở Việt Nam, từ Nam Vang theo các dòng nước ra biển Đông, vì đó là một hệ sinh thái không thể tách riêng khi khảo sát ảnh hưởng tác động môi trường. 
RFA: Theo ông, Việt Nam nên hợp tác và thương lượng với Campuchia ra sao để bảo vệ lợi ích của mình và giảm thiểu những nguy hại tiềm năng mà dự án này có thể gây ra?
Phạm Phan Long: Việt Nam có khá nhiều phương cách ràng buộc Campuchia tuân theo các thủ tục của MRC để kiểm soát kênh Phù Nam. Giới hạn trọng tải tàu thuyền trên kênh Phù Nam theo đúng công bố của Campuchia là 1000 DWT. Nam Vang sẵn có hai thương cảng, có khả năng cho tàu 2000 DWT và 5000 DWT ra vào nên Campuchia sẽ vẫn cần vận chuyển tàu bằng sông Tiền và có thể cả sông Hậu. Do đó Việt Nam có tư thế thảo luận với Campuchia với tiếng nói trọng lượng.
Về chiến lược, đối với Mekong River Commission (MRC), Việt Nam và Campuchia đều không có chiến lược lớn, nên chưa hề ngăn được một con đập nào mà đã mất nhịp lũ, phù sa và nông ngư sản. Thậm chí, cả hai còn bị hạn hán giữa mùa mưa, xâm mặn ngày càng sâu. MRC đã trở thành cao tốc thông thoáng cho các đập Xayaburi, Don Sa Hong, Pak Lay, Pak Beng, Sanakham và Luang Prabang của Lào. Các đập này lần lượt được MRC thông qua, có Trung Quốc và Thái Lan sẵn sàng tài trợ và cố vấn.
Với kênh Phù Nam, Việt Nam có thể đặt Campuchia trước trách nhiệm bảo vệ lưu vực, đúng theo 5 Thủ tục và Hướng dẫn MRC đã thông qua, đặc biệt nhất là cho dòng chính với “Quy trình duy trì dòng chảy trên dòng chính” (“Procedures for the Maintenance of Flows on the Mainstream”):     
Từ thông báo đến thỏa hiệp (PNPCA).
Theo dõi, báo cáo vận hành kênh đào, không vi phạm những thông số giới hạn đã quy định (tức “Quy trình giám sát sử dụng nước”, hay “The Procedure of Water Use Monitoring”, PWUM). 
Bảo trì lưu lượng cần thiết tại dòng chính theo từng tháng (PMFM) Mekong và Bassac. Xem Hình 2, kênh Phù Nam sẽ không được chuyển nước gây xâm phạm vào lượng nước cung cấp cho hạ du sử dụng và đáp ứng nhu cầu sinh thái.
Bảo vệ chất lượng nước sông (Procedures for Water Quality, PWQ).
Cung cấp thông tin và số liệu quan trắc (Data and information sharing, PDIES).
UserPostedImage
Hình 2. Đường màu đỏ là mức nước dòng chính cần phải bảo vệ theo PMFM. Nguồn MRC.

Nếu Campuchia tuân theo những hướng dẫn ở trên, nhất là PMFM cho Châu Đốc, Tân Châu và Biển Hồ, cùng với các tác động môi sinh có biện pháp giảm thiểu được, thì cơ hội hợp tác hai nước ở dự án kênh Phù Nam này không phải là không thể trở thành sự thật.
RFA: Việt Nam và Campuchia có cần hay không một cơ chế rộng hơn Ủy hội Sông Mekong để phát triển khả năng hợp tác nhằm bảo vệ lợi ích của cả hai nước?
Phạm Phan Long: Từ 1995, Trung Quốc đã kích động sự chia rẽ giữa hai dân tộc Campuchia - Việt Nam, khiến họ không hậu thuẫn cho nhau để Trung Quốc và Lào khai thác thủy điện trên dòng Mekong. Trung Quốc dẫn dắt Lào, biến họ trở thành bình điện của Đông Nam Á. Kết quả trước mắt là Campuchia và Việt Nam hưởng ít lợi nhất, nhưng gánh tất cả thiệt thòi. 
Tình trạng bất công nói trên vi phạm tôn chỉ của Công ước Liên Hiệp quốc 1997 cho các dòng sông quốc tế. Nguyên tắc không gây nguy hại (Do no harm) và chia sẻ công bằng hợp lý (Equitable and Reasonable Utilization ) giữa các nước không được thực hiện, mà tổ chức MRC nghiễm nhiên đi ngược với tôn chỉ của Hiệp định 1995 lập ra tổ chức này. 
Kênh Phù Nam có thể là cái đinh cuối cùng đóng trên nắp quan tài ĐBSCL theo quan sát của TS. Brian Eyler. Trung Quốc đã đem quan tài này để Campuchia và Việt Nam xô đẩy nhau ngã vào. Kênh Phù Nam với quyết tâm của Campuchia có lẽ sẽ tiến hành, Việt Nam có thể phản đối, như từng phản đối các dự án của Lào. Nhưng có lẽ cả hai sẽ cùng đạt được lợi ích chung, nếu Việt Nam thỏa hiệp được với Campuchia, để cả hai cùng nhau bảo vệ Biển Hồ và ĐBSCL, dựa vào các thủ tục và quy định của MRC nói trên.   
Trước dự án kênh Phù Nam, Campuchia và Việt Nam cần tìm cách hợp tác và tránh gây tranh chấp. Hai nước không nên để cho Trung Quốc khai thác cơ hội biến Phù Nam thành biểu tượng xung đột giữa hai dân tộc. Campuchia và Việt Nam đều phải nhận thấy âm mưu thâm độc của Trung Quốc và nhảy ra khỏi cỗ quan tài “Made-in-China” bằng một liên minh chiến lược toàn diện, bảo vệ quyền lợi một lưu vực chung cho cả hai nước Campuchia - Việt Nam.
Mục đích hợp tác chiến lược ở mức cấp cao nhất cho hai nước là cùng làm bản tuyên ngôn chung “Không chấp nhận cho thêm con đập nào nữa”, và “Yêu cầu giới hạn hoạt động các đập thượng nguồn, để bảo vệ và phục hồi nhịp lũ cho môi sinh Biển Hồ, vựa cá của dân tộc Campuchia và ĐBSCL, vựa thóc của dân tộc Việt Nam.” 
Trong tương lai xa, hai nước cần nhắm tới một hiệp ước toàn lưu vực, đầy đủ và chặt chẽ hơn Hiệp định 1995. Những mô hình mà hai nước có thể tham khảo là “Sáng kiến Lan Thương-Mekong” (“Lancang-Mekong Initiative”) hay một “Hiệp ước sông Mekong” (“River Treaty”) theo Công ước 1997 của Liên Hiệp quốc. Ngoài ra, hai nước nên thành lập “Quỹ Lan Thương - Mekong” (“Lancang-Mekong Fund”) để trợ giúp dân cư khắp lưu vực, nhằm chia sẻ lợi ích và đền bù thiệt hại công bằng cho họ.
RFA: xin cảm ơn Kỹ sư Phạm Phan Long đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 
Theo RFA
song  
#2 Đã gửi : 16/10/2023 lúc 11:51:47(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Từ đế chế Phù Nam – Khmer tới con kênh lịch sử Funan Techo của vương quốc Cam Bốt

UserPostedImage
Dự án Funan Techo Canal, sẽ là Con Kênh Lịch Sử của Vương quốc Cam Bốt 2024-2028 kết nối Cảng Phnom Penh ra tới Vịnh Thái Lan (Hình: Screenshot từ YouTube video của Cambodia Events)

Thách thức của con kênh Phù Nam Techo là có thật cho Việt Nam, và mọi người dân Việt cần trầm tĩnh, tập trung năng lượng và chất xám để đối phó, nhằm giới hạn mức tác động thiệt hại của con kênh chiến lược này.

DẪN NHẬP: Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên (BCE). Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]

Đế chế Phù Nam - Khmer


Phù Nam là tên gọi một quốc gia cổ đại đã tồn tại trong vùng Đông Nam Á, từ trước Công nguyên, với di tích cảng Óc Eo nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long [ĐBSCL], nơi trao đổi buôn bán từ Trung Hoa xuống và từ Địa Trung Hải qua. Nguyên là một vương quốc hùng mạnh bao gồm cả vùng đất phía nam Việt Nam sang tới Thái Lan và bán đảo Mã Lai. Vương Quốc này chỉ tồn tại tới thế kỷ thứ VII, sau đó bị Chân Lạp thôn tính.
Nhưng rồi Chân Lạp bị phân hóa thành Thủy Chân Lạp phía nam và Lục Chân Lạp phía bắc luôn luôn bị đội quân hải đảo Java xâm lăng. Tới thế kỷ thứ IX, vua Jayavarman II kết hợp được dân chúng nổi dậy giành lại được độc lập từ Java, và Chân Lạp trở thành Đế quốc Khmer hùng cường. Tới thế kỷ XII, vua Jayavarma VII, sau khi đánh thắng quân Champa đã khai sinh ra triều đại huy hoàng nhất của Đế quốc Khmer với Angkor Wat là một kỳ quan kiến trúc của thế giới. Khi Jayavarman chết, cũng là ngày suy tàn của Đế quốc Angkor Khmer, và sau đó chỉ còn một đất nước Cam Bốt thăng trầm cho tới ngày nay.
*
UserPostedImage
Trái: Sơ đồ Vương quốc Phù Nam vào khoảng thế kỷ thứ III (nguồn: L. Joo at en.wikipedia.org); phải: Sơ đồ Vương quốc Khmer với diện tích bao trùm nam Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và bán đảo Mã Lai, và rồi tiêu vong vào thế kỷ thứ XV (nguồn: Lozère at French Wikipedia)

Ý nghĩa danh xưng "Phù Nam - Khmer"
Đế quốc Phù Nam và đế quốc Khmer là hai thời kỳ lịch sử riêng biệt, nhưng có mẫu số chung là hai nền văn minh cổ xưa ấy đã để lại trên cùng dải đất những di tích về các công trình thủy lợi. Người Phù Nam, từ thế kỷ thứ V họ đã biết đào kênh, tạo nên mạng lưới giao thông kết nối các thị trấn Angkor Borei (Nam Phnom Penh), Óc Eo (núi Sập, núi Ba Thê - Long Xuyên), và Thị Trấn Trăm Đường (Đông Nam Kiên Giang) (6)
Tới cuối thế kỷ 20, sau thời kỳ Khmer Đỏ đầy tang tóc, đất nước Cam Bốt đã xuất hiện một “con người của thời cuộc”: Đó là Hun Sen, có gốc là Khmer Đỏ ly khai, theo Việt Nam và có một giai đoạn bị đánh giá rất sai lầm là “bù nhìn của Hà Nội”. Nhưng không, với thời gian Hun Sen đã chứng tỏ là một chính khách bản lãnh và đầy tham vọng, đã đưa đất nước Cam Bốt ra khỏi quỹ đạo Việt Nam. Hun Sen được kể là vị Thủ Tướng trị vì đất nước Cam Bốt với bàn tay sắt, và đã tại vị lâu năm nhất trong lịch sử Cam Bốt và của cả thế giới hiện tại [gần 4 thập niên từ 1985 tới 2013]. Và nay thì con trai ông là Tướng Hun Manet tiếp nối cha đảm nhận chức Thủ Tướng Cam Bốt từ tháng 7/2023. Nhưng trên thực tế, Hun Sen vẫn có quyền lực bao trùm của một Thái Thượng Hoàng.
Và không phải là tình cờ khi ông Hun Sen đã chọn tên Phù Nam, gắn liền với Techo là một phần danh hiệu rất dài của ông: Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen / có nghĩa tổng quát là Ngài Thủ Tướng Samdech Hun Sen kiêm Tư lệnh Quân đội Tối cao.
Chỉ riêng chữ Techo được chính ông Hun Sen giải nghĩa: “Ai vinh dự mang tên ấy có sứ mệnh đánh đuổi quân xâm lăng đất nước Cam Bốt” [Who carry the honorific Techo are destined to fight off the invaders of Cambodia (The Cambodia Daily 4/2/2010)]. Với người dân Cam Bốt thì họ hiểu rằng, quân xâm lăng ấy không ai khác hơn là từ hai nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan.
Funan Techo Canal sẽ như một di sản mà Samdech Techo Hun Sen muốn để lại cho đất nước Cam Bốt. Nó sẽ có ý nghĩa hơn một tượng đài, luôn luôn gợi nhớ về một quá khứ hào hùng của dân tộc Khmer và cũng gián tiếp gửi một thông điệp cho Việt Nam rằng có một thời kỳ vùng châu thổ ĐBSCL trong lịch sử đã là phần lãnh thổ của Đế Chế Angkor Khmer.
UserPostedImage
Sơ đồ Dự án kênh Funan Techo Canal dài 180 km của Vương Quốc Cam Bốt, tổn phí lên tới 1.7 tỷ USD được tài trợ bởi Trung Quốc qua quỹ Sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường dự trù khởi công năm 2024, sẽ hoàn tất và vận hành 4 năm sau (2028). [Nguồn: Mekong River Commission / MRC]

Thông số kỹ thuật kênh đào Funan Techo

Chính phủ Hoàng Gia Cambodia, thông qua Bộ Công chánh và Vận tải [Public Work and Transport / MPWT] đã gửi một Thông Báo ký ngày 8 tháng 8 năm 2023 tới Tiến sĩ Anoulak CEO Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong về một Dự án Kênh đào nội địa “Funan Techo Canal” (1) với các chi tiết kỹ thuật như sau:
Tên Dự án: Kênh Đào Nội địa “Funan Techo Canal”
Vị Trí của Dự án, gồm hai phần:
* Phần I: khởi điểm từ dòng chảy thiên nhiên Prek Takeo thuộc huyện Kien Svay và được nối với dòng chảy thiên nhiên Prek Ta Ek thuộc huyện Saang, tỉnh Kandal.
* Phần II: khởi điểm từ dòng chảy thiên nhiên Prek Ta Hing, huyện Kothom, tỉnh Kandal và nối dòng chảy thiên nhiên Prek Takeo thuộc hai tỉnh Kapot và Kep.
Đề xuất Sử dụng: Trên phụ lưu của con sông Mekong trong phần I. Trên phụ lưu của con sông Bassac trong phần II.
Mục đích của Dự án: Kênh Nội địa cho mục đích vận tải và giao thông đường thủy.
Dự trù triển khai:
* Khởi công 2024
* Hoàn tất xây dựng 2027
* Bắt đầu vận hành 2028
Mô tả Dự án
* Dẫn nhập: nhằm phục hồi dự án đường thủy “ Funan Techo Canal” đã được xây dựng và vận hành từ Triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên (BCE). Công trình này nhằm phục hồi và cải thiện giao thông đường thủy trong nội địa. Con kênh này có chiều dài khoảng 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án phục hồi thủy vận là kết nối lại với lịch sử và cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng những quyền hạn và lợi ích chính đáng. [… in line of principles of the foreign equality and respect for rights and legitimate interests.]
* Những Yếu Tố Kỹ Thuật chính:
Trọng tải: 1.000 tấn (DWT / tons deadweight)
Chiều dài: 180 km
Độ sâu và độ rộng: 4,7m x 50m
Độ thông cầu: 16m x 53m (Bridge Navigation Clearance)
Mẫu tàu: 60m x 12m x 3,6m (Length x Width x Full Draft)
* Công trình âu tàu (Lock Works):
Kích thước âu tàu: 135m x 18m x 5,8m (Dài x Rộng x Sâu)
Công suất: 7,04 triệu tấn / năm (mỗi âu tàu)
Số âu tàu: 3
Lượng nước xả tối đa: 3,6m3/ giây
Đào đất và lấp
Xây dựng các âu tàu
Xây cửa âu tàu
Xây các cơ sở hỗ trợ công trình
Mạng lưới điện cho âu tàu
Hệ thống liên lạc cho âu tàu
Hệ thống điều khiển tự động cho các âu tàu
Hệ thống phòng hỏa cho các âu tàu
* Công trình Kênh thủy vận
Đáy rộng 2 chiều 50m
Độ sâu 4,7m
Bán kính cong tối thiểu 300m (Minimum Radius of the Canal)
Bờ nghiêng con kênh: 1:3 ~ 1:5
* Số cầu: 11
Chiều dài cầu chính 161m
Cầu vượt 520m (Length for Approach)
Lượng Giá Ảnh hưởng Môi trường/ EIA:
a. Ảnh hưởng về lượng nước trên hệ thống sông:
Do có 3 âu tàu trên kênh, nên lượng nước được kiểm soát hiệu quả. Lượng nước xả tối đa cho một âu tàu là 3,6 m3/ giây (trung bình mỗi ngày), con số đó không đáng kể so với dòng chảy của hệ thống sông Mekong. Và như vậy sẽ không có ảnh hưởng đáng kể nào trên lượng nước sông Mekong. [sic]
b. Ảnh hưởng tích cực của dự án:
Cải thiện giao thông và vận tải bằng đường thủy cho các cộng đồng cư dân phía nam Cam Bốt.
Giảm thiểu lũ lụt ở một số vùng như các tỉnh Kandal và Takeo.
Tạo thêm môi trường sống bền vững cho cá, các loài động vật dưới nước, các loại chim muông và rong tảo.
Bảo đảm an toàn lương thực cho cư dân địa phương bằng phát triển ngư nghiệp.
Gia tăng tiềm năng du lịch do cải thiện hệ thống giao thông.
c. Ảnh hưởng tiêu cực của dự án:
Ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong giai đoạn xây cất.
Vấn đề nước, đường sá và bảo vệ đất đai trong giai đoạn xây cất với rác thải.
d. Giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án:
Xây dựng 3 âu tàu nhằm kiểm soát được lưu lượng dòng chảy của con kênh, kiểm soát được dòng chảy tràn / outflow của con sông Bassac qua con kênh đổ ra biển và chống lại nạn nhiễm mặn xâm nhập từ biển.
Bảo vệ môi trường với các biện pháp kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo tồn cây xanh, giảm thiểu xói mòn và giảm thiểu ô nhiễm trong giai đoạn xây dựng và cả thời gian vận hành.
Những Kết Luận
Dự án Kênh Nội địa “Funan Techo Canal” sẽ giúp các cộng đồng cư dân địa phương Cam Bốt cải thiện mạng lưới thủy vận, kích thích phát triển về kinh tế và xã hội trong vùng. Sẽ không có ảnh hưởng đáng kể hay tiêu cực trên lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong. Ba âu tàu, có khả năng điều hợp hữu hiệu dòng chảy của con kênh; cũng như ảnh hưởng trên môi trường và xã hội tối thiểu trong thời gian xây dựng và vận hành con kênh về sau này.(1) [Hết trích dẫn]
Trong bức thư của Chính Phủ Hoàng Gia Cam Bốt gửi MRC có nhắc tới Điều Khoản 1 & 2 và Điều khoản 4.3.2 của Quy trình PNPCA của Hiệp Định Sông Mekong 1995, vậy các điều khoản đó là gì?

Điều Khoản 1 & 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995


Về Mục tiêu và Nguyên tắc Hợp tác
Điều 1. Các lãnh vực hợp tác: Hợp tác trong tất cả các lãnh vực phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực Mekong, bao gồm các lãnh vực chính sau: tưới, thủy điện, giao thông đường thủy, kiểm soát lũ, thủy sản, thả bè, giải trí và du lịch để đạt được mức tối ưu trong sử dụng đa mục tiêu và cùng có lợi cho tất cả các quốc gia ven sông và giảm tới mức thấp nhất các ảnh hưởng có hại gây ra bởi các hiện tượng tự nhiên và các hoạt động của con người.
Điều 2. Các dự án, các chương trình và lập quy hoạch. Thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác và điều hợp trong việc phát triển mọi tiềm năng vì lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước trong Lưu vực sông Mekong, chú trọng và ưu tiên các dự án phát triển chung có quy mô lưu vực và các chương trình lưu vực thông qua lập quy hoạch phát triển lưu vực nhằm xác định, phân loại và lập hạng ưu tiên cho các dự án, và các chương trình hỗ trợ và thực hiện ở cấp lưu vực.

Điều Khoản 4.3.2 của Quy Trình PNPCA

Cho dù theo Hiệp Định Sông Mekong 1995, không một quốc gia nào có quyền phủ quyết / veto power nhưng các dự án sông Mekong vẫn phải trải qua 3 giai đoạn tham vấn viết tắt là PNPCA bao gồm:
Giai đoạn I Thủ Tục Thông Báo [PN / Procedures for Notification]: Ủy Hội Sông Mekong sẽ được chính phủ liên hệ thông báo chính thức về dự án.
Giai đoạn II Tham Vấn Trước [PC / Prior Consultation]: với khoảng thời gian 6 tháng, nhưng nếu các nước thành viên chưa đạt được sự đồng thuận thì khung thời gian này có thể được gia hạn.
Giai đoạn III Chuẩn Thuận [A / Agreement], dự án sẽ khởi công khi đạt được sự chuẩn thuận của các nước thành viên.

Phân tích về Bản Thông Báo Thiếu Sót với nhiều ẩn số

Điều Được Nói Ra
Trong Thông Báo gửi MRC, khi nói về mục đích của Dự án chỉ vỏn vẹn có một câu: “Con kênh nội địa có mục đích vận tải và giao thông đường thủy”, với lợi ích rất rõ ràng:
Chặng đường sông nếu phải qua ngả Việt Nam khoảng 433 km, nay với con kênh Phù Nam Techo khoảng cách chỉ còn 237 km, rút ngắn được 196 km, như vậy sẽ giảm thiểu thời gian di chuyển và bớt nhiên liệu tiêu thụ, – cũng có nghĩa là giảm đáng kể chi phí vận chuyển và quan trọng hơn nữa là tạo được một trục / hub giao thương mới mà không cần phải đi qua khúc sông Mekong của Việt Nam. Tất cả nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư, giảm thiểu chậm trễ và giảm chi phí về tiếp vận.
Dự án này đã được một đại Công ty Trung Quốc China Communications Construction Company / CCCC thực hiện cuộc nghiên cứu về tính khả thi và sẽ được Chương trình Belt and Road Initiative / BRI tài trợ 1,7 tỷ USD.
[ Tưởng cũng nên có thêm ít dòng về công ty CCCC đầy tai tiếng này, có liên hệ với Chiến lược “Một Vành Đai Một Con Đường” đã từng bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì có tệ trạng tham nhũng, lũng đoạn tài chánh, tàn phá môi trường và những lạm dụng khác trên khắp thế giới. Và nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không được phép sử dụng công ty này và các công ty quốc doanh khác như thứ vũ khí bành trướng. _ Silk Road Briefing, Aug 27, 2020]
Chúng ta hãy nghe John Yip Weiyan, Giám đốc Đầu tư Quỹ Một Vành Đai Một Con Đường [The Belt and Road Initiative] của Trung Quốc nhận định: “Dự án hạ tầng Funan Techo Canal sẽ là một game-changer/ một nhân tố thay đổi hệ thống hậu cần/ logistics và sẽ ảnh hưởng tới sự phân phối các thùng hàng/ containers của Cam Bốt từ cảng biển sâu Sihanoukville và cảng Phnom Penh. Sẽ có nhiều thùng hàng hóa được vận chuyển tới các cảng địa phương theo con kênh đào này sau khi hoàn tất. Sử dụng con kênh đào cũng có tác dụng kích thích phát triển thêm những cảng quốc tế khác như dự án cảng quốc tế đa năng Kampot / Multi-Purpose Logistics and Port Centre, tạo thêm một hành lang vận chuyển cho thủ đô Phnom Penh.” (2)
Những Điều Không Được Nói Ra

Nhưng trong thực tế Funan Techo sẽ là một con Kênh Đào Đa Năng / Multipurpose, với rất nhiều mục đích khác mà chính phủ Hoàng gia Cam Bốt đã không nói ra, chúng ta có thể kể:
Con kênh nước ngọt ấy lấy nước từ con sông Mekong và con sông Bassac chảy qua 4 tỉnh, với 1,6 triệu dân sống hai bên kênh, khi có được nguồn nước vô giá, con kênh không những giúp cho việc tiêu tưới mở rộng diện tích canh tác / agriculture mà còn tạo những hồ nước nuôi trồng thủy sản / aquaculture, bảo đảm lương thực và cải thiện đời sống các cộng đồng cư dân trong vùng.
Trong các cuộc bàn thảo của Diễn đàn Vận Tải và Hậu Cần 2023 (Transport and Logistics Forum 2023), người ta còn bàn tới sự gia tăng giá trị đất đai và bất động sản ven con kênh, khi có thêm được những cảng phụ / subordinate ports, tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời với phát triển các khu gia cư cùng với nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt.
Như vậy, với con kênh đào 180 km chiều dài ấy đâu có phải chỉ cần có 80 triệu m3 nước và một lượng nước xả từ mỗi âu tàu (ship-lock) là 3,6 m3 / giây (trung bình mỗi ngày) để mà kết luận rằng: con số đó là không đáng kể so với lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong. (1)
UserPostedImage
Hình chụp cắt từ Google Maps, và chấm đỏ nơi tỉnh Prek Takeo trên bản đồ là khởi điểm của con kênh đào Funan Techo dài 180km. (Hình: Đỗ Văn Tùng)
Với tình huống bất định đó, Kỹ sư Thủy học Đỗ Văn Tùng, P.Eng. rất giàu kinh nghiệm và từng là kỹ sư tham vấn cho nhiều công ty Mỹ và Canada, cho rằng: “Nếu con kênh này bắt đầu từ Prek Takeo (chấm đỏ ở bản đồ đính kèm) nối dòng chính sông Mekong và sẽ gặp sông Bassac ở hạ lưu. Sau khi hoàn thành, con kênh dài 180 km này sẽ cần khoảng 80 triệu mét khối nước để thông thương. Sau đó lưu lượng dòng chảy trong kênh sẽ tùy thuộc vào chênh lệch cao độ giữa đầu và cuối con kênh, cùng với ảnh hưởng của thủy triều. Lưu lượng nước này sẽ lấy từ sông Mekong và Bassac. Ảnh hưởng như thế nào ở mỗi mùa đối với Biển Hồ Tonle Sap và ĐBSCL vẫn chưa rõ. Cần phải có một mô hình điện toán về thủy lực [Hydraulic modeling] mới tính được chính xác. Nhưng có một điều chắc chắn là trong mùa khô nước ở ĐBSCL sẽ ít hơn làm vấn đề nhiễm mặn trầm trọng hơn”.
Kỹ sư Phạm Phan Long, P.E. Giám đốc điều hành Việt Ecology Foundation, nhận định rằng: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM (TbEIA/ Transboundary Environmental Impact Assessment, Technical Review Report) của con kênh đào Funan Techo vô cùng quan trọng và là trách nhiệm của Cam Bốt, Việt Nam không thể đánh giá dự án này dựa trên một bản Thông Báo / Prior Notification rất sơ lược (1) mà không có những chi tiết thiết kế và các thông số về quy trình vận hành.” KS Phạm Phan Long cũng nói tới mối quan tâm xa hơn là khi đã có con kênh nước ngọt này rồi, Cam Bốt có thể đơn phương bơm nước từ 180km con kênh này để tưới cho khắp vùng châu thổ 4 tỉnh từ Takeo xuống tới Kep trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan, và như vậy thì lưu lượng nước lấy từ con sông Mekong và con sông phụ lưu Bassac không phải chỉ 113 triệu mét khối mỗi năm mà sẽ nhiều lần lớn hơn và Việt Nam ở cuối nguồn không thể nào lường trước được. [hết trích dẫn] (5)

Từ Kênh Vĩnh Tế tới Kênh Funan Techo


Năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu được lệnh vua Gia Long đào một con kênh lớn chạy thẳng từ Châu Đốc xuống đến Kiên Giang, nhập vào sông Giang Thành ra tới Hà Tiên đổ vào Vịnh Thái Lan. Kênh Vĩnh Tế bắt đầu từ tả ngạn sông Hậu (tên Bassac bên phía Cam Bốt), dọc theo đường biên giới, dài 90 km, rộng 30 m, sâu 2,5 m; với nguồn nước từ sông Hậu đổ vào. Con kênh Vĩnh Tế ở giai đoạn thời kỳ Nam Tiến chủ yếu là một con hào chiến lược có giá trị quốc phòng hơn là giá trị kinh tế. Tuy lấy nước từ sông Hậu, nhưng theo TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Giám Đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí Hậu (DRAGON Institute], Phó Giáo sư Khoa Tài Nguyên và Môi Trường Đại Học Cần Thơ viết: “Kinh Vĩnh Tế nối từ sông Hậu ở Châu Ðốc đến sông Giang Thành thuộc Hà Tiên. Lưu lượng chảy ra Biển Đông gần như không đáng kể vì độ dốc ngược, biên độ thủy triều ở Vịnh Thái Lan rất thấp nên không tạo ra độ chênh mực nước lớn. Con kinh này ngày xưa vua nhà Nguyễn cho đào với mục tiêu chính là bảo vệ phần đất Việt Nam với Cam Bốt và một phần giao thông đường thủy chứ không có mục tiêu thoát nước.”
Đến với con Kênh Vĩnh Tế cũng là đến với một chặng đường lịch sử trải dài ngót 200 năm với nhiều máu, mồ hôi và nước mắt. Vĩnh Tế đã để lại một vết hằn thù hận trong tâm khảm người Cam Bốt.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, với một ĐBSCL đang thiếu nước canh tác, tình trạng ngập mặn ngày thêm trầm trọng do ảnh hưởng chuỗi đập thủy điện dòng chính thượng nguồn từ Trung Quốc [11 đập] xuống tới Lào [9 đập] và cả vô số những con đập phụ lưu trong khắp lưu vực, chưa kể những bước phát triển sai lầm tự hủy của chính Việt Nam nơi ĐBSCL. Nay lại sắp có thêm con kênh Phù Nam Techo của Cam Bốt chắc chắn không thể không gây mối quan tâm cho nhiều người Việt Nam, mà nạn nhân trực tiếp không ai khác hơn là 20 triệu cư dân nghèo khổ nơi ĐBSCL bấy lâu không được quyền có tiếng nói. Nếu chỉ về kích thước với chiều dài, bề rộng và độ sâu thì con kênh Vĩnh Tế nhỏ hơn con Kênh Phù Nam Techo rất nhiều, còn về cấu trúc cho tới phương thức vận hành tự động hóa thì đây sẽ là một thủy lộ không những rất lớn mà còn rất hiện đại.
Tinh thần Sông Mekong Một Mẫu Số Chung
Tiếp sau bản Thông Báo của Vương quốc Cam Bốt gửi Ủy Hội Sông Mekong ký ngày 8/8/2023, trong hơn hai tháng qua, là một cuộc tranh luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn trong nước và hải ngoại, kể cả sự giận dữ trước tình cảnh rất bị động của Việt Nam như hiện nay.
Nếu nói Sông Mekong là sợi chỉ đỏ nối kết các quốc gia trong lưu vực nhưng thực tế thì ngược lại. Mekong đang trở thành một con sông chia rẽ do những tranh chấp quyền lợi riêng tư của mỗi quốc gia trong vùng. Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, với một Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam vô hiệu và bất lực, hơn bao giờ hết đây là lúc Việt Nam phải có ngay một Toán Đặc Nhiệm / Task Force Sông Mekong – điều lẽ ra phải làm từ lâu, nhằm đề ra được một chiến lược lâu dài có khả năng đối phó với mọi tình huống.
Điều trước tiên về phía người Việt, hãy quên đi thứ Văn hóa Chiến tranh [Culture of War], một cuộc “chiến tranh vì nước”, và ngay từ bây giờ, từ giới lãnh đạo cho tới người dân cần hành động bằng một đầu óc tỉnh táo, thay vì nhiều giận dữ như hiện nay. Vị thế Việt Nam và Cam Bốt năm 2023 đã khác xa với 40 năm trước. Việt Nam không thể hành xử như một “Tiểu Bá” – chữ của Bắc Kinh gán cho Việt Nam.
Với Dự án Kênh Funan Techo 2024-2028, hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Cam Bốt, cộng thêm với quyết tâm của vị vua thời hiện đại là Samdech Techo Hun Sen, với hậu thuẫn toàn diện của Bắc Kinh nằm trong Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường, Việt Nam đã không có một thế đối trọng để ngăn cản, hay cấm đoán Cam Bốt thực hiện dự án này. Nói vậy, không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn bó tay mà thực ra có rất nhiều việc phải làm để đối phó ngay với Dự Án Funan Techo và giới hạn mức độ tổn thất.
1. Lập ngay một Toán Đặc Nhiệm “Funan Techo” có quyền hạn mà trụ sở đầu não là Khoa Tài Nguyên Môi Trường của Đại Học Cần Thơ, với Ủy Ban Sông Mekong phải là một thành viên trong đó.
2. Tòa Đại Sứ và Lãnh Sự Việt Nam ở Nam Vang phải có ngay các “tùy viên môi sinh” – như một dạng tình báo môi sinh, trực tiếp theo dõi tại thực địa từng bước diễn tiến của dự án này.
3. Một khoản đầu tư xứng đáng để thuê toán chuyên gia quốc tế thực hiện một cuộc khảo sát đánh giá một cách khoa học và khách quan với cả một mô hình thủy học / Hydraulic Modeling là không thể thiếu.
KS Thuỷ Học Đỗ Văn Tùng, Canada có 3 góp ý thêm về phần 3.
a. Nếu chưa có một mô hình thuỷ học mới, Việt Nam - Cam Bốt có thể ứng dụng mô hình MIKE 11 để tính toán ảnh hưởng của dự án kênh đào Phù Nam Techo, với ưu điểm là nó đã có sẵn, tương đối phổ biến trong Uỷ Hội Sông Mekong MRC, nhiều người đã quen sử dụng nên dễ trao đổi thảo luận với nhau hơn.
b. Quan trọng hơn nữa là cần có một quy chế rõ ràng giữa Cam Bốt và Việt Nam về việc chia sẻ số liệu, nhất là về lưu lượng nước sông Mekong và Bassac chảy vào con kênh Phù Nam Techo. Những số liệu này sẽ được dùng thường xuyên trong mô hình MIKE 11 để (i) đánh giá độ tin cậy của số liệu, và (ii) tính toán ảnh hưởng và thiệt hại ở ĐBSCL.
c. Cam Bốt và Việt Nam nên có một tầm nhìn xa hơn, nhắm tới mục tiêu có một thoả ước về việc tính toán và đền bù ra sao nếu như phía Cam Bốt lấy qúa nhiều nước gây thiệt hại kinh tế và môi trường nơi ĐBSCL. Nếu thoả ước này thực hiện được thì nó sẽ là một hướng đi tốt có thể áp dụng cho toàn Lưu vực sông Lancang Mekong.
4. Ở một mức cao hơn nữa, giữa hai chính phủ, Việt Nam phải tận dụng “Quyền Lực Mềm / Soft Power” qua ngả chính trị ngoại giao bằng sự thuyết phục, và cả chứng tỏ sự thành tâm hợp tác nhắm tới những phúc lợi cho cả hai bên, cùng với một nỗ lực “giải một lời nguyền” xóa dần mối thù hận có tính cách lịch sử giữa hai dân Việt - Khmer trong quá khứ.
Và như vậy không phải chỉ có hô hoán những khẩu hiệu kích động thêm sự hận thù như “Hun Sen kẻ phản bội” – người đã từng tốt nghiệp trường Đảng Hồ Chí Minh, hay bi đát hơn là lời than vãn “Kênh đào Phù Nam là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài ĐBSCL”.
Thách thức của con kênh Phù Nam Techo là có thật cho Việt Nam, và mọi người dân Việt cần trầm tĩnh, tập trung năng lượng và chất xám để đối phó, nhằm giới hạn mức tác động thiệt hại của con kênh chiến lược này. Nếu vô tình gây thêm thù hận và chia rẽ giữa hai nước Cam Bốt và Việt Nam là trúng sách lược “chia để trị” của Trung Quốc.
Tương lai Việt Nam không cần thêm một cuộc chiến tranh vùng, mà đang cần tới một giới lãnh đạo có trí tuệ, có một tầm nhìn lịch sử để không đẩy cả dân tộc vào một chặng đường tứ diện thọ địch bi đát như hiện nay.
Ngô Thế Vinh(VOA)
_________________
Tham khảo
1/ Notification of The Inland Waterway Project “Funan Techo Canal”. Kingdom of Cambodia. Cambodia National Mekong Committee. Date of Submission 08 Aug 2023
2/ Funan Techo Canal – Opening Cambodia to the World
KhmerTimes, May 31, 2023 https://www.khmertimeskh...ambodia-up-to-the-world/
3/ Funan Techo Canal Approved to Link Bassac and Kep. B2B Cambodia 23/05/23 https://www.b2b-cambodia...-to-link-bassac-and-kep/
4/ Study on Bassac River-Kep sea waterway link finished. Hom Phanet, Phnom Penh Post 24/04/2022.
https://www.phnompenhpos...a-waterway-link-finished
5/ Đại Vận Hà Phù Nam của Cam Bốt, trước âm mưu thâm độc của Bắc Kinh. Phạm Phan Long, P.E. Viet Ecology Foundation, October 09, 2023
6/ Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng. Ngô Thế Vinh, Nhà xuất bản Văn Nghệ, California 2000.
song  
#3 Đã gửi : 16/10/2023 lúc 11:55:10(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Kênh đào “Đế chế Phù Nam” hay tiếng chuông báo tử cho đồng bằng sông Cửu Long

Thông tin về dự án có tên “Kênh đào Đế Chế Phù Nam” do Campuchia cùng với các nhà thầu Trung Quốc chuẩn bị tiến hành, chính thức thông báo lên Ủy hội sông Mekong 8 Tháng Tám 2023 vừa qua, cùng với bài phỏng vấn do đài RFA thực hiện với tiến sĩ Brian Eyler, một chuyên gia về Tiểu vùng sông Mekong ở Stimson Center.
Những tiếng cảnh báo lọt vào những lỗ tai điếc
Sự việc đang khiến cộng đồng, đặc biệt giới trí thức và các nhà bảo vệ môi trường quan tâm. Lời nhận xét có phần bi quan của Brian Eyler coi dự án này như “chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài” không phải là phóng đại. Tiến sĩ Brian Eyler còn là tác giả của cuốn sách “Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ” xuất bản năm 2020. Tác phẩm về môi trường, sinh thái, văn hóa, xã hội… có thể coi như một khúc bi ca tiếc thương sự kết thúc của dòng sông vĩ đại, Mekong, đang tới gần. Tham vọng của con người và những tác động thô bạo vào thiên nhiên đã và đang bức tử con sông từ ngàn đời nay đem lại nguồn sống cho hàng chục triệu người.

Hai mươi năm trước khi Brian Eyler viết “Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ”, ông Ngô Thế Vinh đã xuất bản hai bộ sách đồ sộ bao hàm nhiều nội dung về môi sinh, lịch sử, xã hội, địa chính trị văn hóa liên quan tới các cộng đồng dân cư dưới hạ lưu dòng Mekong, cũng như dự đoán chính xác về tác động hủy hoại của hệ thống 14 con đập bậc thềm khổng lồ ở Vân Nam và 11 con đập dòng chính hạ lưu.
Bộ sách đầu tiên là “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành năm 2000 đã gây một tiếng vang trong cả giới học thuật lẫn chính trị, năm 2001 được tái bản lần thứ nhất và tuyệt bản. Không hiểu vì lý do gì, bộ sách đồ sộ và giá trị này đã không được cấp phép tái bản ở trong nước? Cuốn sách thứ hai là “Mekong dòng sông nghẽn mạch” xuất bản năm 2007 là những phóng sự và điều tra sống động tiếp nối.
Có thể nói, những tác phẩm của Brian Eyler hay của ông Ngô Thế Vinh là những lời cảnh tỉnh, dự báo có tầm nhìn xuyên thế kỷ với những nghiên cứu chuyên sâu, phóng sự đa dạng, đa chiều liên quan đến hệ sinh thái của dòng Mekong. Kể từ “Cửu Long cạn dòng” được xuất bản năm 2000 cho đến nay, đã có thêm nhiều các dự án thủy điện và kênh đào khác được hoàn thành trên thượng nguồn và lưu vực con sông, ngày một đẩy nhanh hơn tiến trình hủy diệt môi sinh, tác động tiêu cực tới đời sống, sinh kế của các cộng đồng bản địa dọc hai bên con sông hùng vĩ và hào phóng này.
Dự án “kênh đào đế chế Phù Nam” của Campuchia không phải là con kênh đào đầu tiên lấy nước từ dòng Mekong để phục vụ cho các mục đích kinh tế của quốc gia mà con sông đi qua. Trước đó ba thập niên, dự án kênh đào Kong Chi Mun với tổng phí tổn lên tới US$4 tỷ từ năm 1992 đã lấy đi 300m3/s trong tổng số lưu lượng 1600 m3/s vào mùa khô của ĐBSCL hiện nay. Tiếp đó, một dự án khác có tên KOK ING NAN, gián tiếp lấy nước từ hai phụ lưu lớn của sông Mekong là sông Kok và sông Ing ở vùng Chiang Rai thuộc Bắc Thái Lan, có giá trị dự án $1.5 tỷ, được JICA (Japan International Cooperation Agency) hỗ trợ cấp vốn nghiên cứu thiết kế.
Đó là đường hầm khổng lồ dài hơn 100km để chuyển 2.2 triệu m3 nước mỗi năm từ sông Mekong vào con sông Nan – một phụ lưu của sông Chao Phraya nhằm cấp nước tưới cho vùng châu thổ quan trọng nhất của Thái Lan đang khô hạn. Tuy nhiên, cả hai dự án này không thể gây ra tác động lớn như kênh đào Đế chế Phù Nam. Theo tính toán, con kênh đào này cần đến 7.7 triệu m3 nước để lấp đầy. Như vậy, một khối lượng nước rất lớn sẽ bị lấy đi trước khi dòng Mekong chảy vào lưu vực thuộc địa phận Việt Nam.
Miền Nam Việt Nam sẽ chết!
Trong những năm gần đây, các báo cáo về khí tượng thủy văn đã minh chứng thực tế là đồng bằng sông Cửu Long đã và đang “đói lũ” trầm trọng. Việc lũ không còn về theo tự nhiên, mức lũ thấp hơn nhiều so với dự báo và gần như không còn phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, lượng thủy sản tự nhiên suy giảm rõ rệt. Không có lũ về, nước mặn xâm nhập vào đất liền sâu hơn, dữ dội hơn. Còn về lâu dài, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm nhanh hơn khi không có phù sa bồi đắp cùng với nạn khai thác cát bừa bãi.

Ngày 30 Tháng Chín 2023, tờ Thanh Niên dẫn trích một đánh giá của ông Sepehr Eslami, trưởng nhóm tư vấn liên doanh Deltares (Hà Lan) trong bài phóng sự “ĐBSCL trước nguy cơ hết cát”, cho thấy thực trạng đáng sợ khi mà giai đoạn 2017-2022, mỗi năm hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL đã lấy đi 35-55 triệu m3.
Trong khi đó, lượng cát do phù sa bồi đắp từ sông Mekong chỉ còn 2-4 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó là lượng cát rời khỏi đồng bằng đổ ra Biển Đông khoảng 0.6 triệu tấn/năm. Có một mâu thuẫn không thể có giải pháp khi nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục qui hoạch phát triển các đô thị lớn như Sài Gòn theo hướng Đông và Đông Nam, hướng ra biển và lấy toàn bộ cát nạo vét từ các dòng sông để tôn nền cho các khu đô thị mới, dẫn đến tình trạng ngập úng trong đô thị khi triều dâng và mưa lớn, cũng như khiến toàn bộ các khu đô thị này có nguy cơ chìm nhanh hơn mọi dự báo bởi tình trạng xói lở nghiêm trọng.
Cuối Tháng Chín 2023, các bức không ảnh cho thấy rõ đập thủy điện Tiểu Loan đã tích đầy nước với tổng lượng khoảng 14.3 tỉ m3. Trong khi dòng chảy tại trạm Chiang Saen ở Thái Lan ngay phía dưới các con đập đang thiếu hụt đến 65%. Mực nước sông từ Viêng Chăn ở Lào đến ĐBSCL gần như đang ở mức thấp kỷ lục.
Mức độ ngập lũ của vùng đồng bằng Mekong hiện chỉ bằng một nửa so với bình thường. Như vậy, lượng nước của sông Mekong chảy vào vùng châu thổ ĐBSCL không chỉ bị các đập thủy điện giữ lại mà còn tiếp tục bị trực tiếp lấy đi bởi các con kênh đào như Kong Chi Mun, KOK ING NAN hay “đế chế Phù Nam” tới đây. Điều này sẽ sớm dẫn đến một thảm họa về sinh thái khi Việt Nam là quốc gia yếu thế nhất vì ở vị trí cuối cùng ở hạ nguồn của dòng sông.
Không chỉ có vậy, ngoài những tác động về môi sinh, môi trường và kinh tế xã hội mà dự án này gây ra thì có những rủi ro kinh tế, địa chính trị khác tất nhiên Trung Quốc và Campuchia sẽ không bao giờ đề cập đến, ẩn sau mục đích chính của con kênh đào “Đế chế Phù Nam”.
Việc hoàn thành kênh đào “Đế chế Phù Nam” là mảnh ghép cuối cùng trong việc hoàn tất tuyến đường nội thủy cho phép các đoàn tàu chở dầu loại 500-700 tấn có thể đi từ biển Campuchia, ngược dòng Mekong lên đến Vân Nam thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào tuyến đường biển qua eo Malacca như hiện nay.
Âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc
Đây là một kế hoạch lâu dài của Bắc Kinh. Dự án “Cải thiện thủy lộ thượng nguồn sông Mekong” được ký kết giữa bốn nước tham gia là Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào vào Tháng Tư 2001 cho phép các đoàn tàu trọng tải 500-700 tấn chở đầy hàng hóa thặng dư của Trung Quốc dễ dàng di chuyển từ giang cảng Tư Mao (Simao), Vân Nam xuống tới Chiang Khong, Chiang Sean của Thái Lan và xa hơn nữa tới Luang Prabang và thủ đô Vạn Tượng, trên đường về sẽ chở theo khoáng sản và nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp trong nước.
Ngày 29 Tháng Mười Hai 2006, tờ Tân Hoa Xã có bài về việc hai con tàu chở 300 tấn dầu từ một giang cảng Chiang Rai ở Bắc Thái Lan ngược dòng Mekong đã tới một giang cảng phía Tây Nam tỉnh Vân Nam (các đập thủy điện của Trung Quốc xây dựng đều có hệ thống đập dâng cho phép tàu thuyền ngược dòng đi qua). Chuyến đi lịch sử này đánh dấu quyết tâm của Bắc Kinh đi tìm con đường thứ hai để chuyển dầu từ Trung Đông vào Trung Quốc.

Trung Quốc đã có những thỏa thuận với Miến Điện, Thái Lan, Lào về việc vận chuyển một lượng dầu hạn chế khoảng 1,200 tấn/tháng từ năm 2006. Đến nay, với “kênh đào đế chế Phù Nam” đi qua trên đất Campuchia sẽ hoàn tất tuyến thủy lộ chiến lược này. Tuy vậy, các cộng đồng dân cư và truyền thông chính thống thì không được hay biết gì.
Nếu thế kỷ 20 mọi cuộc chiến đều liên quan đến dầu mỏ thì thế kỷ 21 cuộc chiến đều vì nguồn nước. Mekong, con sông vĩ đại bởi sự hào phóng của nó, là cái nôi nuôi dưỡng sự sống cho bao nhiêu dân tộc sống ở dưới nguồn từ hàng ngàn năm qua, giờ đây đã kiệt quệ và nhiễm độc.
Với hệ thống 14 đập thủy điện bậc thềm khổng lồ, Trung Quốc có khả năng kiểm soát 55% nguồn nước của Mekong và giữ lại 70% lượng phù sa. Thủy điện đã đem lại sự thay đổi chóng mặt, điện khí hóa đem lại sự thịnh vượng cho Vân Nam, nơi có trữ lượng khoáng sản phong phú lớn nhất thế giới. Thế nhưng cái giá nghiệt ngã phải trả từ việc phá hủy nghiêm trọng môi sinh, môi trường thì các quốc gia dưới nguồn lãnh đủ. Từ việc cạn kiệt nguồn nước tưới vào mùa khô, không còn tôm cá, cho đến dòng Mekong trở thành rãnh nước thải của hàng ngàn nhà máy trên cao nguyên đổ xuống hạ nguồn.
Việc “đế chế Phù Nam” hoàn thành trong tương lai không xa sẽ thay đổi đáng kể địa chính trị khu vực khi mà con sông Mekong trở thành tuyến nội thủy của Trung Quốc, do Bắc Kinh hoàn toàn kiểm soát. Việt Nam, quốc gia yếu thế nhất, đương nhiên cũng dễ bị tổn thương nhất. Ngoài việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt môi sinh, môi trường, nguồn lợi thì những lợi ích kinh tế trước mắt từ việc thông thương với Campuchia qua tuyến thủy lộ truyền thống sẽ mất đi. Cửu Long sẽ thực sự cạn dòng khi không còn lũ, và thậm chí nước ngọt không đủ cho nhu cầu tưới tiêu tối thiểu.
Trong lịch sử cổ đại, chẳng phải người Hán đã từng chặn dòng Thác Lý Mộc trong cuộc bao vây Lâu Lan – một trong những quốc gia cổ đại thịnh vượng trên Con Đường Tơ Lụa, hình thành vào khoảng thế kỷ 2 TCN – khiến cho toàn bộ quốc gia này diệt vong hay sao?
Với những hậu quả đã hiện rõ trước mắt nếu như giới chức Việt Nam vẫn tiếp tục thái độ bàng quang, duy trì các chính sách nông nghiệp, thủy lợi duy ý chí và lạc hậu, không cho người nông dân quyền tự quyết về việc “nuôi con gì, trồng cây gì” như hiện tại thì ngay khi “Đế chế Phù Nam” hoàn thành, người ta sẽ tận mắt chứng kiến sự tàn lụi của một vùng châu thổ giàu có ĐBSCL chỉ trong vài năm tới. ĐBSCL đang gánh vác trách nhiệm an ninh lương thực, đảm bảo diện tích trồng lúa lớn. Người dân không có quyền trên thửa ruộng của họ và ngay cả việc bán sản phẩm lúa gạo cũng phải thông qua các công ty lương thực nhà nước hoặc các chủ vựa là người nhà của giới chức chính quyền.

Tùng Phong
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.516 giây.